Thứ bảy, 20/04/2024 06:32 (GMT+7)

Ai phải chịu trách nhiệm khi thiên tai hóa thành thảm họa ở Tây Bắc?

Duy Dương - Vương Liễu -  Thứ tư, 27/06/2018 11:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phó Giáo sư Bùi Thị An cho rằng những người đứng đầu địa phương phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên trước nhân dân, trước Quốc hội, trước Chính phủ.

Người dân gồng mình chịu lũ

Quốc lộ 4D, vết tích của những vụ sạt lở mới, cũ chồng chéo lên nhau tạo ra khung cảnh tan hoang tước mắt chúng tôi. Chuyến đi của chúng tôi cũng trở nên dài đằng đẵng vì bao gồm cả nỗi bất an đồng hành, không ai trong chúng tôi biết đoạn đường mình đang di chuyển sẽ phải hứng chịu cơn thịnh nộ của thiên nhiên - những vụ sạt lở lao từ triền núi xuống lúc nào, ai cũng lo sợ cho tính mạng của chính mình.

Tôi gặp chị Hoàng Thị Minh (Than Uyên, Lai Châu) khi chị này đang thất thần và mệt mỏi. Bước chân chị nặng chịch khi thả mình từ xe khách xuống, chuyến xe đã phải dừng lại vì con đường đã ách tắc nặng. Chị Minh xuống xe, chăm chăm nhìn về phía trước bằng ánh mắt tuyệt vọng. Chị Minh đã phải "chôn chân" tại Sapa 3 ngày vì tắc đường.

Nhưng sự mệt mỏi của chị Minh không bắt nguồn từ 3 ngày ở Sapa, chị mệt mỏi vì không thể cập nhật được tình hình nhà cửa, người thân của mình ở Than Uyên. “Năm nào chúng tôi cũng hoang mang, mệt mỏi khi mỗi lần mùa mưa lũ, mà lũ thì ngày càng bất thường, đến lúc nào không biết”, chị nói trong lúc chờ đợi.

Cách nơi chị Minh đang mòn mỏi chờ thông tuyến đường về nhà chỉ 2km, nỗi đau đã không còn nằm trong vùng lo lắng mà đổ ập xuống gia đình, ngay trước mắt chị Vũ Thị Phương Mai (xã Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu). Dầm mình ướt sũng bên thảm đất đá dội xuống cách đó 2 ngày, chị Mai khóc ngất thảm thiết “Ôi! Biết bao giờ mới tìm được bố cháu đây!”.

Chị Vũ Thị Phương Mai.

Trận sạt lở núi nghiêm trọng ngày 24/6 không chỉ phá tan trang trại nuôi cá tầm, cá hồi rộng khoảng 30ha của gia đình chị Mai mà còn kéo theo chồng chị - anh Dương Ngọc Hưng xuống bên dưới lớp đất đá dày. Toàn bộ sự việc diễn ra ngay trước mắt chị. 

Lúc chúng tôi gặp chị Mai, chị đã gần như kiệt sức, tiều tụy. Hướng nhìn về phía đoàn cứu hộ, ánh mắt van lơn, chị Mai chờ đợi một phép màu nào đó. “Lũ đến nhanh quá, anh bị lũ cuốn đi trước mắt em, xót xa quá!”, chị nói.

Chị Minh, chị Mai chỉ là những minh chứng cụ thể cho những gì đang diễn ra ở Tây Bắc, đặc biệt là 3 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang. 

Cơn lũ dữ vẫn chưa dừng lại.

Bên cạnh thống kê về những thiệt hại tài sản do lũ gây ra như; thiệt hại về đường, nhà cửa, hoa màu... thì những con số thiệt hại về người còn khiến không ai có thể thờ ơ, ít nhất 45 nạn nhân đã được xác định, trong đó có 15 người chết (Hà Giang 3 người chết do sập nhà; Lai Châu 12 người chết do sạt lở đất, lũ cuốn trôi và sạt lở đất đá, nhà sập); 11 người mất tích do lũ cuốn trôi ở Lai Châu. Ngoài ra, có 7 người bị thương ở Lai Châu.

“Xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến các gia đình có người chết và bị thương, những gia đình phải gánh chịu thiệt hại trong đợt thiên tai này tại Lai Châu”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nói trong buổi thị sát tình hình sáng 26/6 tại Lai Châu.

Thiên tai hay "nhân tai"?

Thiên tai thì mỗi năm vẫn tới, nhưng dường như ngày một hung tợn hơn, bất thường hơn, không thể phủ nhận những tác động từ con người. Trong Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai toàn quốc hồi cuối tháng 3/2018, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, ông Vũ Xuân Thành đã nhận định rằng, trong khoảng gần 20 năm qua, các tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra trên 300 trận lũ quét, sạt lở đất với quy mô và phạm vi ngày càng lớn, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản và cơ sở hạ tầng.

