Thứ sáu, 29/03/2024 14:57 (GMT+7)

Tin tức thế giới nóng nhất tuần qua (từ 17 – 23/12/2018)

MTĐT -  Thứ hai, 24/12/2018 09:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thế giới nóng nhất, tin tức tuần qua (từ 17/12- 23/12). Cập nhật tin tức thế giới nóng nhất tuần qua do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút quân khỏi Syria và giảm quân số tại Afghanistan

Hôm 19/12, Tổng thống Donald Trump ra thông báo toàn bộ quân đội Mỹ sẽ rút khỏi Syria. Theo ông Trump, quân đội Mỹ đã đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và sẽ quay trở về nhà sau khi kết thúc sứ mệnh.

Các quan chức Mỹ cho biết thêm, tất cả các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ được sơ tán khỏi Syria và các binh lính sẽ trở về nước trong vòng 60 - 100 ngày tới.

 Trong khi đó, hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ mới cho công bố đoạn video được cho ghi lại cảnh phái đoàn quân sự Mỹ lũ lượt rời khỏi Syria trong đêm, sau khi Tổng thống Donald Trump ra tuyên bố rút quân.

Với động thái này, theo cảnh báo của các nhà phân tích, Quyết định của tổng thống Donald Trump rút quân khỏi Syria không những tác động đến cục diện chiến trường mà còn gây những hệ quả lớn cho các đồng minh của Mỹ, cho chính nước Mỹ và phương Tây nói chung, từ địa chính trị cho đến ngoại giao.

Phản ứng trước tiên ngay trong nội bộ Mỹ là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đột ngột chức hôm 20/12 “do có những quan điểm khác biệt với tổng thống về các chính sách quan trọng”. Ông Mattis giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kể từ khi chính quyền Trump bắt đầu vận hành."Tướng Mattis đã giúp tôi rất nhiều trong việc khiến các đồng minh và các nước khác phải chia sẻ trách nhiệm quân sự của họ,” ông Trump nói.

Trong lá thư gửi Tổng thống Trump được CNBC trích đăng, Bộ trưởng Mattis viết "vì Tổng thống có quyền có một Bộ trưởng Quốc phòng có quan điểm trùng khớp hơn” trên nhiều phương diện, “tôi tin rằng việc tôi rời chức là điều đúng đắn.”

Vị tướng 4 sao 68 tuổi này, từng đứng đầu Bộ Chỉ huy Hoa Kỳ đặc trách khu vực Trung Đông, nơi chỉ huy các hoạt động quân sự và các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Ông cũng được nhiều người xem là một lực lượng bình ổn bên trong một Tòa Bạch Ốc thường bất ổn dưới thời ông Trump.

Quyết định của ông Trump về Syria đã gây hoang mang cho các đồng minh của Hoa Kỳ và vấp phải phản ứng gay gắt từ những người cùng đảng Cộng hòa với ông Trump tại Quốc hội.

Điện Kremlin hôm 21/12 nói rằng họ không hiểu những bước tiếp theo của Hoa Kỳ ở Syria sắp tới là gì, và quyết định làm hỗn loạn và không thể lường trước của Mỹ đang gây bất an trong các quan hệ quốc tế.

Giám đốc điều hành của Trung tâm An ninh Mỹ, Victoria Nuland cho rằng quyết định rút quân khỏi Syria sẽ làm mất đi lợi ích quốc gia của Mỹ. Ảnh: AP.

Ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng từ chức, truyền thông Mỹ loan tin lại đến ông Brett McGurk, đặc sứ Hoa Kỳ trong liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo, cũng đã từ chức để phản đối quyết định của Tổng thống Trump rút quân khỏi Syria.

Tổng thống Donald Trump cũng công bố đang lên kế hoạch rút gần 7.000 trong số 14.000 binh sĩ Mỹ ở Afghanistan, theo một quan chức Hoa Kỳ cho biết hôm 20/12. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy ông Trump ngày càng mất kiên nhẫn về cuộc chiến dài nhất của Mỹ cũng như các hoạt động can thiệp quân sự khác ở nước ngoài.

Thổ Nhĩ Kỳ điều quân đến phía bắc Syria

Ngay sau khi Mỹ công bố thời gian để rút quân khỏi Syria, tối 22/12/2018, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu điều quân tăng viện đến phía bắc Syria, gần một khu vực do lực lượng người Kurdistan kiểm soát, nhằm “xóa sổ” lực lượng bị Ankara coi là khủng bố.

Theo AFP “khoảng 35 xe tăng và rất nhiều vũ khí hạng nặng đã vượt qua đồn biên phòng Jarablos vào đầu buổi tối (22/12) và hướng về một khu vực gần sông Sajour, chảy qua Jarablos và Minbej, cách không xa chiến tuyến nơi chiến binh người Kurdistan đồn trú”.

Cuộc tấn công xóa sổ những thành viên cuối cùng của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo và lực lượng Kurdistan nằm trong kế hoạch được tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan công bố ngày 20/12. Chính quyền Ankara không muốn mầm mống một nhà nước Kurdistan hình thành ngay sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần vì tường biên giới của TT Trump

Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần vào ngày thứ Bảy trong một tranh chấp kịch liệt liên quan tới việc Tổng thống Donald Trump đòi Quốc hội cấp 5 tỉ đôla để xây một bức tường dọc theo biên giới với Mexico.

Bế tắc xảy ra khi ông Trump gây rối loạn tiến trình thương thảo hồi đầu tuần này bằng việc từ chối tán thành một thỏa thuận tài trợ ngắn hạn mà các thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ và Cộng hòa đạt được vì nó không bao gồm 5 tỉ đôla cho bức tường biên giới của ông.

Hạ viện Hoa Kỳ, nơi phe Cộng hòa hiện chiếm đa số cho đến khi phe Dân chủ tiếp quản vào ngày 3 tháng 1, sau đó sẽ thông qua dự luật bao gồm 5 tỉ đôla, nhưng nó bị kẹt lại tại Thượng viện và việc đóng cửa bắt đầu vào nửa đêm ngày thứ Sáu.

Khoảng ba phần tư các chương trình của chính phủ liên bang được cấp ngân quỹ cho đến ngày 30 tháng 9 năm sau, nhưng ngân quỹ cho các cơ quan khác - bao gồm các bộ An ninh Nội địa, Tư pháp và Nông nghiệp - đã hết hạn vào nửa đêm.

 Các công viên liên bang sẽ đóng cửa và hơn 400.000 công chức “thiết yếu” của liên bang trong các cơ quan đó sẽ làm việc mà không được trả lương cho đến khi tranh chấp được giải quyết. 380.000 người khác sẽ bị cho nghỉ không lương, nghĩa là họ được nghỉ phép tạm thời.

Các nỗ lực chấp pháp, tuần tra biên giới, chuyển phát thư và hoạt động tại sân bay sẽ vẫn tiếp tục.

Để chấm dứt việc đóng cửa, cả Hạ viện lẫn Thượng viện sẽ phải phê chuẩn bất kì thỏa thuận nào được thương thuyết giữa đội ngũ của Tổng thống Donal Trump và các nhà lãnh đạo Cộng hòa và Dân chủ.

Việc đóng cửa có thể kéo dài ít nhất đến lúc Quốc hội mới triệu tập vào ngày 3/1/2019 và đạt được thoả thuận giữa các bên.

Tổng Thống Putin cảnh báo rủi ro cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới

“Nguy cơ leo thang chạy đua vũ trang hạt nhân đang bị đánh giá thấp”, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong cuộc họp báo thường niên vào cuối năm tại Moscow ngày 20/12.

Tổng thống Putin bày tỏ hy vọng loài người sẽ có đủ ý thức chung để không đi đến hành động cực đoan và cảnh báo việc hạ thấp các ngưỡng liên quan đến năng lực hạt nhân có thể khiến loài người gặp thảm họa.

Người đứng đầu Điện Kremlin cũng chỉ trích tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Putin cảnh báo hành động rút khỏi INF có thể phá vỡ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí quốc tế.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin cũng đồng ý với đánh giá của Tổng thống Trump rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phần lớn đã bị đánh bại ở Syria.

“Về việc đánh bại IS, tôi đồng ý với quan điểm của tổng thống Mỹ. Chúng tôi đã giáng những đòn mạnh và đạt được chiến thắng. Tuy vậy, hiện có những lo ngại về tàn quân của các nhóm khủng bố có thể xâm nhập vào các nước láng giềng, tạo ra nguy cơ cho Nga, Mỹ, châu Âu và Trung Á”, Tổng thống Putin nói.

Tổng thống Putin hoài nghi việc Mỹ sẽ rút quân khỏi Afghanistan, “Liên quan đến việc Mỹ tuyên bố rút quân, tôi thực sự không hiểu điều đó là gì, bởi vì Mỹ đã có mặt ở Afghanistan hơn 17 năm. Họ nhiều lần nói về việc rút quân nhưng thực sự họ chưa làm được”, ông Putin nói.

Đánh giá về quan hệ Nga - Mỹ, Tổng thống Putin bày tỏ hy vọng sẽ cải thiện quan hệ với Washington trong tương lai. Tổng thống Putin nói rằng không biết liệu Tổng thống Trump có thể bắt đầu cuộc đối thoại trực tiếp với Nga trong điều kiện hiện tại hay không.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo thường niên vào cuối năm. Ảnh: CNN.

Trung Quốc kỷ niệm 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới

Việc cải cách kinh tế của Trung Quốc được khởi xướng bởi lãnh tụ Đặng Tiểu Bình năm 1978, và chương trình được chấp nhận vào ngày 18/12 năm đó. Tại thời điểm này, GDP của Trung Quốc ở dưới mức 150 tỷ USD. Bốn mươi năm sau thực hiện cải cách, GDP của Trung Quốc đã tăng vọt lên con số hơn 12.000 tỷ USD, và chỉ đứng sau con số của Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, bài phát biểu đánh dấu 40 năm Trung Quốc bắt đầu công cuộc cải tạo kinh tế. Ông đã giành phần lớn thời gian trong bài phát biểu dài của mình để nêu ra những tiến bộ của Trung Quốc trong các thập kỷ qua, và ca ngợi đó là "những thành tích hào hùng làm kinh thiên động địa".

