Thứ bảy, 20/04/2024 04:30 (GMT+7)

Tại sao mới khai thác 6,1% nước dưới đất mà đã suy thoái số lượng?

Phan Ngân -  Thứ tư, 08/08/2018 15:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù mới khai thác 6,1% tiềm năng nước dưới đất nhưng hiện nay nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam đang bị suy thoái trầm trọng vì tình trạng khai thác ồ ạt với trữ lượng lớn nước dưới đất.

Việt Nam mới khai thác 6,1% trữ lượng nước dưới đất

Theo thống kê, nguồn nước dưới đất ở nước ta đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng. Nước dưới đất hay gọi nôm na là nước ngầm tồn tại trong các tầng chứa nước khe nứt, tầng chứa nước lỗ hổng phân bố trong 6 miền Địa chất thủy văn trong phạm vi lãnh thổ phần đất liền nước ta.

Số liệu quan trắc từ năm 1990 đến nay: mực nước dưới đất bị hạ thấp sâu, liên tục theo thời gian tại đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên, đặc biệt là tại một số đô thị lớn tập trung khai thác nguồn nước dưới đất (Hà Nội, tp Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Mỹ Tho – Tiền Giang, Vũng Tàu, Buôn Mê Thuột…).

Việc khai thác nước tập trung quy mô lớn ngoài việc dẫn đến hạ thấp mực nước sâu còn là nguyên nhân gây ra tình trạng xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước (ĐBSCL, vùng ven biển miền Trung); và có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng sụt lún bề mặt đất (thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, vùng ĐBSCL).

Về vấn đề này, Ths. Nguyễn Văn Nghĩa (Trưởng phòng Quản lý khai thác nước dưới đất, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường) thống kê: "Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì trữ lượng nước dưới đất trên toàn lãnh thổ vào khoảng 172,6 triệu m3/ngày đêm trong các tầng chứa nước lỗ hổng (khu vực đồng bằng Nam Bộ, đồng bằng Bắc Bộ và ven biển miền Trung) và trong các tầng chứa nước khe nứt trong thành tạo Bazan (khu vực Tây Nguyên), trầm tích lục nguyên (trung du miền núi phía Bắc - Đông Bắc, Tây Bắc).

Ths. Nguyễn Văn Nghĩa (Trưởng phòng Quản lý khai thác nước dưới đất, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường).

 Theo thống kê sơ bộ, tổng lượng khai thác nước dưới đất trên toàn quốc ước tính khoảng 10,5 triệu m3/ngày đêm (chiếm khoảng 6,1% tiềm năng nguồn nước dưới đất) - bảng 2, trong đó có nhiều đô thị lớn chủ yếu khai thác nguồn nước dưới đất như Hà Nội, tp.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Mỹ Tho - Tiền Giang, Vũng Tàu, Buôn Mê Thuột…" - ông Nghĩa thông tin.

Trong 6,1% nước dưới đất đó thì cấp nước sinh hoạt (đô thị, nông thôn), cấp nước cho sản xuất là chủ yếu, ngoài ra còn khai thác để phục vụ cho một số mục đích khác như tưới tiêu, nuôi trông thủy sản.

Vẫn suy thoái vì sao?

Dù mới khai thác 6,1% tiềm năng nước dưới đất nhưng hiện nay nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam đang bị suy thoái trầm trọng vì tình trạng khai thác ồ ạt với trữ lượng lớn nước dưới đất. Đây có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng sụt lún bề mặt đất tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL.

"Để đánh giá tác động của việc khai thác nước dưới đất đến sụt lún bề mặt đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai thực hiện Đề án Chính phủ “Điều tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tác động đến sụt lún bề mặt đất khu vực thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long, định hướng quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất” - ông Nguyễn Văn Nghĩa cho hay.

Hơn nữa công tác điều tra cơ bản, quy hoạch còn chậm do thiếu nguồn lực. Mặc dù quy hoạch, các tài liệu điều tra cơ bản về nước dưới đất là những công cụ hết sức cần thiết để phục vụ công tác quản lý, tuy nhiên chưa được chú trọng, quan tâm. 

Công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất còn nhiều bất cập khi xảy ra việc khai thác nước dưới đất ồ ạt không đúng quy hoạch trên nhiều tỉnh thành.

 Công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất mới chỉ tập trung ở các tầng chứa nước nằm nông và cũng chỉ ở mức sơ bộ (tỷ lệ 1: 200.000), chỉ có một số khu đô thị mới được đánh giá với tỷ lệ lớn hơn và đã được thực hiện từ khá lâu, trong nhiều giai đoạn; chưa có đủ thông tin, số liệu về hiện trạng khai thác nước dưới đất tại các khu vực.

Bên cạnh đó công tác quan trắc, dự báo, cảnh báo còn chưa đáp ứng yêu cầu. Ví dụ mạng quan trắc quốc gia về tài nguyên nước dưới đất tại đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên được xây dựng và đi vào vận hành từ những năm 1988 - 1990, giai đoạn từ năm 2006 đến nay có sự đầu tư bổ sung các công trình quan trắc tại khu vực bắc Trung Bộ, nam Trung Bộ và bổ sung, nâng cấp các mạng lưới công trình quan trắc thuộc các mạng quan trắc đã có, tuy nhiên mạng quan trắc vẫn còn khá thưa, trang thiết bị đa phần là thủ công, lạc hậu.

Vì thế việc tổng hợp, xử lý thông tin, số liệu quan trắc còn khó khăn do thiếu trang thiết bị, nguồn nhân lực, các thông tin dự báo, cảnh báo phục vụ công tác quản lý còn chậm, chưa kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu.

Làm sao để quản lý và bảo vệ tài nguyên?

Trước thực trạng khai thác ồ ạt không theo quy hoạch và khai thác trái phép như hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra những biện pháp cụ thể trong việc bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.

Trước mắt phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và triển khai thực hiện. Trên cơ sở các nội dung Luật tài nguyên nước năm 2012 giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các Thông tư có liên quan trong việc bảo vệ nước dưới đất.

Đồng thời, tăng cường công tác quy hoạch, điều tra cơ bản nước dưới đất; quan trắc, giám sát, cảnh báo, dự báo về nước dưới đất. Tập trung nguồn lực (nhân lực, tài chính) để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tài nguyên nước (trong đó có nội dung quy hoạch nước dưới đất) tại các địa phương. Đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành các Đề án Chính phủ liên quan đến việc bảo vệ nước dưới đất đã được phê duyệt.

Minh họa vị trí của nguồn nước dưới đất (ảnh internet).

Tăng cường công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất; điều tra hiện trạng khai thác nước dưới đất; kiểm kê tài nguyên nước ở các địa phương để phục vụ công tác quản lý.

Tổ chức triển khai Nghị định quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất khi được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành, trong đó các địa phương cần bố trí nguồn lực thực hiện việc điều tra, đánh giá để khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và tổ chức triển khai thực hiện.

Nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới quan trắc, tăng cường công tác cảnh báo, dự báo về nước dưới đất; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nước dưới đất.  

Bạn đang đọc bài viết Tại sao mới khai thác 6,1% nước dưới đất mà đã suy thoái số lượng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...