Thứ sáu, 29/03/2024 01:04 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 1/8/2019

MTĐT -  Thứ năm, 01/08/2019 11:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 1/8/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 1/8/2019 trong nước và thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Thụy Điển

Chiều 31/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg, tới chào nhân kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Đại sứ đã có nhiệm kỳ rất thành công tại Việt Nam với hoạt động thiết thực trên nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước Việt Nam-Thụy Điển. Đặc biệt vừa qua, Đại sứ đã phối hợp với các cơ quan chức năng hai nước chuẩn bị tốt nhất cho chuyến thăm quan trọng của các nhà lãnh đạo hai nước, đó là chuyến thăm Việt Nam của Công chúa kế vị Thụy Điển và chuyến thăm chính thức Thụy Điển của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (cùng diễn ra trong tháng 5/2019).

Đại sứ Thụy Điển bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam đã hỗ trợ Đại sứ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ của mình. Ông cho biết, thời gian ở Việt Nam đối với ông rất đặc biệt và đánh giá cao Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam đều muốn thúc đẩy quan hệ với Thụy Điển. Đại sứ cho rằng, quan hệ hai nước đã phát triển tốt đẹp trong suốt 50 năm qua và tin tưởng sẽ phát triển tốt đẹp trong 50 năm tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Thụy Điển Pereric Hogberg. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đại sứ cho biết, hiện làn sóng các doanh nghiệp Thụy Điển quan tâm tới Việt Nam rất rõ và muốn đầu tư tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Thụy Điển cũng nhận thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến thị trường nước này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ và nhân dân Việt Nam rất trân trọng tình cảm mà Chính phủ và nhân dân Thụy Điển dành cho Việt Nam trước đây và ngày nay, đồng thời cảm ơn Thụy Điển đã có nhiều viện trợ cho Việt Nam trong nhiều năm qua.

Nhắc lại việc Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Thủ tướng trân trọng cảm ơn Thụy Điển đã ủng hộ Việt Nam, đồng thời đánh giá cao Thụy Điển thúc đẩy EU thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Thủ tướng mong muốn Chính phủ Thụy Điển tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, nhất là thương mại và đầu tư. Dù đầu tư của Thụy Điển vào Việt Nam đã tăng gấp 3 kể từ năm 2017 (đạt gần 370 triệu USD) và kim ngạch thương mại đã đạt khoảng 1,5 tỷ USD vào năm ngoái, nhưng Thủ tướng cho rằng, những con số này chưa tương xứng với tiềm năng. Thủ tướng đề nghị hai bên thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong các lĩnh vực này, nhất là về đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ.

Với nền tảng quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, Thủ tướng mong muốn hai nước thúc đẩy giao lưu nhân dân hơn nữa, làm nền tảng quan trọng thúc đẩy quan hệ trong các lĩnh vực khác.

Nhân dịp này, Thủ tướng gửi lời thăm đến Thủ tướng Thụy Điển và mong muốn chào đón Thủ tướng Thụy Điển thăm Việt Nam.

35 tác phẩm đoạt Giải báo chí đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí lần 2

Các tác phẩm đã được chọn lựa trong tổng số hơn 1.000 tác phẩm thuộc các thể loại để trao giải vào tối 15/8 tới đây.

Giải Báo chí toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí" lần thứ hai năm 2018- 2019 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức.

Toàn cảnh cuộc họp Ban chỉ đạo, Ban tổ chức Giải.

Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo, Ban tổ chức Giải, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị rà soát lại lần cuối các tác phẩm đã được lựa chọn để đảm bảo sự xứng đáng, công tâm, khách quan.

Đánh giá cao các tác giả, tác phẩm dự giải lần này, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ luôn đồng hành, chia sẻ với các cơ quan thông tấn báo chí và tiếp tục bảo vệ những người làm báo để mỗi nhà báo không đơn độc và luôn thể hiện được bản lĩnh của mình trước cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt này.

Lạng Sơn giảm 26 đơn vị cấp xã

Ngày 31/7, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức cuộc họp xem xét Đề án về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2021.

Theo Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021, Lạng Sơn sẽ tiến hành sắp xếp 51 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 9/11 đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Tổng số đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Lạng Sơn sau sắp xếp là 200 đơn vị, giảm 26 đơn vị so với trước khi sắp xếp.

Việc sắp xếp, sáp nhập được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo công khai, dân chủ, theo đúng trình tự, thủ tục, quy định pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Hình ảnh tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Báo Yên Bái)

Tại hội nghị UBND tỉnh Lạng Sơn, ngày 31/7, các đại biểu nhất trí cao với dự thảo Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính của UBND tỉnh. Nhiều đại biểu nêu ý kiến việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã cần có hướng dẫn cụ thể về đảm bảo chế độ chính sách đối với các cán bộ, công chức tại các đơn vị sau sắp xếp, đặc biệt là vị trí việc làm của các cán bộ, công chức, viên chức dôi dư và cần quy định số lượng người làm việc tại các đơn vị hành cấp xã mới.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có định hướng cho việc đặt tên mới cho xã, vị trí đặt trụ sở mới, quản lý sử dụng các trụ sở cũ sau sắp xếp... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.

Ngoài ra, các đại biểu cũng kiến nghị, đối với các xã mới sát nhập từ 3 đến 4 xã cũ, tỉnh cho phép được thêm các phó chủ tịch nhằm đảm bảo xử lý công việc được thuận lợi.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, lãnh đạo tỉnh sẽ quan tâm tạo mọi điều kiện như bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện đề án; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương, khen thưởng các địa phương làm tốt để việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã đạt hiệu quả cao nhất.

Các bộ trưởng ASEAN quan ngại diễn biến trên Biển Đông

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52), chiều 31/7, tại Bangkok, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng Ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc.

Tại hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc đã thẳng thắn trao đổi về những diễn biến gần đây tại khu vực, trong đó có tình hình Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy tin cậy, tăng cường xây dựng lòng tin, đảm bảo hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng các Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc, ngày 31/7/2019, tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Báo Quốc tế

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982. Các nước ASEAN cam kết duy trì tiếp tục nỗ lực thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ những tiến triển trong đàm phán COC, song cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có hoạt động của Tàu khảo sát HD-08 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Phó thủ tướng nhấn mạnh những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Luật biển 1982.

Phó Thủ tướng cho rằng các hành động như vậy đe dọa nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực. Phó Thủ tướng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình; tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, sớm hoàn tất COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Phó thủ tướng đề nghị ASEAN giữ vững đoàn kết và tiếng nói chung, tái khẳng định các nguyên tắc và cam kết đối với hòa bình và ổn định, lên tiếng kêu gọi kiềm chế, không có các hành động đơn phương làm phương hại tiến trình đối thoại và hợp tác khu vực, cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven biển.

Bên cạnh đó, tại các Hội nghị liên quan, trong các cuộc gặp song phương trong khuôn khổ Hội nghị AMM-52, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và các đối tác đã trao đổi về các vấn đề an ninh khu vực, chia sẻ thông tin về tình hình Biển Đông hiện nay cũng như quan điểm giải quyết các vấn đề bằng các biện pháp hoà bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982.

Các nước ghi nhận quan ngại của Việt Nam, nhất trí cần đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế, kiềm chế, không có hành động làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho các nỗ lực đối thoại và xây dựng lòng tin, ủng hộ lập trường nguyên tắc và vai trò của ASEAN trong đóng góp duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 1/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.