Thứ sáu, 29/03/2024 04:41 (GMT+7)

Có khoảng 7 triệu người chết sớm mỗi năm do ô nhiễm không khí

MTĐT -  Thứ tư, 29/05/2019 11:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm trên toàn thế giới, có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có gần 4 triệu người.

Khoảng 7 triệu người sớm chết mỗi năm

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm trên toàn thế giới, có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có gần 4 triệu người. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế với khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỷ đô la mỗi năm. Ô nhiễm ô zôn trên mặt đất dự kiến sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030. Ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội.

WHO cũng đưa ra cảnh báo, phần lớn số ca ung thư phổi do ô nhiễm không khí là từ các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình, các nước thuộc vùng Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Theo các nhà y học, các chất ô nhiễm xuyên qua màng lọc của phổi, đi vào máu, ngấm vào các thành mạch gây tình trạng xơ vữa và  tác động tức thời như viêm phổi, viêm mũi, hen suyễn, thậm chí về lâu dài gây ung thư phổi. Đặc biệt, có những người làm việc trong môi trường ô nhiễm như lò than, nhà máy xi măng bị xơ cứng phổi.

Mỗi năm trên toàn thế giới, có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê không đầy đủ, những năm qua, số bệnh nhân bị bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí ngày càng tăng. Số trẻ em nhập viện điều trị bệnh hen suyễn, khuẩn hô hấp, ho tại một số bệnh viện ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tăng gấp nhiều lần. Theo dự báo của của các chuyên gia y tế, số ca ung thư, trong đó có ung thư phổi ở Việt Nam sẽ tăng mạnh trong 5 năm tới.

Đánh giá theo chỉ số chất lượng không khí (AQI) thời gian qua cho thấy, phần lớn thời gian, chất lượng không khí tại các khu vực có trạm đo ở mức tốt và trung bình. Một số trạm đo tại khu vực Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai của TP. Hà Nội có chất lượng không khí kém hơn. Đây là những khu vực có mật độ phương tiện giao thông cao, cộng với các công trình xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị đang diễn ra làm phát sinh một lượng bụi lớn vào môi trường.

Kết quả quan trắc môi trường không khí tại một số thành phố lớn trong những năm gần đây cho thấy chất lượng không khí đã được cải thiện. Các thông số môi trường trong không khí (như NOx, SOx, CO...) có giá trị khá thấp, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về chất lượng không khí xung quanh (theo QCVN 05:2013/BTNMT) và không có nhiều biến động so với những năm trước. Tuy vậy, nồng độ bụi cục bộ tại một số khu vực trong một số đô thị, đặc biệt, tại các khu vực đô thị lớn có giá trị vượt QCVN…

Tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở khu vực miền Bắc, ô nhiễm bụi vào thời gian mùa đông và đầu xuân tăng cao hơn những mùa khác trong năm. Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua và có tính quy luật, ô nhiễm bụi mịn tăng cao vào thời gian tháng 12, tháng 1 - 2 và có thể kéo dài sang tháng 3 năm sau.

Các giải pháp thực hiện

Để hạn chế, kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí; Bộ TN&MT cùng các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức phi Chính phủ triển khai các hoạt động cụ thể nhằm ngăn ngừa tình trạng gia tăng ô nhiễm...

Tại Việt Nam, trong những năm qua cũng đã thực hiện một số biện pháp, để giải quyết một số vấn đề ô nhiễm không khí:

- Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến quản lý chất lượng không khí như các qui chuẩn chất lượng không khí cho các ngành sản xuất, lò đốt chất thải; đồng thời yêu cầu các nhà máy có nguồn thải lớn bắt buộc phải có thiết bị quan trắc tự động và truyền về cơ quan quản lý. Đặc biệt, tăng mức phạt đối với các cơ sở vi phạm và có chương trình BVMT đối với phương tiên giao thông vận tải (lộ trình áp dụng EURO 4 cho xe ô tô mới, kiểm định, kiểm tra bảo dưỡng xe cũ, sử dụng xăng E5…)

- Xây dựng một số công trình nhằm tăng cường hệ thống giao thông công cộng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cụ thể như hệ thống giao thông ngầm, giao thông trên cao, tăng cường mạng lưới xe buýt; Bố trí lại hệ thống giao thông, xây dựng các cầu vượt tại các nút giao thông để chống ùn tắc… Bước đầu quản lý các xe chở vật liệu xây dựng, các công trình xây dựng trong và ngoài đô thị.

