Thứ sáu, 26/04/2024 03:11 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 24/9/2019

MTĐT -  Thứ ba, 24/09/2019 14:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 24/9/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 24/9/2019 trong nước và thế giới.

Bộ trưởng Bộ Y tế tham dự Đại hội đồng LHQ về bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã dự phiên họp toàn thể của Cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) về bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân tại New York ngày 23/9.

Với chủ đề “Cùng xây dựng một thế giới khỏe mạnh hơn”, hội nghị đã thu hút sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia, nhiều nhà hoạch định chính sách cũng như nhiều lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực y tế của các nước.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc củng cố hệ thống y tế cơ sở để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn cho người dân, đảm bảo để người dân được thụ hưởng các chương trình chăm sóc sức khỏe do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả.

Hệ thống y tế cơ sở được thiết lập từ trung ương tới địa phương với hơn 11.000 cơ sở y tế cấp xã và hầu hết các cơ sở này có đủ bác sĩ, y tá, nữ hộ sinh hoạt động dựa trên nguyên lý bác sĩ gia đình. Theo báo cáo giám sát tình hình chăm sóc sức khỏe toàn dân năm 2017 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành, chỉ số bao phủ dịch vụ của Việt Nam đạt 73/100 điểm, có thể coi là khá cao so với mức chung trong vùng Đông Nam Á là 59/100 và toàn cầu là 64/100.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng Y tế Thế giới, ngày 21/5/2019 tại Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh tư liệu: Hoàng Hoa/TTXVN

Chương trình bảo hiểm y tế đã tới được với 90% dân số và hiện chính phủ Việt Nam trợ cấp 100% phí bảo hiểm y tế cho những người có hoàn cảnh khó khăn và đóng 70% phí bảo hiểm cho những hộ cận nghèo.

Theo Bộ trưởng, chăm sóc sức khỏe cho người dân chính là con đường để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững về Sức khỏe. Nhận thức được tầm quan trọng của quy trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, Việt nam đã thực hiện 10 chính sách cải tổ ngành y tế nhằm củng cố hiệu quả của hệ thống y tế, nhất là cải thiện khả năng chuyên môn của hệ thống y tế cơ sở để có thể chăm sóc sức khỏe cho cả người ốm và người khỏe mạnh.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh Việt Nam đã tiến hành cải tổ cơ chế tài chính, đầu tư hạ tầng và đào tạo lực lượng y, bác sĩ ở các trung tâm y tế cơ sở để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho toàn dân. Đồng thời, các chính sách cải tổ của Việt Nam cũng hướng tới mục tiêu lấy người bệnh là trung tâm khiến người đi khám chữa bệnh ngày càng yên tâm và hài lòng. Theo kết quả nghiên cứu độc lập mới công bố gần đây, tỷ lệ bệnh nhân hài lòng với dịch vụ y tế ở Việt Nam là 81%.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng, khó khăn lớn nhất đối với ngành y tế Việt Nam là tìm ra cơ chế tài chính phù hợp đối với công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân ở tuyến cơ sở bởi hiện các nguồn lực vẫn tập trung vào các dịch vụ chữa bệnh là chủ yếu trong khi ngân sách dành cho các dịch vụ y tế cơ sở và y tế phòng ngừa còn rất hạn chế.

Cuộc họp cấp cao của LHQ về chăm sóc sức khỏe toàn dân năm nay với sự tham gia của lãnh đạo ngành y tế đến từ 169 nước đã đặt mục tiêu có được cam kết về chính trị cũng như tài chính của các nước trong việc thực hiện mục tiêu cao cả này. Cuộc họp cấp cao của LHQ về chăm sóc sức khỏe toàn dân được khởi xướng vào tháng 12-2017 khi LHQ thông qua nghị quyết về sức khỏe toàn cầu và chính sách đối ngoại nhằm chăm sóc sức khỏe cho những người yếm thế vì một xã hội không để ai lại phía sau.

Hợp tác thương mại với Lào, Campuchia tăng 15%

Chiều 23/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp với lãnh đạo các bộ, ngành, các tập đoàn, công ty lớn để đánh giá kết quả thực hiện các hiệp định, thỏa thuận cấp cao Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.

Các đại biểu đã bàn nhiều giải pháp thúc đẩy tiến độ các chương trình, dự án hợp tác với hai nước trong năm 2019, đạt kết quả thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu.

Ba Thủ tướng tại Lễ ký kết Tuyên bố chung Việt Nam - Lào - Campuchia và Họp báo ngày 31-3-2018. Ảnh: REUTERS

Cuộc họp nhận định, mặc dù tình hình quốc tế, khu vực có nhiều biến động, nhưng hợp tác thương mại giữa Việt Nam với Lào và Campuchia trong 8 tháng của năm 2019 tăng 15%, dự báo đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Hợp tác đầu tư, năng lượng, giao thông, giáo dục - đào tạo, văn hóa… cũng đạt nhiều kết quả tích cực.

Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra, khắc phục sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 23/9, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 8566/VPCP-NN về việc kiểm tra khắc phục sạt lở và ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Công văn nêu rõ: Tiếp theo đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển ở Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn cùng với lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo địa phương khẩn trương kiểm tra đánh giá về tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, công tác khắc phục, bảo đảm an toàn tính mạng, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân tại các khu vực bị sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Phía Đông của Đất Mũi đang có sự xâm lấn ngày càng mạnh mẽ của biển vào đất liền. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, các nghiên cứu đánh giá về thực trạng, nguyên nhân, dự báo nguy cơ sạt lở (đã và đang thực hiện), các bộ, ngành, địa phương đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài để xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở ven sông, ven biển nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, ổn định đời sống, sản xuất của người dân, đồng thời có phương án chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 nhằm chủ động ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước có thể xảy ra tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Khan hiếm dung dịch cao phân tử điều trị sốt xuất huyết

Thông tin tại một số bệnh viện khu vực phía Nam cho biết, dịch cao phân tử 6% điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, sốc đang cạn kiệt và chưa có nguồn cung ổn định.

Các bác sĩ Bệnh viện Sản nhi An Giang thăm khám cho một bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. (Ảnh: TTXVN)

Theo phác đồ điều trị sốt xuất huyết, dung dịch cao phân tử được chỉ định chống sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Ngay khi có tình trạng khan hiếm sở y tế các tỉnh phía Nam đã có công văn gửi Cục quản lý Dược và Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế để tìm giải pháp thay thế trong phác đồ điều trị và thuốc liên quan.

Trước nguy cơ thiếu thuốc, Cục quản lý Dược đã yêu cầu các cơ sở nhập khẩu, cơ sở kinh doanh liên hệ với nhà sản xuất nước ngoài để tìm nguồn cung ứng thuốc; hướng dẫn các cơ sở lập hồ sơ nhập khẩu trong trường hợp nhà sản xuất không thể cung ứng thuốc có số đăng ký tại Việt Nam để Cục xem xét, cấp phép nhập khẩu nhằm đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu của các cơ sở khám, chữa bệnh. Cục cũng cho biết, điều lo ngại hiện nay là hãng cung cấp sản phẩm dung dịch cao phân tử điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đã tuyên bố ngừng sản xuất.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 24/9/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.