Thứ ba, 23/04/2024 16:09 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 10/3/2020

MTĐT -  Thứ ba, 10/03/2020 08:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 10/3/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 10/3/2020.

RCEP Châu Á-Thái Bình Dương huy động 16 nước tham gia hiệp định

Tiếp nối các hoạt động tại Hội nghị Bộ trưởng kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 26 đang diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, sáng 9/3, các đại biểu tham dự Hội nghị Ủy ban Đàm phán thương mại Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực ASEAN.

Tại phiên họp này, các đại biểu thống nhất quan điểm chung của các nước ASEAN về Hiệp định RCEP với các quốc gia đối tác, hướng tới ký kết Hiệp định RCEP trong năm 2020.

Một trong những vấn đề được quan tâm nhất tại phiên họp này đó là việc đưa Ấn Độ, 1 trong số 16 nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trở lại bàn đàm phán sau khi quốc gia này đã rút khỏi Hiệp định RCEP vào cuối năm ngoái. Nếu 16 nước tham gia đầy đủ ký kết Đối tác kinh tế toàn diện khu vực sẽ mang lại lợi ích về kinh tế, thương mại cho tất cả các thành viên.

Đoàn chủ trì phiên họp (Ảnh: TTXVN)

Khởi động đàm phán từ tháng 11/2012, Hiệp định RCEP đặt mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà hiệp hội này đã ký hiệp định thương mại tự do gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand.

Đây là một hiệp định thương mại tự do quy mô lớn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khi được ký kết, RCEP sẽ hình thành một khối thương mại chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu.

63 tỉnh thành trên cả nước giao ban trực tuyến về công tác phi chính phủ nước ngoài

Ngày 09/3/2020, Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (Ủy ban) tổ chức “Hội nghị giao ban trực tuyến công tác phi chính phủ nước ngoài” nhằm tổng kết công tác PCPNN năm 2019 và chia sẻ, thảo luận về phương hướng hoạt động của Ủy ban trong năm 2020.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu nối tại tất cả các tỉnh thành phố trên cả nước.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) và Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban, chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có bà Nguyễn Phương Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức nhân dân trung ương và Lãnh đạo UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; đại diện cơ quan đầu mối về quản lý hoạt động PCPNN, đầu mối về quản lý, sử dụng viện trợ PCPNN và vận động viện trợ PCPNN của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; đại diện các sở, ngành và địa phương liên quan.

Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm để công tác quản lý và vận động viện trợ PCPNN tại Việt Nam phát huy hơn nữa trong thời gian tới.

Hội nghị đã nghe Báo cáo công tác PCPNN năm 2019 và phương hướng 2020; các vấn đề cần lưu ý trong tình hình hiện nay và kế hoạch triển khai Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2018 - 2025.

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2019, Việt Nam có hơn 500 TCPCPNN hoạt động hiệu quả. Giá trị viện trợ giải ngân từ các TCPCPNN đạt hơn 262 triệu USD. Các TCPCPNN tiếp tục có những đóng góp có ý nghĩa trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trên các lĩnh vực, địa bàn được định hướng, đặc biệt là lĩnh vực y tế. Các TCPCPNN đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức của Việt Nam trong triển khai các chương trình, dự án đã ký kết; tham gia tích cực vào các hoạt động cụ thể do phía Việt Nam đề ra. Nhiều TCPCPNN đã tích cực hỗ trợ Việt Nam hội nhập quốc tế, phát biểu tích cực về Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế.

Tại các bộ, ngành, địa phương, công tác PCPNN đã được quan tâm hơn, công tác phối hợp được cải thiện. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động triển khai nhiều hoạt động vận động viện trợ hiệu quả.

