Thứ sáu, 29/03/2024 05:33 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 23/4/2020

MTĐT -  Thứ năm, 23/04/2020 14:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 23/4/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 23/4/2020.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc thành lập ba thị xã

100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành và Nghị quyết chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-2020.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, việc thành lập ba thị xã thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Phú Yên và Bình Định là ba đề án nâng cấp đô thị thành lập thị xã và phường trên cơ sở nguyên trạng các đơn vị hành chính cùng cấp.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc thành lập ba thị xã cho thấy, hồ sơ các đề án đã được Chính phủ, chính quyền các tỉnh Thanh Hóa, Phú Yên và Bình Định chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật.

Trước đó, các thành viên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra việc thành lập ba thị xã thuộc ba tỉnh nói trên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Phiên họp 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày nêu rõ, Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết thành lập thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên; thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa và các phường trực thuộc các thị xã với những lý do nêu trong các Tờ trình và Đề án của Chính phủ.

Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thành lập các thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên; thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa và các phường thuộc các thị xã với những nội dung nêu trong Tờ trình, Đề án của Chính phủ và đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao, ý kiến tham gia thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.

Tại phiên họp thẩm tra, các thành viên Ủy ban Pháp luật đã đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Thanh Hóa giải trình một số nội dung mang tính chất chung liên quan việc thành lập đơn vị hành chính ở đô thị như việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ, cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của chính quyền đô thị; việc bố trí, sắp xếp lực lượng công an chính quy.

Bên cạnh đó, làm rõ thêm các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi giấy tờ của công dân sau khi thành lập thị xã, phường; nhu cầu sử dụng vốn và khả năng huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; rà soát các số liệu về dân số quy đổi, thu nhập bình quân đầu người, diện tích đất cây xanh công cộng…

Trước đó, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật, một số ý kiến thành viên Ủy ban cho rằng, một số tiêu chí về phân loại đô thị trong Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa thật sự phù hợp với thực tế phát triển đô thị của nước ta là hướng tới các đô thị sinh thái, đô thị xanh,… như vấn đề quy mô và mật độ dân số, vấn đề tỷ lệ diện tích đất xây dựng đô thị, đất phi nông nghiệp trên diện tích đất nông nghiệp,…

Vì vậy, đề nghị Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện cần rà soát, kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập để tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

Về dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung một số nội dung liên quan vị trí tiếp giáp và số lượng các đơn vị hành chính (đối với Nghị quyết thành lập thị xã Hoài Nhơn), nội dung thành lập Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và trách nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao (đối với Nghị quyết thành lập thị xã Đông Hòa) và chỉnh lý lại văn phong, kỹ thuật của tất cả các Nghị quyết.

Ủy ban Pháp luật kiến nghị trường hợp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp này, đề nghị thống nhất xác định thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết là ngày 1-6-2020 để các cơ quan, tổ chức và địa phương có thời gian cho công tác chuẩn bị, kiện toàn tổ chức, thay đổi tên gọi, con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới được thành lập.

Tây Ban Nha muốn hợp tác với Việt Nam phòng, chống dịch COVID-19

Chiều ngày 22/4/2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao, Liên minh châu Âu và Hợp tác Tây Ban Nha, bà Arancha Gonzalez Laya (A-ran-cha Gôn-za-lệt Lay-a) để trao đổi về hợp tác trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Tại cuộc điện đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh thông báo tình hình, các biện pháp và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam triển khai “nhiệm vụ kép”, vừa ưu tiên kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, vừa tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế, bảo đảm duy trì tăng trưởng giai đoạn hậu COVID-19.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao, Liên minh châu Âu và Hợp tác Tây Ban Nha

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định với vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đang tích cực hợp tác và sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với các đối tác để phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh.

Bộ trưởng Ngoại giao, Liên minh châu Âu và Hợp tác Tây Ban Nha Arancha Gonzalez Laya cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã trao tặng Tây Ban Nha 110.000 khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn; đánh giá cao các biện pháp mạnh mẽ, chủ động mà Việt Nam áp dụng cũng như vai trò tích cực và các đề xuất của Việt Nam về vấn đề này trên các diễn đàn quốc tế và khu vực; mong muốn hai bên phối hợp chặt chẽ, thiết lập kênh hợp tác trong cuộc chiến chống COVID-19.

Hai bên khẳng định tăng cường quan hệ chiến lược, nhất trí phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, quốc tế và các vấn đề cùng quan tâm trong năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Thực hiện 13 chuyến bay đưa công dân về nước

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản trả lời Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) về việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước vì lý do cần thiết.

Theo đó, cơ quan này cho biết đã chủ trì cùng các hãng hàng không trong nước xây dựng kế hoạch vận chuyển và thống nhất việc bố trí đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước.

Các hãng hàng không sẽ chia nhau đưa công dân về nước. Ảnh: N.GIÁP

Cụ thể, Vietnam Airlines sẽ có 10 chuyến bay vận chuyển công dân từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, UAE, Pháp, Nga, Tây Ban Nha và Thái Lan về nước.

Hãng hàng không Vietjet Air sẽ có hai chuyến bay vận chuyển công dân từ Singapore, Indonesia. Hãng Bamboo Airways sẽ tham gia 1 chuyến bay vận chuyển công dân từ Philipines.

Cục hàng không Việt Nam cho biết các chuyến bay nêu trên sẽ được vận chuyển đến Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Vân Đồn hoặc Tân Sơn Nhất và Cần Thơ.

Trước đó, chiều 22-4, đại diện Vietnam Airlines thông tin hãng đã phối hợp với cơ quan chức năng Nhật Bản đưa gần 300 công dân Việt Nam trở về nước. Đây là những người có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, phụ nữ có thai, người lao động, sinh viên hết hạn làm việc...

Trong bối cảnh các đường bay thương mại giữa Việt Nam và quốc tế tạm dừng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục rà soát, tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước.

Tiêu chí là ưu tiên trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người ốm đau và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác, bảo đảm cân đối chung và phù hợp với năng lực cách ly tập trung trong nước.

Thái Lan cân nhắc nới lỏng các biện pháp phong tỏa trong tuần tới

Thủ tướng Prayut xác nhận, ngày 28-4 tới, sẽ xem xét nới lỏng các biện pháp hạn chế cả về kinh tế và xã hội, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục có xu hướng cải thiện dựa theo thông tin chính thức của Bộ Y tế. Tuyên bố của ông Prayut được đưa ra trong bối cảnh ngày 22-4, Thái Lan ghi nhận thêm 15 ca nhiễm SARS-CoV-2 và một trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.826 người và 49 trường hợp tử vong.

Thủ tướng Thái Lan sẽ cân nhắc nới lỏng các biện pháp phong tỏa. (Ảnh: Bangkok Post)

Đây là số ca nhiễm Covid-19 thấp nhất được phát hiện ở Thái Lan trong những ngày qua, cho thấy “đường cong dịch tễ” ở quốc gia Đông-Nam Á này đang trở nên thẳng ra. và có thể mở đường cho khả năng chính phủ nới lỏng một số hạn chế do các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc. Mấy ngày trước, Bộ Y tế Thái Lan cũng xác nhận không có trường hợp tử vong trong 72 giờ liên tiếp.

Chính phủ Thái Lan đã ban bố Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp từ ngày 26-3 đến 30-4, với mục tiêu hạn chế người dân đi lại, giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ngoài ra, còn có các biện pháp quyết liệt được áp đặt như lệnh giới nghiêm từ 22 giờ đêm đến 4 giờ sáng, tạm ngừng các chuyến bay, đóng toàn bộ cửa khẩu biên giới (trừ một số trường hợp đặc biệt), cấm bán rượu, bia và đồ uống có cồn đến 30-4 tới.

Theo dự báo của Chính phủ Thái Lan, dịch Covid-19 và các biện pháp phong tỏa có thể khiến nền kinh tế lớn thứ hai ASEAN này thiệt hại hơn 40 tỷ USD và mất 10 triệu việc làm.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 23/4/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.