Một trong những sự “tiếp tay” dễ nhận ra nhất là nạn phá rừng, điều này được Phó Giáo sư Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII khẳng định.

Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An.

Trao đổi với phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, Phó giáo sư Bùi Thị An cho rằng, mặc dù Quốc hội đã bàn rất nhiều, liên tục đốc thúc quản lý nhưng cuối cùng nạn phá rừng vẫn chưa kiểm soát được. Hàng vạn gốc gỗ lớn trong rừng không hiểu vì sao vẫn trôi tuột qua trạm kiểm soát của đơn vị quản lý.

Đáng nói hơn, không chỉ người dân phá rừng, mà theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, diện tích rừng bị thu hẹp một phần lớn hơn là do quy hoạch để xây dựng công trình thủy điện hay những quyết định thay đổi mục đích sử dụng của rừng phòng hộ không hợp lý cũng là những lý do gây ra những con lũ quét ngày càng tăng sức công phá.

Mặc dù theo luật, khi lấy 1ha rừng phải trả lại 1ha rừng, nhưng “lấy rừng thì dễ, trả lại mới khó”. “Bởi cần cả trăm năm để có được một cánh rừng đúng nghĩa”, Phó Giáo sư Bùi Thị An nói.

Đổi rừng để nhận về những con lũ dữ, lợi và hại liệu có thể đong đếm, và đáng đem ra đánh đổi? Phó Giáo sư An cho rằng, chủ trương của Chính phủ là phát triển kinh tế bền vững, giữ vững 3 trụ cột bao gồm việc vừa đảm bảo môi trường, vừa phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Nhưng thực tế đã đem lại những gì? Chúng ta đang giữ vững hay đã vô tình phá vỡ trụ cột bền vững để phát triển đất nước?

Những người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm!

Trước những thiệt hại do lũ quét gây ra, nhiều gia đình 3 tỉnh miền núi Tây Bắc mất trắng, đau thương chồng chất đau thương khi vừa mất nhà cửa, vừa mất người thân. Nỗi đau ấy sẽ mãi kéo dài. Vậy, ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước những thiệt hại này?

“Không thể hoàn toàn đổ tại mẹ thiên nhiên!”, Phó Giáo sư An khẳng định vì cho rằng thiên tai dù khó lường nhưng vẫn có thể được dự báo để có phương án ứng phó kịp thời, hạn chế thiệt hại có thể xảy ra.

Thiên tai đang dần trở thành thảm họa đối với người dân sống gần vùng lũ.

Trao đổi với PV, Phó Giáo sư Bùi Thị An cho rằng những người đứng đầu địa phương phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên trước nhân dân, trước Quốc hội, trước Chính phủ. 

“Còn trách nhiệm đến đâu thì phải làm rõ việc đã phân cấp cho các bộ phận như thế nào? Nguyên nhân do đâu? Người đứng đầu phải có trách nhiệm trong công tác nghiên cứu địa hình, nắm rõ những điểm yếu có khả năng xảy ra thiên tai”, Phó Giáo sư An nói, đồng thời bà đề nghị cần xử lý thật nghiêm hành vi phá rừng, kiểm soát thật chặt bằng những chế tài, bằng những hình phạt nặng nề, đánh mạnh vào xử phạt kinh tế vì phá rừng chính là phá tài sản của đất nước.

Hàng năm, lũ ống, lũ quét vẫn thường xuyên xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc, và nếu công tác phòng chống thiên tai vẫn không chuyển biến rõ rệt hơn nhằm ứng phó một cách thật sự hiệu quả, liệu rằng sau Lào Cai, Hà Giang và Lai Châu, địa phương nào sẽ tiếp tục là mảnh đất tang thương?

Những hình ảnh tang thương đang bao trùm Tây Bắc.

Ngày 26/6, thống kê sơ bộ, có 1.207 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 97 con gia súc và 5.400 con gia cầm bị chết; 46 ha ao nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều về nhà ở, hoa màu, gia súc gia cầm là Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng…

Tổng thiệt hại kinh tế đến thời điểm này ước tính khoảng 141 tỷ đồng, trong đó Hà Giang 25 tỷ đồng, Lai Châu 95 tỷ đồng, Thái Nguyên 0,32 tỷ đồng, Lào Cai 6,3 tỷ đồng, Cao Bằng 0,16 tỷ đồng, Điện Biên 2 tỷ đồng, Tuyên Quang 10 tỷ đồng…

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có mặt trực tiếp thị sát tình hình, chỉ đạo khắc phục hậu quả tại Lai Châu. Nhằm khắc phục hậu quả, Phó thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Uỷ ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền các cấp của tỉnh Lai Châu và các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt công điện của Thủ tướng.

Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người bị nạn; hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo cho người bị thiệt mạng. Bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời, tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói.

Bạn đang đọc bài viết Ai phải chịu trách nhiệm khi thiên tai hóa thành thảm họa ở Tây Bắc?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...