Trong năm 2020, Uỷ ban đề ra kế hoạch tiếp tục làm tốt công tác quản lý đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; đẩy mạnh công tác chia sẻ thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan đầu mối; phối hợp triển khai hiệu quả CTQG giai đoạn 2019 – 2025; tăng cường hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các TCPCPNN; đa dạng hóa nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Thanh Sơn, hợp tác với các TCPCPNN là một lĩnh vực rất quan trọng trong quan hệ đối ngoại nói chung và hoạt động đối ngoại nhân dân nói riêng của Việt Nam. Cùng với giá trị viện trợ và hiệu quả thiết thực của các chương trình, dự án, các TCPCPNN đã đem đến cho Việt Nam những kinh nghiệm quý báu về quản trị, đào tạo nguồn nhân lực, và góp phần mở rộng quan hệ hợp tác, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với bè bạn khắp năm châu.

Để công tác phi chính phủ nước ngoài thực sự đem lại lợi ích cho sự phát triển kinh tế, xã hội,… đòi hỏi các cơ quan, bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường nhận thức, quán triệt triển khai và thực hiện tốt chỉ đạo chung của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó Việt Nam sẽ tăng cường công tác quản lý, huy động viện trợ PCPNN, tranh thủ viện trợ, hợp tác với các TCPCPNN để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Bổ nhiệm lãnh đạo mới Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Hội và Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn nhận quyết định (Ảnh: Báo Nghệ An)

Chiều 9/3, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Bộ Quốc phòng đã tổ chức triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Quốc phòng về công tác nhân sự tại đơn vị.

Dự hội nghị có Thiếu tướng Trần Võ Dũng - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 4, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh và các cơ quan quân khu. Về phía Binh đoàn 12, có Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Phụ trách Tư lệnh Binh đoàn; Đại tá Vũ Phúc Hậu, Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh Binh đoàn.

Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Hội và Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn nhận quyết định (Ảnh: Báo Nghệ An)

Theo các quyết định, cho thôi giữ chức vụ chỉ huy, quản lý và kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ đến tháng 5/2021 để làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội đối với Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Hội - Phó Tư lệnh Quân khu 4.

Tại Quyết định số 234/QĐ-TTg 11/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn - Tư lệnh Binh đoàn 12 kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn được bổ nhiệm giữ chức Phó Tư lệnh Quân khu 4.

Cùng ngày 9/3, tại Hà Nội, thay mặt Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Thứ trưởng Trần Quý Kiên đã công bố quyết định về công tác nhân sự tại Tổng cục Địa chất & Khoáng sản Việt Nam, Bộ TN-MT.

Tham dự buổi lễ có lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT như Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng Bộ; Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Tại Quyết định số 551/QĐ-BTNTM ngày 3/3/2020, Bộ trưởng Bộ TN-MT bổ nhiệm ông Lê Quốc Hùng, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Tây Bắc giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Ra mắt ứng dụng cung cấp thông tin chính thức về dịch bệnh Covid-19 cho người Việt Nam và người nhập cảnh vào Việt Nam

Chiều 9/3 tại Hà Nội, đã diễn ra lễ ra mắt ứng dụng NCOVI và Vietnam Health Declaration, cung cấp thông tin chính thức về dịch bệnh Covid-19 cho người Việt Nam và người nhập cảnh vào Việt Nam

Ứng dụng NCOVI: Bộ Y tế và Bộ TT&TT khuyến nghị toàn dân sử dụng ứng dụng này để cung cấp thông tin hỗ trợ ngành y tế nhằm tìm ra các trường hợp cần chú ý để đảm bảo phòng chống dịch một cách chủ động. Người dân cung cấp các thông tin cá nhân và tình hình sức khỏe của bản thân trong mục “Khai báo y tế toàn dân” ở màn hình chính. Người dân cần thường xuyên cập nhật tình hình dữ liệu ở màn hình “Theo dõi sức khỏe”.

Dựa trên dữ liệu mà ứng dụng này gửi về, hệ thống y tế sẽ biết được các trường hợp cần chú ý để bảo đảm hỗ trợ y tế nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể.

Ứng dụng là kênh chính thức để cơ quan nhà nước có thẩm quyền gửi các khuyến cáo tới người dân, vì vậy đề nghị người dân thường xuyên sử dụng.

