Thứ sáu, 29/03/2024 20:57 (GMT+7)

Châu Á chìm trong khói bụi ô nhiễm

MTĐT -  Thứ ba, 15/01/2019 17:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những ngày vừa qua, hàng loạt nước châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan phải đối mặt với tình trạng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng

Trong ngày 14/1, bụi PM 2.5 bao trùm Hàn Quốc ở mức độ đáng báo động. PM 2.5 mỏng hơn sợi tóc 30 lần, có thể xâm nhập vào phổi và thậm chí cả máu khi con người hít phải, gây tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe.

Theo chỉ số chất lượng không khí của Air Korea, tại nhiều khu vực ở Seoul, PM 2.5 đạt mức 169 microgram/m3 trong khi mức trung bình cả nước vào khoảng 102 microgram/m3.

Mức độ PM 2.5 ở Hàn Quốc hôm 14/1 đã vượt quá 4 lần tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về không khí an toàn (chỉ là 25 microgram/m3). Hiệp hội Khí tượng Hàn Quốc (KMA) dự báo mức độ ô nhiễm sẽ còn nghiêm trọng cho đến ngày 15/1, sau đó có thể giảm từ "rất xấu" xuống "xấu".

Đợt bụi mịn này bắt đầu từ ngày 11/2, khi đợt gió lạnh từ phía bắc bị đợt gió ấm từ Trung Quốc đẩy lùi. Thị trưởng Seoul Park Won-soon tuần trước đã bác bỏ những tuyên bố gần đây của Trung Quốc rằng, nước này không liên quan tới vấn đề bụi mịn ở Bán đảo Triều Tiên. Ông Park cho biết ông đã có các bản nghiên cứu từ các phòng thí nghiệm, theo đó kết luận khoảng 50-60% bụi mịn ở Hàn Quốc là từ Trung Quốc.

Ô nhiễm không khí ở thủ đô Seoul. Ảnh: AP.

Bộ Môi trường đã thực hiện các biện pháp giảm thiểu để xử lý các hạt bụi. Bắt đầu lúc 6h sáng, các nhà máy nhiệt điện ở các khu vực nói trên phải giảm sản lượng xuống 80% hoạt động bình thường. Các cơ sở phát thải công cộng khác được yêu cầu để giảm thời gian hoạt động và thực hiện các biện pháp khác theo hướng dẫn của chính quyền thành phố.

Một nước châu Á khác là Thái Lan cũng đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng. Hàng triệu chiếc xe đi lại mỗi ngày, vô vàn công trình xây dựng lớn nhỏ còn dang dở. Tất cả những điều này được cho là nguyên nhân khiến thủ đô Bangkok (Thái Lan) chìm trong lớp bụi dày đặc.

Thủ đô Bangkok bị ô nhiễm khói bụi. Ảnh: Reuters.

"Nguyên nhân gây ô nhiễm gồm 50% từ những chiếc xe diesel chạy hàng ngày, 35% là do công trình xây dựng. Chính quyền Bangkok cũng đã ban hành lệnh cấm toàn bộ 50 quận đốt rơm rạ sau mùa thu hoạch" - ông Pralong Dumrongthai - Tổng Giám đốc thuộc Cục Kiểm soát ô nhiễm Thái Lan, cho biết.

Những ngày này, thiết bị cảnh báo mức độ ô nhiễm tại Bangkok luôn hiện sắc thái đỏ, khuyến cáo người dân ra đường nên đeo khẩu trang. Bangkok cũng chuẩn bị triển khai các máy bay làm mưa khắc phục tình trạng ô nhiễm đã bao phủ thủ đô trong những tháng gần đây. Ngoài ra, chính quyền Thái Lan cũng đang nỗ lực cải thiện giao thông công cộng để giảm tình trạng ô nhiễm.

Thủ đô Bangkok hiện được xếp hạng thứ 10 trong số những thành phố có không khí ô nhiễm nghiêm trọng nhất thế giới, theo tổ chức bảo vệ môi trường Hòa bình Xanh (Greenpeace).

Cơ quan Kiểm soát Ô nhiễm Thái Lan thừa nhận lượng bụi độc hại PM2,5 (các hạt bụi có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet) trong không khí vẫn ở mức cao.

“Lượng bụi PM2,5 trong ngày 14/1 là dưới 90 microgram/m3, dù cao những chưa phải là tình trạng khủng hoảng. Khi lượng PM2,5 lên đến mức 120-150 microgram/m3 thì tất cả mọi người được khuyến cáo đeo khẩu trang khi ra ngoài”, ông Pralong nói.

Trung Quốc cũng là một đất nước có tình trạng ô nhiễm không khí vô cùng nghiêm trọng. Theo một báo cáo gần đây, bụi mịn là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến hơn 1,1 triệu người Trung Quốc chết trẻ mỗi năm.

Tháng 12/2018, Thủ đô Bắc Kinh đã đặt mức báo động vàng, mức cao thứ 3 trên thang cảnh báo ô nhiễm của Trung Quốc.

5 thành phố khác thậm chí đã đặt cảnh báo ở mức đỏ, mức cao nhất. 73 thành phố báo động mức da cam, mức cao thứ hai và là mức bắt đầu bắt buộc phải có các biện pháp kiểm soát khẩn cấp.

Hiện Chính phủ Trung Quốc đang áp dụng cách đánh giá chất lượng không khí hàng tháng đối với 169 thành phố, nhằm gây áp lực với các chính quyền địa phương để xử lý tình trạng bầu trời mù mịt.

Nhật Hạ(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Châu Á chìm trong khói bụi ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới