Thứ sáu, 26/04/2024 11:30 (GMT+7)

Bộ LĐ-TB&XH: Không phải các ngành nghề đều tăng tuổi nghỉ hưu

MTĐT -  Thứ năm, 18/01/2018 16:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tăng tuổi nghỉ hưu không phải áp dụng cho tất cả ngành nghề. Với lao động khu vực nặng nhọc, độc hại thì nhất quyết chưa tăng.

Tăng tuổi nghỉ hưu để bảo đảm cân đối quỹ BHXH

Ngày 18/1, thời gian lấy ý kiến cho Bộ luật Lao động (LĐ) sửa đổi đã hết. Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án về tuổi nghỉ hưu. Phương án 1 là giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay. Phương án 2 là nâng tuổi nghỉ hưu nam lên 62, nữ lên 60.

Với 2 phương án này, Bộ LĐ-TB&XH nghiêng về phương án 2, bởi theo Bộ này, tăng tuổi hưu là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều ý kiến băn khoăn xung quanh đề xuất này.

Ngày 17/1, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, tuổi nghỉ hưu như hiện hành (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) đã được quy định từ năm 1961. Hơn 50 năm qua, không hề điều chỉnh chính sách về tuổi nghỉ hưu.

“Đối với các nước cũng đã thực hiện nâng dần tuổi nghỉ hưu, nhiều nước đang thực hiện nghỉ hưu ở độ tuổi 65, 67. Chúng ta cũng mong muốn thu hẹp khoảng cách nghỉ hưu của nam và nữ, đây cũng là hướng đến việc không phân biệt đối xử về giới” - Thứ trưởng Diệp nói.

Tăng tuổi hưu không áp dụng cho tất cả ngành nghề.

Ông cũng cho biết, có rất nhiều tính toán, khuyến nghị của các tổ chức quốc tế cho rằng, để bảo đảm cân đối quỹ BHXH trong dài hạn thì cần phải nâng tuổi nghỉ hưu.

Trước ý kiến cho rằng, lực lượng lao động trẻ có trình độ thất nghiệp cao, việc tăng tuổi hưu sẽ làm mất cơ hội của họ, ông Diệp cho rằng cần nhìn vào bối cảnh dân số Việt Nam đang già hóa.

“Trước đây, mỗi năm có 1,5-1,7 triệu người tham gia lực lượng lao động nhưng hiện nay con số chỉ còn 800.000-900.000 người. Như vậy, tốc độ già hóa dân số tăng cao, số người ra khỏi lực lượng lao động xấp xỉ bằng số người bước vào độ tuổi lao động. Tôi cũng xin nhắc lại đây là điều chỉnh lâu dài chứ không phải thực hiện ngay lập tức…” - ông Diệp giải thích.

Tuy nhiên, ông Diệp khẳng định việc tăng tuổi nghỉ hưu không phải áp dụng cho tất cả ngành nghề. Đối tượng được xem xét tăng đầu tiên là lĩnh vực nghiên cứu, kiểm sát, tòa án. Người lao động khu vực nặng nhọc, độc hại thì nhất quyết chưa tăng.

Không nên quy định cứng nhắc về tuổi nghỉ hưu

Tranh luận về việc tăng tuổi nghỉ hưu đã sôi nổi từ vài năm gần đây, nhưng điều đáng nói, lần nào Bộ LĐ-TB&XH đề xuất cũng bị dư luận phản ứng gay gắt bởi đều gây bất lợi cho NLĐ. Nhiều ý kiến cho rằng, khi Bộ LĐ-TB&XH đưa ra đề xuất này chưa hề có cuộc khảo sát lấy ý kiến hay đứng trên lập trường, quyền lợi của đa số NLĐ.

Không ít ý kiến cho rằng, đề xuất này chỉ phù hợp với một số ngành nghề đặc thù như nghiên cứu khoa học, không nên áp dụng đại trà, tránh gây bức xúc trong dư luận. Bởi ở độ tuổi 60, LĐ nữ khó có thể đảm bảo năng suất công việc trong khi DN phải trả lương cao cùng với nhiều loại chi phí khác.

Phương án tăng lương hưu nhận được nhiều tranh cãi từ dư luận.

Bên cạnh đó, hiện các DN đã và đang hướng tới ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, máy móc, robot sẽ thay thế con người. Liệu có cơ hội nào cho LĐ làm việc đến 60 - 62 tuổi? Suy cho cùng, nếu càng kéo dài tuổi hưu thì việc NLĐ xin nghỉ sớm là điều dễ xảy ra. Khi đó, nguồn thu BHXH lớn nhất hiện nay sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và quy định tăng tuổi hưu sẽ chẳng có ý nghĩa đối với việc bảo toàn quỹ BHXH.

Theo các chuyên gia, xét thực tế ở Việt Nam hiện nay, việc tăng tuổi nghỉ hưu còn tạo thêm kẽ hở cho các “nhóm lợi ích”... giữ ghế, duy trì quyền lợi và bổng lộc. Ngoài ra, còn làm cho thị trường LĐ mất cân đối khi hiện đang còn hàng vạn, hàng triệu LĐ trẻ có bằng cấp, được đào tạo qua trường lớp nhưng phải chịu cảnh thất nghiệp. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu, cơ hội tìm việc của lớp trẻ càng bị thu hẹp.

Theo GS.TS.Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng viện dân số & các vấn đề xã hội, tăng tuổi nghỉ hưu chỉ nên khuyến khích, không nên cứng nhắc đưa vào luật. Ai còn sức khỏe, có nhu cầu tiếp tục làm việc thì đáp ứng nguyện vọng cho họ kéo dài tuổi hưu, ai không muốn cũng để họ về hưu đúng tuổi. Như ở Nhật và một số nước tiên tiến khác họ đang áp dụng mô hình linh hoạt này. Việt Nam ta đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, cần linh hoạt, không nên quy định cứng nhắc về tăng tuổi nghỉ hưu.

Nhật Hạ (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Bộ LĐ-TB&XH: Không phải các ngành nghề đều tăng tuổi nghỉ hưu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.