Thứ năm, 28/03/2024 15:46 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 12/9/2019

MTĐT -  Thứ năm, 12/09/2019 09:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 12/9/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 12/9/2019 trong nước và thế giới.

Khai mạc Hội nghị 'Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019'

Sáng 9/9, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019”.

Hội nghị nhằm tăng cường kết nối và phát huy hơn nữa vai trò của các Cơ quan đại diện ngoại giao của các quốc gia Trung Đông - châu Phi tại Việt Nam. Đồng thời, Hội nghị còn tạo diễn đàn đối thoại, trao đổi trực tiếp giữa các Cơ quan đại diện ngoại giao khu vực với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam về các biện pháp cụ thể thúc đẩy hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa hai bên.

Phát biểu tại Phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường khẳng định, sự hiện diện của các đại sứ, đại biện từ các quốc gia Trung Đông và châu Phi, các đại diện đại sứ quán, các tổ chức phát triển, tổ chức quốc tế và khu vực, đại diện bộ, ngành Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp hai bên tại cuộc gặp mặt lần này đã cho thấy cam kết cao giữa hai bên về việc thúc đẩy hợp tác nhiều mặt.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh, vượt qua sự xa cách về địa lý, rào cản ngôn ngữ, Việt Nam và các quốc gia Trung Đông - châu Phi đã liên kết với nhau trên nền tảng giá trị cùng chia sẻ, tạo nên quan hệ hợp tác hữu nghị vững chắc. Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi cũng đã dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ vô tư, chí tình trong sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa, cũng như sự đồng lòng, quyết tâm thúc đẩy hợp tác, cùng nhau chia sẻ các giá trị nhằm tạo nên thành quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển chung của mỗi quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường phát biểu khai mạc. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 69/70 quốc gia Trung Đông - châu Phi. Hơn 200 văn kiện đã được ký kết, tạo khung pháp lý thuận lợi cho quan hệ hợp tác nhiều mặt. Về thương mại, từ năm 2010 đến nay, kim ngạch trao đổi hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông - châu Phi đã tăng thêm 3,5 lần, từ 5 tỷ USD lên 18 tỷ USD.

Hoạt động đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp hai bên đạt bước tiến đáng khích lệ, đạt trên 5 tỷ USD, trong đó đáng chú ý là các dự án đầu tư viễn thông của Việt Nam tại một số quốc gia châu Phi, giúp người dân khu vực châu Phi tiếp cận dịch vụ viễn thông, mở rộng cơ hội kết nối số toàn cầu. Hợp tác về lao động, nông nghiệp, năng lượng, giao thông, trao đổi chuyên gia cũng là những điểm sáng trong hợp tác giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông - châu Phi. Những kết quả đó đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam cũng như nhiều quốc gia Trung Đông - châu Phi, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân mỗi nước.

Đến nay, Việt Nam đã thu hút được 340 tỷ USD vốn FDI cam kết từ 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hội nhập kinh tế quốc tế cũng được triển khai sâu rộng với mạng lưới 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những FTA thế hệ mới quan trọng như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường khẳng định, Việt Nam là một người bạn chung thủy, đối tác có trách nhiệm trong hợp tác kinh tế, chính trị với nhiều đối tác trong khu vực Trung Đông, châu Phi. Tuy nhiên, kết quả hợp tác kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của người dân và lãnh đạo hai bên. Tỷ trọng trao đổi thương mại giữa Việt Nam và khu vực rộng lớn của 70 quốc gia với 1,6 tỷ dân, trải dài trên 36 triệu km2 hiện chỉ chiếm 3,5% trên tổng số 480 tỷ USD xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2018, khiêm tốn so với quy mô kinh tế và tốc độ tăng trưởng của hai bên.

Cho rằng hai bên cần thúc đẩy hợp tác quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường tin tưởng, quan hệ kinh tế giữa hai bên sẽ không dừng lại ở hợp tác thương mại mà còn tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển những lĩnh vực thế mạnh của mỗi bên, nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chuỗi giá trị, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân nói chung.

Thay mặt 44 vị đại sứ, đại biện, đại diện các nước Trung Đông - châu Phi dự Hội nghị, Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam Mahmoud Hasan Nayel bày tỏ vinh dự khi được tham dự Hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019”; khẳng định, buổi gặp mặt phản ánh kỳ vọng của Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi trong hợp tác cùng nhau phát triển, dựa trên năng lực và ưu tiên của hai bên.

