Thứ sáu, 29/03/2024 00:01 (GMT+7)

Tàu cát tấp nập khai thác, đến bao giờ sông Hồng mới thôi giận dữ?

Vũ Khoa -  Thứ ba, 16/07/2019 17:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong khi UBND TP. Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác và tập kết cát trái phép thì lợi dụng điểm giáp ranh, các tàu cát từ Hưng Yên lại tha hồ tàn phá lòng sông.

Nhởn nhơ giữa lằn ranh không phân định

Ông Vũ Đức Vinh – Phó chủ tịch UBND xã Hồng Thái (Phú Xuyên, TP.Hà Nội) phải lắc đầu ngao ngán khi nói về những con tàu cát trôi lập lờ suốt ngày đêm trên sông Hồng, nơi một bên thuộc địa phận huyện Kim Động (Hưng Yên) còn một bên là Phú Xuyên (Hà Nội). Tàu cát xuất hiện vốn để thực hiện nhiệm vụ chuyên chở dòng cát được hút lên từ giữa lòng sông, tại những địa điểm mà ranh giới giữa Hưng Yên và Hà Nội dường như không có phân định rạch ròi.

Ông Vinh than thở, tình trạng khai thác cát sông Hồng tại đoạn này là vô cùng rầm rộ, chính quyền địa phương cũng rất đau đầu trong công tác xử lý các tàu hút cát vì chỉ cần có động, tàu hút cát chỉ cần quay đầu sang địa phận Hưng Yên là thoát nạn. Ông Phó chủ tịch xã Hồng Thái cũng cho biết, trên địa phận Hà Nội, để xin được cấp phép cho một bến cát hoạt động cũng đã là một điều nan giải chứ chưa nói đến khai thác. Do đó, nghịch cảnh bên hút, bên chịu dù cùng sống bên một dòng sông đã gây nhiều bức xúc trong quần chúng nhân dân xã.

Tình trạng khai thác cát diễn ra phức tạp.

Tình trạng bờ sông bị sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất nông nghiệp cũng diễn ra ở xã Khai Thái (Phú Xuyên, TP.Hà Nội). Tương tự như ở Hồng Thái, các tàu hút cát cũng lợi dụng là điểm giáp ranh giữa hai địa phương để tha hồ tác oai, tác quái. Ông Nguyễn Viết Thắng – Chủ tịch UBND xã Khai Thái đã có những chia sẻ với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử về câu chuyện oái oăm đang diễn ra.

Ông Thắng thừa nhận tình trạng tàu hút cát hoạt động là rầm rộ và phổ biến tại đoạn sông này. Người dân lo ngại vấn nạn hút cát sẽ phá hoại lòng sông, dẫn đến thay đổi trong dòng chảy, gây ra vô vàn nguy hiểm với người dân địa phương nhất là khi mùa mưa lũ đến. UBND xã Khai Thái đã nhiều lần phối hợp với Công an huyện Phú Xuyên để thực hiện bắt giữ, xử lý các tàu cát hút vi phạm, dù vậy kết quả xử lý vẫn rất hạn chế vì các chủ tàu chỉ cần di chuyển về phía địa phận Hưng Yên để tránh cơ quan chức năng.

Theo ông Thắng, địa hình giáp ranh tại xã Khai Thái là khá đặc thù, khi một rẻo đất dù nằm bên phía Hà Nội nhưng lại thuộc địa phận xã Mai Động (Kim Động, Hưng Yên) nên những nỗ lực của cơ quan chức năng gần như bế tắc.

Bờ sông náo nhiệt nhưng mịt mờ hình bóng chủ tàu

Quan sát của PV tại đoạn sông Hồng chảy qua địa bàn xã Hồng Thái và Khai Thái thường xuyên xuất hiện gần chục chiếc tàu hút cát công suất lớn. Tiếng máy nổ ành ạch kèm với các vòi hút cắm thẳng xuống lòng sông khiến một trở nên đục ngàu náo nhiệt. Trên bờ sông thuộc địa phận Hưng Yên, hàng hàng cồn cát ngồn ngộn, choán tầm mắt người đứng bên này sông. Ở các tàu đậu sát bờ, công nhân tàu cát gấp rút làm công việc của mình để kịp đón thêm những chuyến cát về. Tàu này đầy lại có một tàu khác nhanh chóng lấp vào vị trí khai thác, mọi hoạt động diễn ra hết sức công khai và khẩn trương như thể một dự án nạo vét nào đó đang diễn ra.

