Thứ năm, 28/03/2024 22:46 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 7/8/2019

MTĐT -  Thứ tư, 07/08/2019 13:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 7/8/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 7/8/2019 trong nước và thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Tập đoàn TTI

Chiều 6/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Tập đoàn TTI, ông Horst Julius Pudwill.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao đầu tư của TTI vào Việt Nam thời gian qua với quy mô lớn và dự kiến làm ăn bài bản, lâu dài. Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư, trong đó có TTI làm ăn thành công.

Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tham gia rất nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhất là Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực, Hiệp định EVFTA vừa chính thức được ký kết, Hiệp định RCEP đang tích cực được đàm phán.

Với lợi thế về vị trí chiến lược, nguồn nhân lực, môi trường đầu tư ổn định, Việt Nam hội tụ mọi yếu tố để TTI tin tưởng đầu tư cứ điểm sản xuất chiến lược và Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) để xuất khẩu các sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Horst Julius Pudwill, Chủ tịch Tập đoàn TTI, có trụ sở chính tại Hong Kong (Trung Quốc).

Chủ tịch Tập đoàn TTI, ông Horst Julius Pudwill cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp; bày tỏ ấn tượng đặc biệt với đất nước và con người Việt Nam cần cù, thông minh. Ông nhận thấy ở Việt Nam có rất nhiều cơ hội kinh doanh lâu dài.

Ông bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ của UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan; đồng thời mong muốn đầu tư mạnh hơn nữa vào Việt Nam, xuất khẩu ra thế giới nhiều sản phẩm, nhất là cơ khí điện tử, cơ khí chính xác sản xuất tại Việt Nam, cũng là cách quảng bá hiệu quả để thế giới biết nhiều về Việt Nam.

Ông Horst Julius Pudwill hy vọng sau khi đầu tư vào Việt Nam, doanh thu của tập đoàn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa. Không những vậy, TTI sẽ đầu tư mạnh vào nghiên cứu phát triển, trường đào tạo nghề theo tiêu chuẩn Đức để đào tạo các kỹ sư Việt Nam. Cùng với TTI, dự kiến sẽ có rất nhiều công ty vệ tinh của tập đoàn vào Việt Nam để tham gia chuỗi cung ứng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng lớn trong đầu tư, nhất là đầu tư vào công nghệ cao. Do đó, Thủ tướng đề nghị tập đoàn mở rộng đầu tư công nghệ cao vào thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Thủ tướng cũng khẳng định, môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam đang hết sức hấp dẫn, luôn được cải thiện, phấn đấu đứng vào nhóm đầu ASEAN. Thủ tướng cho biết, nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư, sản xuất tại Việt Nam nhiều sản phẩm công nghệ cao, xuất khẩu ra thị trường toàn cầu.

Các bộ, ngành, địa phương cũng luôn hỗ trợ hết sức mình để TTI đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Việt Nam không chấp nhận các dự án đầu tư chất lượng thấp, do đó Chính phủ rất hoan nghênh những dự án công nghệ cao như TTI và sẽ ưu tiên hỗ trợ.

Tập đoàn TTI được thành lập năm 1985, có trụ sở chính tại Hồng Kông (Trung Quốc), chuyên sản xuất các thiết bị điện công nghiệp không dây hàng đầu thế giới.

Thành lập Hội đồng xét tặng danh hiệu 'Nghệ nhân Nhân dân', 'Nghệ nhân Ưu tú'

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ lần thứ IV.

Theo quyết định, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương là Chủ tịch Hội đồng. Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Các Ủy viên Hội đồng gồm: Ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam; PGS.TS Trần Lâm Biền, Tạp chí Di sản văn hóa; PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Di sản Văn hóa, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Văn Đỉnh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Hội đồng có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức xét, lựa chọn những cá nhân có đủ tiêu chuẩn, trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ năm 2019.

Các phiên họp của Hội đồng phải có ít nhất 75% tổng số thành viên của Hội đồng tham dự, trong đó có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được ủy quyền; các cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu phải được ít nhất 90% số phiếu đồng ý của tổng số thành viên Hội đồng có tên trong danh sách quy định.
Sau khi tổng hợp kết quả xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú" và tham khảo, tiếp thu ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng (nếu có), Hội đồng gửi hồ sơ đến Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, trình Chủ tịch nước.

Thành viên của Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; Quy chế làm việc của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng quyết định; Bộ Công Thương là cơ quan Thường trực của Hội đồng. Hội đồng có Tổ Thư ký giúp việc do Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập.

Đề xuất trả lương lũy tiến đối với thời gian làm thêm giờ

Ngày 6/8, tại Nhà Quốc hội, Phiên họp toàn thể lần thứ 14 tiếp tục diễn ra dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh. Các thành viên Ủy ban đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, đại diện Ban soạn thảo, cho biết: Tiếp thu ý kiến thẩm tra và phát biểu của các đại biểu Quốc hội, ngay sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì và phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp tục lấy ý kiến của nhân dân, các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo Bộ luật; báo cáo việc tiếp thu giải trình đối với một số nội dung Chính phủ xin ý kiến Quốc hội như: Mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa; điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở; thời gian nghỉ Tết Âm lịch, bổ sung một ngày nghỉ lễ và quy định giờ làm việc trong khu vực Nhà nước…

Theo đó, ở vấn đề về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu cao hơn cho những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý, đảm bảo theo 3 nguyên tắc: Chỉ làm công việc chuyên môn, không giữ các chức vụ, chức danh lãnh đạo; cơ quan có nhu cầu sử dụng; cá nhân có nguyện vọng và có đủ sức khỏe đáp ứng yêu cầu công việc.

