Thứ sáu, 29/03/2024 01:48 (GMT+7)

Nhà máy xử lý rác 28 triệu USD "đắp chiếu"

MTĐT -  Thứ năm, 03/12/2015 11:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(tinnhanhmoitruong.vn)- Được đầu tư với quy mô lớn, dây chuyền công nghệ Hàn Quốc hiện đại nhất cả nước, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 lên tới gần 28 triệu USD, Nhà máy xử lý chất thải rắn Hải Phòng từng được kỳ vọng sẽ là tiền đề quan trọng để phát triển công nghệ xử lý rác thải cho thành phố cảng và cả vùng duyên hải Bắc Bộ. Tuy nhiên, sau 5 năm hoạt động không đạt được hiệu quả như mong đợi, Nhà máy đã ngừng hoạt động trong suốt 2 năm qua và chưa tìm được hướng đi mới.

Dự án quản lý và xử lý chất thải rắn Hải Phòng được Thủ tướng phê duyệt từ tháng 8/1997, triển khai tại phường Tràng Cát, quận Hải An, trên diện tích 60 ha, trong đó 40 ha làm bãi đổ rác, 20 ha xây nhà máy xử lý rác.

Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là 27,786 triệu USD (tương đương 360 tỷ đồng theo tỷ giá tại thời điểm xây dựng), trong đó vốn vay ưu đãi của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc là 19,6 triệu USD, vốn đối ứng từ ngân sách địa phương và quyền sử dụng đất là 5,7 triệu USD. Chủ đầu tư là Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng (Sở Xây dựng Hải Phòng).

Dự án được khởi công vào tháng 10/2004, khánh thành Nhà máy xử lý rác vào tháng 12/2008 sau rất nhiều khó khăn, biến cố. Nhà máy đã lắp đặt 4 dây chuyền công nghệ xử lý chất thải rắn, sử dụng công nghệ vi sinh tiên tiến của Hàn Quốc, gồm: phân loại; lên men bằng phương pháp sinh học; công đoạn ủ chín và tự động sàng, đóng bao. Nhà máy có hệ thống điều khiển hiện đại, bãi chôn lấp chất thải rắn và 47 xe chuyên dụng, nhập khẩu từ Hàn Quốc phục vụ sản xuất. Nhà máy xử lý chất thải rắn Hải Phòng có công suất 200 tấn rác/ngày, sử dụng công nghệ tiên tiến chế biến rác thành phân vi sinh đưa ra sản phẩm mùn compost sản lượng 80 tấn/ngày với chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn phân bón chăm sóc cây trồng. Sau khi vận hành chạy thử theo công suất thiết kế, sản phẩm đầu ra là phân compost đạt tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam.

Khi đưa dự án Quản lý và xử lý chất thải rắn vào hoạt động, Hải Phòng đã kỳ vọng Thành phố có thể giảm bớt nhiều rác thải rắn xử lý theo cách chôn lấp, tạo điều kiện thực hiện tốt Đề án quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý rác của thành phố theo hướng bền vững, góp phần giữ gìn cân bằng sinh thái đô thị, phát triển du lịch, công nghiệp và dịch vụ tại khu kinh tế Đình Vũ.

Đồng thời, đây được coi là tiền đề bền vững để Hải Phòng đầu tư xây dựng thêm hai nhà máy xử lý rác thải rắn có công suất tương tự ở khu vực ngoại thành nhằm từng bước xử lý triệt để nguồn rác thải công nghiệp, sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường và phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, chỉ sau 5 năm hoạt động không phát huy được hiệu quả, do thiếu kinh phí vận hành, sản phẩm đầu ra không tiêu thụ được nên nhà máy hoạt động cầm chừng được ít năm, rồi đóng cửa suốt từ năm 2013 đến nay trong khi gói thầu cuối cùng là xây dựng hệ thống thoát nước chung quanh chưa được thực hiện.

Việc xử lý chất thải rắn chưa bao giờ là bài toán dễ tìm lời đáp cho các cơ quan quản lý của Việt Nam từ Trung ương đến địa phương. Xử lý chất thải rắn thành phân hữu cơ là giải pháp được cho là hiệu quả nhất. Tuy nhiên, sản phẩm sau khi xử lý lại chưa được hoàn thiện về chất lượng và gần như chưa có thị trường tiêu thụ. “Bức tranh” chất thải rắn đã từng được kỳ vọng bớt ảm đạm khi các nhà máy xử lý chất thải rắn được đầu tư xây dựng ở các địa phương với máy móc, thiết bị hiện đại.

Các nhà máy xử lý rác sử dụng công nghệ nước ngoài, vay vốn ODA đã từng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi tình trạng xử lý chất thải rắn đang gặp rất nhiều khó khăn như: Nhà máy tại Cầu Diễn (Hà Nội, công suất 50 tấn/ngày, công nghệ Tây Ban Nha; Nhà máy tại Nam Định, 250 tấn/ngày, công nghệ Pháp; Nhà máy tại Tràng Cát (Hải Phòng), 200 tấn/ngày, công nghệ Hàn Quốc… Ngoài ra còn có các nhà máy sử dụng công nghệ trong nước cũng được đầu tư ở một số địa phương như TP Vinh (Đông Vinh, 200 tấn/ngày, công nghệ Seraphin), TP Huế (Thủy Phương, 150 tấn/ngày, công nghệ ASC), Kiên Giang (200 tấn/ngày, công nghệ ASC)…

Theo nhận định của Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), các công nghệ nước ngoài chi phí cao, lại chưa phù hợp với tính chất rác thải và rác chưa được phân loại tại nguồn nên hiệu quả hoạt động còn thấp. Một số công nghệ trong nước đang triển khai áp dụng bước đầu đem lại hiệu quả nhất định nhưng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện công nghệ, máy móc thiết bị chế tạo, chưa được thị trường hóa. Nhiều địa phương có một số dự án đầu tư nhưng các dự án chi phí cao, quy mô công suất lớn, gây khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp. Hơn nữa, Việt Nam cũng chưa có hướng dẫn về tiêu chí lựa chọn công nghệ cũng như việc quản lý các dự án và đánh giá, kiểm tra, giám sát khi đi vào vận hành.

Theo Báo Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết Nhà máy xử lý rác 28 triệu USD "đắp chiếu". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.