Thứ năm, 18/04/2024 11:09 (GMT+7)

ĐBQH tranh luận về việc kiểm toán các dự án PPP

MTĐT -  Thứ năm, 28/05/2020 16:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận về Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), dự kiến sẽ được bấm nút thông qua tại kỳ họp này.

Vẫn còn nhiều tranh cãi về việc kiểm toán các dự án PPP. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, vẫn còn 2 luồng ý kiến khác nhau về kiểm toán toàn bộ hay chỉ một phần của dự án. Có ý kiến cho rằng, không kiểm toán toàn bộ vốn dự án, nếu không sẽ gây khăn cho nhà đầu tư.

Theo báo Tuổi trẻ, cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng hiện có 2 ý kiến kiểm toán toàn bộ hay một phần dự án vì có sử dụng nguồn ngân sách.

Theo ông, đây là dự án đầu tư công, do Nhà nước chủ trì và kêu gọi nhà đầu tư tham gia. Nhà nước phải trả tiền lại cho nhà đầu tư bằng giá trị công trình hoặc bằng quyền thu phí. Do đó, bản chất hợp tác công tư là đầu tư công nên phải tuân thủ việc thực hiện kiểm toán nhà nước theo đúng quy định Luật kiểm toán.

Các nội dung kiểm toán, theo ông, cần bao gồm tính tuân thủ quy định pháp luật, quy định hợp đồng và quy chế dự án, tránh tình trạng thời gian qua các dự án BOT giao thông đặt sai vị trí; hai là kiểm toán giá trị công trình để tính toán hiệu quả thu phí, làm căn cứ trả nợ; ba là kiểm toán hiệu lực, hiệu quả kinh tế của dự án, đảm bảo tính công khai minh bạch.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thì đề nghị cần bổ sung điều khoản công khai thông tin hợp đồng, chi phí… Bởi thực tế thời gian qua nhiều dự án BOT đang có những bất cập, tiềm ẩn rủi ro thất thoát lãng phí, nên cần tăng cường tính minh bạch, tạo niềm tin cho nhân dân, động lực cho đầu tư phát triển.

Đặc biệt, hiện các dự án PPP chưa được Nhà nước kiểm toán về hiệu quả hiệu lực, trong khi đây là tài sản công, thuộc đối tượng kiểm toán nhà nước. Do đó cần phải cho kiểm toán tham gia ngay từ đầu, kiểm tra hiệu quả hiệu lực đầu tư, áp dụng loại hợp đồng kinh doanh quản lý, phân loại dự án phù hợp đặc thù từng dự án…

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) - Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, theo báo Lao động, tranh luận vấn đề này, ông Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng, nếu đặt vấn đề kiểm toán một cách toàn diện cũng hợp lý. Bởi vì có những dự án, nhà đầu tư yêu cầu nhà nước hỗ trợ mặt bằng, đền bù thì đây hoàn toàn là tài sản công cần kiểm toán.

Còn toàn bộ tài sản của nhà đầu tư thì chỉ kiểm soát giá trị đầu ra (Ví dụ con đường dài bao nhiêu, chất lượng, lưu lượng xe thế nào, nước sạch cung cấp bao nhiêu m3/ngày, giá bao nhiêu?).

Ông cho rằng trong dự án luật đã có 3 nội dung cần kiểm toán toàn diện, quy định như vậy đúng quy định của Hiến pháp.

Chẳng hạn cần kiểm toán quá trình thẩm định đấu thầu, để đảm bảo khi phê duyệt dự án thì dự án đó phải có chất lượng, chọn được nhà đầu tư chất lượng. Thứ hai là kiểm toán toàn bộ về đánh giá chất lượng sản phẩm đầu ra cho xã hội. Thứ ba là kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản khi nhà đầu tư chuyển gia cho nhà nước.

“Nếu dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì kiểm toán một cách toàn diện theo luật đầu tư công, nếu phần liên quan đến vốn nhà nước và vốn tư nhân, hoặc hoàn toàn vốn tư nhân thì trong luật đã quy định là phải thuê kiểm toán độc lập để đảm bảo minh bạch. Tôi cho rằng thiết kế như vậy vừa đúng Hiến pháp, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, của nhà nước, nhân dân” – ông Sinh nhấn mạnh.

Còn theo Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn tỉnh Lạng Sơn), dự án PPP mang cơ chế đặc thù, là hợp tác giữa nhà nước và tư nhân.

Ông cho rằng, Kiểm toán Nhà nước chỉ cần xem xét kiểm toán quá trình chuẩn bị dự án, quá trình xây dựng, cần thiết kiểm toán cả phần vốn của nhà nước theo các lĩnh vực cụ thể (nếu có). Khi dự án đi vào triển khai, sau một thời gian ổn định, cũng nên kiểm toán chỉ số liên quan đến chất lượng dịch vụ để đánh giá hiệu quả của dự án.

"Tôi cho rằng không nên kiểm toán toàn bộ dự án mà chỉ kiểm toán một phần, nếu không sẽ gây khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư" ông Thành nêu quan điểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Quochoi.vn

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, để đảm bảo phù hợp với hiến pháp, pháp luật về kiểm toán, dự thảo đã quy định kiểm toán tuân thủ về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP; kiểm toán việc sử dụng vốn Nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có); kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP.

Khi chuyển giao cho Nhà nước, cần thiết phải thực hiện kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP.

Cũng theo ông Thanh, về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP, để hạn chế phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều lần và tránh thủ tục phức tạp, kéo dài, dự thảo luật quy định trường hợp thay đổi tăng tổng mức đầu tư từ 10% trở lên thì mới phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Đồng thời, dự thảo luật cũng đã bổ sung quy định về mức trần được phép điều chỉnh không quá 30%. Trường hợp tổng mức đầu tư tăng từ 30% trở lên, trước khi điều chỉnh dự án phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền ở cấp cao hơn.

Về lựa chọn nhà đầu tư, dự thảo luật cũng quy định rõ nguyên tắc không lựa chọn nhà đầu tư quốc tế trong trường hợp dự án cần bảo đảm về quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước; ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Đối với dự án cần bảo đảm về quốc phòng, an ninh quốc gia, khi thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng đối với yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, Bộ Công an đối với yêu cầu về bảo đảm an ninh quốc gia và bảo đảm bí mật nhà nước.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết ĐBQH tranh luận về việc kiểm toán các dự án PPP. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khai mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 15/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc. Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

Tin mới

Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.