Thứ sáu, 29/03/2024 16:23 (GMT+7)

Tin tức thế giới nóng nhất tuần qua (từ 27/11- 02/12/2018)

MTĐT -  Thứ hai, 03/12/2018 09:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thế giới nóng nhất tuần qua (từ 27/11- 02/12). Cập nhật tin tức thế giới nóng nhất tuần qua do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Hội nghị G20

Dưới sự chủ tọa của nước chủ nhà Achentina, Hội nghị thượng đỉnh G20 Buenos Aires đã bế mạc ngày 01/12/2018. Các bên đạt đồng thuận tối thiểu trên hồ sơ thương mại. Để có được một bản thông cáo chung, Achentina đã tránh né những chủ đề nhậy cảm đối với các nước thành viên.

Đối với thương mại toàn cầu, tuyên bố chung tại Buenos Aires khẳng định 20 nền kinh tế thành viên nhìn nhận mô hình thương mại đa phương không đáp ứng được các mục tiêu về tăng trưởng và tạo công việc làm. Do vậy các bên kêu gọi cải tổ Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Dù vậy, không một đoạn văn nào đả động đến chính sách bảo hộ.

Về tình trạng nhập cư, các bên nhìn nhận thực trạng các dòng nhập cư đang ngày một lớn và tầm quan trọng của việc chia sẻ trách nhiệm hỗ trợ người tị nạn, giải quyết tận gốc các vấn đề dẫn đến những dòng người tị nạn quốc tế.

Lãnh đạo 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới đã ký kết tuyên bố chung tại Buenos Aires, Argentina ngày 1/12. Ảnh: Reuters.

Vấn đề biến đổi khí hậu được đề cập trong phần cuối của tuyên bố chung G20. Văn kiện khẳng định 19 thành viên tổ chức đồng thời là thành viên ký kết Hiệp định Paris sẽ duy trì cam kết, trong khi Mỹ vẫn không thay đổi quyết định rút khỏi hiệp định.

Tuyên bố chung cũng dẫn lại một báo cáo mới nhất của Liên Hợp quốc cảnh báo những tác hại của hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ trầm trọng hơn các dự báo trước kia. Các bên ủng hộ hội nghị sắp tới của Liên hợp quốc ở Ba Lan nhằm thống nhất cách thức hiện thực hóa những cam kết của Hiệp định Paris.

Ngoài ra, tuyên bố chung cũng cho biết các thành viên G20 cùng cam kết hướng đến một “trật tự quốc tế dựa trên pháp luật”.

Để đạt được thỏa thuận không mang tính ràng buộc này, các nhà ngoại giao đã phải đàm phán xuyên đêm tìm cách giải quyết bất đồng sâu sắc giữa những thành viên G20. Một số quan chức Liên minh Châu Âu (EU) tiết lộ phái đoàn Mỹ là nút thắt lớn nhất trên hầu hết mọi vấn đề.

Đàm phán tuyên bố chung cũng gặp phải tranh cãi từ các thành viên còn lại của G20. Trung Quốc phản đối đối thoại về thị trường thép toàn cầu. Nam Phi không đồng ý về ngôn ngữ sử dụng trong thương mại. Australia không chấp nhận một tuyên bố chung quá mềm mỏng về vấn đề nhập cư. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại văn kiện sẽ đẩy vấn đề biến đổi khí hậu đi quá xa.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung phủ bóng lên thượng đỉnh ở Buenos Aires, các nước châu Âu đã đóng vai trò người hòa giải, giảm mức kỳ vọng tại hội nghị, bỏ đề cập về chủ nghĩa bảo hộ đang lên.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng Mỹ chấp nhận ký tuyên bố chung là một chiến thắng của thượng đỉnh. Ông nói “Với Tổng thống Trump, chúng ta đã đạt được một thỏa thuận. Phía Mỹ đã chấp nhận một văn kiện”.