Đối với việc mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, Ban soạn thảo đề nghị tiếp thu theo hai hướng: Quy định trần tối đa làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ và quy định các trường hợp đặc biệt được làm thêm đến 400 giờ/năm. Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết việc tổ chức làm thêm giờ để tránh lạm dụng, bảo vệ sức khỏe của người lao động; đồng thời tăng cường thanh, kiểm tra để bảo đảm tính tuân thủ pháp luật.

Bên cạnh đó, về quy định mức lương lũy tiến làm thêm giờ, Ban soạn thảo đề nghị quy định mức tiền lương làm thêm giờ ít nhất bằng 150% - 200% - 300% so với làm việc vào giờ làm việc bình thường. Việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn mức trên do hai bên thỏa thuận.

Ông Ngọ Duy Hiểu. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Sau khi nghe báo cáo chi tiết tiếp thu, giải trình của Ban soạn thảo, các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đưa ra nhiều ý kiến chung quanh một số vấn đề như việc xem xét mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm; việc tăng tuổi nghỉ hưu… Trong đó đáng chú ý là ý kiến về trả lương lũy tiến đối với thời gian làm thêm giờ của Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, việc xem xét mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm để bù đắp sự thiếu hụt lao động đột xuất cho người sử dụng lao động, nhằm tạo sự linh hoạt, tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các nước trong khu vực, tăng thu nhập cho người lao động là cần thiết. Tuy nhiên, việc tăng giờ làm thêm phải tính toán trong mối tương quan với thời gian làm việc chính thức, đảm bảo tái tạo kịp thời sức lao động cho người lao động.

“Tiền lương làm thêm giờ cho người lao động cần được tính theo lũy tiến để khắc phục tình trạng doanh nghiệp không tuyển dụng lao động mà huy động làm thêm giờ tràn lan. Cũng cần giới hạn làm thêm giờ tối đa trong tháng tránh người sử dụng lao động vắt kiệt sức người lao động để làm thêm giờ trong một khoảng thời gian dài liên tục” - ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 Chương, 221 điều, giảm 21 điều so với bộ luật hiện hành. Bộ luật sẽ được sửa đổi cơ bản, toàn diện, góp phần hoàn thiện thể chế, thúc đẩy thị trường lao động phát triển; giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 5 năm áp dụng trên thực tế và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh; bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động; đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay...

Lào tổ chức Lễ thượng cờ ASEAN nhân kỷ niệm 52 năm thành lập

Sáng 6/8, Bộ Ngoại giao Lào đã tổ chức Lễ thượng cờ ASEAN nhân kỷ niệm 52 năm ngày thành lập và 22 năm Lào chính thức trở thành thành viên của khối.

Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng cùng đại sứ các nước ASEAN, Bộ trưởng của 3 trụ cột Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - xã hội; các đối tác của ASEAN và nhiều tổ chức quốc tế tại Lào, đông đảo cán bộ nhân viên Bộ Ngoại giao Lào tham dự lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumsay Kommasith đã khái quát những thành tựu chính mà ASEAN đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2015- khi Cộng đồng ASEAN được thành lập với 3 trụ cột chính là An ninh – Chính trị, Kinh tế và Văn hóa-xã hội, góp phần xây dựng hòa bình, ổn định phát triển khu vực và thế giới.

Cờ ASEAN bắt đầu được kéo lên trước trụ sở Bộ Ngoại giao Lào.

Một trong những kết quả đáng khích lệ của Cộng đồng ASEAN là đại diện cho một tổ chức liên chính phủ và khu vực, tiếp tục tăng cường mối liên hệ với các thành viên của khối cũng như sự hợp tác với các quốc gia ngoài khu vực trên nguyên tắc của Hiến chương ASEAN, Hiêp định hữu nghị hợp tác cũng như các chính sách mà ASEAN đề ra như: Tồn tại hòa bình, tôn trọng sự thống nhất, dân chủ và chủ quyền lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết tranh chấp bất đồng một cách hòa bình, theo nguyên tắc đồng thuận, các bên cũng có lợi.

Nhân dịp này Bộ trưởng Ngoại giao Lào thông báo kết quả Hội nghị Bộ trưởng các quốc gia ASEAN lần thứ 52 tổ chức tuần qua tại Thái Lan, khẳng định việc tổ chức thực hiện một số vấn đề, hoạt động hợp tác ban đầu trên 3 trụ cột trong năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Riêng đối với Lào, sau 22 năm là thành viên ASEAN, Lào đã tích cực tham gia các hoạt động chung và đã góp phần nâng cao vai trò của mình trong khu vực và quốc tế; Lào hài lòng và vinh dự được trở thành thành viên của ASEAN, đồng thời bày tỏ sự biết ơn đối với sự giúp đỡ, hỗ trợ của các đối tác cũng như các quốc gia thành viên trong suốt hơn hai thập kỷ qua.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 7/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.