Sau khi hút đầy, những chiếc tàu này sẽ di chuyển vào bãi tập kết cát nằm ven sông  rồi bơm lên bãi, thông qua các đường ống ngoằn ngoèo chạy dọc bờ sông. Đáng tiếc là cái náo nhiệt ồ ạt lại chỉ là một nửa, bên kia sông, chủ của những vườn cam canh, bưởi... vốn nằm trên thửa đất hoa màu trù phú lại nơm nớp lo sợ, không biết khi nào lòng sông sẽ giận dữ mà cuốn tất cả xuống giữa dòng.

Theo thông tin mà PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tiếp nhận từ UBND xã Khai Thái, đơn vị khai thác tại đoạn sông này là công ty TNHH TM & XD Huy Hoàng (Công ty Huy Hoàng. Tại đây, Cty Huy Hoàng được khai thác cát làm vật liệu san lấp bằng phương pháp lộ thiên tại bãi nổi sông Hồng, xã Khai Thái, Phú Xuyên, Hà Nội; thời hạn khai thác vào mùa kiệt từ 31/10 năm trước đến 15/5 năm sau. Tại giấy phép cũng ghi rõ diện tích khu vực khai thác cát là 0,7ha; trữ lượng khai thác là 336.2017m3; công suất khai thác được giới hạn là 48.000m3/năm.

Ông Nguyễn Viết Thắng – Chủ tịch UBND xã khẳng định ngoài Cty Huy Hoàng, không có thêm đơn vị nào được ghi nhận là có giấy phép hoạt động tại khu vực này. Thế nhưng bản thân ông Thắng cũng hoàn toàn không được biết Công ty Huy Hoàng hoạt động như thế nào, dựa trên những thủ tục pháp lý ra sao. Theo vị Chủ tịch xã Khai Thái, mọi thông tin về Cty Huy Hoàng hoàn toàn không xuất hiện hay lưu trữ tại tủ hồ sơ của ủy ban xã.

Sông Hồng đang biến dạng

Theo Viện Khoa Học Thủy Lợi, quan sát hình dáng của sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội từ năm 1989 đến nay dễ nhận ra những biến đổi rõ rệt. Dòng sông teo lại. Một nhánh sông lớn ở khu vực giữa hai huyện Mê Linh và Đông Anh đã biến mất. Ở khu vực phía đông cầu Thăng Long, mực nước hạ thấp tạo ra một bãi bồi khổng lồ.

Riêng người dân nội thành Hà Nội, khu vực cầu Long Biên cũng có nhiều biến đổi. Trong những năm 1980-1990, Bãi Giữa từng tách hẳn ra với trung tâm thành phố bởi một nhánh sông, nhưng nay nhánh sông này đã biến mất. Một bãi bồi mới gần đó cũng đang hình thành.

“Vấn đề cốt lõi của sông Hồng hiện nay là đáy lòng sông dẫn bị hạ thấp bình quân mỗi năm 8 cm, dẫn đến mực nước sông Hồng cũng bị hạ thấp rất nghiêm trọng,” Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Đình Hòa – phó viện trưởng Viện Thủy Công, Viện Khoa Học Thủy Lợi Việt Nam, khẳng định với báo VNExpress.

Theo ông Hòa, mực nước sông Hồng thấp tạo ra hàng loạt hệ lụy như: xói lở ven bờ; thiếu nước sản xuất và sinh hoạt; các hồ chứa thủy điện phải xả nhiều nước hơn để bù đắp, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng; xâm nhập mặn ven biển; ô nhiễm môi trường; giao thông đường thủy tê liệt;…

Hiện tượng xói sâu bắt đầu từ những năm 2000. Cho đến năm 2012, diện tích mặt cắt ngang dòng dẫn chính đã tăng 40% so với năm 2000. Bên cạnh đó, lòng dẫn chính của con sông đã bị xói sâu khoảng 2 mét, khiến mực nước hạ theo. Tỷ lệ phân lưu vào sông Đuống cũng thay đổi do lòng sông Đuống đã bị hạ thấp nhiều hơn so với sông Hồng, cũng bởi hai chữ “hút cát.”

Bạn đang đọc bài viết Tàu cát tấp nập khai thác, đến bao giờ sông Hồng mới thôi giận dữ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.