Thứ năm, 18/04/2024 19:57 (GMT+7)

Ấn Độ - đất nước có nhiều thành phố ô nhiễm nhất thế giới

MTĐT -  Thứ năm, 03/05/2018 16:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo WHO thành phố New Delhi và Varanasi nằm trong số 14 thành phố của Ấn Độ có mức độ ô nhiễm cao nhất thế giới xét về lượng hạt bụi PM2.5 trong năm 2016.

Theo báo cáo vừa công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 10 người trên thế giới thì có đến 9 người đang phải hít thở không khí ô nhiễm mỗi ngày. Trong đó, Ấn Độ đang được xem là quốc gia có nhiều thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Theo đó, 2 thành phố New Delhi và Varanasi của Ấn Độ nằm trong số 14 thành phố của Ấn Độ có mức độ ô nhiễm cao nhất thế giới xét về lượng hạt bụi PM2.5 trong năm 2016.

Những thành phố còn lại của Ấn Độ có mật độ hạt bụi PM2.5 rất cao có thể kể đến là Kanpur, Faridabad, Gaya, Patna, Agra, Muzaffarpur, Srinagar, Gurgaon, Jaipur, Patiala và Jodhpur.

Theo WHO, trong số 7 triệu người thiệt mạng trên toàn cầu mỗi năm do tình trạng ô nhiễm không khí, hơn 1/3 là từ Ấn Độ. WHO khuyến cáo quốc gia Nam Á này nên khẩn trương có các biện pháp đối phó với tình trạng ô nhiễm.

WHO khuyến cáo quốc gia Nam Á này nên khẩn trương có các biện pháp đối phó với tình trạng ô nhiễm.

Theo thống kê, trong năm 2017, chất lượng không khí tại Delhi chỉ đạt mức an toàn trong 2 tháng 7 và 8. Ô nhiễm không khí tại New Delhi ngày càng tồi tệ mặc dù Chính phủ Ấn Độ đã tích cực triển khai nhiều biện pháp để giảm ô nhiễm môi trường tại nước này, đặc biệt là tại thủ đô New Delhi như dừng đăng ký phương tiện chạy diezel dung tích từ 2.000cc trở lên, triển khai nhiều chiến dịch tuyên truyền bảo vệ môi trường, thí điểm áp dụng chạy xe theo biển số chẵn-lẻ, cấm bán pháo và gần đây nhất là thử nghiệm súng chống khói bụi với khả năng bắn các giọt nước nhỏ lên đến độ cao 50 m để dính các chất ô nhiễm và đưa chúng xuống mặt đất và sử dụng các xe cứu hỏa và xe phun nước đi rửa bụi trên cây nhưng tình trạng ô nhiễm tại đây vẫn ở mức nghiêm trọng.

Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng đến tầm nhìn cũng là nguyên nhân làm nhiều chuyến bay và tàu hỏa tại Ấn Độ bị hủy hoặc hoãn chuyến trong thời gian qua. Trong ngày đầu Năm mới, sân bay quốc tế Indria Gandhi đã phải đóng cửa từ trong gần 4 giờ đồng hồ từ 7h30 sáng theo giờ địa phương, gây ảnh hưởng đến hơn 350 chuyến bay. Hơn 90 tuyến tàu tại thủ đô cũng bị hủy, hoãn hoặc thay đổi lịch trình.

Bộ trưởng môi trường liên bang Harsh Vardhan từng trấn an người dân rằng: “Tôi muốn đảm bảo với mọi người là chính phủ trung ương sẽ làm mọi điều có thể để cải thiện chất lượng không khí tại Delhi và Vùng thủ đô quốc gia”.

Còn Varanasi là một thành phố linh thiêng của các tín đồ Hindu giáo, tọa lạc bên bờ sông Hằng ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ.

Varanasi được biết đến là "thành phố của các đền đài", "thành phố thánh của Ấn Độ", "thành phố ánh sáng" hay "thành phố học vấn". Thế nhưng, nơi đây cũng được coi là thành phố bẩn nhất, nhì ở Ấn Độ.

Nền kinh tế Ấn Độ đạt tốc độ tăng trưởng cao trong 20 năm qua, song mức ô nhiễm tại nước này tăng đột biến, chủ yếu do đốt than để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Mức độ ô nhiễm của Ấn Độ và nước láng giềng Bangladesh tăng nhanh nhất kể từ năm 2010 và hiện hai nước này có nồng độ PM2,5 cao nhất trên thế giới.

Nhiều trường học tại New Delhi từng phải đóng cửa vì ô nhiễm không khí lên mức báo động. 

Tháng 11/2016, nhà chức trách Ấn Độ đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp y tế tại thủ đô New Delhi khi nồng độ PM2,5 lên đến mức nguy hiểm. Nhiều trường học và nhà máy nhiệt điện trong và gần New Delhi đã được lệnh đóng cửa, trong khi chính phủ nỗ lực khắc phục tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng này.

Hạt bụi PM2.5 chứa các chất gây ô nhiễm như sulfate, nitrate và carbon đen, là mối đe dọa lớn nhất cho sức khỏe con người. Theo báo cáo của WHO, ô nhiễm không khí là một trong những nhân tố có nguy cơ rất cao dẫn tới các bệnh không truyền nhiễm (NCD).

Cũng theo báo cáo này, kể từ năm 2016, hơn 1.000 thành phố đã được bổ sung vào danh sách những quốc gia đang đánh giá và thực hiện các biện pháp để giảm mức độ ô nhiễm không khí của WHO.

Chẳng hạn như ở Ấn Độ, nước này đã triển khai một chương trình hỗ trợ 37 triệu phụ nữ nghèo tiếp cận miễn phí nguồn khí đốt hóa lỏng, qua đó giúp họ chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng sạch cho gia đình của mình. Ấn Độ đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 80 triệu hộ gia đình được tiếp cận nguồn nhiên liệu này.

P.V (tổng hợp theo TTXVN, TTO)

Bạn đang đọc bài viết Ấn Độ - đất nước có nhiều thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.