Thứ năm, 11/04/2024 04:27 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 11/8/2019

MTĐT -  Chủ nhật, 11/08/2019 15:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 11/8/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 11/8/2019 trong nước và thế giới.

Tọa đàm 'Mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045'

Phục vụ cho việc biên tập Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ngày 10/8, Thường trực Tổ Biên tập Văn kiện Đại hội tổ chức tọa đàm khoa học "Mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Thường trực Tiểu ban Văn kiện chủ trì tọa đàm.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Thời gian qua, Tổ biên tập Tiểu ban Văn kiện và Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - xã hội đã nỗ lực để dự thảo các văn kiện rất quan trọng trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Như chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước: "Báo cáo Chính trị là văn kiện trung tâm của Đại hội"; trong Báo cáo Chính trị có nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, đặt trong giai đoạn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991; có nội dung đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 cũng như kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XII giai đoạn 2016-2021.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Thường trực Tiểu ban Văn kiện chủ trì tọa đàm. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Đại hội XIII chưa đặt ra vấn đề sửa đổi Cương lĩnh, song những tổng kết về mặt lý luận và thực tiễn, những đánh giá kết quả thực hiện nói trên là yếu tố quan trọng để triển khai Cương lĩnh tốt hơn, hiệu quả hơn và phù hợp với thực tiễn đang thay đổi rất nhanh chóng, để đạt được mục tiêu cao nhất mà Cương lĩnh đã đề ra là xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Việc xác định các mục tiêu phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới, tầm nhìn đến 2045 phù hợp, đảm bảo tính thực tiễn và khả thi là rất quan trọng bởi đây là cơ sở để xác định chính xác những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động của toàn Đảng, toàn dân. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề hệ trọng này vẫn còn những ý kiến khác nhau. Tựu chung có hai loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng: Từ Đại hội VIII đến nay, trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), trong các văn kiện Đại hội, một số nghị quyết Trung ương, Bộ Chính trị từ khóa IX đến khóa XII, trong ý tưởng của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010, Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020 đều nhấn mạnh mục tiêu trở thành một nước công nghiệp. Theo đó, xác định mục tiêu phấn đấu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại với ba mốc quan trọng: đến năm 2025, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030, trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần tham khảo cách phân loại các quốc gia theo xu hướng hiện nay của các tổ chức quốc tế. Các Văn kiện trình Đại hội XIII cần diễn đạt mục tiêu phù hợp với những thay đổi trong quá trình phát triển đất nước, đảm bảo tính khoa học, khả thi và thực tiễn trong đó có việc đáp ứng yêu cầu được thừa nhận bởi cộng đồng quốc tế và có thể so sánh được với mặt bằng phát triển chung của thế giới. Với cách đặt vấn đề như vậy, nhóm ý kiến thứ hai cho rằng nên xác định mục tiêu theo trình độ phát triển.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết vấn đề hệ trọng này, ngay cả giữa Đề cương Báo cáo chính trị và Đề cương Báo cáo Tổng kết thực hiện chiến lược 2011-2020, xây dựng Chiến lược 2021-2030 trình Hội nghị Trung ương 10 vừa qua vẫn còn khác nhau.

Đề cương Báo cáo chính trị của Tiểu ban Văn kiện xác định hai phương án: Phương án 1 phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045 với lộ trình theo 3 mức. Phương án 2 phấn đấu trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa với lộ trình theo 3 mức.

Đề cương Báo cáo Tổng kết thực hiện chiến lược 2011-2020, xây dựng Chiến lược 2021-2030 của Tiểu ban Kinh tế - xã hội xác định ba phương án mục tiêu, trong đó có điểm chung là: đến năm 2030 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

"Cương lĩnh đề ra mục tiêu tổng quát, cuối cùng là xây dựng chủ nghĩa xã hội, còn chúng ta đang nói đến những mục tiêu tuy dài hạn song vẫn là những mục tiêu phát triển trung gian để đạt được mục tiêu cuối cùng mà Cương lĩnh đề ra. Do vậy, cần thảo luận để triển khai thực hiện Cương lĩnh tốt hơn, hiệu quả hơn và phù hợp hơn trong giai đoạn tới" - đồng chí Nguyễn Xuân Thắng lưu ý.

Tại tọa đàm, các đồng chí Thường trực Tổ biên tập Tiểu ban Văn kiện, Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế- xã hội, nhóm tổng hợp chung, các chuyên gia đã trao đổi, thảo luận, từ đó có thêm thống nhất trong việc xác định mục tiêu, tầm nhìn phát triển đất nước trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Vườn hoa ở Nga chính thức được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo phóng viên TTXVN tại Nga, vườn hoa nằm trên phố Borishenko ở thành phố Vladivostok vừa chính thức được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo quyết định vừa được chính quyền thành phố Vladivostok công bố, vườn hoa nằm trên phố Borishenko chính thức được mang tên Hồ Chí Minh và tại đây cũng có tượng đài của vị Chủ tịch đầu tiên của nước CHXHCN Việt Nam.

