Thứ sáu, 26/04/2024 00:31 (GMT+7)

Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ ra sao?

MTĐT -  Thứ ba, 16/10/2018 22:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chỉ còn ba tuần nữa, cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 sẽ diễn ra trên toàn nước Mỹ. Nhưng đến thời điểm này, nhiều dự đoán có phần nghiêng về lợi thế của Đảng Dân chủ và các đồng minh độc lập của họ...

Vài nét về Quốc hội Hoa Kỳ

Quốc hội Hoa Kỳ gồm hai viện, Hạ viện và Thượng viện. Thành phần, quyền lực của Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ được thiết lập trong Điều I Hiến pháp Hoa Kỳ. Hạ viện gồm 435 ghế, được bầu theo qui mô dân số từng bang. Thành viên của Hạ viện được gọi là Hạ nghị sĩ, có nhiệm kỳ hai năm và không giới hạn số nhiệm kỳ để buộc họ luôn gần gũi , thông cảm với người dân.

Người trên 25 tuổi, là công dân Hoa Kỳ ít nhất 7 năm là có thể ứng cử để được bầu thành nghị sĩ cho tiểu bang của mình. Hạ viện được xem là một viện Quốc hội thiên về đảng phái hơn. Hạ viện có quyền lực đặc biệt là quyền đưa ra các đạo luật về thu nhập, truất phế các viên chức, và bầu tổng thống nếu như đại cử tri đoàn không quyết định được ai thắng cử.

Điện Capitol trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ. Cánh phía bắc (trái) của Thượng Nghị viện và Cánh phía nam(phải) của Hạ Nghị viện. Ở trong mỗi cánh này có phòng chính của viện, trên đó có phòng để người thường có thể quan sát những hoạt động của Thượng Nghị viện và Hạ Nghị viện. Ảnh TL

Thượng viện có 100 ghế, mỗi bang có hai ghế không phân biệt diện tích lớn, nhỏ dân số nhiều hay ít. Thành viên của Thượng viện gọi là Thượng nghị sĩ, có nhiệm kỳ 6 năm. Số Thượng nghị sĩ được phân chia sao cho hai năm bầu lại 1/3 số thành viên, do vậy Thượng viện có xu hướng thay đổi chậm hơn Hạ viện và nó được coi là một nhân tố giúp duy trì tính kế thừa trong chính phủ. Người dân trên 30 tuổi, có ít nhât 9 năm là công dân Hoa Kỳ đều có thể ứng cử để được bầu làm TNS cho tiểu bang của mình.

Hiến pháp cho Thượng viện một số chức năng có một không hai là khả năng "kiểm tra và cân bằng quyền lực” của các thành phần khác trong chính phủ liên bang. Thượng viện có quyền tư vấn và chấp thuận đối với một số bổ nhiệm viên chức chính phủ của Tổng thống Hoa Kỳ; Thượng viện phê chuẩn tất cả các hiệp ước Chính phủ ký với các nước khác, chỉ khi được Thượng viện phê chuẩn hiệp ước mới có giá trị thi hành; xét xử tất cả các vụ luận tội và bầu Phó Tổng thống Hoa Kỳ trong trường hợp không có ai nhận đa số phiếu đại cử tri. Tổng thống có thể thực hiện một số bổ nhiệm mà chỉ cần có sự tư vấn và ưng thuận của Thượng viện. Các viên chức được bổ nhiệm cần phải có sự chấp thuận của Thượng viện gồm có thành viên nội các, lãnh đạo của phần lớn các Cục hành pháp liên bang, Đại sứ, Thẩm pháp Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, và các Thẩm phán liên bang khác.

