Thứ sáu, 19/04/2024 04:24 (GMT+7)

Đề xuất đổi giờ làm việc: “Phải có đánh giá tác động cụ thể”

PHAN NGÂN -  Thứ tư, 08/05/2019 15:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đề xuất giờ làm việc của các cơ quan hành chính trên toàn quốc bắt đầu từ 8h30. Trước đề xuất trên, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đã nêu ý kiến.

Phương án nào khả quan?

Thông tin Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) với 2 phương án về thời gian làm việc của công chức, viên chức đã được rất nhiều chuyên gia, đại biểu quốc hội quan tâm thời gian gần đây.

Theo đó, phương án đầu tiên là bổ sung quy định: "Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước". Thời gian làm việc dự kiến từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút.

Phương án thứ hai là giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không nêu trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính. Đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, các địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

Trước hai phương án trên của Bộ, nhiều ý kiến cho rằng phương án thứ nhất chưa thực sự ưu việt, đặc biệt là với công chức nhà nước ở khu vực thành phố.

Hiện nay, ở thành phố, đa phần các gia đình đưa con em đi học từ 6h30 sáng (trẻ em bắt đầu vào lớp lúc 7h30), nếu 8h30 công chức mới tới giờ làm thì khoảng thời gian 30 phút  đến 1 tiếng dư thừa sẽ vô cùng lãng phí.

Sửa đổi giờ làm việc của các cơ quan hành chính có cần thiết? (ảnh minh họa).

Còn ở nông thôn, người dân thường dậy sớm và đi làm sớm, khoảng 7h30 có mặt tại công sở. Vì thế việc thống nhất ấn định một khung giờ làm việc đồng bộ cho tất cả các cơ quan công quyền trên cả nước là việc chưa thực sự phù hợp với tính chất của từng địa phương.

Ngoài ra, không ít người cho rằng thời gian nghỉ trưa 60 phút như phương án thứ nhất của dự thảo nêu ra không đủ để nghỉ ngơi. Các cơ quan hành chính Nhà nước ở các tỉnh lẻ hoặc khu vực ngoại ô phần lớn không tổ chức ăn cơm trưa tại đơn vị, không có bếp ăn tập thể... nên 60 phút là không đủ.

Bàn về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh – Đại biểu Quốc hội Khóa XIV thuộc đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Tôi cũng đã ra nước ngoài và được biết nhiều nước làm việc từ 9h sáng, nghỉ trưa rất ít rồi tiếp tục làm việc buổi chiều từ 13h. Nhưng đối với điều kiện của Việt Nam và từng địa phương, với khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhất là mùa hè rất nóng bức như chúng ta thì thời gian nghỉ ngơi phải đủ”.

Nếu quy định này được thực hiện sẽ phát sinh việc nhiều cơ quan, đơn vị phải xây dựng bếp ăn tập trung, tuyển nhân viên hợp đồng cấp dưỡng... đi trái với chủ trương tinh giản biên chế.

“Bắt buộc phải có đánh giá tác động”

Giải thích về mặt nhược điểm của phương án dự thảo, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cho hay: “Việc quy định giờ làm việc chung cho tất cả các cơ quan cũng là vấn đề cần xem xét kỹ. Mùa đông làm việc từ mấy giờ, mùa hè làm việc từ mấy giờ phải có một quy định chung, điều này là đúng. Nhưng, ở từng địa phương như miền núi, nông thôn hay thành phố thì việc quy định giờ có thể thay đổi để phù hợp. Như ở nông thôn, buổi sáng họ đi làm không tắc đường chen chúc, họ đi làm từ 7h30 sáng, nhưng ở thành phố thì giao thông quá đông đúc, thời gian đi lại mất nhiều nên giờ làm việc có khi từ 8h đến 8h30. Ở thành phố, buổi sáng sớm phụ huynh đưa trẻ em đi học là cả một vấn đề, vấn nạn về ùn tắc giao thông, chính vì thế ảnh hưởng đến giờ làm việc nếu vào làm quá sớm”.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh.

Mỗi địa phương, mỗi vùng, miền lại có những đặc điểm riêng, vì vậy, quy định này có thể phù hợp với chỗ này nhưng lại hoàn toàn không phù hợp với nơi khác. Trong thời buổi kinh tế thị trường, kinh tế chia sẻ, con người có rất nhiều cách thức làm việc. Bởi thế, tư duy quản lý tập trung càng trở nên không hiệu quả.

“Theo tôi mỗi một quy định như vậy, bắt buộc phải có đánh giá tác động, phải xem rằng tác động đến xã hội có phù hợp không hay khúc mắc ở chỗ nào chứ không thể nói áng chừng hay duy ý chí” - Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh.

Xét trên nhiều mặt, việc ấn định thời gian làm việc chung cho khối cơ quan hành chính trên cả nước là không cần thiết và tính khả thi không cao. Việc sắp xếp thời gian làm việc nên tuân thủ nguyên tắc cơ bản: bảo đảm đủ giờ làm việc, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc, bảo đảm sức khỏe cho người lao động, phù hợp điều kiện thời tiết và tập quán của từng vùng miền... Nếu cần thay đổi thời gian làm việc thì nên có các luận cứ khoa học đầy đủ và sự thay đổi đó phải tính đến hiệu quả thực sự trong tổng quan chung của cả nước.

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất đổi giờ làm việc: “Phải có đánh giá tác động cụ thể”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.