Thứ sáu, 19/04/2024 02:07 (GMT+7)

Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 20/3/2019

MTĐT -  Thứ tư, 20/03/2019 09:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 20/3/2019 Tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, thế giới, giải trí showbiz, thể thao…

Việt Nam chuẩn bị tốt nhất cho vai trò Chủ tịch ASEAN 2020

Nhiều đại biểu tin tưởng Việt Nam - Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2020 - sẽ khởi xướng, dẫn dắt được các biện pháp hiệu quả để ASEAN ngày càng gắn kết.

Khẳng định bản sắc ASEAN và đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN hiện đang trở thành hai yếu tố cốt lõi quyết định sức sống, triển vọng phát triển của ASEAN. Đây là thông điệp được nhấn mạnh tại Hội thảo quốc tế "Cộng đồng ASEAN: Bản sắc và vai trò trung tâm" được tổ chức sáng nay (19/3). Sự kiện khởi động cho chuỗi các hoạt động chuẩn bị cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Với bối cảnh thế giới và khu vực nhiều biến động, bất trắc đang và sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức không nhỏ đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Nhiều đại biểu đến từ các quốc gia ASEAN tin tưởng Việt Nam - Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2020 - sẽ khởi xướng, dẫn dắt được các biện pháp hiệu quả để ASEAN ngày càng gắn kết trong một bản sắc chung và ngày càng tự cường với khả năng thích ứng cao.

Năm 2020 là mốc thời gian đặc biệt quan trọng, đánh dấu 5 năm thành lập Cộng đồng ASEAN, cũng là dịp kỷ niệm 25 năm Việt Nam tham gia ASEAN, đồng thời là năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Việt Nam đã ngày càng chứng tỏ được sự chủ động tích cực của mình trong Cộng đồng ASEAN.

Lan tỏa quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử

Lần đầu tiên trong lịch sử, Thủ tướng Chính phủ đã ký một Quyết định bằng chữ ký điện tử để ban hành Đề án Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia. Trước đó, văn bản dài 17 trang này đã được soạn thảo, thẩm định, trình ký hoàn toàn trên hệ thống phần mềm Quản lý hồ sơ công việc và gửi nhận văn bản điện tử trên môi trường mạng. Sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký chữ ký điện tử, vài phút sau toàn bộ 95 bộ, cơ quan và địa phương đã nhận được Quyết định này qua trục liên thông văn bản quốc gia.

Qua 2 tháng thử nghiệm hệ thống Quản lý hồ sơ công việc và gửi nhận văn bản điện tử trên môi trường mạng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng không còn ký trực tiếp trên văn bản giấy. Còn Văn phòng Chính phủ đã gửi và nhận gần 50.000 văn bản điện tử.

Cách đây hơn 10 năm, để xây dựng Chính phủ điện tử, Văn phòng Chính phủ đứng ra đầu tư toàn bộ phần mềm, thiết bị. Hiện nay, Văn phòng Chính phủ thuê phần mềm do Viettel phát triển, cùng với tiền thuê đường truyền, mỗi năm hết khoảng 31 tỷ đồng. Với hệ thống này và việc áp dụng chữ ký số, các Bộ trưởng và lãnh đạo các địa phương không cần ngồi tại phòng làm việc mà có thể đi bất cứ đâu cũng có thể xử lý công việc, ký giấy tờ bằng chữ ký số.

Phát hiện nhiều vi phạm về phòng cháy chữa cháy tại KCN La Phù, Hà Nội

Đoàn giám sát của Quốc hội đã phát hiện nhiều vi phạm về phòng cháy chữa cháy tại Công ty Dệt may Mai Phương, Khu công nghiệp La Phù, Hoài Đức, Hà Nội.

Ngày 19/3, đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ làm trưởng đoàn tiếp tục có các chuyến kiểm tra thực tế về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy chữa cháy.

Kiểm tra thực tế Khu công nghiệp La Phù, Hoài Đức, Hà Nội, đoàn giám sát đã phát hiện nhiều vi phạm về phòng cháy chữa cháy tại Công ty Dệt may Mai Phương. Nhà xưởng không có hệ thống báo cháy tự động, việc báo cháy được thực hiện thủ công bằng gõ kẻng. Hệ thống nước chữa cháy yếu, không đủ áp lực để phục vụ công tác chữa cháy. Cán bộ cơ sở không biết cách sử dụng bình cứu hỏa.

Kiểm tra phòng cháy chữa cháy tại một số tòa nhà ở Khu đô thị Xa La và Linh Đàm do Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư, đoàn giám sát thấy mặc dù nhiều tồn tại về phòng cháy chữa cháy đã cơ bản được khắc phục, nhưng vẫn còn tòa chung cư được đưa vào sử dụng 10 năm nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy và áp lực về phòng cháy chữa cháy cho 33.000 cư dân ở khu đô thị Linh Đàm là rất lớn.

Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

Theo thông tin của Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia): Năm 2018, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt được kết quả cao.

Trong năm 2018, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 202.980 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước đạt 20.123 tỷ 508 triệu đồng, khởi tố 1.979 vụ với 2.339 đối tượng. Lực lượng Cảnh sát biển phát hiện, xử lý 267 vụ vi phạm, tổng số tiền xử thu nộp ngân sách 122 tỷ 657 triệu đồng; khởi tố 61 vụ. Lực lượng Hải quan thông qua hoạt động chống buôn lậu, thanh tra, kiểm tra sau thông quan đã phát hiện, xử lý 24.238 vụ việc vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 2.807 tỷ 284 triệu đồng; khởi tố hình sự 62 vụ.

Lực lượng Thuế đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 87.248 DN; tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 16.438 tỷ đồng. Lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý 80.949 vụ việc vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước đạt 490 tỷ 269 triệu đồng. Các cơ quan Thanh tra chuyên ngành đã phát hiện, xử lý 288 vụ việc vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 17 tỷ 462 triệu đồng.

HLV Park Hang-seo chốt danh sách U23 Việt Nam dự vòng loại U23 châu Á

Huấn luyện viên  Park Hang-seo đã chính thức chốt danh sách 23 cầu thủ U23 Việt Nam tham dự vòng loại giải U23 châu Á 2020.

6 cầu thủ đã bị loại khỏi danh sách cuối cùng gồm có thủ môn Y Eli Nie, hậu vệ Ngô Tùng Quốc, các tiền vệ Phan Thanh Hậu, Lương Hoàng Nam và 2 tiền đạo Nguyễn Tiến Linh và Trương Tiến Anh.

Tiến Linh là cái tên đáng tiếc nhất phải chia tay U23 Việt Nam vì lý do chưa kịp bình phục chấn thương.

Danh sách U23 Việt Nam

Thủ môn (3): Bùi Tiến Dũng, Phan Văn Biểu, Nguyễn Văn Toản.

Hậu vệ (9): Nguyễn Đức Chiến, Hồ Tấn Tài, Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Thành Chung, Trần Đình Trọng, Mạc Đức Việt Anh, Đỗ Thanh Thịnh, Nguyễn Văn Đạt, Huỳnh Tấn Sinh.

Tiền vệ (7): Trần Thanh Sơn, Triệu Việt Hưng, Bùi Tiến Dụng, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Quang Hải, Trương Văn Thái Quý, Lê Văn Xuân.

Tiền đạo (4): Hà Đức Chinh, Đinh Thanh Bình, Trần Danh Trung, Lê Xuân Tú.

15 giọng ca tranh tài tại vòng chung kết Sao Mai 2019

Ngày 19-3, tại Hà Nội, ban tổ chức cuộc thi Sao Mai 2019 đã họp báo công bố nhiều hoạt động tại vòng chung kết cuộc thi năm thứ 12.

Nhà báo Trần Hồng Hà, Phó Trưởng ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam, cho biết, vòng chung kết diễn ra 20 giờ tối thứ bảy 23-3, chủ nhật 31-3 và ngày 7-4 tại Hạ Long (Quảng Ninh) trực tiếp trên VTV1. Mỗi đêm thi ban giám khảo loại trực tiếp 3 thí sinh của 3 phong cách âm nhạc. Chỉ 6 thí sinh được lọt vào đêm thi chung kết, xếp hạng và trao giải Sao Mai toàn quốc 2019, trực tiếp 20 giờ 10 tối 14-4 trên VTV1.

1 trong 3 thí sinh giành giải nhất Sao Mai 2019 được lựa chọn để tham dự cuộc thi ABU TV Song Contest do Hiệp hội Phát thanh truyền hình Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức trong năm 2019.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 20/3/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.