Thứ năm, 25/04/2024 19:51 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 26/6/2019

MTĐT -  Thứ tư, 26/06/2019 12:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 26/6/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 26/6/2019 trong nước và thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam

Chiều 25/6, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF).

Chủ tịch Quốc hội chúc mừng bà Rana Flowers được bổ nhiệm làm Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam (từ tháng 5/2019). Chúc bà Rana Flowers có một nhiệm kỳ thành công tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ hi vọng các hoạt động của bà Rana Flowers sẽ giúp thúc đẩy quan hệ giữa UNICEF và Việt Nam ngày càng hiệu quả và tốt đẹp.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự hỗ trợ của UNICEF tại Việt Nam trong thời gian qua vì mục tiêu bảo vệ quyền lợi của trẻ em tại Việt Nam; các chương trình hợp tác Việt Nam - UNICEF lấy cam kết tiếp cận tới mọi trẻ em làm nền tảng, đặc biệt là những trẻ em dễ bị tổn thương, đảm bảo rằng mỗi trẻ em đều có cơ hội bình đẳng để phát triển hết tiềm năng của mình.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp bà Rana Flowers. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Bà Rana Flowers cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian cho cuộc tiếp; bày tỏ mong muốn trong thời gian tới nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch Quốc hội, tiếp tục hợp tác với các cơ quan của Quốc hội để thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam.

Bà Rana Flowers cho biết, năm 2019, đánh dấu 30 năm Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em ra đời, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước này. Năm nay, UNICEF muốn hợp tác cùng Việt Nam để kỷ niệm 30 năm Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Cùng với đó sẽ có hội nghị cấp cao mà Việt Nam cùng Indonesia tổ chức vào tháng 7 tới...

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ hài lòng khi được biết UNICEF có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, hiệu quả với Quốc hội, đặc biệt là với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trong việc góp phần nâng cao năng lực đại biểu dân cử giám sát thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam qua các giai đoạn từ năm 2006 đến nay. Mục tiêu là góp phần xây dựng môi trường pháp luật, chính sách đối với trẻ em và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là đối với các nhóm yếu thế như trẻ em và phụ nữ.

Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội khẳng định,Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, đã thực hiện nhiều chương trình, dự án, lồng ghép quyền trẻ em vào các chương trình xây dựng pháp luật. Việt Nam sẵn sàng phối hợp với UNICEF kỷ niệm 30 năm Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em; cử thành viên tham gia đoàn dự Phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 năm nay.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại diễn đàn Quốc hội, các vấn đề liên quan đến trẻ em đều được thảo luận, bàn bạc, cho ý kiến. Quốc hội và cử tri rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ trẻ em. Các báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội đều được các Ủy ban của Quốc hội thẩm định. Cùng với đó, trong bàn về vấn đề giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội... thì trẻ em, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số luôn được đặt vào vị trí quan trọng để xem xét, thảo luận; lồng ghép vào việc thẩm tra các luật, xem đã được quan tâm đúng mức chưa.

Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ về công tác đầu tư cho trẻ em phát triển toàn diện. Bà mẹ và trẻ em được quan tâm với các chương trình y tế như: sức khỏe sinh sản, giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong; chế độ thai sản (quy định trong Bộ luật Lao động)... Cùng với đó, Nhà nước dành 20% ngân sách cho giáo dục. Vừa qua, Quốc hội đã quyết định lựa chọn giám sát tối cao năm 2020 chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em...

Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội cũng đã trao đổi với Trưởng đại diện UNICEF xung quanh ảnh hưởng của di cư, biến đổi khí hậu, đô thị hóa tới trẻ em; về quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi; nghề công tác xã hội...; đồng thời ghi nhận khuyến nghị, trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật (khi sửa đổi Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Người khuyết tật...), Quốc hội tiếp tục quan tâm rà soát, nghiên cứu thấu đáo, cập nhật để có chính sách đối với trẻ em cho phù hợp với tình hình mới.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ mong muốn UNICEF và cá nhân bà Rana Flowers với 25 năm công tác tại nhiều quốc gia chia sẻ kinh nghiệm về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng internet hiện nay.

Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội nghị Giải trừ quân bị

Ngày 25/6, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở Geneva (Thụy Sĩ), Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, Dương Chí Dũng, đã chủ trì phiên họp toàn thể chính thức đầu tiên của Hội nghị Giải trừ quân bị (CD) trong nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch CD (từ 24 - 28/6/2019 và từ 29/7 - 18/8/2019).

Tham dự phiên họp có Tổng Giám đốc Văn phòng LHQ tại Geneva kiêm Tổng Thư ký CD Michael Moller, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi và đông đảo đại diện các quốc gia thành viên và quan sát viên của CD.

Tại Geneva, phát biểu khai mạc phiên họp, Đại sứ Dương Chí Dũng bày tỏ niềm vinh dự của Việt Nam khi lần thứ hai đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội nghị Giải trừ quân bị - diễn đàn đa phương duy nhất trên thế giới thương lượng về vấn đề giải trừ quân bị, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác trong khuôn khổ các cơ chế đa phương để giải quyết những thách thức chung ngày càng phức tạp đối với tình hình hòa bình và an ninh quốc tế, khẳng định Việt Nam nỗ lực tham gia tích cực, có trách nhiệm vào công việc của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực này.

