Thứ sáu, 29/03/2024 04:18 (GMT+7)

Vì sao núi lửa phun trào lại gây ra sóng thần?

MTĐT -  Thứ hai, 24/12/2018 16:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các nhà nghiên cứu nhận định sự sụp đổ đột ngột ở bờ Tây - Tây Nam núi lửa Anak Krakatau là nguyên nhân quan trọng dẫn tới thảm họa sóng thần tại eo biển Sunda.

Dẫn nguồn tin từ NBC, Zing đưa tin, hầu hết sóng thần diễn ra khi có dấu hiệu địa chấn trước đó, giúp các nhà khoa học có thể đưa ra cảnh báo. Nhưng cơn sóng thần ngày 22/12 tại Indonesia được tạo ra bởi hoạt động của Anak Krakatau, ngọn núi lửa đã phun trào trở lại vào hồi tháng 6, thay vì một trận động đất như thường thấy.

Hai giả thuyết được đưa ra để giải thích cho cơn sóng thần: hoặc là đã diễn ra một trận lở đất dưới đáy biển, hoặc là một lượng lớn nham thạch phun trào đã tạo ra hiện tượng này. Các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng cơn sóng được hình thành từ một trận lở đất.

Ông Emile Okal, giáo sư ngành khoa học trái đất tại Đại học Northwestern (NWU), người đã nghiên cứu sóng thần trong suốt 35 năm, cho biết: “Núi lửa là thứ đang hoạt động. Đây là thứ không có tình trạng địa chất ổn định ở bất cứ thời gian nào, vào lúc nào đó sẽ có một trận lở đất diễn ra, và nếu diễn ra dưới mặt nước, điều này sẽ tạo lên một cơn sóng thần”.

Sự hoạt động của núi lửa Anak Krakatau được cho là nguyên nhân dẫn đến thảm họa sóng thần tại Indoneia vào hôm 22/12. Ảnh: TTXVN.

Các nhà nghiên cứu nhận định sự sụp đổ đột ngột ở bờ Tây - Tây Nam núi lửa Anak Krakatau là nguyên nhân quan trọng dẫn tới thảm họa sóng thần tại eo biển Sunda, Indonesia, theo BBC. Hình ảnh đầu tiên do vệ tinh gửi về hé lộ một phần ngọn núi lửa sụp đổ trong vụ phun trào khiến hàng triệu tấn đất đá rơi xuống biển, đẩy nước đi theo mọi hướng tạo ra những cơn sóng.

Giáo sư Andy Hooper ở Đại học Leeds, Anh, là chuyên gia nghiên cứu núi lửa từ vệ tinh. Ông không hoài nghi cách lý giải trên khi xem xét ảnh chụp từ tàu vũ trụ radar Sentinel-1 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). "Ngoài sự gia tăng kích thước của miệng núi lửa còn có những khoảng sẫm màu ở phần phía tây, hé lộ những sườn dốc do đất đá sụp đổ cũng như thay đổi ở đường ven bờ", Hooper cho biết.

So sánh giữa ảnh chụp trước và sau trận sóng thần có thể giúp các nhà nghiên cứu phát hiện nhiều điều. Nhưng chúng ta không thể lý giải chính xác sự kiện cho tới khi các nhóm khảo sát tới khu vực núi lửa để tiến hành đo đạc đầy đủ, nhiệm vụ quá nguy hiểm ở thời điểm này. Các đợt sụp đổ mới có thể làm phát sinh nhiều trận sóng thần hơn.

Núi lửa Anak Krakatoa hoạt động bán liên tục

Anak Krakatoa, ngọn núi lửa gây ra thảm họa sóng thần ở Indonesia hôm 22/12 nổi lên từ mặt biển cách đây 90 năm và luôn trong nằm danh sách đề phòng phun trào dữ dội suốt thập kỷ qua, theo SCMP.

Anak Krakatoa (có nghĩa "Con của Krakatoa") hoạt động từ tháng 6, thường xuyên phun những cột tro khổng lồ lên cao và bắn bom dung nham khiến một tàu du lịch suýt bị rơi trúng hồi tháng 10. Các chuyên gia cho biết Anak Krakatoa xuất hiện vào năm 1928 ở hõm chảo Krakatoa, đảo núi lửa từng phun trào dữ dội năm 1883.

Với những dòng dung nham chảy liên tục, Anak Krakatoa lớn dần từ một mô đất dưới biển thành đảo núi lửa nhỏ với phần chóp nằm ở độ cao khoảng 305 mét phía trên mực nước biển.

Giáo sư núi lửa học Ray Cas ở Đại học Monash, Australia cho biết, từ khi hình thành, Anak Krakatoa ở trong "tình trạng hoạt động bán liên tục", cách 2 - 3 năm lại phun trào. "Phần lớn các vụ phun trào tương đối nhỏ theo quy mô phun trào bùng nổ và cũng có những sự kiện tạo ra bom dung nham", Cas nói.

Theo Cas, sự kiện mới nhất có vẻ giống "một vụ phun trào bùng nổ tương đối nhỏ" nhưng có thể kích hoạt hoặc xảy ra trùng với sự kiện dưới biển như lở đất hoặc động đất, gây ra thảm họa sóng thần. Không có người sinh sống trên đảo, nhưng đỉnh núi hấp dẫn nhiều du khách và là khu vực nghiên cứu quan trọng đối với các nhà núi lửa học.

Indonesia là quốc gia nằm trên "Vàng đai lửa" Thái Bình Dương - nơi gặp gỡ của bốn mảng kiến tạo nên đất nước này thường xuyên phải hứng chịu những trận động đất.

Vành đai lửa này có hình móng ngựa, trải dài 50.000 km quanh vành đai Thái Bình Dương, với phần lớn núi lửa và động đất xảy ra thường xuyên dọc theo vành đai này.

Khi hai mảng kiến tạo va chạm thì một mảng trượt vào bên trong mảng kia dưới lòng đất, quá trình này sẽ kích hoạt hàng loạt núi lửa nổi dậy.

Nhật Hạ(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao núi lửa phun trào lại gây ra sóng thần?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.