Thứ sáu, 19/04/2024 08:52 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 18/9/2019

MTĐT -  Thứ tư, 18/09/2019 13:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 18/9/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 18/9/2019 trong nước và thế giới.

Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam diễn ra từ ngày 18-20/9

Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX sẽ diễn ra từ ngày 18-20/9/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội. Chủ đề của Đại hội là “Đoàn kết – Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”.

Đại hội có sự tham dự của 1.300 đại biểu, trong đó 999 đại biểu chính thức; 32,63% đại biểu là nữ; 49,74% đại biểu là người ngoài Đảng; 28,31% đại biểu là người dân tộc thiểu số; đại biểu tôn giáo chiếm 19,22%... Dự kiến, số lượng Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX là 385 vị. Đoàn Chủ tịch dự kiến có 62 vị.

Trong khuôn khổ Đại hội, ngày 18/9, Đoàn Chủ tịch, các Trưởng đoàn đại biểu và đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài sẽ vào Lăng đặt hoa viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ; khai mạc triển lãm trưng bày hình ảnh khối đại đoàn kết dân tộc và kết quả công tác Mặt trận nhiệm kỳ 2014 - 2019.

Đại hội tiến hành phiên làm việc đầu tiên, hiệp thương cử Đoàn Chủ tịch và Đoàn Thư ký của Đại hội; thông qua Chương trình và Quy chế làm việc của Đại hội; thảo luận Báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2014 - 2019…

Các đại biểu bắt đầu tiến vào hội trường chính nơi sẽ chính thức diễn ra Đại hội

Ngày 19/9, Đại hội chính thức khai mạc với sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đại hội sẽ nghe và thảo luận, đóng góp ý kiến vào Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII trình Đại hội. Các đại biểu sẽ tiến hành thảo luận theo chuyên đề tại 5 trung tâm của Đại hội.

Ngày 20/9, sau phần tham luận của các đại biểu, trong buổi sáng, Đại hội sẽ thảo luận và thông qua Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX; hiệp thương cử Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024; tổ chức Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Buổi chiều, sau phần báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận tại Đại hội, các đại biểu nghe Thường trực Chính phủ phát biểu về tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Báo cáo kết quả Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024; công bố danh sách Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực và các chức danh trong Ban Thường trực; ra mắt Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX. Đại hội ra Lời kêu gọi và thông qua Nghị quyết Đại hội, sau đó tiến hành phiên bế mạc.

Ngay sau khi bế mạc Đại hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX sẽ tổ chức họp báo thông báo kết quả Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX. Tối 20/9, chương trình Liên hoan văn nghệ chào mừng thành công Đại hội sẽ được tổ chức tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội.

Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị cho nguyên Đại sứ Pháp

Trong buổi lễ kỷ niệm 74 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức tối 16/9, ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã thay mặt Chủ tịch nước trao Huân chương Hữu nghị cho Đại sứ Bertrand Lortholary, người vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2016-2019 tại Việt Nam.

Phần thưởng cao quý này là một đánh giá cao của Việt Nam cho những nỗ lực to lớn của Đại sứ Bertrand Lortholary, với vai trò làm cầu nối quan trọng, góp phần tích cực vào việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá cao những đóng góp của ông Bertrand Lortholary trong việc tăng cường, củng cố quan hệ Việt Nam - Pháp, đặc biệt trong việc thu xếp, thúc đẩy trao đổi đoàn Lãnh đạo cấp cao hai nước. Năm 2018 là năm đầu tiên trong lịch sử quan hệ hai nước đã có 2 chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai nước trong cùng năm. Đó là chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (trên cương vị Tổng Bí thư) và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe, tạo nền tảng để hai bên tăng cường trao đổi cấp cao, thúc đẩy mạnh mẽ giao lưu, hợp tác giữa các ngành, các cấp, mở đường cho nhiều dự án hợp tác hiệu quả.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải (bên phải) trao Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước tặng Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary. Ảnh do ĐSQ cung cấp

Tháng 4/2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp tại Pháp và hội nghị đã thành công tốt đẹp, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp phát triển toàn diện hơn.

Trao đổi thương mại hai nước năm sau cao hơn năm trước và năm ngoái đạt 5,1 tỷ Euro, hiện có hơn 300 doanh nghiệp Pháp đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Cộng đồng người Pháp sinh sống, làm việc tại Việt Nam không ngừng gia tăng về số lượng (12.000 người); và ngược lại, số lượng thị thực Pháp cấp cho công dân Việt Nam tăng 65% trong năm 2018 và đến thời điểm hiện tại tăng 50%, trong đó có rất nhiều thị thực liên quan đến kinh doanh, không chỉ là du lịch.

Hợp tác giáo dục, đào tạo, y tế, môi trường, trao đổi văn hóa và các hoạt động hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác giữa hai nước vẫn hết sức phong phú và sôi động. Hiệp định EVFTA-IPA được ký vào cuối tháng 6/2019 sẽ mở ra những có hội hợp tác mới giữa Việt Nam và Pháp nói riêng cũng như đối với châu Âu nói chung.

Thay mặt Chủ tịch nước, ông Hoàng Trung Hải đã trao Huân chương Hữu nghị cho Đại sứ Bertrand Lortholary; đồng thời bày tỏ hy vọng, với cương vị mới, ông Bertrand Lortholary sẽ tiếp tục đóng góp, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.