Ứng dụng Vietnam Health Declaration: Bộ Y tế và Bộ TT&TT khuyến nghị người nhập cảnh vào Việt Nam sử dụng ứng dụng này khai báo y tế nhằm tìm ra các trường hợp cần chú ý để đảm bảo phòng chống dịch một cách chủ động. Người sử dụng cần điền các thông tin cá nhân và thường xuyên cập nhật tình hình sức khỏe của bản thân.

Dựa trên dữ liệu mà hai ứng dụng này gửi về, hệ thống y tế sẽ biết được các trường hợp cần chú ý để bảo đảm hỗ trợ y tế nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể. Ứng dụng này là kênh chính thức để cơ quan nhà nước có thẩm quyền gửi các khuyến cáo phòng chống dịch tới người sử dụng, vì vậy, đề nghị người sử dụng thường xuyên cập nhật dữ liệu và kiểm tra thông tin mới trên ứng dụng.

Phó Thủ tướng phát biểu tại buổi lễ (ảnh mic.gov.vn)

Phát biểu tại lễ ra mắt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, cho đến thời điểm hiện nay, toàn bộ người dân Việt Nam đều “đã thuộc, đã thấm” câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “chống dịch như chống giặc”. Chúng ta đã bước sang giai đoạn 2 của dịch Covid-19, vẫn tiếp tục tinh thần “chống dịch như chống giặc” và “toàn dân chống dịch”. “Virus covid-19 hiện đã thâm nhập vào Việt Nam từ nhiều phía, do đó chúng ta cần cảnh giác hơn, quyết tâm hơn nhưng cũng tự tin hơn”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc toàn dân tham gia chống dịch dưới nhiều hình thức, trong đó có hoạt động cung cấp thông tin tương tác hai chiều giữa người dân và cơ quan y tế.Việc ra mắt hai ứng dụng NCOVI và Vietnam Health Declaration hôm nay là một bước khởi đầu tốt. Trước hai ứng dụng này đã có nhiều ứng dụng khác của Bộ Y tế cũng đang hoạt động tốt. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn của hai ứng dụng này, đó là: Các chỉ dẫn trên hai ứng dụng này là thông tin chính thức của Nhà nước về tình hình dịch bệnh, là các chỉ dẫn của Nhà nước, của cơ quan y tế trong các tình huống. Các thông tin mà người dân cung cấp trên hai ứng dụng sẽ được quản lý chặt chẽ, chỉ phục vụ mục đích duy nhất là giúp nhân dân chống dịch, không sử dụng cho mục đích thương mại, được bảo đảm an toàn thông tin và bí mật riêng tư cá nhân.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi mọi người dân hãy tích cực sử dụng, cung cấp thông tin cho các ứng dụng này. Mặc dù đây không phải là khai báo thông tin y tế bắt buộc, nhưng việc tham gia sử dụng của người dân chính là hành động đóng góp thiết thực vào công tác phòng chống dịch. Tập hợp những thông tin, dữ liệu do người dân cung cấp trên hai ứng dụng sẽ là cơ sở, là sự hỗ trợ lớn cho việc ra các quyết định của Chính phủ và cơ quan y tế trong công tác phòng chống dịch.

Phó Thủ tướng cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp ICT Việt Nam dưới sự chủ trì của Bộ TT&TT tiếp tục nâng cấp, mở rộng không giới hạn các ứng dụng này, tiếp tục cung cấp thêm nhiều tính năng để phục vụ cho công tác phòng chống dịch.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thay mặt cho cộng đồng Doanh nghiệp ICT Việt Nam trân trọng bày tỏ sự cám ơn Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo các doanh nghiệp ICT Việt Nam cùng giải quyết các bài toán của Việt Nam. Bộ trưởng cam kết, từ hôm nay, các doanh nghiệp số Việt Nam sẽ tiếp tục chung tay, tiếp tục nâng cấp, phát triển các ứng dụng này để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh covid-19. Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn, những ứng dụng này không chỉ được sử dụng ở Việt Nam mà còn đi ra toàn cầu, giúp thế giới cùng chống dịch covid-19 thành công.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 10/3/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới