Thứ sáu, 29/03/2024 18:52 (GMT+7)

Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

MTĐT -  Thứ sáu, 09/06/2017 08:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 9/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Trong quá trình Quốc hội thảo luận, các thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Căn cứ kết quả thảo luận tại tổ và để có thêm thời gian cho nhiều vị đại biểu phát biểu, thành viên Chính phủ giải trình, làm rõ vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho phép kéo dài thời gian phiên họp chiều 9/6/2017 đến 18h30.
Như vậy, đây là lần đầu tiên trong nhiều kỳ họp, ít nhất là trong vài nhiệm kỳ gần đây, Quốc hội sẽ phá lệ, tăng thời gian thảo luận thêm 1h30 phút. Lâu nay, thời gian được chốt cứng là Quốc hội làm việc buổi sáng từ 8h đến 11h30, chiều từ 14h đến 17h.

Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả phát triển KT-XH năm 2016 và tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2017 cho biết, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2016. Trong những tháng cuối năm, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Tổng hợp kết quả cả năm, trong số 13 chỉ tiêu Quốc hội giao có 11 chỉ tiêu đạt và vượt, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch. So với số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp cuối năm 2016, có 7 chỉ tiêu đạt cao hơn và 2 chỉ tiêu thấp hơn.

Báo cáo nêu rõ: Triển khai các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; đồng thời, theo dõi sát diễn biến tình hình để có đối sách ứng phó phù hợp, kịp thời.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tăng trưởng. Khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Xây dựng nền hành chính kỷ luật, kỷ cương, liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng lãng phí. Quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Tăng cường bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, chủ động phòng chống thiên, ứng phó với biến đổi khí hậu. Giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Về ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 so với tháng 12/2016 tăng 0,9%; đã tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại các địa phương còn lại.

Tín dụng tăng 5,75% cao nhất so với cùng kỳ trong 6 năm gần đây; mặt bằng lãi suất ổn định và có xu hướng giảm. Xuất khẩu tăng 16,8%, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo và nông sản tăng mạnh. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 32,7% dự toán cả năm, tăng 17,8%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần đạt 10,6% tỷ USD, tăng 40,5%...

Báo cáo cũng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, tổ chức nhiều hội nghị về phát triển nông nghiệp công nghệ cao; thu hút được nhiều dự án, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Tổ chức các hội nghị về lúa gạo và phát triển ngành tôm; chỉ đạo hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, trong đó nhiều cơ quan, tổ chức, người dân đã tích cực chia sẻ, chung tay hỗ trợ tiêu thụ dưa hấu, hành tím, thịt lợn… Khu vực nông nghiệp tăng mạnh so với cùng kỳ, quý I tăng 2,03% (cùng kỳ giảm 1,31%); kim ngạch xuất khẩu nông sản 4 tháng đạt 10,76 tỷ USD, tăng 9,1%. Xuất khẩu gạo, thủy sản có xu hướng tốt, giá ổn định ở mức khá, có lợi cho người sản xuất…

Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ rõ, tăng trưởng GDP quý I đạt 5,1%, thấp hơn cùng kỳ (5,48%). Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 5,1%, chủ yếu do lĩnh vực khai khoáng giảm 9,7%, trong đó dầu thô giảm đến 14,2%; ngành chế biến chế tạo, linh kiện điện tử tăng thấp hơn cùng kỳ. Việc phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư công chậm.

Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong các quý còn lại, quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% như Quốc hội đã đề ra.

Theo Kinh tế Đô thị

Bạn đang đọc bài viết Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Hoài Anh làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận
Chiều 29-3, tại Hội nghị Tỉnh ủy Bình Thuận mở rộng, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã chủ trì lễ công bố quyết định về công tác cán bộ.

Tin mới