Quốc hội Hoa Kỳ ngoài trách nhiệm lập pháp còn có trách nhiệm giám sát và đưa ra các đạo luật ảnh hưởng đến hành pháp để bảo đảm hoạt động của Chính phủ là hợp hiến và đúng luật. Quốc hội có thể bãi miễn Tổng thống thông qua luận tội ở Hạ viện và xét xử ở Thượng viện. Tổng thống không có quyền giải tán Quốc hội hay tổ chức bầu cử sớm hơn qui định. Quốc hội cũng giám sát chức năng tư pháp thông qua quyền phê chuẩn Thẩm phán Tối cao Pháp viện, thiết lập hoặc hủy bỏ các Toà án liên bang và quyết định số lượng các Thẩm phán, nhưng Quốc hội không có quyền giải tán Tối cao Pháp viện.

Một phòng bầu cử ở Dallat bang Texas.

Các dự luật có thể được giới thiệu cả tại Thượng hay Hạ viện. Tuy nhiên, Hiến pháp Hoa Kỳ qui định "Tất cả các dự luật nhằm tăng tiền thuế thu nhập phải bắt đầu từ Hạ viện." Thượng viện không có quyền đưa ra các dự luật ấn định mức thuế và cũng không có quyền đưa ra các dự luật về chi tiêu của chính phủ hay các dự luật cho phép chi tiêu ngân quỹ liên bang. Trong lịch sử, Thượng viện đã từng tranh chấp những chế định mà Hạ viện chủ trương. Tuy nhiên, bất cứ khi nào Thượng viện khởi sự một dự luật về chi tiêu thì Hạ viện từ chối xem xét, qua đó giải quyết được sự tranh chấp trong thực tế.

Bầu cử giữa kỳ 2018 tại Hoa Kỳ (Midterm 2018)

Bầu cử giũa nhiệm kỳ tại Mỹ (Midterm election), là cuộc Tổng bầu cử bốn năm một lần vào giữa nhiệm kỳ của Tổng thống. Cuộc bầu cử này gồm bầu Quốc Hội, Thống đốc Tiểu bang, Quốc hội Tiểu bang, bầu cấp Tỉnh và Thị trưởng…Hiến pháp Mỹ qui định bầu cử giữa nhiệm kỳ được chọn vào ngày thứ ba, tuần đầu tiên của tháng 11, như vậy năm 2018 sẽ rơi vào ngày thứ ba 06 tháng 11. Bầu cử Quốc Hội liên bang các cử tri sẽ đi bầu lại 435 ghế Hạ viện và 1/3 ghế Thượng viện (khoảng 33-34 ghế) tuẩn tự hai năm một lần trong đó một kỳ trùng với bầu Tổng thống và một kỳ trùng với bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Dư luận trong và ngoài nước quan tâm nhiều đến bầu cử Quốc hội Liên bang, bởi thay đổi về số ghế của Hạ viện và Thượng viện tác động không nhỏ đến việc điều hành của Tổng Thống. Ngược lại, các chính sách điều hành của Tổng thống sau hai năm cầm quyền tác động không nhỏ đến các cử tri dẫn đến kết quả phân định số ghế của cả hai viện tạo nên sự thuận lợi hay bất lợi cho sự điều hành của Tổng thống.

Nếu tính trong thời kỳ 1953 đến 1995, từ thời Tổng thống Eisenhower đến thời kỳ Tổng thống Bush (cha), tương đương với 8 đời Tổng thống, Đảng Dân chủ hầu như kiểm soát điện Capitol và làm chủ hầu hết việc lập pháp. Từ cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 8-11-1994 (Tổng thống Clinton – Đảng Dân chủ) gió đã đổi chiều, Đảng Cộng hòa giành lại quyền làm chủ Quốc hội với 54 /100 ghế Thượng viện và 230/453 ghế Hạ viện và liên tiếp trong bảy cuộc bầu cử từ 1994 – 2016, Đảng Cộng hòa hầu như giành quyền làm chủ Quốc hội. Thiệt hại nhất cho Đảng Dân chủ là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2010 (thời Tổng thống Obama) mất 63 ghế về tay Đảng Cộng hòa, một tổn thất năng nề nhất kể từ năm 1938. Cuộc bầu cử năm 2014, Dân chủ cũng thua rất nặng với việc cả hai viện đều nằm trong tay Đảng Cộng hòa và ưu thế đó tiếp tục duy trì đến kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018.

