Thứ sáu, 29/03/2024 15:08 (GMT+7)

Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 4/6/2019

MTĐT -  Thứ ba, 04/06/2019 14:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất hôm nay 4/6/2019, cập nhật tin tức nóng nhất, mới nhất của Hà Nội ngày 4/6/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Xây dựng tài nguyên giáo dục mở đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời

Ngày 4/6, tại Hà Nội, Hội khuyến học Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo khoa học “Trường Đại học với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở, đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người lớn”.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên, doanh nghiệp nhằm trao đổi, chia sẻ về các vấn đề xây dựng, phát triển học liệu mở phục vụ cộng đồng. Đây cũng là diễn đàn để các nhà khoa học đề xuất giải pháp phát triển hệ thống giáo dục mở nói chung, tài nguyên giáo dục mở nói riêng.

Phát biểu đề dẫn, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: Nhiệm vụ của các trường đại học là phải chuyển mạnh hình thức đào tạo sang giáo dục mở để phục vụ cho nhu cầu học tập của tất cả đối tượng là người lớn trong xã hội, từ lãnh đạo các cấp đến cán bộ, công nhân viên, thầy cô giáo, công nhân, nông dân, người về hưu… Muốn làm được điều đó, các trường đại học phải có nguồn tài nguyên giáo dục phong phú, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu học tập của mọi người.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu.

Việc xây dựng, phát triển hệ thống các trường đại học tham gia trong một mạng lưới tổ chức xây dựng tài nguyên giáo dục mở giúp cho tài nguyên giáo dục mở phong phú. Trường đại học xây dựng tài nguyên giáo dục mở là việc làm để thực hiện một nền giáo dục chia sẻ. Tri thức càng chia sẻ, tài nguyên giáo dục càng phát triển và càng bền vững.

Theo đánh giá của các đại biểu, người lao động Việt Nam còn thiếu hụt về tri thức, những kiến thức hiện có chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, chưa đủ sức để tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0. Nguyên nhân một phần do nền giáo dục còn khép kín, chưa mở ra những con đường thu gọn, tích tụ tri thức và những cơ chế chia sẻ tri thức, sự bình đẳng về cơ hội tiếp thu, giao lưu tri thức. Vì vậy, tài nguyên giáo dục mở chính là nguồn lực lấp đi sự nghèo nàn về tri thức. Tài nguyên này được chuyển tải trên mạng thông tin, phân phối đến từng người dùng, không có trở ngại về địa lý và hàng loạt rào cản khác sẽ nhanh chóng lấp đi các cái hố ngăn cách tri thức với người có nhu cầu về tri thức.

Trên thực tế, những tri thức trong các chương trình giáo dục người lớn thường chỉ chú ý đến những đối tượng là nông dân, dân nghèo nông thôn và thành thị cùng những người làm nghề tự do. Vì thế, những tri thức thường dừng lại ở mức độ phổ thông, không ứng dụng có hiệu quả cao đối với công việc sản xuất hàng ngày, đối với những việc làm đòi hỏi tính sáng tạo, tính độc đáo. Rất nhiều người học bị “cách ly” tri thức đại học.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, các trường đại học tạo ra tài nguyên giáo dục mở sẽ giúp cho hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, bác sĩ, nhà kinh doanh... có thêm cơ hội để tự học và phát triển. Tuy nhiên, xây dựng tài nguyên giáo dục mở phục vụ cho người lớn có đầy đủ tư liệu học tập suốt đời phải nhằm vào hai vấn đề lớn: Có kho tư liệu giáo dục càng lớn càng tốt dưới hình thức đầu tư phần mềm cho giáo dục thường xuyên, đồng thời phát huy tinh thần hiếu học của người học, tạo cho họ năng lực tự học với cách học hiện đại (phi truyền thống), sử dụng các công nghệ học tập để truy cập, tiếp cận, sử dụng, phổ biến, chia sẻ tri thức. Cùng với đó, phải có một cơ chế chia sẻ tri thức từ tài nguyên giáo dục mở, giá trị sử dụng và hiệu quả sử dụng các tri thức sẽ được nhân lên gấp bội.

Phát động phong trào thi đua đặc biệt trong lực lượng Công an Thủ đô

Sáng 3/6, Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức phát động phong trào thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2020); 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2020) và hưởng ứng phong trào "cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở".

