Thứ sáu, 19/04/2024 21:15 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 19/9/2019

MTĐT -  Thứ năm, 19/09/2019 08:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 19/9/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 19/9/2019 trong nước và thế giới.

Khai mạc Diễn đàn thường niên về Cải cách và phát triển Việt Nam 2019

Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2019 (VRDF 2019) với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động” chính thức diễn ra tại Hà Nội và kéo dài trong suốt cả ngày hôm nay, 19/9.

Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển Việt Nam đầu tiên năm 2018 (VRDF 2018) là sự tiếp nối và kế thừa Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) trước đây nhưng nội dung mang tính bao trùm hơn, bao gồm cả các vấn đề về cải cách và các vấn đề về phát triển của Việt Nam, với sự tham gia rộng rãi hơn của các nhà hoạch định chính sách, các đối tác phát triển, các chuyên gia trong và ngoài nước, khu vực tư nhân… và dự kiến sẽ được tổ chức thường niên, trước mắt trong các năm 2018 - 2021.

Tiếp nối thành công của VRDF 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng cho phép phối hợp với WB và các đối tác phát triển của Việt Nam để tổ chức VRDF 2019.

Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2018

Tham dự diễn đàn dự kiến có đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương; các chuyên gia, học giả hàng đầu trên thế giới; đại diện một số quốc gia trong khu vực và thế giới có kinh nghiệm liên quan đến chủ đề diễn đàn; đại diện các đối tác phát triển của Việt Nam; đại diện các doanh nghiệp, các tập đoàn trong nước và nước ngoài; các chuyên gia, học giả và đại diện một số cơ quan nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước.

Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không chỉ tham dự và phát biểu mà sẽ còn dành thời gian thảo luận trực tiếp với các đại biểu tham dự diễn đàn.

Đáng chú ý, VRDF 2019 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị kết thúc Chiến lược phát triển kinh tế - Xã hội 10 năm lần thứ ba của mình cho thời kỳ 2011-2020 để bước sang một thập kỷ, kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội phát triển mới đi liền với nhiều thách thức lớn.

Do đó, VRDF 2019 được tổ chức sớm hơn VRDF 2018 nhằm mục đích thu nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong nước và quốc tế có uy tín cho nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2020, phương hướng và nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 dự kiến trình Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 (Khóa XII) vào tháng 10 tới.

Đồng thời, VRDF 2019 sẽ cung cấp đầu vào cho việc xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 thông qua việc đề xuất các ưu tiên, các trọng tâm cải cách và phát triển cho giai đoạn phát triển tới của đất nước.

Chủ đề và nội dung của VRDF 2019 được lựa chọn mang tính bao trùm hơn, bao gồm cả các vấn đề về cải cách thể chế kinh tế thị trường, đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và ưu tiên và hành động vì một Việt Nam thịnh vượng.

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

"Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" - chủ đề triển lãm ảnh vừa chính thức khai mạc vào chiều 18/9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Triển lãm do Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức.

Với 400 bức ảnh được trưng bày, giới thiệu, triển lãm đã phác họa sinh động, đậm nét về MTTQ Việt Nam - nơi tập hợp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là cầu nối vững chắc giữa các tầng lớp nhân dân trên mọi miền đất nước và kiều bào ở nước ngoài với Đảng và Nhà nước.

Không gian trưng bày triển lãm được thiết kế theo các chủ đề: Hình ảnh các vị Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ và các kỳ Đại hội MTTQ Việt Nam; Các chủ đề theo 05 chương trình hành động đại hội của MTTQ Việt Nam khóa VIII (nhiệm kỳ 2014 - 2019); Hoạt động của MTTQ Việt Nam tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc và hoạt động của các tổ chức thành viên.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. (Nguồn: baochinhphu.vn)

Thông qua triển lãm "Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" giúp cho mỗi người dân trên mảnh đất hình chữ S càng thêm tự hào, tin tưởng và ra sức đóng góp sức mình để tiếp tục xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Bảo đảm xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng hướng tới mục tiêu 'không giấy tờ'

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng.

Để tăng cường xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hệ mật) trên môi trường mạng bảo đảm an toàn thông tin, tránh lộ lọt dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình tiếp nhận, xử lý, phát hành, quản lý văn bản và xử lý công việc của cơ quan. Lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ phù hợp thực hiện nâng cấp, hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản và điều hành, tích hợp giải pháp dịch vụ ký số cá nhân, tổ chức của Ban Cơ yếu Chính phủ (Bộ Quốc phòng) bảo đảm xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng hướng tới mục tiêu bộ, ngành, địa phương “không giấy tờ”.

Đồng thời khẩn trương rà soát, đăng ký nhu cầu sử dụng chứng thư số cho cơ quan, tổ chức, cá nhân là lãnh đạo cấp vụ, cục, sở và tương đương trở lên gửi Ban Cơ yếu Chính phủ (Bộ Quốc phòng) để cấp phát chứng thư số phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử, xử lý công việc trên môi trường mạng tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 23/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Các bộ, ngành, địa phươg chủ trì, phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ (Bộ Quốc phòng) để triển khai các giải pháp bảo mật, tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành và trên thiết bị di động phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử bảo đảm bảo mật và an toàn thông tin. Bố trí đầy đủ thiết bị, giải pháp để triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin phù hợp với cấp độ an toàn của Hệ thống quản lý văn bản và điều hành theo quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 7/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 03/2017/TT-BTTTT ngày 24/4/2017, công văn số 3001/BTTTT-CATTT ngày 6/9/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin cho Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của cơ quan, tổ chức nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông; chịu trách nhiệm nếu để lộ lọt thông tin trong quá trình gửi, nhận văn bản điện tử, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, đánh giá an ninh mạng, an toàn thông tin hệ thống quản lý văn bản và điều hành.

Ngày 31/7/2019, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam đã diễn tập quốc gia về ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng năm 2019 với chủ đề "Xử lý rò rỉ thông tin và điều tra, xác định nguồn gốc tấn công". Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Các bộ, ngành, địa phương ưu tiên bố trí kinh phí hoàn thành việc nâng cấp hệ thống quản lý văn bản và điều hành phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng trước ngày 30/6/2020 theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gương mẫu trong sử dụng chữ ký số cá nhân phê duyệt các hồ sơ, văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường mạng. Văn phòng Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc tại Văn phòng Chính phủ bảo đảm việc gửi, nhận văn bản điện tử theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ; chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, triển khai với các bộ, ngành, địa phương có yêu cầu.

Phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ và các cơ quan liên quan bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, hoạt động thông suốt, ổn định của Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ theo quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ. Bộ Nội vụ trong tháng 9/2019, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 về công tác văn thư để bảo đảm hành lang pháp lý cho việc gửi, nhận, xử lý và lưu trữ văn bản điện tử trên môi trường mạng theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan liên quan thường xuyên giám sát, kiểm tra đánh giá an toàn thông tin hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia.

Điều phối huy động ứng phó, khắc phục sự cố an toàn thông tin mạng trên Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; kiểm soát quá trình vận hành, bảo đảm đường truyền Mạng Truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước hoạt động thông suốt, ổn định đáp ứng yêu cầu gửi, nhận văn bản điện tử theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn thông tin cho Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của bộ, ngành, địa phương theo quy định của pháp luật.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan thẩm định các điều kiện bảo đảm an ninh mạng, thường xuyên kiểm tra, giám sát an ninh mạng; kiểm tra an ninh, an toàn thông tin các thiết bị công nghệ thông tin, điện - điện tử trước khi đưa vào sử dụng; ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ.

Ban Cơ yếu Chính phủ (Bộ Quốc phòng) chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai cấp phát đầy đủ chứng thư số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 23/01/2019 và triển các giải pháp mã hóa dữ liệu, tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành, thiết bị di động phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia bảo đảm bảo mật và an toàn thông tin.

Người huyện nghèo đi xuất khẩu lao động được vay 100% vốn ưu đãi

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 27/2019/QĐ-TTg về tín dụng đối với người lao động tại huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2020.

Cụ thể, điều kiện cho vay gồm: Người lao động có hộ khẩu thường trú từ 12 tháng trở lên tại các huyện nghèo, có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; người lao động được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc và đã ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp theo quy định của pháp luật.

Một buổi giao dịch cho vay tại điểm giao dịch xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Mức vốn vay tối đa bằng 100% chi phí người lao động đóng theo hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã ký với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp theo quy định pháp luật. Người lao động được vay vốn theo quy định nêu trên mà không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.

Về lãi suất cho vay, người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được vay với lãi suất bằng 50% vay vốn đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định; người lao động khác tại huyện nghèo được vay bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% so với lãi suất vay vốn quy định nêu trên.

Thời hạn cho vay không quá thời gian làm việc ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp theo quy định pháp luật.

Ngân hàng Chính sách xã hội thỏa thuận với người lao động về việc trả gốc nhưng tối đa không quá 12 tháng/lần. Trường hợp đến hạn, người lao động không trả được nợ thì Ngân hàng Chính sách xã hội theo dõi vào kỳ tiếp theo. Lãi tiền vay được thu theo kỳ hạn đã thỏa thuận trong Hợp đồng tín dụng hoặc Sổ vay vốn. Trường hợp, người lao động có nhu cầu trả lãi theo tháng thì Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện thu theo đề nghị của người lao động. Ngân hàng Chính sách xã hội xử lý nợ rủi ro vốn vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định pháp luật.

Quyết định cũng quy định cụ thể việc lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt vốn vay. Theo đó, người lao động lập hồ sơ vay vốn gửi trực tiếp hoặc thông qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đến Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện, nơi người lao động có hộ khẩu thường trú.

Hồ sơ vay vốn bao gồm: Một bản chính Giấy đề nghị vay vốn (theo Mẫu số 1 hoặc Mẫu số 2 kèm theo Quyết định này), có xác nhận của UBND cấp xã về đối tượng được hưởng chính sách tín dụng theo quy định tại Quyết định này; một bản sao công chứng hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động với doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp theo quy định pháp luật; một bản sao công chứng hộ chiếu của người lao động còn đủ thời hạn để thực hiện hợp đồng đã ký với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp theo quy định pháp luật.

Trong thời 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện thẩm định và phê duyệt. Trường hợp không phê duyệt, phải có văn bản gửi người lao động nêu rõ lý do.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/10/2019 và được thực hiện giải ngân đến hết ngày 31/12/2020. Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/10/2019.

Người lao động đã vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg trước ngày 25/10/2019, đang trong thời hạn vay thì tiếp tục thực hiện theo hợp đồng vay vốn đã ký kết. Trường hợp người lao động đã ký kết hợp đồng lao động đi làm việc ở nước ngoài trước ngày 25/10/2019 nhưng chưa vay vốn, được thực hiện cho vay theo quy định tại Quyết định này.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 19/9/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...