Thứ bảy, 20/04/2024 13:38 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 22/3/2020

MTĐT -  Chủ nhật, 22/03/2020 15:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 22/3/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 22/3/2020.

Tạm dừng tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 23/3 vì Covid-19

Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 23/3/2020, tạm dừng tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và tham quan khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình để tập trung phòng, chống dịch COVID-19.

Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và tham quan khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình sẽ được tiếp tục tổ chức vào thời gian thích hợp.

Trước đó, do tình hình diễn biến phức tạp và khó lường của dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ban Chỉ đạo) đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp tích cực trong phòng, chống dịch.

Ban Quản lý Lăng đã phối hợp với Viện Y học dự phòng Quân đội và lực lượng hỗ trợ của Bộ Tư lệnh Hóa học tổ chức phun thuốc khử trùng phòng, chống dịch quanh khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe báo cáo về phòng, chống COVID-19

Tại phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo thông cáo của Văn phòng Quốc hội, từ ngày 23-25/3, Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng với các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

Theo chương trình dự kiến, tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của sáu dự án luật, bao gồm Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến (lần đầu) về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Về các vấn đề kinh tế-xã hội, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí bảo đảm hoạt động đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016-2020; việc điều chuyển một phần nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của Tổng cục Thuế sang Tổng cục Dự trữ nhà nước, Ủy ban chứng khoán nhà nước và Học viện Tài chính; Cơ chế quản lý tài chính và thu nhập gắn với đặc thù của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 quy định chi tiết về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh; Việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Văn phòng Trung ương Đảng và Bộ Ngoại giao.

Hội nghị RCEP chuyển sang họp trực tuyến

Theo Bangkok Post, các nước đối tác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn cam kết sẽ ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm nay theo kế hoạch.

Theo bà Auramon Supthaweethum, Vụ trưởng Vụ Đàm phán thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, cơ quan này đã điều chỉnh kế hoạch đàm phán thương mại trong mùa dịch Covid-19 thông qua các hội nghị video trực tuyến. Hội nghị Ủy ban Đàm phán thương mại RCEP lần thứ 29 dự kiến được tổ chức từ ngày 23 đến 27/3 tại Jakarta, Indonesia cũng sẽ được tổ chức theo hình thức hội nghị video trực tuyến.

RCEP là một hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 nước đối tác đối thoại bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Đàm phán RCEP bắt đầu từ cuối năm 2012 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 ở Phnom Penh, Campuchia.

Ít nhất 24 nhân viên Liên hợp quốc dương tính với SARS-CoV-2

Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ), ông Stephane Dujarric ngày 21/3 thông báo đã có ít nhất 24 nhân viên LHQ xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Hãng thông tấn TASS (Nga) dẫn lời ông Stephane Dujarric: “Tổng số ca mắc của LHQ, không chỉ tại các trụ sở mà toàn bộ nhân viên LHQ nói chung, là 24 người”. Trong đó, ông David Beasley là quan chức cấp cao duy nhất mắc COVID-19. Hiện tình trạng sức khỏe của ông Beasley vẫn ổn định và đang làm việc tại nhà riêng ở Nam Carolina, Mỹ.

Tính tới 19h ngày 21/3, số bệnh nhân nhiễm virus tại Mỹ là 19.775 người và 276 người đã tử vong. Các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại tất cả 50 bang, thủ đô Washington DC, vùng lãnh thổ Puerto Rico, đảo Guam và quần đảo Virgin.

Ngày 16/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã quyết định hủy hai cuộc họp cuối cùng trong tuần này do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Phái đoàn Trung Quốc - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an LHQ tháng Ba này - nhấn mạnh Hội đồng vẫn hoạt động mặc dù hủy các phiên họp còn lại trong tuần.

ASEAN-EU khẳng định hợp tác ứng phó dịch COVID-19

Ngày 20/3 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng ASEAN-EU về hợp tác ứng phó dịch COVID-19. Tại đây, hai bên đã chia sẻ thông tin về tình hình và các biện pháp đang được triển khai của mỗi bên để kiểm soát và ngăn ngừa dịch COVID-19.

Các nước ASEAN và EU bày tỏ cảm thông và khẳng định tình đoàn kết với nhau. Hai bên nhất trí đẩy mạnh chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp chính sách, nhất là trong chẩn đoán, ngăn ngừa lây lan và điều trị các ca lây nhiễm; nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị và vaccine.

ASEAN và EU khẳng định đẩy mạnh nỗ lực giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh đối với các nước, nỗ lực duy trì trao đổi thương mại, đầu tư và tính đến các biện pháp dài hạn để khôi phục phát triển kinh tế...

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Đại diện cấp cao EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell đánh giá cao những nỗ lực và những kết quả đạt được của ASEAN trong việc phòng chống dịch COVID-19. Vị phó chủ tịch đề nghị các nước ASEAN tạo điều kiện hồi hương cho công dân các nước EU đang du lịch tại khu vực Đông Nam Á.

Các nước ASEAN mong muốn EU hỗ trợ đảm bảo y tế, điều trị cho công dân của ASEAN đang sinh sống, làm việc và học tập tại châu Âu.

Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan nhấn mạnh tính cấp thiết phải triển khai các biện pháp quyết liệt để củng cố năng lực của hệ thống y tế công cộng của các quốc gia, giảm tải cho các trung tâm điều trị tích cực. Bởi theo bộ trưởng, nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến quá tải và tê liệt toàn bộ hệ thống.

Trong vai trò chủ tịch ASEAN 2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định ASEAN đã thể hiện quyết tâm chính trị ở mức cao nhất nhằm đẩy mạnh phối hợp hành động và ứng phó chung để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh.

Việt Nam cũng triệu tập và chủ trì cuộc họp Bộ trưởng Hội đồng Điều phối ASEAN để điều phối nỗ lực chung của Cộng đồng ASEAN. Các nỗ lực tích cực của Cộng đồng ASEAN đã mang lại những kết quả tích cực giúp ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.

Tỉ lệ các bệnh nhân được chữa khỏi và tỉ lệ tử vong trên tổng số các ca nhiễm virus ở khu vực ASEAN ở mức thấp so với nhiều khu vực khác trên thế giới.

Thời gian tới, ASEAN sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hành động cụ thể, tăng cường trao đổi và phối hợp ở các cấp cũng như với các Đối tác theo hướng này.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 22/3/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nga: Cá heo chết hàng loạt bí ẩn tại Biển Đen
Trong vài tuần qua, số xác cá heo mà người dân địa phương tìm thấy trên bờ biển Anapa đã lên đến hàng chục con. Xác những chú cá heo này đã được gửi đi giám định pháp y để xác định nguyên nhân.

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