Lễ phát động được tổ chức trực tuyến tới 34 điểm cầu với sự tham gia của toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô. Dự và chủ trì buổi lễ tại điểm cầu trụ sở Công an thành phố có Trung tướng Đoàn Duy Khương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội.

Thiếu tướng Đào Thanh Hải phát động đợt thi đua đặc biệt.

Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, phong trào thi đua chia làm 4 đợt với 3 nội dung trọng tâm, gồm thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng trong Công an Thủ đô; bảo vệ, giữ vững an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Phát biểu tại lễ phát động, Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội yêu cầu, chỉ huy các đơn vị, địa phương nghiêm túc quán triệt, nêu cao tinh thần gương mẫu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào thi đua. Đồng thời, đổi mới, sáng tạo các nội dung thi đua bằng nhiều hình thức phong phú, gắn với thực hiện các nhiệm vụ công tác của lực lượng Công an Thủ đô.

Tại buổi lễ, Công an thành phố cũng đánh giá công tác tháng 5-2019. Trong tháng, tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án nói chung đạt 87,5%. Công an thành phố đã tiến hành kiểm tra, xử lý 46.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt hành chính số tiền hơn 12 tỷ đồng. Trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 45 vụ cháy làm 3 người chết, 1 người bị thương.

Sắp xét xử nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin

Dự kiến, ngày 10/6, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Theo đó, chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Vũ Quang Huy. VKSND TP Hà Nội truy tố 4 bị cáo: Nguyễn Ngọc Sự, SN 1957, nguyên Chủ tịch HĐTV Vinashin; Trần Đức Chính, SN 1976, nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính Vinashin; Trương Văn Tuyến, SN 1950, nguyên TGĐ Vinashin; Phạm Thanh Sơ, SN 1972, nguyên Phó TGĐ Vinashin, bị VKSND TC truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Có tổng số gần 10 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa.

Bị cáo Tuyến và Sự.

Các cơ quan tố tụng làm rõ, năm 2010, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) nhận 2.200 tỷ đồng từ Tập đoàn Dầu khí để tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin và 4.190 tỷ đồng của Chính phủ cấp tạm ứng vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cho Vinashin. Khi đó, mặc dù không được Thủ tướng Chính phủ cho phép nhưng Nguyễn Ngọc Sự (Chủ tịch HĐTV), Trương Văn Tuyển (TGĐ), Phạm Thanh Sơn (Phó TGĐ phụ trách tài chính) và Trần Đức Chính (Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý số tiền trên, bàn bạc thống nhất chủ trương quyết định việc gửi tiền có kỳ hạn vào Ngân hàng thương mại CP Đại Dương (OceanBank) nhằm chiếm đoạt số tiền do OceanBank chi ngoài lãi suất tiền gửi theo hợp đồng.

Với mong muốn có nguồn tiền phục vụ cho hoạt động của OceanBank, Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank) và cán bộ lãnh đạo tại OceanBank đã ban hành chủ trương chi tiền ngoài lãi suất tiền gửi theo hợp đồng cho Vinashin để lãnh đạo Vinashin quyết định việc gửi tiền có kỳ hạn vào OceanBank.

Từ tháng 3/2011 đến tháng 8/2014, Chính đã nhận hơn 105 tỷ đồng do các cán bộ của OceanBank chi ngoài lãi suất cho các hợp đồng tiền gửi của Vinashin. Số tiền hơn 105 tỷ đồng này do Chính quản lý, không hạch toán vào nguồn thu của Vinashin, để ngoài sổ sách, dùng để các bị cáo chiếm hưởng cá nhân trái pháp luật, chi phí không đúng quy định của Nhà nước.

Các bị cáo bị cáo buộc, có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền hơn 105 tỷ đồng của OceanBank. Trong đó, Sự đã trực tiếp ký 12 hợp đồng/giao dịch gửi tiền vào OceanBank và chiếm hưởng cá nhân 8 tỷ đồng. Chính đã trực tiếp ký nhiều hợp đồng/giao dịch phát sinh tiền gửi tại OceanBank; trực tiếp nhận, quản lý, chi tiêu sử dụng trái nguyên tắc số tiền ngoài lãi suất theo chỉ đạo của Sự, Tuyến, Sơn và chiếm hưởng cá nhân 10 tỷ đồng.

