Thứ sáu, 29/03/2024 17:09 (GMT+7)

Quản trị ô nhiễm

MTĐT -  Thứ năm, 15/06/2017 08:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế gây ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của người dân là một trong những định hướng của Chính phủ được xã hội đồng thuận cao.

 Tuy nhiên, để quan điểm này đi vào cuộc sống, câu chuyện không đơn giản. Nếu lấy mức độ ô nhiễm môi trường do tác động của các hoạt động phát triển kinh tế gây ra, thì có một sự thật là môi trường đã bị đánh đổi vì kinh tế từ nhiều năm qua.

Bãi rác Đa Phước.

Điểm chung giữa báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, là việc chất lượng môi trường (đặc biệt là môi trường khí) của Việt Nam đang có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Báo cáo của WHO cho thấy, ở khu vực Đông Nam Á - Tây Thái Bình Dương, thì Việt Nam là một trong ba quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí nặng nề nhất bên cạnh Trung Quốc và Malaysia. Các khu vực phát triển nóng, đặc biệt ở các đô thị lớn, tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên tồi tệ.

Hầu hết các chính quyền địa phương đều lúng túng khi ứng xử với tình trạng ô nhiễm gần như tăng liên tục năm sau cao hơn năm trước. Mặc dù các nguồn lực và quyết tâm chính trị cũng đã được vận dụng gần như hết mức có thể. Vấn đề là trong cuộc chiến bảo vệ môi trường không phải lúc nào các lực lượng cũng được tổ chức vận hành một cách thống nhất, tập trung và tuân theo các nguyên tắc chuẩn mực có tính quy luật.

Ở TP Hồ Chí Minh có một câu chuyện đùa về thực trạng chống ngập nhiều năm qua rằng trước đây thành phố có hàng chục điểm ngập, nay sau nhiều nỗ lực chống ngập chỉ còn lại duy nhất một điểm. Đó là ngập toàn thành phố. Hàng ngàn tỷ đồng và rất nhiều nghị quyết cũng như dự án cho công tác chống ngập tại thành phố đông dân và năng động nhất nước này. Tuy nhiên, kết quả dường như đang trêu chọc ý chí và mong mỏi của những người thực thi lẫn hàng triệu người dân đang hàng ngày phải chịu trận với tình trạng ô nhiễm và ngập úng liên tục.

Ô nhiễm môi trường không chỉ ảnh hưởng xấu trực tiếp tới sức khỏe, điều kiện sống của con người, nó còn tác động tiêu cực lên các chỉ số phát triển, kéo lùi tốc độ tăng trưởng. Về lâu dài, ô nhiễm cũng chính là một trong những tác nhân gây bất ổn xã hội, phá vỡ các mục tiêu đầy tham vọng như xây dựng đô thị thông minh, thu hút nhân tài, nguồn lực chất lượng cao cho những mục tiêu vươn xa, hiện đại hóa của đất nước. Không ai muốn con cái, tương lai của gia đình mình phải lặn ngụp trong cái không khí ô nhiễm và một môi trường sống bất an dù cho có thu nhập cao hay được ưu đãi cỡ nào. Những nguồn lao động chất lượng cao, tầm vóc lớn chắc chắn sẽ có sự lựa chọn phù hợp của họ.

Tuy vậy, TP Hồ Chí Minh lại tiếp tục dẫn đầu trong cách thức đột phá tuyên chiến với ô nhiễm môi trường khi Hội đồng nhân dân của thành phố này mới đây đã dành một cuộc họp bất thường chỉ bàn riêng về các chỉ tiêu và giải pháp cụ thể cho việc bảo vệ môi trường. Một nghị quyết về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố cũng được thông qua.

Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ, HĐND TP HCM tổ chức một kỳ họp bất thường với mục tiêu đánh giá đúng thực trạng công tác bảo vệ môi trường và quản lý chất thải trên địa bàn. Nghị quyết cũng đề ra nhiều chỉ tiêu rất cụ thể cần phải đạt được trong những thời gian nhất định cho công tác bảo vệ môi trường. Nghị quyết cũng khẳng định, từ nay các dự án chưa nghiệm thu công trình bảo vệ môi trường không theo quy định của pháp luật thì không được đưa vào hoạt động. Các dự án đã hoạt động nhưng chưa nghiệm thu phải hoàn thành nghiệm thu trước ngày 31/12/2017.

Động thái này của TP HCM cho thấy một quyết tâm chính trị hợp lòng dân của lãnh đạo thành phố được thực thi một cách cụ thể, minh bạch và có kế hoạch. Có thể nói, thay cho những cách hành xử còn mang tính hành chính, duy ý chí trước đây, thành phố đang bắt đầu thật sự đưa công tác bảo vệ quản lý môi trường trở thành những mục tiêu phát triển cụ thể và được vận hành bằng các nguyên tắc của khoa học quản trị.

Quản trị ô nhiễm chính là sự khởi đầu của mô hình kiểm soát và điều chỉnh của hệ thống công quyền đối với vấn đề ô nhiễm môi trường vốn được xem là diễn biến phức tạp bởi sự chi phối của nhiều yếu tố chủ quan. Trong đó có lợi ích nhóm làm lệch lạc các mục tiêu cộng đồng, làm phân tán, lãng phí nguồn lực một cách mất kiểm soát. Đáng nói là khi các mục tiêu kiểm soát ô nhiễm thất bại thì không có địa chỉ chịu trách nhiệm cũng như thiếu cơ sở để truy cứu trách nhiệm cụ thể. Quản trị ô nhiễm và thực thi việc quản trị này trên cơ sở các mục tiêu của hội đồng nhân dân chính là bắt đầu cho sự minh bạch, nhằm định hướng các nguồn lực vào những mục tiêu cụ thể có khởi đầu và đích tới.

Theo Đại Đoàn kết

Bạn đang đọc bài viết Quản trị ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Hoài Anh làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận
Chiều 29-3, tại Hội nghị Tỉnh ủy Bình Thuận mở rộng, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã chủ trì lễ công bố quyết định về công tác cán bộ.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.