Về phần mình, Đại sứ Bertrand Lortholary bày tỏ vinh dự và xúc động khi nhận Huân chương Hữu nghị của Việt Nam. Ông nhấn mạnh rằng 3 năm trên cương vị Đại sứ Pháp tại Việt Nam đã cho phép ông góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương. Hai quốc gia có những liên hệ lâu đời về lịch sử, văn hóa, nhiều lợi ích tương đồng và tiềm năng lớn để mở rộng và tăng cường hợp tác.

Năm 2018 đánh dấu kỷ niệm 45 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược, cũng là lần đầu tiên đã có hai chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước trong cùng một năm.

Chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp tại Toulouse tháng 4/2019 là sự tiếp nối những nỗ lực thúc đẩy, đưa quan hệ song phương lên những bước phát triển mới, ông nhấn mạnh.
Cũng tại lễ kỷ niệm Quốc khánh, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp đã trao giải thưởng cho 3 nhà báo và nhiếp ảnh gia Pháp – đạt 2 giải nhì và 1 giải ba trong khuôn khổ của Cuộc thi Quốc gia các tác phẩm báo chí nước ngoài viết về Việt Nam năm 2018.

Được biết, cuộc thi đã thu hút 1.000 tác giả đã thực hiện các tác phẩm với 8 thể loại báo chí, thể hiện tình cảm yêu mến đất nước và con người Việt Nam bằng 13 thứ tiếng. Ban giám khảo đã chọn ra 90 tác phẩm xuất sắc, trong đó có 8 giải nhất, 17 giải nhì, 25 giải ba và 10 giải khuyến khích. Đặc biệt, có 3 giải dành cho các tác giả người Pháp.

Trong đó, 1 giải nhì dành cho nhà báo Julie Hamaide (tạp chí KOI) với tác phẩm 'Miền Bắc Việt Nam - trở lại nơi yên bình" (Nord Vietnam - retour vers la quiétude), 1 giải nhì khác dành cho nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet, người đang sống và làm việc tại Việt Nam, với cuốn sách ảnh có tiêu đề "các ngôi chùa Việt Nam" (pagodes du Vietnam), 1 giải ba dành cho nhà báo Jean-Louis Tremblais của báo Le Figaro với tác phẩm "Từ Hà Nội tới Hạ Long, trên con đường tìm lại ký ức Pháp" (De Hanoi a Halong, à la recherche du souvenir francais).

Thủ tướng phê chuẩn ông Phan Trọng Tấn giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Minh Châu tặng hoa chúc mừng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Trọng Tấn tại phiên họp bất thường HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Tại Quyết định 1196/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Phan Trọng Tấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Thanh Sơn.

Trước đó ngày 23/8, HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã tổ chức phiên họp bất thường để quyết định công tác nhân sự HĐND tỉnh, UBND tỉnh và thông qua một số nghị quyết chuyên đề thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh.

Tại kỳ họp, các đại biểu đã nhất trí bầu ông Phan Trọng Tấn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Sơn giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ khóa 2016-2021 với số phiếu tín nhiệm đạt 100%.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất giảm giờ làm xuống 44 giờ/tuần

Chiều 17/9, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu quan điểm về vấn đề thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Phó ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho hay, theo số liệu khảo sát của tổ chức Lao động Quốc tế, hiện nay Việt Nam nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần cao nhất thế giới (từ 48 giờ/tuần trở lên), cùng với khoảng 40 nước khác; chỉ ít hơn 2 nước là Kennya và Seychelles (trên 48 giờ/tuần). Việt Nam cũng nằm trong nhóm nước có số ngày nghỉ phép năm khởi điểm ít nhất thế giới (12 ngày), ngang bằng với 8 nước; nhiều hơn 31 nước và ít hơn 110 nước. Hiện nay, số ngày nghỉ lễ, tết của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực.

Việt Nam hiện nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần cao nhất thế giới (từ 48 giờ/tuần trở lên). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất, đảm bảo tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhưng duy trì được sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội của người lao động.

Nhiều cuộc khảo sát, điều tra đời sống công nhân lao động của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) và của các tổ chức khác cho thấy rõ ảnh hưởng xấu của thời giờ làm việc kéo dài đến cuộc sống của người lao động từ mất cơ hội tìm bạn đời, thể hiện tình cảm, quan tâm chăm sóc giữa vợ - chồng đến thực hiện trách nhiệm chăm sóc con cái, tác động đặc biệt lớn đến nhóm lao động có con nhỏ.

"Giảm giờ làm sẽ đảm bảo hài hòa với các yếu tố sức khỏe, xã hội, có thể tăng số lượng lao động tham gia vào thị trường lao động, tạo điều kiện để người lao động có thêm thời gian tái tạo sức lao động, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, hướng tới việc làm bền vững", ông Lê Đình Quảng cho biết.

Trước thực tế đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị xem xét giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ “48 giờ trong một tuần” xuống “44 giờ trong một tuần”.

Tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng đề xuất tăng thêm một số ngày nghỉ trong năm và đề xuất 2 phương án: Phương án 1: Nghỉ Quốc khánh 4 ngày từ 2 - 5/9 hàng năm (phương án này ngoài mang lại lợi ích chung cho tất cả mọi người, còn giúp các gia đình trẻ có thời gian, điều kiện chuẩn bị cho con bước vào năm học mới, bố mẹ đưa con đến trường trong ngày khai giảng năm học). Phương án 2: Nghỉ 1 ngày vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và 2 ngày thêm vào ngày nghỉ Tết dương lịch.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 18/9/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?
Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.