Thứ sáu, 19/04/2024 00:56 (GMT+7)

Triệt hạ cây rừng để lấy lan

MTĐT -  Thứ sáu, 13/12/2019 14:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Xã miền núi Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam xuất hiện nhóm người lạ mặt vào rừng lấy lan bằng cách cưa hạ hàng loạt cây gỗ.

Cây rừng ở xã Mỹ Thạnh bị cưa hạ để lấy hoa lan. Ảnh: Việt Quốc.

Rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét quanh làng dân tộc Rai, xã Mỹ Thạnh đang bị phá hoại. Trên đường mòn về hướng Tánh Linh, cách làng 3 km, chòm rừng sến tại tiểu khu 264 có gần chục cây dầu vừa bị đốn hạ. Nhưng điều lạ là những cây gỗ đường kính khoảng 30 cm, dài 15 m vẫn nằm lại, chỉ vài đoạn nhánh có nhiều hoa lan mọc ở trên mới bị cưa lìa, lấy đi.

Một người dân tộc Rai cho biết, khu rừng này bị phá cách đây khoảng một tháng. Những người cưa cây với mục đích hái lan mang về dưới xuôi bán, chứ không phải để lấy gỗ. "Họ từ nơi khác đến, không phải đồng bào mình, vì thấy mặt rất lạ", anh này cho biết.

Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng trạm bảo vệ rừng Đèo Nam (Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét) phụ trách lâm phận bị phá cho biết, lực lượng của trạm đã phát hiện sự việc và báo cáo cấp trên. Không những khu vực gần làng, mà một số điểm có lan rừng trên núi cách đó vài cây số cũng có dấu hiệu bị xâm phạm.

Qua theo dõi, Trưởng trạm Đèo Nam cho biết có bảy người lạ mặt thường đi vào rừng. Nhóm này là dân từ thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc. Thay vì dùng móc khoèo lan xuống như phương pháp cũ, họ cưa hạ cây để thu hoạch lan cho nhanh.

Cưa tay và dụng cụ hái lan bị Trạm bảo vệ rừng Đèo Nam (xã Mỹ Thạnh) thu giữ. Ảnh: Việt Quốc.

Lúc gặp họ đi trong rừng, tình cờ kiểm tra giỏ, lực lượng của trạm đã phát hiện một số dụng cụ trèo hái lan và cưa tay. "Chúng tôi đã lập biên bản, tịch thu dụng cụ, yêu cầu họ không được vào rừng trái phép", ông Quang nói và cho biết đã đề nghị UBND xã Mỹ Thạnh và công an phối hợp ngăn chặn nhóm này đến địa bàn phá rừng để lấy lan.

Rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét có bảy trạm quản lý hơn 20.000 ha nằm trên địa bàn ba xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh và Tân Lập; giáp ba huyện Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Hàm Tân. Trạm Đèo Nam (bảy người) quản lý hơn 7.000 ha rừng ở xã Mỹ Thạnh. Khu vực này còn nhiều loại lan rừng có giá trị như: Ngọc Điểm, Báo Hỷ, Nhất Điểm Hồng, Hải Yến, Đuôi Chồn...

Lan mọc trên cây rừng. Ảnh: Việt Quốc.

Gần đến Tết, nhu cầu mua lan rừng tăng mạnh, do vậy nguy cơ rừng bị cưa hạ để lấy lan là rất lớn. "Tình trạng này mới xuất hiện gần đây. Chúng tôi đã chỉ đạo các trạm tăng cường tuần tra, ngăn chặn kịp thời hành vi hại rừng", ông Phạm Văn Chiến, Trưởng Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét nói.

Mỗi ký lan rừng có giá 200.000 - 600.000 đồng tùy chất lượng, loại lan. Riêng những khúc lan nguyên bản (còn bám trên đoạn gỗ, cưa hai đầu) được bán với giá cao, từ vài trăm đến cả triệu đồng một khúc. "Lan rừng đẹp, lạ và thơm hơn lan nhà, nên dân chơi rất chuộng", anh Huỳnh Văn Thịnh, người chuyên chơi lan ở Bình Thuận cho biết.

Theo Vnexpress

Bạn đang đọc bài viết Triệt hạ cây rừng để lấy lan. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.