Vụ bắt giữ tàu Ukraina: Nga và Ukraina vẫn trong tình trạng căng thẳng

Ba ngày sau khi tầu tuần duyên Nga nổ súng bắt giữ và khám xét ba tàu chiến của Ukraina tại eo biển Kertch, vùng biển Azov, làm 6 thủy thủ Ukraina bị thương. Nga cho rằng, các tàu chiến Ukraina đã thâm nhập trái phép vùng biển của Nga. Tiếp sau đó, ngày 28/11/2018, tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng tố cáo đồng nhiệm Ukraina xúi giục gây ra sự cố và qua đó, tạo cớ để ban hành thiết quân luật, nhằm mục đích bầu cử. Ông Putin khẳng định tuần duyên Nga làm đúng nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên trên thực tế, tình hình lại diễn ra căng thẳng hơn, Ngày 29/11, theo Reuters, bộ trưởng phụ trách Hạ Tầng Cơ Sở Ukraina, ông Volodimir Omelian, cho biết là ngoài việc bắt giữ ba tầu tuần duyên, hai cảng Berdiansk và Mariupol, của Ukraina ở biển Azov đã bị phong tỏa. Hơn ba chục tàu bè của Ukraina không thể hoạt động bình thường và đi qua eo biển Kertch. Trả lời phỏng vấn báo chí Đức, tổng thống Ukraina Petro Porochenko tố cáo nguyên thủ Nga Vladimir Putin muốn thôn tính toàn bộ nước Ukraina, sau khi Matxcơva, vào ngày 28/11, thông báo sẽ triển khai tên lửa phòng không S-400 tại bán đảo Crimée. Tổng thống Ukraina cũng kêu gọi các nước thành viên NATO cho triển khai tàu chiến ở biển Azov để hỗ trợ Kiev trong cuộc đọ sức với Matxcơva.

Cũng trong ngày 29/11, theo AFP, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cho biết là ông đã đề nghị làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraina. Trước đó một hôm, ông Erdogan đã lần lượt điện đàm với nguyên thủ Nga và Ukraina, đồng thời kêu gọi các bên giải quyết sự cố này thông qua con đường ngoại giao.

Tầu của Ukraina bị Hải Quân Nga bắt giữ, cảng Kertch, ngày 26/11/2018. Ảnh reuters.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, sự cố vừa xẩy ra sẽ không đẩy Nga rơi vào trường hợp giống như Trung Quốc tại Biển Đông. Và những gì Nga đang làm tại biển Azov khác nhiều với Trung Quốc gặp phải tại Biển Đông. Từ việc sáp nhập bán đảo Crimée, xây cầu nối bán đảo với lãnh thổ Nga, rồi dần dần kiểm soát eo biển Kertch và vùng biển Azov… tất cả những bước đi này của Nga chỉ gặp phải những phản ứng dè dặt từ Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu.

Nếu như những đòi hỏi chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc tại Biển Đông đã bị tòa án Quốc tế La Haye và nhiều nước khác bác bỏ, thì chủ quyền lãnh hải của Nga tại eo biển Kertch và biển Azov lại được xác định rất rõ ràng và được quốc tế thừa nhận..!

Tàu vũ trụ InSight hạ cánh thành công trên bề mặt sao Hỏa hôm 26/11

Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 27/11 đã công bố một bức ảnh do phi thuyền InSight chụp "selfie" sau khi hạ cánh xuống sao Hỏa. Bức ảnh cho thấy một phần của chính tàu thăm dò và bề mặt hành tinh Đỏ ở phía sau.

Tàu InSight đã đáp xuống sao Hỏa vào gần 15h00 ngày 26/11 (giờ Bờ Đông Mỹ) tức 3 giờ sáng ngày 27/11 (theo giờ VN), sau khi vượt qua "7 phút kinh hoàng"( cụm từ chỉ giai đoạn hạ cánh đầy nguy hiểm với con tàu được điều khiển tự động ).

Tàu InSight đã bay trong vũ trụ suốt 6 tháng vượt qua 482 triệu km, tiếp cận với bề mặt sao Hoả, phi thuyền InSight đã di chuyển với tốc độ 21.200km/h khi đi vào bầu khí quyển mỏng của sao Hỏa và hạ cánh thành công đã khiến các kỹ sư NASA tại trung tâm điều khiển mừng rơi nước mắt.