Với những thành công đó "không ai có thể ra lệnh cho nhân dân Trung Quốc là cần phải làm gì hay không làm gì" và tuy đã đạt được những thành tựu kinh tế nhưng Trung Quốc sẽ "không bao giờ tìm cách bá chủ thế giới" ông cũng nêu rõ về sự đóng góp của Trung Quốc cho một "tương lai chung của nhân loại" và nhấn mạnh về các nỗ lực của Trung Quốc trong việc hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn, để cho Trung Quốc là "người cổ súy cho hòa bình thế giới", một "người bảo vệ trật tự quốc tế" và giữ một "vai trò dẫn dắt trong việc đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu".

Trong bài phát biểu, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh vào việc tăng cường sức mạnh của đội ngũ lãnh đạo Đảng Cộng sản, và ca ngợi chiến dịch trấn áp tham nhũng của Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc không nhắc trực tiếp tới tranh cãi thương mại hiện nay với Mỹ, mặc dù cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã leo thang tới mức có thể gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng cho cả hai bên nếu không đạt được thỏa thuận để xử lý bất đồng.

Biểu tình của phong trào “Áo vàng” tại Pháp sang tuần 6

Với những biện pháp của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, phong trào Áo Vàng kêu gọi biểu tình ngày 22/12/2018 trên khắp đất nước. Tuy nhiên, phong trào có dấu hiệu hụt hơi vì tính đến ngày 20/12, số người Áo Vàng trên khắp nước Pháp chỉ còn 3.680 người.

Dù không kêu gọi tập trung về Paris, nhưng thủ đô của Pháp vẫn là mục tiêu chính của cuộc biểu tình mang tên “Hồi 6: Chuẩn bị Giáng Sinh ở Paris”. Nhiều lời kêu gọi tập trung từ 10 giờ sáng tại quảng trường trước nhà hát Opéra, đại lộ Champs-Elysées, Khải Hoàn Môn, đồi Montmartre và khu văn phòng-tài chính La Défense. Theo thông tin của cảnh sát Paris, chỉ có khoảng 1.000 người tham gia biểu tình ở thủ đô nước Pháp.

Tổng thống Macron kêu gọi “tái lập trật tự” và “mọi người cần đồng lòng”, “xoa dịu những chia rẽ” trong xã hội. Về phần thủ tướng Edouard Philippe, ông báo trước những kẻ gây rối, đập phá trong các đợt xuống đường vừa qua sẽ bị “trừng phạt nghiêm khắc”.

Chính phủ Pháp quyết định tổ chức tham vấn nhân dân và đưa ra một số biện pháp tăng sức mua: hoãn tăng thuế xăng dầu trong năm 2019, giảm đóng góp xã hội (CSG) của những người có thu nhập thấp, giảm thuế cho các doanh nghiệp để khuyến khích giới chủ cấp tiền thưởng cuối năm cho nhân viên...nhằm ổn định đất nước.

Sóng thần ở Indonexia, hơn 200 người thiệt mạng

Một đợt sóng thần dữ dội do tác động từ núi lửa Anak Krakatau hoạt động, tràn vào một số khu vực của eo biển Sunda, gồm các bãi biển ở Pandeglang, Serang và Nam Lampung vào tối 22/12. Theo tin đầu tiên từ Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Indonesia, cho biết hiện 222 người đã chết, 843 người bị thương và 28 người đang mất tích. Con số này sẽ còn tăng cao do nhiều nạn nhân không được sơ tán, các trung tâm y tế chưa báo cáo kịp về số người đang điều trị và nhiều khu vực chưa có thống kê đầy đủ (AFP dẫn lời Sutopo Nugroho, người phát ngôn Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Indonesia).

Hình ảnh đổ nát sau khi sóng thần ập vào Indonesia hôm 22/12. Ảnh AP.

Theo Reuters, hàng trăm nhà cửa đã bị hư hại nặng nề vì trận sóng thần xảy ra bất ngờ dọc theo vành đai của Eo biển Sunda cuối ngày 22/12. Các đoạn video phát trên truyền hình cho thấy hình ảnh vài giây lúc sóng thần ập vào bờ các khu dân cư, rồi cuốn ra biển các nạn nhân cùng nhiều thứ khác.

người dân ở ven biển cho biết không thấy hay cảm nhận được các dấu hiệu cảnh báo, như nước biển rút đi hay động đất, trước khi đợt sóng cao 2 – 3 mét ập vào.

Trong khi đó, chính phủ cho biết hệ thống cảnh báo đã vang lên ở một số khu vực.

Chính quyền cảnh báo người dân và du khách tránh xa bờ biển thuộc Eo biển Sunda và cảnh báo triều cường có hiệu lực tới hết ngày 25/12. Hàng nghìn cư dân đã phải sơ tán lên những nơi cao ráo.

 Trần Hưng

(Biên tập theo các nguồn tin nước ngoài và trong nước)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thế giới nóng nhất tuần qua (từ 17 – 23/12/2018). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.