Với liên tiếp thất bại của Đảng Dân chủ tại Quốc hội trong 22 năm qua, liệu cuộc bầu cử 2018, Đảng Dân chủ có thể giành lại quyền kiểm soát Quốc hội hay không là một câu hỏi khó cho những dự đoán.

Ông Donal Trump (CH) rất may mắn trúng cử Tổng thống khi gió đã đổi chiều từ 22 năm trước. Đảng Dân chủ không còn giữ thế thượng phong tại điện Capitol như xưa. Đảng Cộng hòa của Tổng thống đương nhiệm hiện đang nắm giữ cả tư pháp, hành pháp và vừa qua lại chiếm ưu thế cả trong Tối cao Pháp viện cùng với đa số thống đốc các Tiểu Bang (33/16).

Điều gì sẽ diễn ra trong cuộc bầu cử giữa kỳ 2018

Chỉ còn ba tuần nữa, cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 sẽ diễn ra trên toàn nước Mỹ. Nhưng đến thời điểm này, nhiều dự đoán có phần nghiêng về lợi thế của Đảng Dân chủ (và các đồng minh độc lập của họ) chỉ cần thêm hai ghế nữa để giành đa số trong Thượng viện và cần thêm 25 ghế để giành quyền kiểm soát Hạ viện. Việc một Đảng nắm giữ quá nhiều quyền lực (Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp) dễ dẫn đến độc quyền và mâu thuẫn với nền dân chủ Hoa Kỳ cũng có thể tác động đến cử tri tạo ra một lợi thế cho đảng Dân chủ. Khối cử tri ủng hộ đảng Dân chủ cũng cần phải nhắc đến là lượng cử tri nữ và giới viên chức ở các khu dân cư ven đô các thành phố lớn, kể cả tại những thành trì cũ cuả đảng Cộng hòa như Bang Texas, Virginia hoặc Bắc Carolina.

Tổng thống Trump muốn phe Cộng hòa tập trung vào các vấn đề cơ bản, trong đó có nhập cư, chính sách ông luôn lên án phe Dân chủ là mở cửa biên giới và làm gia tăng bạo lực các băng đảng. Đòn đáp trả của phe Dân chủ lại nhằm vào dự luật chăm sóc sức khỏe mà phe Cộng hòa muốn thay thế cho chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare của chính quyền tiền nhiệm. Đây vốn là hai điểm lớn mà chính quyền Mỹ đương nhiệm không được lòng các cử tri tầng lớp trung lưu. Trong quá trình vận động, Đảng Dân chủ hy vọng huy động được đông đảo cử tri, đặc biệt là số cử tri nữ, và tập trung vào các ứng cử viên nữ.

Đảng Cộng hòa cũng có những bất lợi. Các nghị sĩ của đảng này đã chọn nghỉ hưu với số lượng cao bất thường, trong số đó có Paul Ryan, Chủ tịch Hạ viện. Đảng Dân chủ thường đạt được kết quả tốt trong các cuộc bầu cử đặc biệt – Vào tháng 12/2017, Đảng Dân chủ đã chiếm được một ghế thượng nghị sĩ bang Alabama, vẫn được cho là không thể lấy được từ tay đảng Cộng Hòa – và dẫn đầu một cách chắc chắn trong các cuộc thăm dò cử tri, những yếu tố đó khiến cho dự báo đảng Dân chủ có lợi thế lớn hơn một chút so với đảng Cộng hòa trong việc giành quyền kiểm soát Hạ viện.

Tuy có thuận lợi khiến đảng Dân chủ có vẻ gần với chiến thắng hơn trong bầu cử giữa kỳ năm 2018, nhưng cũng có nhiều điểm bất lợi tại thời điểm này. Ở Hạ viện, đảng Dân chủ hy vọng có thêm được 23 ghế để chiếm đa số. Tuy nhiên, tình hình ở Thượng viện lại phức tạp hơn vì có 26 thượng nghị sĩ Dân chủ rời Thượng viện, trong khi bên phía đảng Cộng hòa chỉ có 9 thượng nghị sĩ hết nhiệm kỳ. Điều đáng nói là trong số này, có khoảng 10 bang đã bỏ phiếu bầu ông Donald Trump trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2016, nên việc giành thêm hai ghế nữa với đảng Dân chủ không phải là việc dễ dàng.

Về phía đảng Cộng hòa, cũng có nhiều lợi thế. Bởi những người ủng hộ đảng Dân Chủ có khuynh hướng sống tập trung trong những khu vực đông đúc, nhưng đảng Cộng hòa lại thường thành công hơn trong việc điều chỉnh địa giới các khu vực bỏ phiếu Hạ viện (gerrymandering), tạo lợi thế nghiêng về phía có lợi cho họ. Để có thể chiếm đa số trong Hạ viện, Đảng Dân chủ sẽ phải giành được nhiều hơn Đảng Cộng hòa 5 – 6 triệu phiếu, đó là một khó khăn trong thời điểm hiện nay, bởi đảng Dân chủ sẽ mất nhiều phiếu bầu của người da đen do họ bỏ đảng trong thời gian gần đây đã tác động không nhỏ đến lượng cử tri người da đen.

Phía đảng Cộng Hòa, do bị đe dọa mất đa số ghế ở Hạ viện, nên đích thân tổng thống Trump liên tục đến vận động ở các bang chủ chốt cho tới ngày bầu cử để ngăn làn sóng Dân chủ. Mặt khác với sự điều hành của Tổng thống đương nhiệm tình hình kinh tế Hoa Kỳ đang có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ thất nghiệp thấp (3,9%), tăng trưởng kinh tế đạt chỉ số cao hơn nhiều các năm trước đây (4,2%) tình hình thế giới cũng đang có những biến chuyển mà cách giải quyết của Chính phủ cũng giành được nhiều sự ủng hộ từ các cử tri. Những tiếng nói chỉ trích tổng thống trong nội bộ đảng Cộng Hòa cũng đã giảm bớt, ngoài thượng nghị sĩ John McCain qua đời, rất nhiều thượng nghị sĩ khác quyết định “nghỉ hưu”. Ngoài ra, trong nội bộ người ủng hộ thuộc đảng Cộng hòa, chủ nhân Nhà Trắng đang có điểm tín nhiệm thuộc top chưa từng có tính đến thời điểm hiện tại của nhiệm kỳ đầu.

Từ cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 có thể thấy rõ cử tri Mỹ mong muốn có một thay đổi lớn mà cơ chế điều hành truyền thống đã lỗi thời trong một thế giới đã sang một trang khác với tiến bộ không ngừng của khoa học kỹ thuật, cùng với sự xuất hiện của mạng truyền thông xã hội đưa đến nhiều thay đổi lớn trong đời sống, khiến tình hình thêm đa dạng và ảnh hưởng đến sự lựa chọn của Cử tri trong cuộc bầu cử giữa kỳ 2018. Tất cả những biến đổi này đều tác động đến tình hình chính trị Hoa Kỳ làm cho mọi dự đoán, tiên lượng không còn sát với thực tế cho đến khi kết quả kiểm phiếu được công bố. Nhưng dù kết quả nghiêng về Đảng nào thì cuộc bầu cử giữa kỳ này cũng sẽ định hình rõ rệt giai đoạn nửa sau nhiệm kỳ, cũng như khả năng tái cử nhiệm kỳ hai của Tổng thống Donal Trump.

  TRẦN HƯNG

PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đưa tin từ Hòa Kỳ

(Biên soạn dựa theo các tài liệu trong nước và quốc tế)

Bạn đang đọc bài viết Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ ra sao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.