Thứ sáu, 19/04/2024 13:44 (GMT+7)

Cử tri đề nghị đưa 'đại án Thủ Thiêm' ra nghị trường Quốc hội

MTĐT -  Thứ ba, 07/05/2019 15:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vấn đề Thủ Thiêm luôn là nội dung chính của các kỳ tiếp xúc cử tri quận 2 thời gian qua. An ninh xung quanh khu vực được thắt chặt hơn các đơn vị tiếp xúc cử tri khác tại TP.HCM.

Sáng 7.5, đơn vị 7, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM gồm bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (nguyên Chủ tịch HĐND thành phố), ông Phan Nguyễn Như Khuê (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố) và bà Trịnh Ngọc Thúy (Phó chánh án TAND TP.HCM) tiếp xúc cử tri quận 2 trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. An ninh tại cuộc tiếp xúc cử tri quận 2 luôn thắt chặt, chỉ người có thư mời mới được vào làm việc với tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM.

Gần 7h, dù còn hơn một tiếng mới đến giờ làm việc nhưng rất nhiều người dân Thủ Thiêm đã có mặt tại Nhà thiếu nhi quận 2 - nơi diễn ra buổi tiếp xúc. Tuy nhiên, chỉ những người có thư mời mới được vào bên trong hội trường khiến nhiều người la ó phản đối.

Vấn đề Thủ Thiêm luôn là nội dung chính của các kỳ tiếp xúc cử tri quận 2 thời gian qua. An ninh xung quanh khu vực được thắt chặt hơn các đơn vị tiếp xúc cử tri khác tại TP.HCM.

Bà Lê Thị The (ngụ phường Bình An) được mời phát biểu nhưng một số cử tri tiếp tục không đồng ý khiến hội nghị gián đoạn một lúc. Bà The đề nghị các đại biểu Quốc hội phải sớm giải quyết các khiếu nại của 115 hộ dân đã ra Hà Nội khiếu kiện và đề nghị TTCP phải lập đoàn để thanh tra toàn diện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. "Cô Quyết Tâm làm Chủ tịch HĐND cả chục năm qua không giải quyết được cho dân thì người mới lên thay phải làm cho được", bà The nói.

Ông Trương Văn Sinh. Ảnh: Hữu Khoa

Tiếp đó, cử tri Trương Văn Sinh đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát ngày giờ nào UBND thành phố tổ chức đối thoại người dân theo chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình để báo cáo Chính phủ trước ngày 1.6. Ông cho rằng thông báo 1483 của TTCP chỉ kết luận 4,3 ha ở Khu phố 1, phường Bình An (quận 2) nằm ngoài ranh quy hoạch là không đúng. Thực tế diện tích đất nằm ngoài ranh quy hoạch lớn hơn rất nhiều.

Nhắc lại nguyên nhân khiếu kiện là do "chính quyền thành phố làm sai, không giữ chữ tín với người dân", cử tri Trần Thị Mỹ đề nghị làm rõ trách nhiệm của Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Tài nguyên - Môi trường trong việc tham mưu cho thành phố lấy đất tái định cư cho người dân giao cho các doanh nghiệp làm dự án.

Như những cuộc gặp trước, cử tri thay nhau nhắc nguyên nhân dẫn đến "Thủ Thiêm đau thương" như hôm nay là do thành phố đã làm không đúng quy hoạch ban đầu, phải sửa sai, phải cầu thị để lấy lại niềm tin cho người dân. Cụ thể, họ yêu cầu trả lại 160 ha đất tái định cư; làm rõ vấn đề trong ranh, ngoài ranh quy hoạch; trách nhiệm của các cán bộ phường, quận, sở ngành và thành phố; TTCP lập đoàn thanh tra toàn diện dự án Khu đô thị Thủ Thiêm....

Mỗi lần có cử tri ở khu vực khác nêu ý kiến ngoài vấn đề Thủ Thiêm, bên dưới hội trường lại vang lên nhiều tiếng la ó, yêu cầu "đừng phát biểu". Ban tổ chức liên tục nhắc nhở và đề nghị lực lượng an ninh mời người gây mất trật tự ra khỏi hội trường.

Cầm đơn kiến nghị có chữ ký của 708 hộ dân Thủ Thiêm, ông Nguyễn Hồng Quang cho rằng chính sách đền bù tại Thủ Thiêm là không đúng theo quy định của pháp luật. "Đề nghị đưa vụ việc ra nghị trường Quốc hội, TTCP lập đoàn thanh tra toàn diện mới giải quyết được. Vì một năm đã trôi qua từ lần chị Quyết Tâm, anh Nhân hứa sẽ giải quyết cho bằng được vấn đề Thủ Thiêm nhưng chưa có tiến triển", ông Quang nói và cho biết có đầy đủ bằng chứng chứng minh kiến nghị của tất cả hộ dân là đúng. Người dân đồng loạt vỗ tay.

Đến lượt mình, ông Cao Thăng Ca giọng rành rọt: "Tôi không nói về các sai phạm ở Thủ Thiêm nữa, vì điều này đã quá rõ ràng. Còn về hướng giải quyết của thành phố, sau một năm lãnh đạo thành phố gặp bà con nghe khiếu nại, kết quả là: làm bà con bức xúc hơn". Ông đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội đưa "đại án Thủ Thiêm" ra nghị trường Quốc hội lần này để thảo luận và khởi tố vụ án sai phạm tại Thủ Thiêm.

Đến 10h45, nhiều người đứng dậy bày tỏ bức xúc vì chưa được phát biểu. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm trấn an: "Dù chiều nay tổ đại biểu đơn vị 7 còn tiếp xúc cử tri quận 9 nữa nhưng chúng tôi sẽ cố gắng lắng nghe hết ý kiến của bà con".

Bà Trần Thị Mỹ. Ảnh: Hữu Khoa

11h20, thay mặt tổ đại biểu, ông Phan Nguyễn Như Khuê xin ghi nhận ý kiến của cử tri để chuẩn bị kết thúc buổi làm việc nhưng nhiều người la ó đòi phát biểu tiếp. "Chúng tôi đã lắng nghe hết ý kiến của bà con, cũng mong bà con tôn trọng, giữ yên lặng khi chúng tôi nói", ông Khuê nói.

Ông cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có báo cáo đầy đủ khiếu nại của người dân Thủ Thiêm cho Ủy ban MTTQ Việt Nam, không né tránh. Nhưng vấn đề Thủ Thiêm có hay không được đưa thành một nội dung của kỳ họp Quốc hội lần nay là do Thường vụ Quốc hội quyết định. Trong chương trình làm việc nếu có nội dung giám sát vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân các đại biểu đoàn thành phố sẽ chất vấn.

"Chúng tôi biết bà con rất nóng ruột, đại biểu chúng tôi cũng nóng ruột, vì sự việc đã kéo dài nhiều năm. Nhưng cũng vì nhiều vấn đã xảy ra từ 20 năm trước nên phải được xem xét, đối chiếu kỹ lưỡng", ông Khuê nói và thừa nhận việc giải quyết của thành phố là chậm trễ.

Cuối buổi tiếp xúc, bà Quyết Tâm nói rằng sẽ ngồi lại với MTTQ quận 2 để rút kinh nghiệm tổ chức hội nghị tiếp xúc những lần sau tốt hơn, dân chủ và để nhiều người được phát biểu ý kiến hơn. Một lần nữa bà Tâm khẳng định không né tránh, tổ đại biểu đã đấu tranh rất nhiều với các sở ngành để yêu cầu giải quyết quyền lợi cho người dân. "Chúng tôi nói là làm, không phải hứa cho có với bà con đâu. Không phải tự nhiên mà Bí thư Thành ủy TP.HCM xuống gặp bà con đâu. Sau khi mọi việc được thanh tra, việc gì chính quyền làm sai thì phải sửa và ai làm sai phải bị xử lý. Đó là quan điểm nhất quán của thành phố", bà Tâm nói và cho biết sẽ tiếp tục đeo bám, đồng hành cùng người dân Thủ Thiêm.

Buổi tiếp xúc cử tri kết thúc lúc 11h50.

Sau Thông báo 1483 ngày 4.9.2018 của Thanh tra Chính phủ (TTCP), UBND TP.HCM tổ chức nhiều đợt tiếp xúc các hộ dân để trao đổi về hướng giải quyết các sai phạm từ thời kỳ trước - khi thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tuy nhiên, khá đông người dân không đồng ý với quan điểm của TTCP xác định "chỉ 4,3 ha ở khu phố 1, phường Bình An" nằm ngoài ranh quy hoạch. Họ cho rằng phần đất tại 5 khu phố thuộc phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh cũng nằm ngoài ranh. Do vậy, người dân thường xuyên đến nhà riêng của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và trụ sở các cơ quan Trung ương tại Hà Nội căng biểu ngữ, phát loa khiếu kiện.

Hôm 25.1, Phó tổng TTCP Nguyễn Văn Thanh và Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã tiếp những người này. Có 31 công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến việc thu hồi đất của các hộ dân tại quận 2 để thực hiện dự án.

Các công dân đã được TTCP và UBND TP.HCM vận động, hỗ trợ tiền và trở về địa phương ngày 31.1. Tuy nhiên, TTCP thấy các công dân sẽ không chấp thuận việc chính quyền địa phương lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân trong khi những nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của họ chưa được xem xét, giải quyết...

Mới đây TTCP báo cáo và đề xuất Thủ tướng giao TTCP lập đoàn thanh tra để xem xét, giải quyết những nội dung công dân đề nghị liên quan đến 5 khu phố người dân cho là nằm ngoài ranh quy hoạch.

TP.HCM cũng được yêu cầu đối thoại với người dân, giải quyết đúng quy định và không để khiếu nại kéo dài. Kết quả báo cáo Thủ tướng trước ngày 1.6.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê nhận hồ sơ, khiếu nại của người dân cuối buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Hữu Khoa

Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 1996, được kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á. Nằm bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1 và chỉ cách 300 m đường chim bay, khu đô thị sẽ là trung tâm tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp mở rộng của TP.HCM.

Dự án đã giải phóng hơn 99% mặt bằng, song vẫn còn hàng trăm hộ dân khiếu kiện suốt hàng chục năm qua. Họ cho rằng đất của mình nằm ngoài ranh quy hoạch nhưng vẫn bị giải tỏa; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sai quy định.

Sau 4 tháng vào cuộc theo chỉ đạo của Thủ tướng, tháng 9.2018 TTCP công bố kết luận: TP.HCM, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ có nhiều sai phạm trong quá trình quy hoạch dự án, phá vỡ quy hoạch Thủ tướng phê duyệt; thể hiện sự buông lỏng quản lý, sử dụng đất. UBND TP.HCM được yêu cầu làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân.

Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong - Tổ trưởng giải quyết vấn đề Thủ Thiêm, đã nhiều lần gặp gỡ người dân trao đổi về các chính sách bổ sung mà thành phố dự kiến áp dụng.

Theo Người Đô thị

Bạn đang đọc bài viết Cử tri đề nghị đưa 'đại án Thủ Thiêm' ra nghị trường Quốc hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khai mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 15/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc. Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?