Quyết định trên được ban hành sau khi vườn hoa này được được đầu tư chỉnh trang và đặt tượng đài Bác Hồ. Nơi đây đã trở thành một địa điểm nghỉ ngơi, thư giãn của người dân địa phương.

Tượng đài Hồ Chí Minh là tác phẩm của nhà điêu khắc địa phương Peter Chegodaev, mô tả hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đằng sau bục giảng, hai bàn tay đặt trên cuốn sách. Lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ đã được tổ chức long trọng vào ngày 5/7 vừa qua, với sự có mặt của lãnh đạo thành phố Vladivostok, đại diện Bộ Ngoại giao Nga, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Vladivostok Nguyễn Hoàng Việt, cán bộ – nhân viên Tổng lãnh sự quán, đại diện các hội đoàn người Việt cùng đông đảo bạn bè Nga và cộng đồng người Việt tại tỉnh Primorye.

Sự kiện này diễn ra vào dịp kỷ niệm 25 năm ngày ký Hiệp ước Về những nguyên tắc cơ bản quan hệ hữu nghị giữa LB Nga và Việt Nam, 10 năm thiết lập quan hệ giữa thành phố Vladivostok và Thành phố Hồ Chí Minh và trong khuôn khổ Năm Hữu nghị chéo Việt - Nga.

Trên 5.000 người đi bộ đồng hành vì nạn nhân chất độc da cam

Sáng 10/8, trên 5.000 người là tình nguyện viên chữ thập đỏ, nhân viên tại các doanh nghiệp, người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia đi bộ đồng hành hưởng ứng Tháng hành động “Vì nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo” năm 2019.
Đây là lần thứ 13 Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình này.

Năm nay chương trình thu hút trên 5.000 người dân tham gia hưởng ứng. Với thông điệp “Xin đừng quên họ”, thông qua chương trình đi bộ đồng hành Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng nhằm chăm lo sức khỏe, cải thiện đời sống cho các nạn nhân da cam và người khuyết tật nghèo.

Phát biểu tại chương trình đi bộ đồng hành, ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện Thành phố có 4.697 người được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng do hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học da cam. Tổng số con đẻ của nạn nhân được hưởng trợ cấp xã hội là 688 người. Bên cạnh đó, hiện Thành phố cũng có 56.644 người khuyết tật. Trong những năm qua, Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nạn nhân da cam và người khuyết tật như chăm lo sức khỏe, giáo dục đào tạo, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ giao thông công cộng, hỗ trợ sinh kế, trợ vốn ưu đãi, vận động xây dựng, sửa chữa nhà, vận động học bổng… nhằm góp phần giảm bớt đau thương, hỗ trợ cho nạn nhân da cam, người khuyết tật nghèo được ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay, trên cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng vẫn còn nhiều nạn nhân da cam, người khuyết tật gặp khó khăn trong cuộc sống, cần sự chia sẻ hỗ trợ từ cộng đồng xã hội.

Tại chương trình, Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã biểu dương các gia đình nạn nhân chất độc da cam điển hình có khát vọng vươn lên, cố gắng ổn định cuộc sống. Đồng thời tri ân những tấm lòng nghĩa tình của người dân thành phố đã quan tâm, chia sẻ với nỗi đau của các gia đình nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2018, Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức các hoạt động trợ giúp đến 2.027 lượt nạn nhân chất độc da cam bằng các hình thức như: hỗ trợ tiền; quà các dịp Lễ, Tết; hỗ trợ xe lăn, bò giống, sữa chữa nhà… với tổng giá trị trên 1 tỷ đồng.

Bộ GD&ĐT yêu cầu báo cáo vụ 3 trẻ bị bỏng nặng ở trường mẫu giáo

Bộ GD&ĐT yêu cầu Sở GD-ĐT Hà Nam cần báo cáo cụ thể sự việc trẻ mầm non bị bỏng nặng do giáo viên.

Nhóm lớp trẻ mầm non tư thục Tuổi thơ, đóng tại địa bàn xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Dân trí.

Hiện Bộ đang chờ báo cáo cụ thể của Sở GD-ĐT Hà Nam để đánh giá nguyên nhân gây thương tích cho trẻ, có chỉ đạo khắc phục. Cả 3 cháu đều bị bỏng nặng, 50 - 60% cơ thể. Các bác sĩ lo ngại các cháu phải đối diện với nguy cơ bỏng hô hấp.

Trước đó, ngày 9/8, 3 học sinh bị bỏng nặng phải nhập viện cấp cứu. Nguyên nhân là giáo viên dùng cồn đổ vào mâm làm giáo cụ rồi châm lửa để dạy trẻ, nhưng gió to làm tạt ngọn lửa cồn đang cháy vào người 3 cháu bé.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 11/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Những thực phẩm giàu vitamin A tốt cho sức khỏe
Vitamin A giữ vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng cơ thể, sức khỏe sinh sản, hệ miễn dịch, duy trì thị lực. Cung cấp đủ vitamin A cho cơ thể sẽ giúp phòng chống một số rủi ro về sức khỏe như rụng tóc, khô mắt, các vấn đề về da, quáng gà,...