Thứ năm, 25/04/2024 06:09 (GMT+7)

Tăng tuổi nghỉ hưu: Nên tăng nhưng cần có lộ trình!

MTĐT -  Thứ sáu, 27/04/2018 11:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo các chuyên gia, nên tăng tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn cần có lộ trình tăng để đỡ hẫng hụt trong chính sách mà người lao động không bị sốc.

Tăng tuổi nghỉ hưu để tránh nguy cơ vỡ quỹ BHXH

Lý giải về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu với người lao động, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN), cho rằng: Thời gian qua, trong các lý do đề xuất tăng tuổi hưu, một số ý kiến cho rằng có nguyên nhân sâu xa nhằm tránh nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội ở giai đoạn sau này.

“Các ý kiến này lập luận rằng, theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại VN, tới năm 2034, quỹ BHXH sẽ mất cân đối nghiêm trọng. Thậm chí có tài liệu còn cho rằng, tới năm 2034 có nguy cơ vỡ quỹ BHXH”, ông Quảng cho hay.

Theo ông Quảng: “Đây là một nhận định hoàn toàn chưa có căn cứ”. Đồng thời, ông cũng cho biết, trong quá trình hoàn thiện pháp luật bảo hiểm xã hội, đặc biệt là quá trình xây dựng Luật BHXH năm 2006, ILO có đưa ra một nhận định trên cơ sở nghiên cứu rằng: Nếu thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng như quy định của Luật BHXH năm 2006 thì có khả năng mất cân đối quỹ trong tương lai.

Tăng tuổi nghỉ hưu để tránh nguy cơ vỡ quỹ BHXH. Ảnh minh họa: Internet.

“Vì vậy, Luật BHXH năm 2014, thay cho Luật BHXH 2006, đã được sửa đổi và bổ sung để giải quyết các bất cập đó. Đơn cử như Luật BHXH 2014 đã có nhiều quy định điều chỉnh mới, như: Mở rộng phạm vi đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nâng chế độ ưu đãi khi tham gia BHXH tự nguyện để mở rộng các diện bao phủ…” - ông Lê Đình Quảng nói.

Luật BHXH năm 2014 đã tính toán cụ thể về tỉ lệ giảm trừ quyền lợi khi người lao động nghỉ hưu trước tuổi theo Luật Lao động, tăng thời gian đóng góp để được hưởng mức lương hưu tối đa 75 % cho lao động nam và nữ...

“Tất cả những điều trên nhằm khắc phục dự báo mất cân đối quỹ hưu trí - tử tuất trong dài hạn” - ông Lê Đình Quảng nói.

“Hiện nay, một số tài liệu nghiên cứu vẫn lấy nhận định cũ về nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH vào năm 2034. Điều này tác động rất lớn đối với tâm lý của một số người lao động. Việc lo ngại mất quyền lợi trong tương lai đã góp phần làm gia tăng tỉ lệ lao động chủ động xin nhận BHXH một lần gia tăng. Mỗi năm hiện có khoảng 700.000 người lao động xin nhận BHXH một lần. Con số này tương đương với số lượng lao động hàng năm tham gia mới vào chính sách BHXH. Đây là điều không tốt cho chính sách an sinh xã hội”, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động Lê Đình Quảng thông tin.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết: “Việc nâng tuổi nghỉ hưu không phải là giải pháp tối ưu, nhưng có tác động đến cân đối quỹ BHXH. Một trong những mục đích tăng tuổi nghỉ hưu là để cân đối quỹ BHXH, cần tính toán kỹ hơn vì có thể được lợi cho quỹ BHXH nhưng sẽ bất lợi cho ngân sách Nhà nước”, ông Chính nói.

Theo phân tích của ông Chính, lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường là 2,34. Trong khi lương của người lao động đến tuổi nghỉ hưu ít nhất cũng hơn 6,0 (gấp gần 3 lần), nhưng chất lượng làm việc của người lao động đến tuổi nghỉ hưu chưa chắc đã bằng lớp trẻ khi tới đây chúng ta sẽ bước vào thời đại 4.0. Ngân sách Nhà nước phải trả tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần cho những cán bộ, công chức cao tuổi đó.

“Quan điểm của chúng tôi là tăng tuổi nghỉ hưu phải tính toán lộ trình, nên ưu tiên nhóm có trình độ cao và tăng ở khu vực hành chính sự nghiệp trước. Cán bộ, công chức sẽ dễ dàng hơn trong việc tăng tuổi nghỉ hưu vì cần sử dụng lao động có kinh nghiệm, chất xám. Tuy nhiên, cũng phải tính tới yếu tố chỉ cần một bộ phận nhỏ, chứ không phải tất cả cán bộ, công chức đều phát huy được hiệu quả”, ông Chính nêu quan điểm.

Cần phải có lộ trình

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi (phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, quan điểm cá nhân tôi phải nâng tuổi hưu để vừa đảm bảo thu nhập cho người lao động, vừa đảm bảo an toàn quỹ. Hiện chính sách của ta thì đóng ít, đóng thời gian ngắn nhưng hưởng lại nhiều. Thời gian hưởng cũng dài, và tương lai tuổi thọ bình quân sẽ tăng, tức là thời gian hưởng sẽ tăng.

Điều quan trọng là chúng ta phải có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu để đỡ hẫng hụt trong chính sách. Theo tôi, từ nay đến năm 2025 chỉ nên khuyến khích tăng tuổi hưu ở lĩnh vực kỹ thuật, chuyên môn và việc tăng cũng không nên quá 5 năm.

Còn từ 2025 trở đi bắt đầu thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, bắt đầu từ khối hành chính sự nghiệp trước. Lao động lĩnh vực nặng nhọc, độc hại thì phải cuối cùng...

Vấn đề là phải đảm bảo an sinh xã hội. Phải có tầng 1 để đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân. Làm sao tất cả mọi người khi về hưu đều được có lương hưu để đảm bảo mức sống tối thiểu. Nhà nước cần hỗ trợ và nâng mức hỗ trợ cho tất cả 50 triệu lao động ở khu vực phi chính thức.

Từ nay đến năm 2025 chỉ nên khuyến khích tăng tuổi hưu ở lĩnh vực kỹ thuật, chuyên môn và việc tăng cũng không nên quá 5 năm.

Tầng thứ 2 nên là bảo hiểm xã hội tự nguyện, đóng theo từng ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, ai đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, đóng cao hưởng cao, đóng ít hưởng ít. Tầng thứ 3 là bảo hiểm hưu trí bổ sung. Mọi người có nhu cầu, khả năng thì đóng bổ sung để khi về hưu họ sẽ được thêm thu nhập, thu nhập cao hơn.

Trước đó, ngày 23/4, khi đề án cải cách BHXH được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trình bày tại phiên họp của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội là đề xuất tăng tuổi hưu, thì câu chuyện này lại nóng trở lại.

Theo 2 phương án Bộ LĐ-TB&XH đưa ra, một là nữ lên 60 tuổi và nam lên 62 tuổi; hai là nữ lên 60 tuổi và nam lên 65 tuổi. Thế nhưng, đề án này đã khiến dư luận phản ưng gay gắt.

P.V (tổng hợp theo Dân trí, TTO)

Bạn đang đọc bài viết Tăng tuổi nghỉ hưu: Nên tăng nhưng cần có lộ trình!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành