Thứ bảy, 20/04/2024 15:17 (GMT+7)

Sự cố nước sông Đà: Lãnh đạo Công ty thiếu hiểu biết!

MTĐT -  Thứ tư, 16/10/2019 19:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Sự thiếu hiểu biết của đội ngũ lãnh đạo và kỹ thuật của Công ty dẫn đến những biện pháp ứng phó kém hiệu quả", ông Trần Quang Hưng, nguyên PCT kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam nhận định.

Nhiều ngày qua, hàng ngàn hộ dân Hà Nội đứng ngồi không yên vì nguồn nước sinh hoạt bị bốc mùi hôi thối, khó chịu, làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Sự việc không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, theo nhiều chuyên gia, việc sử dụng nước nhiễm dầu, mỡ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân.

Đáng nói, một tuần kể từ ngày “nước sạch” Sông Đà có mùi nồng nặc, ngày 14/10, Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) mới có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo về vụ việc nước sạch sông Đà có mùi lạ.

Trong khi đó, dù nước mất an toàn như vậy, Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà không cảnh báo người dân về nguồn nước nhiễm dầu. Nhiều người cho rằng, điều này thể hiện sự vô trách nhiệm của Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà.

Nguồn nước cung cấp cho nhà  máy sông Đà bị nhiễm dầu nghiêm trọng.

Liên quan đến sự việc trên PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi với chuyên gia ngành nước Trần Quang Hưng, Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam xoay quanh tới sự cố nước sạch Sông Đà và một số vấn đề tồn tại liên quan của ngành cấp thoát nước trên toàn quốc hiện nay.

Mấy ngày qua, người dân rất hoang mang về việc nước sạch của nhà máy nước sông Đà bị nhiễm dầu. Cũng là một người sử dụng nước hàng ngày, ông có lo lắng về điều này?

Tôi cũng là người chịu ảnh hưởng việc nguồn nước của Nhà máy nước sạch Sông Đà bị ô nhiễm dầu thải. Nếu nói lo lắng không chỉ riêng tôi mà chung cho tất cả khách hàng dùng nguồn nước này, bởi việc khắc phục không chỉ một vài ngày đã hết. Ngay cả các cơ quan hữu trách của Thành phố Hà Nội cũng còn đang lúng túng với những biện pháp và lời khuyên chỉ mang tính đối phó trước mắt.

Trước đó, công ty đã biết được vấn đề này, thế nhưng vẫn cung cấp nước cho dân sử dụng. Ông đánh giá như thế nào về cách làm của doanh nghiệp này? Đây là đơn vị cung cấp nước sạch cho người dân, nhưng lại để nhiễm dầu trong khi chính công ty này đã biết được sự việc. Liệu công ty này có phải bồi thường thiệt hại cho người dân hay không?

Thực ra, Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà cũng là một nạn nhân, bởi nguyên nhân chính không phải do họ gây ra. Đáng trách ở đây, là từ sự thiếu hiểu biết của đội ngũ lãnh đạo và kỹ thuật của Công ty, dẫn đến những biện pháp ứng phó kém hiệu quả, cũng như việc chậm báo cáo sự cố, với các cơ quan có trách nhiệm và khi trả lời công luận.

Tiêu chuẩn nước sạch đầu tiên là những tiêu chuẩn trực quan là nước sạch phải bảo đảm không mầu, không mùi, không vị. Họ không thể không cảm nhận mùi vị khét từ nước mà vẫn khăng khăng nói với các nhà báo “Nếu bảo nước ô nhiễm thì chứng cứ đâu...” (lời ông Tốn ,TGĐ trả lời báo chí), thì thực sự vị lãnh đạo này không đủ nhận thức cũng như tư cách để quản lý một công trình liên quan đến sức khỏe của hàng triệu người dân.

Ông Trần Quang Hưng, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam.

Theo kết quả kiểm nghiệm nước, hàm lượng chất Styren thuộc nhóm chỉ tiêu, giám sát mức độ C cao hơn giới hạn cho phép (20 mg/l) từ 1,3 đến 3,65 lần. Thưa ông, chất này có nguy hại như thế nào đến sức khỏe người dân?

Styrene là một loại chất hóa học có khả năng phá vỡ DHA trong cơ thể. Styrene cũng là một trong các hợp chất tham gia vào quá trình sản xuất ra các chat tẩy rửa, bột giặt, hộp xốp đựng thức ăn cách nhiệt…khả năng phơi nhiễm Styrene nhanh nhất là qua khói thuốc lá.

Các nghiên cứu trên động vật và cả người cho thấy phơi nhiễm Styrene gây tổn thương các tế bào bạch cầu, làm tăng nguy cơ các bệnh về bạch cầu cũng là một trong các ảnh hưởng gây nên ung thư thực quản hay tuyến tụy.

Do vậy ngày nay người ta khuyến cáo không hút thuốc lá và hạn chế sử dụng các đồ dùng có liên quan đến chất Styrene như hộp xốp, cốc, dĩa đựng thức ăn, nước uống dùng một lần..bởi dưới tác dụng của nhiệt, chúng dễ giải phóng ra chất Styrene gây hại cho cơ thể.

Tuy vậy, sức khỏe chỉ bị ảnh hưởng nhiều nếu để chất Styrene tác động đến cơ thể với hàm lượng lớn hoặc lâu dài còn hàm lượng dưới mức cho phép thì không đáng ngại.

Xin ông cho biết, trước đây có xảy ra sự cố tương tự hay chưa?

 Có nhiều các nguy cơ gây ô nhiễm cho nguồn nước như việc xả thải, tràn dầu, hay từ phân bón, thuốc trừ sâu v.v.. trong sản xuất công, nông nghiệp dịch vụ. Nhưng việc đổ trực tiếp hàng tấn dầu thải vào nguồn nước như vừa rồi thì phải coi là một hành động phá hoại tài nguyên, hủy hoại môi trường cần xử lý nghiêm túc để răn đe.

Với thực trạng hiện tại, theo ông Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà và các cơ quan chức năng cần phải làm gì để khắc phục?

 Thành phố Hà Nội vừa có quyết định cho dừng hẳn việc cấp nước từ Nhà máy nước sông Đà đây là việc làm kiên quyết, bởi việc làm sạch hệ thống lắng lọc của nhà máy phải mất một thời gian và cũng khá tốn kém. Nhưng làm thế nào để cấp nước cho nhân dân các vùng có liên quan phải rất khẩn trương.

Tôi cho rằng đây cũng là bài học cho Thành phố Hà Nội nên xem xét kỹ lại chủ trương đóng dần các bãi giếng nước ngầm của Hà Nội khi khả năng cấp nước của các Nhà máy nước sông Đà, sông Đuống có khả năng đáp ứng.

Bởi nguồn nước ngầm của Hà Nội là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá. Phải nghiên cứu đánh giá khoa học và nghiêm túc coi đây là nguồn dự trữ cấp nước chiến lược cho Thành phố Hà Nội. Bởi các hệ thống cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt luôn có nguy cơ ô nhiễm từ các nguyên nhân do con người và thiên nhiên gây ra như việc xả thải từ các Khu Công nghiệp chất phế thải trong nông nghiệp, chưa nói đến những nguy cơ từ các dám mậy, mưa nhiễm xạ do các nhà máy điện Nguyên tử bị sự cố như một vài nước đã trải qua.

Người dân lấy nước từ xe chở nước cung cấp cho cư dân mang xuống nhà máy nước Pháp Vân yêu cầu thẩm định nguồn nước.

 Qua sự việc trên, xin ông cho biết những bất cập của ngành nước hiện nay và đặc biệt là việc cổ phần hóa nước sạch?

Nhiều năm nay, ngành Cấp nước Việt Nam có nói nhiều đến việc Cấp nước An toàn, Chính phủ cũng đã có cả một Chương trình Quốc gia cho việc Cấp nước an toàn giao cho Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo triển khai trong các địa phương và các công ty cấp nước.

Nhưng, theo tôi cảm giác rằng, chỉ có một số ít địa phương và công ty cấp nước quan tâm và tích cực thực hiện còn nhìn chung vẫn chưa thấy tầm quan trọng của Chương trình này.

Cấp nước an toàn là đòi hỏi đồng bộ các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để loại bỏ các tác nhân gây ô nhiễm nước sạch từ nguồn đến hệ thống, mạng truyền dẫn, phân phối.
Việc bảo đảm an toàn cấp nước không chỉ có Công ty Cấp nước mà cần sự cộng tác chặt chẽ từ các cơ quan liên quan như Sở Xậy dựng, Tài nguyên Môi trường, Y Tế, Tài chính ...và cả đến khách hàng.

Trong đó đặc biệt chú trọng việc bảo vệ nguồn nước. Nếu Lãnh đạo Hà Nội quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình cấp nước an toàn, tôi tin rằng sẽ không sảy ra sự cố nhiễm dầu thải như vừa rồi.

Ở các nước phát triển, Công ty cấp nước 6 tháng một lần, bắt buộc phải gửi đến khách hàng dùng nước, Bản kiểm định mẫu nước sạch được cơ quan Y tế kiểm định chứng nhận nước cấp bảo đảm các tiêu chuẩn theo qui định và khi có sự cố phải bồi hoàn thiệt hại cho khách hàng, chứ không chỉ gửi phiếu thu tiền nước với ghi chú theo kiểu doạ là “sẽ cắt dịch vụ cấp nước nếu khách hàng chi trả chậm như ở ta".

Việc cổ phần hóa ngành nước, tôi rất mừng nghe tin vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã gửi văn bản xin không Cổ phần hóa, hoặc đã cổ phần hóa một khu vực nào với ngành nước của thành phố thì Nhà nước vẫn phải giữ cổ phần chi phối đó là một chủ trương đúng.
Cung cấp nước sạch là loại hình dịch vụ công thiết yếu, bởi nước sạch là sản phẩm không thể thiếu cho cuộc sống con người, liên quan không những đến sức khỏe mà còn sự phát triển tương lai của con người của xã hội.

Được sử dụng nước sạch là quyền lợi của người dân điều này đã được nêu là một trong những tiêu chí của Ngày nước Thế giới của Liên Hợp quốc. Bởi vậy, việc bảo đảm nước sạch cho cộng đồng phải là Nhà nước mà không thể giao trách nhiệm cho một nhóm hay một doanh nghiệp nào làm thay được.

Nhiều nước phát triển đã có thời kỳ cổ phần hóa, sau cũng mua lại, và áp dụng mô hình toàn bộ tài sản của cấp nước do nhà nước quản lý, đầu tư, còn lại đấu thầu quản lý vận hành trong các doanh nghiệp chuyên ngành.

Việc quản lý này cũng tránh được rủi ro, do thiếu trách nhiệm hoặc do chạy theo lợi nhuận gây nên ( Như doanh nghiệp đầu tư dùng các loại vật liệu, máy móc không đảm bảo tiêu chuẩn trong hệ thống cấp nước, ảnh hưởng đến người dân như đã xảy ra ngay tại Hà Nội…).

Rất mong rằng các địa phương nên theo mô hình của TP.HCM trong việc quản lý ngành cấp nước.

Nếu Lãnh đạo Hà Nội quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình cấp nước an toàn, tôi tin rằng sẽ không sảy ra sự cố nhiễm dầu thải như vừa rồi.

 Được biết trước đây đã từng có ý kiến cảnh báo nên tách con suối ra khỏi hệ thống cấp nước sông Đà nhưng ý kiến này bị “bỏ ngoài tai”. Quan điểm của ông về vấn đề này?

 Lấy nước sông Đà làm nguồn sản xuất nước sạch là một chủ trương tốt, bởi sông Đà là con sông bắt nguồn từ trong nước, chúng ta dễ quản lý hơn so với các con sông mà thượng nguồn từ nước ngoài như Sông Mê Kông, Sông Hồng…thượng nguồn sông Đà cũng rất ít các nhà máy, khu công nghiệp, hồ Thủy điện sông Đà như một hồ sơ lắng tạo điều kiện tốt cho sản xuất nước sạch.

Việc tách, không cho các nguồn suối nhỏ đổ vào kênh dẫn nước có thể nói là việc làm bắt buộc chứ không chỉ lời khuyên nữa. Phải ngăn chặn ngay nước từ các con suối nhỏ có thể chảy vào kênh dẫn nước của nhà máy.

Đây chỉ là những quan điểm của riêng cá nhân tôi trên cơ sở tích lũy những kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong ngành cấp thoát nước nhân có sự kiện hy hữu vừa xảy ra tại Hà Nội.

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện rất ý nghĩa này!

Bạn đang đọc bài viết Sự cố nước sông Đà: Lãnh đạo Công ty thiếu hiểu biết!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Triệu Trang (Thực hiện)

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