Thứ năm, 25/04/2024 10:57 (GMT+7)

“Rác vũ trụ” đe dọa Trái đất như thế nào?

MTĐT -  Chủ nhật, 29/04/2018 11:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không chỉ rác thải trên bề mặt Trái đất mà theo ước tính của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, khoảng 170 triệu mảnh rác vũ trụ đang bay quanh Trái Đất.

Với kích cỡ to như một chiếc xe tải hoặc nhỏ như đồng xu, rác vũ trụ là mối đe dọa với ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu. Chúng bay trong quỹ đạo với vận tốc 8 km/giây, nhanh gấp 10 lần tốc độ của đạn, theo CNN. Với vận tốc trên, một mảnh vụn nhỏ chỉ 1 cm khi va chạm sẽ có sức nổ ngang một quả lựu đạn.

Rác vũ trụ là những vật thể nhân tạo không còn sử dụng tồn tại ngoài vũ trụ, bao gồm những thiết bị được phóng lên hoặc bỏ lại, ví dụ như tên lửa đẩy, các vệ tinh không còn hoạt động, thậm chí những vật dụng cá nhân mà phi hành gia vô tình đánh mất như găng tay, máy quay hay xẻng trộn.

"Số vật thể mà các nước phóng lên vũ trụ tăng ổn định theo cấp số mũ trong suốt nửa thế kỷ qua. Thường thì mỗi khi phóng cái gì đó vào không gian, chúng ta cũng đang tạo ra rác", Lisa Ruth Rand, nhà nghiên cứu tại Đại học Wisconsin-Madison, nhận xét.

Hiện con người chưa biết chính xác những đồ phế thải này ảnh hưởng đến vũ trụ hay tầng khí quyển trên cao như thế nào, có tác động gì đến sự biến đổi khí hậu không. Tuy nhiên, chắc chắn chúng sẽ gây ra hai nguy cơ lớn.

 Đầu tiên, rác thải có thể rơi trở lại Trái Đất, gây nguy hiểm cho con người và các loài vật khác. Năm 1997, một phụ nữ bị thương khi một mảnh kim loại từ trên trời rơi trúng vai. Theo các nhà khoa học NASA, đó có thể là một mảnh tên lửa tách ra. Dù đây là trường hợp duy nhất đến nay rác thải vũ trụ rơi xuống gây thương tích cho con người, nhưng vẫn còn nhiều vật thể nguy hiểm khác có thể lao xuống Trái Đất.

Được biết, một trong những nguyên nhân gây ra rác vũ trụ chính là các vụ va chạm.

Năm 2007, hàng triệu mảnh vụn được tạo ra trên quỹ đạo quanh Trái Đất khi Trung Quốc phóng tên lửa để phá hủy một vệ tinh của mình, theo Guardian.

Hai năm sau, một vệ tinh viễn thông quân sự Nga đã ngừng hoạt động đâm vào một vệ tinh của Mỹ với vận tốc 42.000 km/giờ. Đó là lần đầu tiên một vệ tinh đang hoạt động va chạm với một vệ tinh khác, làm các mảnh vụn văng ra với vận tốc lớn.

Nếu không kiểm soát, rác vũ trụ "có thể làm một số phần của quỹ đạo không thể sử dụng được trong tương lai, và điều này sẽ ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống - điện thoại di động, tivi, dự báo thời tiết", theo Holger Krag, người phụ trách Văn phòng Rác Vũ trụ của ESA.

"Mọi người đang nhận ra đây là một vấn đề ngày một nghiêm trọng, nhưng chẳng ai quan tâm trong những năm đầu khám phá vũ trụ", Jason Held, chủ công ty Saber Astronautics ở Sydney đang nghiên cứu giải pháp xử lí rác vũ trụ, nói với Guardian.

"Cũng giống như những năm đầu của ngành hàng không không cần kiểm soát không lưu. Phải một vài vụ tai nạn, kiểm soát không lưu mới được áp dụng", ông nói thêm.

Con người chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu nào để kéo rác vũ trụ trở về Trái đất, nhưng các chuyên gia vẫn không ngừng nghiên cứu. Cách tốt nhất hiện nay để giảm tốc độ gia tăng lượng rác ngoài không gian là hạn chế thải rác. Tập đoàn tên lửa SpaceX đang thực hiện điều này bằng cách dùng loại tên lửa có thể tái sử dụng và tự quay trở lại Trái đất.

Một số rác thải vũ trụ cũng sẽ được hút về khí quyển Trái đất nhờ chu kỳ Mặt trời. Theo đó, cứ 11 năm, hiện tượng từ trường Mặt trời đảo cực lại xảy ra một lần. Khí quyển Trái đất chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng này, mở rộng, co rút và có thể kéo rác thải vũ trụ về. Đó là một dạng cơ chế tự làm sạch, Rand cho biết.

Điều này không có nghĩa là số rác đó sẽ hoàn toàn biến mất. Một số phân rã thành các hạt nhỏ ở bầu khí quyển trên cao, số khác sẽ rơi xuống Trái đất. Tuy vậy, điều này cũng giúp đẩy lùi nguy cơ rác thải vũ trụ đâm vào các vệ tinh mới.

Năm 2011, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Mỹ cho biết lượng rác thải vũ trụ đã chạm đến đỉnh điểm. Nếu không tìm cách giải quyết vấn đề ngay, con người sẽ không thể ngăn chặn nó trở thành một thảm họa khủng khiếp.

Đại dương đang bị đe dọa chưa từng có

Một vấn đề khác liên quan đến rác mà thế giới đang phải đối mặt là rác thải nhựa, theo báo cáo mới đây của tạp chí khoa học Science cho thấy thế giới đã sản xuất khoảng 8,3 tỉ tấn nhựa cho đến nay, trong đó 6,3 tỉ tấn hiện là rác thải. Và 79% trong 6,3 tỉ tấn đó giờ đang nằm trong các bãi rác và môi trường tự nhiên.

Mặc dù chỉ mới xuất hiện 60-70 năm nay, nhựa vô cùng quan trọng đời sống hiện đại, trong nhiều lĩnh vực từ may mặc, nấu nướng, xây dựng, và nhiều dụng cụ quen thuộc khác.

Do đó rác thải nhựa gia tăng với mức độ chóng mặt, đến nay có hơn hàng tỉ tấn trên Trái đất.

Rác thải nhựa cũng đang là vấn đề của toàn cầu. Ảnh minh họa: Internet.

"Các đại dương đang bị đe dọa chưa từng thấy trong lịch sử loài người", nhà tự nhiên học David Attenborough cảnh báo.

Hiện nay, số lượng rác thải nhựa tồn tại trong các đại dương ước tính khoảng 150 triệu tấn - nặng gần bằng 1/5 khối lượng cá. Và khối lượng rác thải chắc chắn sẽ nặng hơn cả khối lượng cá vào năm 2050. Viễn cảnh này dựa vào những tài liệu thu thập được.

Một trong những lí do nhựa được sử dụng phổ biến là đặc tính "sống lâu" của nó, đồng nghĩa với việc rác thải nhựa sẽ gây nên một thảm họa môi trường trong tương lai nếu không có cách giải quyết.

Thông thường chúng ta không chú ý đến bỉm tã khi chỉ dùng một lần rồi bỏ. Nhưng tã có thể tồn tại trên Trái đất đến 450 năm.

Ngoài ra, lưới đánh cá cũng là mối nguy hiểm cho môi trường biển khi cần khoảng 600 năm để phân hủy.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết “Rác vũ trụ” đe dọa Trái đất như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành