Thứ sáu, 19/04/2024 06:55 (GMT+7)

Vì sao dự án nhà máy nước mặt sông Hồng chưa hẹn ngày về đích?

MTĐT -  Thứ năm, 07/11/2019 16:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng có công suất 300.000m3 nước/ngày đêm nhưng đến nay, tiến độ của dự án ở hầu hết các khâu đều đang bị chậm.

Chưa hẹn ngày về đích

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng có công suất 300.000m3 nước/ngày đêm, có tổng mức đầu tư khoảng 3.700 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP nước mặt sông Hồng (gồm 3 cổ đông là Công ty CP Tập đoàn Thành Long chiếm 79% vốn, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội đóng góp 20% vốn và Công ty Hạ tầng Nước sạch Hà Nội góp 1% vốn).

Dự kiến, sau khi hoàn thành, dự án sẽ đấu nối, cung cấp nước sạch cho các khu vực Đan Phượng, Bắc Từ Liêm và quận Tây Hồ… Song đến nay, tiến độ của dự án ở hầu hết các khâu đều đang bị chậm.

Đại diện chủ đầu tư cho biết, dự án sẽ chậm tiến độ một năm so với tiến độ mà thành phố đưa ra, tức là khoảng giữa năm 2020 mới có thể cấp nước. Song, có lẽ đây là mốc khá khả quan mà phía chủ đầu tư đưa ra, còn thực tế thì khá mờ mịt.

Nhà máy nước mặt sông Hồng nằm trên địa bàn huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Cụ thể như, đối với hạng mục tuyến ống truyền dẫn nước sạch, với hạng mục ống truyền dẫn nước số 4 đoạn từ nhà máy đến nút giao quốc lộ 32, có chiều dài 9,5km, hiện chủ đầu tư mới đang triển khai thực hiện công tác khảo sát, đo vẽ bản đồ địa chính tỷ lệ 1/500 phục vụ lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng.

Còn với ống truyền dẫn nước số 1 và số 5, đến nay vẫn đang chờ thành phố chấp thuận do vị trí tuyến ống cấp nước dịch chuyển qua sông Nhuệ.

Với hạng mục công trình thu/trạm bơm nước thô, cuối tháng 7/2018, UBND TP Hà Nội có văn bản gửi Bộ NN&PTNT đề nghị thỏa thuận vị trí, phương án kỹ thuật xây dựng công trình này theo đề xuất của Công ty CP nước mặt sông Hồng. Và hiện nhà đầu tư đang chờ Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT cho ý kiến về vị trí.

Theo tiến độ được phía Công ty CP nước mặt sông Hồng đưa ra, việc giải phóng mặt bằng cho tuyến ống dự kiến phải đến giữa năm 2019 mới có thể xong. Và, đến giữa năm 2020 Nhà máy mới có thể cấp 150.000m3 nước/ngày đêm, và đạt mốc 300.000m3 nước/ngày đêm vào tháng 10/2020.

Do công tác giải phóng mặt bằng?

Theo thông tin trên báo Tiền phong, nói về dự án này, lãnh đạo huyện Đan Phượng cho biết, dự án nước mặt sông Hồng đang bị chậm tiến độ. Huyện đã rất nỗ lực giải phóng mặt bằng, nhưng còn nhiều khó khăn.

“Theo dự kiến ban đầu thì năm 2018 đưa vào vận hành, cung cấp nước. Nhưng dự án hiện vẫn đang triển khai và theo cam kết với thành phố sẽ đưa vào vận hành vào cuối 2019 đầu năm 2020”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng thông tin.

Theo ông Hùng, để giải quyết vấn đề cấp nước sạch trong khi chờ nhà máy nước mặt sông Hồng, thành phố đã có chủ trương giao Cty nước sạch Đan Phượng xây dựng trạm xử lý nước mặt sông Hồng đặt tại xã Hồng Hà. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc, tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng”, ông Hùng nói thêm.

Được biết, cuối năm 2018, trong đợt giám sát của Ban Đô thị HĐND TP.Hà Nội, đại diện Nhà máy nước mặt sông Hồng thừa nhận việc chậm tiến độ thời gian dài. Nguyên nhân được cho là do dự án lớn, đòi hỏi công nghệ cao, đòi hỏi đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn...

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, huyện Đan Phượng là một trong những địa bàn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai hạ tầng nước sạch. Trong đó, khó khăn chủ yếu là tìm nguồn nước.

Mục tiêu của TP, đến năm 2020 sẽ bao phủ 100% nước sạch cho cư dân trên địa bàn, trong đó phụ thuộc rất lớn vào tiến độ thực hiện dự án Nhà máy nước mặt Sông Hồng, tuy nhiên, hiện tại chưa rõ tiến độ của đơn vị này.

Mới đây, tại phiên giải trình về cung cấp nước sạch trên địa bàn của HĐND TP.Hà Nội, nhiều đại biểu tập trung nêu hiện trạng có tới hơn một nửa các dự án cấp nguồn nước chậm tiến độ, thậm chí có dự án chưa triển khai. Một số dự án dang dở, xuống cấp dù chưa hoàn thành...

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, trong hơn 1 năm qua, TP đã cho triển khai 11 dự án. Hiện đã đưa nước đến các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Hà Đông, Ứng Hòa…

"Công ty Cổ phần nước mặt sông Hồng cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ, từ nay đến hết quý III/2019, nếu Công ty này không thực hiện TP sẽ xem xét để thay thế", ông Dục nói và cho biết, việc chậm triển khai các dự án là do vướng công tác giải phóng mặt bằng, khả năng của nhà đầu tư. TP đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ của 11 dự án này.

Cũng theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, qua đánh giá, tính khả thi của các Quy hoạch cấp nước rất cao, song khó nhất vẫn là ở huyện Chương Mỹ, 3 xã ở huyện Sóc Sơn, Thạch Thất do dân cư thưa thớt, địa hình khó khăn…

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao dự án nhà máy nước mặt sông Hồng chưa hẹn ngày về đích?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.