- Lựa chọn một số công nghệ sạch đối với các nhà máy nhiệt điện, luyện thép, xi măng nhằm giảm thiểu bụi. Đồng thời kiên quyết đóng cửa các lò gạch thủ công tại các địa phương.

- Xây dựng mạng lưới quan trắc tự động không khí tại các thành phố lớn, công bố công khai chất lượng không khí qua chỉ số AQI.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, vận động cộng đồng tham gia BVMT nói chung và bảo vệ chất lượng không khí nói riêng trong các chương trình tiết kiệm năng lượng, sử dụng giao thông công cộng, không đốt rác, không đốt rơm rạ…

Mặc dù đã có nhiều biện pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí nhưng kết quả không thật khả quan. Trong những năm tới, cùng với sự phát triển kinh tế, ô nhiễm không khí có thể gia tăng nếu không có các biện pháp cụ thể. Do đó cần ưu tiên thực hiện các giải pháp:

+ Các thành phố nhanh chóng xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng không khí (AQM) nhằm nhận diện một cách cụ thể các nguồn gây ô nhiễm và mức độ ô nhiễm để từ đó đề ra các biện pháp giải quyết phù hợp và cụ thể.

+ Tăng cường thực hiện các chương trình kiểm soát và giảm thiểu khí thải từ các phương tiện giao thông. Thắt chặt mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe nhập đã qua sử dụng và xe đang lưu hành; tăng cường kiểm soát khí thải lưu động trên đường; bố trí các trạm đăng kiểm xe ô tô trên cả nước; xây dựng Trung tâm Thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; mở rộng cơ sở thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải…

Thực hiện Đề án Kiểm soát khí thải mô tô, xe máy tham gia giao thông tại các tỉnh, TP lớn. Mục tiêu đề án cho giai đoạn 2013-2015 là thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải từ 80% - 90% số lượng xe mô tô, xe máy tham gia giao thông tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

+ Nhanh chóng xây dựng và đưa vào hoạt động các hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, xe điện trên cao, xe điện ngầm. Sử dụng nhiên liệu sạch và nhiên liệu thay thế cho các phương tiện giao thông công cộng

+ Đối với công nghiệp, sử dụng các công nghệ sạch nhằm giảm thiểu phát thải ống khói, tăng cường quản lý các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nguy hại. Triển khai thống kê phát thải công nghiệp, lắp đặt các hệ thống quan trắc tự động đối với các nguồn thải lớn.

+ Quy hoạch các nhà cao tầng, đường phố; tăng cường hiệu suất sử dụng năng lượng.

+ Tăng cường sử dụng các loại nhiên liệu phát thải ít, năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng mặt trời).

+ Lắp đặt các trạm quan trắc tự động liên tục tại các thành phố và đô thị Việt Nam nhằm giám sát chặt chẽ chất lượng không khí và cung cấp thông tin cho cộng đồng.

+ Thực hiện việc nghiên cứu ảnh hưởng đến sức khỏe của một số chất ô nhiễm mới như thủy ngân.

Cũng như, để hưởng ứng Chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm nay, có rất nhiều điều mà mỗi chúng ta có thể làm để góp phần hạn chế ô nhiễm không khí: từ đạp xe hoặc đi bộ đến làm việc và trở lại, tái chế rác không hữu cơ của bạn, trồng cây, cải thiện không gian xanh trong môi trường sống của bạn.

Hãy tắt đèn và thiết bị điện tử không sử dụng, sử dụng các thiết bị ít phát thải; không bao giờ đốt rác, chất thải nông nghiệp sau thu hoạch nhằm góp phần trực tiếp vào giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm không khí, chung tay cải thiện chất lượng không khí.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Có khoảng 7 triệu người chết sớm mỗi năm do ô nhiễm không khí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.