Đại sứ nêu bật những đóng góp của Việt Nam tại nhiệm kỳ đầu tiên làm Chủ tịch Hội nghị Giải trừ quân bị năm 2009, và nhấn mạnh cam kết của Việt Nam tiếp tục đóng góp duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vừa được các nước tin tưởng bầu cử vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020.

Tổng Thư ký ASEAN chúc mừng Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội nghị Giải trừ quân bị và trúng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, tái khẳng định cam kết của ASEAN trong các nỗ lực giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva Dương Chí Dũng (hàng đầu, đầu tiên bên phải); Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi (hàng đầu, thứ hai từ phải sang); Tổng Giám đốc Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva kiêm Tổng Thư ký CD Michael Moller (hàng đầu, thứ ba từ phải sang). Ảnh: Hoàng Hoa/Pv TTXVN tại Thụy Sĩ

Tổng Thư ký ASEAN giới thiệu những nội dung chính của Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), trong đó có các nguyên tắc và mục đích của SEANWFZ về giải trừ quân bị, chống phổ biến, đảm bảo an toàn, an ninh hạt nhân, chống khủng bố hạt nhân, giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với đời sống con người...

Tổng Thư ký ASEAN kêu gọi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân tham gia Nghị định thư của Hiệp ước SEANWFZ nhằm thúc đẩy thực hiện hiệu quả SEANWFZ.

Trong phần thảo luận, các nước đều bày tỏ kỳ vọng vào nhiệm kỳ Chủ tịch CD của Việt Nam, khẳng định ủng hộ các sáng kiến, nỗ lực của Việt Nam và sẵn sàng hợp tác nhằm thúc đẩy công việc của Hội nghị.

Các quốc gia hoan nghênh sáng kiến của Việt Nam về việc mời Tổng Thư ký ASEAN tới dự và phát biểu tại Hội nghị, đánh giá cao vai trò và đóng góp của các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN, trong lĩnh vực giải trừ quân bị nói riêng và việc duy trì, bảo đảm hoà bình, an ninh quốc tế nói chung.

Phát biểu thay mặt Liên minh châu Âu (EU), Romania khẳng định ủng hộ ASEAN giữ vai trò trung tâm trong việc duy trì hòa bình, an ninh ở khu vực, ngăn ngừa xung đột và tham gia tích cực trong việc tìm giải pháp cho vấn đề Triều Tiên.

Australia hoan nghênh việc kết nối các sáng kiến khu vực với các thể chế đa phương toàn cầu trong lĩnh vực giải trừ quân bị, khẳng định CD có thể học hỏi kinh nghiệm từ ASEAN trong việc đạt được đồng thuận và vượt qua các khác biệt.

Theo quy định của CD, vị trí Chủ tịch được luân phiên giữa các nước thành viên. Trong năm 2019, Việt Nam cùng với Ukraine, Vương quốc Anh, Mỹ, Venezuela và Zimbabwe đảm nhiệm vị trí quan trọng này.

Điều chỉnh Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện "Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khi hậu giai đoạn 2015 - 2020" tại Quyết định số 120/QĐ-TTg ngày 22/1/2015.

Theo điều chỉnh, mục tiêu của Đề án là phát huy chức năng phòng hộ của rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ hệ thống đê biển, cơ sở hạ tầng, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường khả năng hấp thụ khí CO2, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; góp phần phát triển kinh tế, xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia.

Nhiệm vụ Đề án thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2020 là bảo vệ diện tích rừng ven biển hiện có 310.695 ha; trồng rừng mới 14.930 ha; trồng bổ sung, phục hồi rừng kém chất lượng 6.670 ha.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh căn cứ vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trong kế hoạch hàng năm, cân đối ngân sách địa phương hàng năm ưu tiên bố trí vốn, đồng thời huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các dự án trồng rừng ven biển.

Tháo gỡ rào cản phát triển thị trường năng lượng sạch

Thay mặt cho Nhóm Công tác điện và năng lượng, bà Virginia Foote đã đề xuất một số kiến nghị nhằm tháo gỡ các rào cản phát triển thị trường năng lượng sạch.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và bà Virginia B. Foote, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày (25/6), tại buổi tiếp bà Virginia Foote, đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) và Nhóm Công tác Điện và Năng lượng, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định chiến lược ưu tiên của Việt Nam trong phát triển năng lượng bền vững; hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Đánh giá cao các kết quả thảo luận, khuyến nghị của Nhóm Công tác, đồng chí Nguyễn Văn Bình bày tỏ sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đóng góp trong quá trình xây dựng chính sách phát triển năng lượng nói chung và xây dựng Tổng sơ đồ điện 8 của Việt Nam trong thời gian tới.

Thay mặt cho Nhóm Công tác, bà Virginia Foote đã đề xuất một số kiến nghị nhằm tháo gỡ các rào cản phát triển thị trường năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, bao gồm cả năng lượng gió, mặt trời và năng lượng sinh khối tại Việt Nam.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 26/6/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng