Thứ sáu, 29/03/2024 19:58 (GMT+7)

Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu điện trầm trọng

MTĐT -  Thứ sáu, 24/08/2018 11:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự báo, giai đoạn thiếu điện trầm trọng nhất có thể rơi vào khoảng 2 - 3 năm tới. Đây là thách thức rất lớn khi các nguồn nhiệt điện, thủy điện đã cạn kiện.

Chính vì vậy, việc tăng nguồn cung từ năng lượng tái tạo cần phải đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.

Theo thông tin trên VTV, dù trong 5 năm gần đây, tăng trưởng năng lượng khoảng 9,5%/năm và tiếp tục tăng khá cao trong 15 năm tới. Tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Việt Nam tăng trưởng trung bình 6,5%/năm. Việt Nam duy trì chính sách xuất khẩu một phần tài nguyên năng lượng để tạo nguồn ngoại tệ cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu sử dụng năng lượng để phát triển kinh tế xã hội khiến cán cân năng lượng của Việt Nam đã dần dịch chuyển từ thặng dư xuất khẩu sang nhập khẩu từ năm 2015. Dự kiến tới năm 2035, tỷ trọng năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp là trên 58%.

Nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam tăng trung bình trên dưới 10% trong thời gian tới trong khi thủy điện đã được khi thác gần hết công suất thì nhu cầu điện ở Việt Nam được đáp ứng bằng việc tăng cường xuất điện than.

Theo quy hoạch của ngành điện, nhiệt điện than sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng cao cho đến năm 2030. Nếu 2015, nhiệt điện than chiếm 34% tổng công suất nguồn thì đến năm 2025 dự kiến sẽ lên 55% tỏng khi các nguồn khác như nhiệt điện, thủy điện chạy bằng dầu, khí, hóa lỏng không tăng thậm chí còn giảm. Riêng năng lượng tái tạo và thủy điện nhỏ chỉ tăng ít và dự kiến đến 2030, chiếm khoảng 10%.

Nhu cầu về năng lượng tăng cao, đảm bảo năng lượng cho phát triển ngày càng cấp thiết nhưng trên thực tế, quy mô và hiệu quả ngành năng lượng còn thấp. Cụ thể, chỉ tiêu năng lượng trên đầu người còn thấp, rất xa so với trung bình trên thế giới ngược lại, nhu cầu sử dụng điện cao hơn gấp 2 lần so với trung bình của thế giới.

Trước đó, sáng 21/8, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và nhóm Công tác về Biến đổi khí hậu (CCWG) đã tổ chức khai mạc Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam năm 2018.

Mục tiêu của chương trình Tuần lễ Năng lượng Việt Nam năm nay nhằm tạo diễn đàn cho các bên liên quan đối thoại tìm ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy năng lượng tái tạo; tăng cường nhận thức của công chúng về tính khả thi, các lợi ích của năng lượng tái tạo và kêu gọi hành động; Khởi động và huy động sự quan tâm của cá bên liên quan vào thực hiện chương trình "Triệu ngôi nhà Xanh vì Việt Nam thịnh vượng".

Phát biểu tại buổi khai mạc, bà Nguỵ Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreeID), cơ quan điều phối VSEA cho biết, Chương trình Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2018 với 5 sự kiện chính diễn ra tại 3 thành phố lớn và 18 sự kiện hưởng ứng trên khắp cả nước kỳ vọng sẽ thu hút được sự tham gia trực tiếp của 2.300 đại biểu và khoảng hơn 10.000 người theo dõi trực tuyến.

“Chúng tôi tin rằng nhiều cơ hội hợp tác mới sẽ được phát triển thông qua Tuần lễ này, đồng thời đông đảo công chúng sẽ ủng hộ và tham gia vào sáng kiến “Triệu ngôi nhà Xanh vì Việt Nam thịnh vượng” để góp sức vào nỗ lực cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng Xanh của quốc gia. Tôi tin rằng, mỗi công dân có ý tưởng hay và nỗ lực biến ý tưởng thành hiện thực thì chúng ta sẽ mang lại đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước”, dẫn lời bà Khanh, TTXVN đưa tin.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu điện trầm trọng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới