Thứ sáu, 19/04/2024 18:41 (GMT+7)

FAO: Thiên tai gây tổn thất hàng tỷ USD cho nông nghiệp

MTĐT -  Thứ bảy, 17/03/2018 16:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo báo cáo của FAO, trong giai đoạn năm 2005 - 2015, thiên tai đã gây ra thiệt hại ước tính 96 tỷ USD trong trồng trọt và chăn nuôi của các nước đang phát triển.

Ngày 15/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng FAO tổ chức Hội nghị khu vực về "Thực hiện Khung hành động Sandai về giảm thiểu rủi ro thiên tai cho ngành nông nghiệp ở châu Á - Thái Bình Dương".

Đáng chú ý, tại hội nghị FAO đã công bố báo cáo toàn cầu "Tác động của thiên tai và khủng hoảng đối với nông nghiệp và an ninh lương thực năm 2017." Báo cáo chỉ ra rằng trong giai đoạn từ năm 2005 - 2015, thiên tai gây ra thiệt hại ước tính 96 tỷ USD trong trồng trọt và chăn nuôi của các nước đang phát triển.

Báo cáo cảnh báo rằng đây không phải là bức tranh đầy đủ do chúng ta vẫn còn thiếu thông tin về các thiệt hại và mất mát trong nuôi trồng thủy hải sản, và lâm nghiệp.

Hạn hán là một trong những thủ phạm hàng đầu. FAO cho biết 83% trong tổng số thiệt hại kinh tế do hạn hán gây ra đã giáng đòn lên ngành nông nghiệp với tổn thất 29 tỷ USD.

Theo FAO, mặc dù biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang tác động đến môi trường bằng nhiều cách, hoạt động sản xuất nông nghiệp và lương thực ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương nằm trong số những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất và cần phải được ưu tiên bảo vệ hàng đầu.

Hạn hán là thù phạm hàng đầu gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp. Ảnh minh họa: Internet.

Hạn hán, lũ lụt và các thảm hoạ thiên nhiên đang ngày càng xảy ra thường xuyên ở Châu Á và Thái Bình Dương, khu vực dễ bị thiên tai nhất trên thế giới. Khi thảm họa xảy ra có thể gây tác động ngay lập tức tới hoạt động sản xuất lương thực.

Do vậy, FAO đang phối hợp với các quốc gia thành viên, người nông dân, giới học thuật, tổ chức xã hội dân sự và khối tư nhân để cải thiện phương pháp thích ứng và giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và khủng hoảng đối với ngành nông nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng nông nghiệp là vấn đề sống còn đối với nhiều nước trong khu vực. Phát triển nông nghiệp đặc biệt là sản xuất lương thực đã giúp Việt Nam đứng vững trong các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khu vực, duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội.

"Rõ ràng là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đô thị hoá, không thể xóa đói giảm nghèo mà không tăng cường khả năng phục hồi sinh kế phụ thuộc nông nghiệp, đặc biệt là các nông hộ nhỏ" - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định.

Khung hành động Sendai kêu gọi quản lý rủi ro thiên tai cần phải lồng ghép vào tất cả các lĩnh vực phát triển. Việc này rất quan trọng để không chỉ giảm thiểu tổn thất thiên tai mà còn ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro, thích ứng với biến đổi khí hậu và đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của thế giới (SDGs).

Trong bốn thập kỷ qua, thiệt hại do thiên tai ở Châu Á và Thái Bình Dương tăng lên 16 lần về mặt tài chính. "Chúng ta phải hành động để đảo ngược xu hướng này. Với 2,5 tỷ người trên hành tinh sống dựa vào nông nghiệp, mức độ thiệt hại và tổn thất này đe dọa những nỗ lực của chúng ta trong việc chấm dứt nạn đói nghèo", bà Kundhavi Kadiresan, Phó Tổng Giám đốc FAO và Trưởng Đại diện Khu vực Châu á và Thái Bình Dương phát biểu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ NN&PTNN.

Trong khi đó, tại Châu Phi cũng như châu Mỹ Latinh và Caribê, hạn hán là thảm hoạ gây tổn thất nặng nề nhất, với thiệt hại về cây trồng và vật nuôi tương ứng là 10,7 và 13 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2005 - 2015.

Nông dân châu Phi đã phải chịu thiệt hại hơn 6 tỷ USD trong giai đoạn đó do dịch hại côn trùng và bệnh dịch động vật.

Các quốc đảo nhỏ đang phát triển là những nơi dễ bị sóng thần, động đất, bão và lũ lụt. Theo báo cáo, thiệt hại về kinh tế của những quốc đảo này do thiên tai đã tăng từ 8,8 tỷ USD trong giai đoạn 2000-2007 đến hơn 14 tỷ USD trong giai đoạn 2008-2015.

Báo cáo cũng nhắc đến các "cuộc khủng hoảng chuỗi lương thực" do bệnh dịch động vật, như Sốt Thung lũng Rift, đồng thời cũng đề cập đến giải quyết xung đột.

Một nghiên cứu trường hợp đầu tiên về tác động của xung đột ở Syria cho thấy tổng thiệt hại trong ngành nông nghiệp ở nước này trong giai đoạn 2011-2016 ở mức thấp nhất là 16 tỷ USD.

Năm 2017 vừa qua là năm Việt Nam xảy ra nhiều hiện tượng thiên tai gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp. Ảnh: Internet.

Tại Hội nghị về Quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp và tăng cường khả năng chống chịu nông nghiệp với biến đổi khí hậu ở Việt Nam diễn ra hồi tháng 10/2017, Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam là quốc gia dễ chịu ảnh hưởng của thiên tai, với hơn 70% dân số quốc gia phải đối mặt với các rủi ro từ nhiều loại hình thiên tai. Trong vòng hai thập kỷ qua, các đợt thiên tai ở Việt Nam đã làm hơn 13.000 người bị thiệt mạng và các tài sản bị thiệt hại tính ra hơn 6,4 tỷ USD.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm, thiên tai tại Việt Nam đã làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP. Trong đó ngành nông nghiệp là ngành được đánh giá dễ bị tổn thương nhất trước tác động của hầu hết các loại hình thiên tai.

Tổng hợp theo (Bộ NN&PTNN, TN&MT, TPO)

Bạn đang đọc bài viết FAO: Thiên tai gây tổn thất hàng tỷ USD cho nông nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khai mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 15/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc. Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...