Nhấn mạnh châu Phi, châu lục với thị trường 1,2 tỷ dân, có nhiều tiềm năng chưa được khai thác, Đại sứ Mahmoud Hasan Nayel cho rằng, các quốc gia trong châu lục này đều mong muốn có bước phát triển để tạo nên thịnh vượng. Tuy nhiên, khu vực này đang chịu nhiều thách thức như: Không có sự kết nối và nền tảng số, thiếu nền tảng cơ sở hạ tầng... Các quốc gia cần chung tay để xử lý những thách thức trên dựa trên các nguyên tắc để giải quyết các vấn đề của khu vực.

Theo Đại sứ Mahmoud Hasan Nayel, các nước cần cùng nhau đưa ra một chương trình hành động với ưu tiên là ký kết được những hiệp định tự do thương mại trong châu Phi để khai thác tiềm năng của thị trường này.

Đại sứ Mahmoud Hasan Nayel cho biết, hiện đã có 27 nước thông qua hiệp định thương mại tự do với châu Phi, trong đó phải kể đến các nước: Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, cũng như đặt nền móng cho sự hợp tác với những quốc gia khác đang trong giai đoạn phát triển như Việt Nam. Tổng kim ngạch hai chiều trong năm 2018 giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi đã vượt qua con số 17 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2017. Điều này cho thấy tiềm năng hợp tác rất lớn giữa hai bên.

Với vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới, cùng với đó là vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam có vị thế phù hợp để củng cố sự thịnh vượng, phát triển bền vững và tôn trọng lẫn nhau ở khu vực này. Đại sứ Mahmoud Hasan Nayel đánh giá, hai bên có thể hợp tác hiệu quả ở các lĩnh vực tiềm năng như: Nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, viễn thông và đặc biệt là lĩnh vực năng lượng, lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác phát triển giữa hai bên.

Đại sứ Mahmoud Hasan Nayel hy vọng Hội nghị sẽ là buổi thảo luận thực sự có kết quả, hữu ích với các bên, đem lại triển vọng hợp tác thực chất với Việt Nam cũng như khu vực Trung Đông - châu Phi.

Ngay sau Phiên khai mạc, các đại biểu dự Hội nghị đã dự Phiên họp tổng quan. Chiều nay, Hội nghị sẽ bước vào Phiên hợp tác kinh tế “Nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Đông - châu Phi”.

Khai mạc Liên hoan văn hóa cồng chiêng Bình Ðịnh

Đêm khai mạc liên hoan đã đọng lại trong lòng người xem về một không gian văn hóa cồng chiêng sống động và đậm đà bản sắc.

Toàn cản buổi lễ khai mạc.

Tối 11/9, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định trên 300 nghệ nhân, diễn viên đã tham dự lễ khai mạc Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Ðịnh lần thứ I, năm 2019.

Cồng chiêng luôn gắn liền với cuộc sống của đồng bào dân tộc trên địa bàn Bình Định. Việc tổ chức liên hoan này cũng được xem là biện pháp góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát huy tinh thần đoàn kết trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Bộ Y tế siết chặt truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Từ ngày 16/10/2019 tới đây, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bắt buộc phải lập hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Mới đây, Bộ Y tế cho biết vừa ban hành Thông tư số 25/2019/TT-BYT quy định việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế, có hiệu lực thi hành từ ngày 16/10/2019.

Theo Thông tư mới này, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm được thực hiện theo nguyên tắc một bước trước - một bước sau, bảo đảm theo dõi và nhận diện được công đoạn sản xuất trước và công đoạn sản xuất sau trong cơ sở sản xuất; cơ sở sản xuất, kinh doanh trước và cơ sở sản xuất, kinh doanh sau đã sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm.

Thông tư quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm phải lập hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm, lưu giữ đầy đủ thông tin về lô sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, an toàn sản phẩm, nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản và kinh doanh. Cùng đó, phải lưu trữ và duy trì hệ thống dữ liệu thông tin này tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng của lô sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo quy định khi tự phát hiện hoặc nhận được thông tin cảnh báo của tổ chức, cá nhân hay cơ quan có thẩm quyền.

Khi thiết lập hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm cơ sở kinh doanh sản phẩm thực phẩm phải tổ chức, ghi chép, lưu trữ, bảo đảm sẵn sàng trích xuất và báo cáo được các thông tin sau như tên, địa chỉ của cơ sở cung cấp sản phẩm thực phẩm cho cơ sở kinh doanh; Thông tin về loại sản phẩm thực phẩm, số lượng sản phẩm của lô sản phẩm thực phẩm đã nhập, đã bán và còn tồn ở kho cơ sở kinh doanh; Danh sách tên, địa chỉ của khách hàng, các đại lý phân phối sản phẩm thực phẩm (nếu có); số lượng sản phẩm của lô sản xuất đã nhập, đã bán và còn tồn tại kho.

Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm được thực hiện theo lô sản xuất đối với sản phẩm cần truy xuất. Bộ Y tế yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có trách nhiệm phân tích, xác định nguyên nhân gây mất an toàn đối với lô sản phẩm phải truy xuất. Trường hợp sản phẩm không đảm bảo an toàn phải thu hồi và xử lý.

Đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu đối với thợ lò

Ngày 11/9, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã làm việc với Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) về tham gia ý kiến vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) từ thực tiễn của ngành than.

Nhất trí phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án 1 của Dự thảo “Kể từ 1/1/2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035, tuổi nghỉ hưu của nam là 62 vào năm 2028”, song Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam Lê Minh Chuẩn đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của công nhân khai thác than trong hầm lò như quy định hiện hành. Như vậy, tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc khai thác than trong hầm lò được giảm 12 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường.

Quang cảnh buổi họp.

Theo đề xuất, công nhân lao động từ đủ 50 tuổi trở lên khi nghỉ việc được hưởng lương hưu nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò.

Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam lý giải: Lao động làm việc khai thác than trong hầm lò chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số lao động của tập đoàn này (hơn 21,5 ngàn người, chiếm 21,1% tổng lao động của Tập đoàn). Điều kiện làm khai thác than trong hầm lò phải làm việc trong điều kiện chật hẹp, thiếu dưỡng khí, công việc thủ công, rất nặng nhọc, nguy hiểm, chịu tác động của bụi, ồn, CO2; thường xuyên phải đối mặt với nhiều nguy cơ tai nạn lao động do lở đất đá, sập hầm, bục nước, nhiễm độc khí mê-tan và mắc các bệnh nghề nghiệp phổ biến trong ngành khai thác mỏ như bệnh bụi phổi silic, bệnh bụi phổi amiăng, bệnh điếc nghề nghiệp…

Do đặc thù nghề nghiệp đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nên tuổi đời và tuổi nghề bình quân của công nhân khai thác hầm lò thấp, rất ít thợ lò làm việc đến khi đủ điều kiện nghỉ hưu.

Thống kê chưa đầy đủ, trong 3 năm (2016 - 2018), trong tổng số gần 700 thợ lò nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, có trên 300 thợ lò nghỉ hưu trước tuổi, chiếm 45%. Độ tuổi của thợ lò nghỉ hưu sớm dao động khoảng từ 38 - 45 tuổi, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng từ đủ 20 năm đến 25 năm. Lý do khiến thợ lò nghỉ hưu sớm là sức khỏe giảm sút, tiền lương khi chuyển đổi nghề thấp, khó thích nghi chuyển sang làm các công việc khác phù hợp với sức khỏe.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đề xuất: Đối với công việc khai thác hầm lò, không giảm thời giờ làm việc tiêu chuẩn (không quá 44 giờ trong một tuần), mà giữ nguyên số giờ làm việc tiêu chuẩn như hiện nay là không quá 48 giờ trong một tuần.

Theo ông Lê Minh Chuẩn, đặc thù của ngành than phải sản xuất 3 ca liên tục trong ngày để đảm bảo sản xuất thông suốt, đảm bảo công tác an toàn vệ sinh lao động nên không thể áp dụng giảm giờ làm cho toàn bộ doanh nghiệp mà chỉ có thể áp dụng cho một số đối tượng thuộc bộ phận gián tiếp. Nếu giảm giờ làm việc, Tập đoàn sẽ cần tuyển dụng bù đắp số lượng lao động lớn trong khi tình hình tuyển dụng gặp nhiều khó khăn, dù đơn vị đã tuyển dụng lao động tại các tỉnh xa, dân tộc thiểu số song vẫn không đủ bù đắp số thợ lò nghỉ việc, bỏ việc…

Chia sẻ với khó khăn trong việc tuyển dụng thợ lò, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang băn khoăn với đề xuất của ngành than về việc không giảm giờ làm, bởi giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của thế giới. Giảm giờ làm để người lao động có điều kiện chăm sóc gia đình, tham gia các hoạt động khác của xã hội. Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, những năm qua, ngành than có nhiều cải cách khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động nên ngành than có nhiều điều kiện giảm giờ làm cho người lao động.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thông tin đến công nhân ngành than đầy đủ hơn, hoàn chỉnh hơn về chủ trương tăng dần tuổi nghỉ hưu. Đây là chủ trương có tầm nhìn lâu dài hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ứng phó với xu hướng già hóa dân số, thu hẹp dần khoảng cách về giới… Bộ luật Lao động (sửa đổi) chủ yếu hướng tới chăm lo cho người lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp thu đề xuất tuổi nghỉ hưu của ngành than. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với các lĩnh vực, ngành nghề nguy hiểm, độc hại sẽ được cơ quan làm luật xem xét điều chỉnh tùy vào từng đối tượng, từng khu vực cho phù hợp thực tiễn.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 12/9/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Tin mới

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.