Chương trình kéo dài 2 năm qua của NASA nhằm khám phá thêm cái nhìn mới về sự hình thành của sao Hỏa và cấu trúc trong lòng hành tinh này bằng cách đo đạc vùng lõi, lớp vỏ và bề mặt của hành tinh.

InSight đã đáp xuống khu vực Elysium Planitia, nằm ở phía bắc của đường xích đạo, được cho là nơi lý tưởng để hạ cánh nhờ bề mặt bằng phẳng không có đá.

Đây là lần hạ cánh thành công thứ tám của các tàu thăm dò NASA lên sao Hỏa kể từ sứ mạng Viking năm 1976, và là sứ mạng đầu tiên trong 6 năm qua. Năm 2012, tàu Curiosity của NASA đã hạ cánh xuống sao Hỏa và hiện vẫn đang hoạt động trên hành tinh này.

Cho đến nay, chỉ 40% các sứ mạng lên sao Hỏa thành công và tất cả đều do Mỹ tiến hành.

Một vệ tinh của NASA bay xung quanh sao Hỏa đã chuyển tiếp các dữ liệu ảnh mà InSight chụp từ nơi hạ cánh về Trái đất vào 20h30 giờ Bờ đông Mỹ ngày 26/11, tức 8h30 sáng 27/11 (giờ VN). Ảnh NASA.

Cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Anh và Argentina

Ngày 30/11, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang diễn ra tại Buenos Aires, Tổng thống nước chủ nhà Argentina đã có cuộc gặp được đánh giá là lịch sử với Thủ tướng Anh Theresa May nhằm giải quyết những căng thẳng giữa hai nước kéo dài từ cuộc chiến tranh năm 1982 liên quan tới chủ quyền của quần đảo Malvinas, mà Anh gọi là Falkland.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thống Macri nhấn mạnh đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Anh đến thăm Argentina kể từ khi xảy ra xung đột giữa hai nước tại quần đảo Malvinas/Falkland. Ông Macri cũng bày tỏ sự cảm ơn về sự ủng hộ của Anh để Argentina chính thức được gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Hai bên cũng thảo luận về khả năng thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp Anh vào Argentina. Trên tinh thần đó, ông Macri kêu gọi các nhà đầu tư Anh tham gia vào các dự án trong các lĩnh vực như năng lượng và khai khoáng, được đánh giá là then chốt đối với nền kinh tế Argentina trong những năm tới.

Về phần mình, Thủ tướng Anh đánh giá cao những chính sách cải tổ nền kinh tế của chính phủ Argentina, đồng thời khẳng định sẵn sàng tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương trong tương lai. Bà May cho biết, kể từ khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit, Anh luôn quan tâm tới việc thiết lập mối quan hệ độc lập với khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) mà Argentina là một thành viên chủ chốt.

Bạo loạn ‘áo gi-lê vàng’ biến trung tâm Paris thành bãi chiến trường

Đã sang tuần thứ ba, từ mít tinh phản đối, trở thành bạo loạn về thuế nhiên liệu tại Pari vẫn chưa ngừng mà ngày càng nặng nề hơn. Đây là vụ bạo loạn đô thị nghiêm trọng nhất ở Pháp trong một thập niên đã biến khu vực trung tâm thủ đô Paris thành bãi chiến trường vào ngày thứ Bảy (1/12), khi những người biểu tình "áo gi-lê vàng" phóng hỏa xe cộ, đập vỡ cửa sổ, cướp bóc cửa hàng và xịt sơn lên Khải Hoàn Môn.

Những người biểu tình phẫn nộ về việc tăng thuế và chi phí sinh hoạt cao đã đụng độ với cảnh sát chống bạo động của Pháp. AP đưa tin cảnh sát đã phong tỏa một số địa điểm đông khách du lịch nhất của thành phố, bắn hơi cay và xịt vòi rồng trong khi cố gắng dập tắt hỗn loạn trên đường phố.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên án bạo động từ hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina, nói rằng những người tấn công cảnh sát và phá hoại Khải Hoàn Môn sẽ "chịu trách nhiệm về hành vi của họ." "Bạo lực không liên quan gì đến việc biểu đạt ôn hòa sự tức giận chính đáng" và "không có lí do gì biện minh" những vụ tấn công nhắm vào cảnh sát hoặc cướp bóc các cửa hàng và phóng hỏa các tòa nhà, ông Macron nói ở Buenos Aires. Ông từ chối trả lời bất kì câu hỏi nào từ các nhà báo về tình hình ở Paris.

Đây là cuối tuần thứ ba liên tiếp mà các vụ đụng độ nổ ra ở Paris với những người mặc áo gi-lê màu vàng huỳnh quang của một phong trào phản đối mới và vụ bạo động đô thị nghiêm trọng nhất kể từ ít nhất là năm 2005. Cảnh tượng này tương phản rõ nét với các cuộc biểu tình khác ở Pháp vào ngày thứ Bảy mà phần lớn diễn ra ôn hòa, AP cho biết.

Reuters đưa tin cảnh sát nói hàng trăm kẻ cực đoan cực hữu và cực tả đã thâm nhập một cuộc biểu tình của khoảng 5.000 người áo gi-lê vàng bình lặng hơn. Nhưng gần khách sạn Ritz, không xa những cửa hàng và nhà hàng sang trọng, và trên những đại lộ tỏa ra từ Khải Hoàn Môn, nơi có nhiều đại sứ quán nước ngoài, các băng nhóm người biểu tình châm lửa đốt một  xe van của cảnh sát và lật đổ nhiều xe hơi. Ít nhất hai tòa nhà bốc cháy.

Gần Quảng trường Vendôme, cây Giáng sinh trang trí các đường phố bị bứng lên, chất đống giữa đại lộ và châm lửa đốt. Cảnh tượng này khơi lên cùng những tiếng reo hò từ những người biểu tình.

Thanh niên đập phá các cửa sổ của một cửa hàng Apple lớn trên đại lộ Champs Élysées khai trương chỉ vài tuần trước. Một cửa hàng trên đường Rivoli bị đột nhập và cướp bóc. Các ngân hàng bị phá hoại và bị xịt sơn với những thông điệp chống chính phủ. Khải Hoàn Môn bị xịt sơn với dòng chữ: "Những người áo gi-lê vàng sẽ chiến thắng."

Reuters cho biết khi màn đêm buông xuống thành phố, có những chiếc xe bị lật ngược đang phừng phừng cháy quanh Khải Hoàn Môn, một khẩu súng trường đã bị người biểu tình đánh cắp từ xe cảnh sát, và hỏa hoạn bùng lên trong các khu đông khách du lịch như Opéra.

Xung quanh ga Saint Lazare, các cửa sổ của một ngân hàng bị đập vỡ trước khi cảnh sát cưỡi ngựa di chuyển xuống phố chính, đẩy lùi những người biểu tình. Gần Madeleine, một khu đông khách du lịch khác, một ngân hàng BNP bị phá hoại và một máy ATM bị bứng ra khỏi bức tường.

Những dòng chữ viết nguệch ngoạc trên tòa nhà có nội dung "Macron thằng hề" và "Ai gieo khổ đau gặt oán hờn." Các cửa hàng của những thương hiệu thời trang Dior và Chanel gần đó bị đập cửa sổ. Trên đường Rue de la Paix, một trong những phố mua sắm đắt đỏ nhất ở Paris, các cây Giáng sinh nghi ngút khói sau khi lính cứu hỏa dập tắt các điểm cháy. Các cửa hàng thời trang phải đóng cửa.

Sở cảnh sát Paris cho biết 205 người đã bị bắt giữ bao gồm những phần tử chủ chiến cực hữu và cực tả. Kể từ khi phong trào áo gi-lê vàng nổ ra vào ngày 17 tháng 11, hai người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các vụ đụng độ hoặc tai nạn.

Tổng thống cánh tả Mexico nhậm chức

Ông Andrés Manuel Lopez Obrador (AMLO), tổng thống cánh tả đầu tiên trong lịch sử cận đại của Mexico chính thức nhậm chức hôm 01/12/2018. Dự kiến sẽ có những thay đổi sâu sắc về chính trị tại đất nước nghèo nàn bị tham nhũng và bạo lực hoành hành. AMLO từ chối cư ngụ tại dinh thự dành cho tổng thống, không sử dụng máy bay riêng, và tự giảm lương còn phân nửa. Tuy nhiên nhiều người vẫn lo ngại xu hướng độc đoán và cực đoan của chính phủ mới.

"Chính phủ sẽ không còn là một ủy ban phục vụ cho nhóm thiểu số đầy tham tàn", Reuters dẫn lời tân Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador phát biểu trong lễ tuyên thệ nhậm chức tại hạ viện hôm 1/12. Ông nói thêm rằng chính phủ Mexico dưới sự điều hành của ông sẽ không hậu thuẫn cho sự cướp bóc "như nó đã từng".

Obrador, người lập ra đảng Morena cách đây 4 năm, trở thành Tổng thống tiếp theo của Mexico thay thế ông Enrique Pena Nieto, sau khi đảng của ông giành chiến thắng và chiếm đa số tại lưỡng viện quốc hội sau cuộc bầu cử hôm 1/7. Ông Nieto hôm 30/11 tới Argentina dự hội nghị thượng đỉnh G20 với tư cách tổng thống Mexico, nhưng khi về nước, ông đã trở thành cựu tổng thống.

Tuy nhiên, Obrador phải đối mặt với thách thức lớn trong việc điều chỉnh mối quan hệ với Mỹ, đối tác thương mại hàng đầu của Mexico, sau khi Tổng thống Donald Trump liên tục công kích nước này vì tình trạng di cư bất hợp pháp. Tân tổng thống cho biết ông đang tìm cách hạn chế tình trạng này thông qua thỏa thuận thúc đẩy phát triển vùng Trung Mỹ và Mexico với Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Obrador, cựu thị trưởng Mexico City, là một người có xu hướng cánh tả, từng chỉ trích gay gắt ý định xây bức tường biên giới của Trump và tuyên bố sẽ "đặt Trump về đúng vị trí". Tuy nhiên, trong lễ nhậm chức, Obrador cho biết Tổng thống Mỹ đã đối xử với ông một cách tôn trọng, đồng thời cảm ơn Phó tổng thống Mỹ Mike Pence và con gái Ivanka của Trump vì đã đến dự buổi lễ.

Động đất tại Alaska, Hoa kỳ

Một trận động đất mạnh làm rung chuyển Miền Nam Alaska vào sáng thứ Sáu, làm đường sá đứt gãy và giao thông gián đoạn tại thành phố lớn nhất của tiểu bang này, nhưng chưa có báo cáo nhanh về thương tích. Tâm chấn của trận động đất mạnh 7.0 độ, cách Anchorage 13 km về phía bắc, nơi tập trung khoảng 40 % dân số của tiểu bang.

Nhà Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết, trận động đất có độ sâu 43 km. Một khuyến cáo sóng thần đã được ban hành cho Vịnh Cook, nối Anchorage với Vịnh Alaska, nhưng sau đó khuyến cáo này đã được hủy bỏ. Cảnh sát cho biết: Anchorage bị thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng;  nhà ở, một số tòa nhà bị hư hại, nhiều đường sá và cầu cống đã bị tê liệt.

Theo webside của chính quyền tiểu bang, Alaska trung bình mỗi năm có một trận động đất, mạnh từ 7 đến 8 độ kể từ năm 1900. Alaska cũng là nơi có nhiều trận động đất hơn bất kỳ khu vực nào khác của Hoa Kỳ.

Đường giao thông bị nứt vỡ do trận động đất. Ảnh: FOX Carolina.

Trần Hưng

PV Môi trường và Đô thị Việt Nam tại Mỹ

(Biên tập từ các nguồn tin quốc tế và trong nước)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thế giới nóng nhất tuần qua (từ 27/11- 02/12/2018). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.