Bị cáo Trương Văn Tuyến đã trực tiếp ký 2 hợp đồng/giao dịch tiền gửi, không chỉ đạo hạch toán số tiền ngoài lãi suất vào hệ thống sổ sách kế toán của Vinanshin; đồng thời bị cáo Tuyến là người đề xuất việc chia tiền và chiếm hưởng cá nhân số tiền 3,5 tỷ đồng. Bị cáo Phạm Thanh Sơn trực tiếp ký nhiều hợp đồng/giao dịch gửi tiền vào OceanBank khi không có ủy quyền của người đại diện theo pháp luật, chiếm hưởng cá nhân 1,2 tỷ đồng.

Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 3 ngày (từ 10 đến 12-6).

Sắp diễn ra Tuần lễ Vải thiều Lục Ngạn năm 2019 tại Hà Nội

Sáng 4/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức họp báo Tuần lễ Vải thiều Lục Ngạn và Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ vải thiều, các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang năm 2019 tại Hà Nội.

Từ 7/6-16/6: Sẽ diễn ra Tuần lễ Vải thiều Lục Ngạn năm 2019 tại Hà Nội

Với thông điệp “Chắp cánh thương hiệu – kết nối cung cầu”, từ ngày 7/6-16/6, tại khu Hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và tế thương mại (số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy) sẽ diễn ra Tuần lễ vải thiều Bắc Giang và Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ vải thiều, các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang năm 2019.

Đây là năm thứ 4 liên tiếp, sự kiện Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn được tổ chức tại Hà Nội. Các sự kiện Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn đã tạo được hiệu ứng lan tỏa và thu được những thành công quan trọng góp phần khẳng định thương hiệu, mở rộng phân phối tiêu thụ, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh vượt trội của sản phẩm vải thiều Lục Ngạn tại thị trường trong và ngoài nước.

Theo kế hoạch, Chương trình khai mạc Tuần lễ Vải thiều Lục Ngạn tại Hà Nội năm 2019 được tổ chức vào 14h00 ngày 7/6. Sau chương trình khai mạc, các hoạt động quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm được duy trì đến hết ngày 16/6. Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ vải thiều, các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn tại Hà Nội năm 2019 dự kiến cũng sẽ được diễn ra chiều 7/6.

Hà Nội: Xe container làm vỡ đường nước sạch cấp cho 3 quận nội thành

Thông tin từ Công ty CP nước mặt Sông Đuống cho hay, khoảng 4h sáng ngày 3/6, xe container chở cọc bê tông BKS 15C- 044.77 đã sụp hố, đè vào hố van xả cặn DN400 của đường ống của Công ty CP nước mặt Sông Đuống tại gầm cầu vượt Phú Thụy, Gia Lâm, thuộc tuyến đường Kiêu Kị, xã Kiêu Kị, làm vỡ đường ống xả cặn DN 400.

Hiện trường vụ tai nạn.

Nhà máy nước mặt sông Đuống đã ngắt van tổng, huy động hàng chục công nhân đến sửa chữa đường ống. Đến 11h ngày 3/6, xe máy và xe container mới được cẩu khỏi khu vực. Đại diện Công ty nước sạch Hà Nội, một trong những đơn vị phân phối nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống cho biết, trong vòng 2-3 ngày tới, nhiều khu vực ở quận Hoàng Mai, quận Hai Bà Trưng và Đống Đa sẽ mất nước hoặc nước yếu do sự cố trên.

Theo, Phó Ban quản lý tuyến ống (Nhà máy nước mặt sông Đuống) Đặng Hữu Tuấn cho biết: “Nguyên nhân sự cố do một chiếc xe container trọng tải lớn đè vào hố van xả cặn làm vỡ đường ống, gây sụt đường. Chúng tôi đã phải giảm lưu lượng cấp nước để sửa chữa. Dự kiến sau khoảng 4 tiếng sẽ khắc phục xong”.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống nằm trên huyện Gia Lâm được khởi công tháng 3/2017 và có quy mô lớn nhất miền Bắc. Nhà máy bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2018, cung cấp nước sạch cho khoảng 3 triệu dân ở nội thành Hà Nội.

P.V (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 4/6/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đắk Nông nhận Huân chương Độc lập hạng nhất
Tối 23/3, tại thành phố Gia Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004 - 1/1/2024) gắn với kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Gia Nghĩa (23/3/1975 - 23/3/2024).
Ông Trần Hoàng Tuấn điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã họp và kết luận giao ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chịu trách nhiệm điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.