Thứ sáu, 29/03/2024 22:11 (GMT+7)

Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà có nhập nhèm chất lượng?

Tiêu Diệp - Doãn Kiên -  Chủ nhật, 13/10/2019 12:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những ngày qua người dân nội thành Hà Nội nháo nhác vì nước sinh hoạt có mùi lạ không thể sử dụng. Sau đó, xác định được nguồn nước này do Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà cung cấp.

Nhập nhèm chất lượng

Quy định về chất lượng nước sạch của các đơn vị sản xuất cũng như việc quản lý giám sát, kiểm tra chất lượng này đã được quy định cụ thể trong Thông tư 41/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1/6/2019. Trước đó là Thông tư 50/2015/TT-BYT.

Sản xuất nước sạch tại Cty CP đầu tư nước sạch Sông Đà.

Trong quy định việc thử nghiệm định kỳ: được tiến hành cụ thể tần suất thử nghiệm đối với thông số chất lượng nước sạch nhóm A (8 thông số): không ít hơn 01 lần/1 tháng; Tần suất thử nghiệm đối với thông số chất lượng nước sạch nhóm B (91 thông số): không ít hơn 01 lần/6 tháng. Tuy nhiên, theo thông tin từ trang thông tin điện tử http://viwasupco.com.vn/ của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà kể từ khi Thông tư 41 có hiệu lực đến nay công ty chưa có lần thử nghiệm nào đủ thông số 2 nhóm theo quy định.

Phiếu kết quả thử nghiệm tháng 10/2018.

Quay ngược lại thời điểm trước ngày 1/6/2019 tức là theo Thông tư 50 quy định: theo khoản b, điểm 1, điều 8: Tần suất thực hiện nội kiểm, kiểm tra định kỳ: Tần suất xét nghiệm chất lượng nước thành phẩm: Đối với cơ sở cung cấp nước có công suất thiết kế từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên: xét nghiệm ít nhất 01 lần/01 tuần các chỉ tiêu thuộc mức độ A; xét nghiệm ít nhất 01 lần/06 tháng các chỉ tiêu thuộc mức độ B; xét nghiệm ít nhất 01 lần/02 năm các chỉ tiêu thuộc mức độ C. (109 chỉ tiêu).

Cũng theo tìm hiểu của tại trang thông tin http://viwasupco.com.vn/ thì trong cả năm 2018, từ tháng 1-6/2019 không có phiếu kết quả thử nghiệm đầy đủ theo chỉ tiêu A, B mà chỉ có một phiếu kết quả thử nghiệm của cả tháng (15 chỉ tiêu).

Các tháng chỉ có một mẫu được công bố.

Và cả 2 thông tư trên đều yêu cầu công khai thông tin về chất lượng nước sạch. Trong trường hợp Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà làm đủ các xét nghiệm nhưng không công bố thông tin như vậy cũng là sự nhập nhèm. Bởi các phiếu kết quả thử nghiệm khác có nằm trong ngưỡng cho phép hay không? Trong các phiếu kết quả thử nghiệm do Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội thực hiện được đăng tải trên trăng của công ty tất cả các chỉ số đều nằm trong ngưỡng cho phép?

Với quy định mỗi lần lấy mẫu thử nghiệm là 03 mẫu nước thành phẩm gồm tại bể chứa sau xử lý, mẫu tại vòi sử dụng ngẫu nhiên trên mạng lưới và mẫu sử dụng ngẫu nhiên cuối mạng lưới đường ống phân phối. Còn theo quy định mới nhất thì ngoài 3 mẫu cứ tăng 100.000 dân lấy thêm một mẫu…

Tuy nhiên, trên trang thông tin từ http://viwasupco.com.vn/ chỉ có một mẫu (với 15 thông số) chưa đầy đủ theo quy định.

Cũng theo quy định đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng nước sạch. Ngoài ra còn phải thực hiện việc lưu giữ và bảo quản hồ sơ theo dõi về chất lượng nước sạch, các kết quả thử nghiệm chất lượng nước nguyên liệu định kỳ, đột xuất; các hồ sơ về hóa chất sử dụng trong quá trình sản xuất nước sạch, báo cáo biện pháp khắc phục các sự cố liên quan đến chất lượng nước sạch, công khai thông tin về chất lượng nước sạch….

Để làm rõ những vấn đề này Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đến liên hệ với Chi nhánh của công ty Sông Đà tại Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn, Xã An Khánh, Huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay đã gần 1 tháng trôi qua vẫn chưa nhận được câu phản hồi. Còn bà Trần Nghĩa, công tác tại văn phòng công ty cho biết: Em đã báo cáo giám đốc nhưng giám đốc đi công tác chưa biết khi nào mới về.

Liệu có khách quan?

Cũng theo quy định tại Thông tư 41/2018/TT-BYT, trước đó là Thông tư 50/2015/TT-BYT thì Trung tâm kiểm soát bệnh tật (trước là trung tâm y tế dự phòng) là cơ quan có thẩm quyền trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng nước của các đơn vị sản xuất nước trên địa bàn.

Thông tin trên trang http://viwasupco.com.vn/ của công ty.

Đối với tần suất thực hiện ngoại kiểm chất lượng nước sạch mỗi đơn vị cấp nước phải được ngoại kiểm định kỳ 01 lần/01 năm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật có trách nhiệm: Thực hiện ngoại kiểm định kỳ, đột xuất chất lượng nước sạch của tất cả các đơn vị cấp nước có quy mô từ 500 hộ gia đình trở lên (hoặc công suất thiết kế từ 1.000m3/ngày đêm trở lên trong trường hợp không xác định được số hộ gia đình); báo cáo kết quả ngoại kiểm theo Mẫu số 01 của phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có buổi làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) về công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch đối với các đơn vị sản xuất nước sạch trên địa bàn Hà Nội.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật là cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát chất lượng nước lại ký hợp đồng dịch vụ giám sát vệ sinh chất lượng nước trong đó có phiếu xét nghiệm các chỉ tiêu vậy các phiếu xét nghiệm có thực sự minh bạch, khách quan.

Bà Nguyễn Thị Kiều Anh - Phó Giám đốc TT kiểm soát bệnh tật Hà Nội trao trả lời PV.

Bà Nguyễn Thị Kiều Anh, Phó Giám đốc Trung tâm khẳng định: Việc này được thực hiện hoàn toàn độc lập, minh bạch, không có chuyện cơ quan nhà nước vừa nội kiểm, vừa ngoại kiểm tiếp tay, móc nối với doanh nghiệp làm sai, các khoa xét nghiệm (thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội-PV) không có sự can thiệp.

Về việc cung cấp tài liệu liên quan đến công tác ngoại kiểm của Trung tâm kiểm soát bệnh tật đối với Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà bà Kiều Anh cho rằng đơn vị mình đã chuyển tài liệu cho Sở Xây dựng Hà Nội.

Trao đổi với LS Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT law firm – Đoàn Luật sư Tp Hà Nội về việc Trung tâm kiểm soát bệnh tật vừa là cơ quan có thẩm quyền lại vừa ký hợp đồng dịch vụ với đơn vị mình trực tiếp kiểm tra giám sát. Ông Tú cho rằng: Nếu là như vậy thì sợ rằng mất đi tính khách quan.

Công ty CP nước sạch sông Đà (Viwasupco) quản lí với lưu lượng cấp nước cho Hà Nội trung bình hiện nay khoảng 250.000 – 260.000 m3/ngđ. Các đơn vị đang mua lại nước sạch từ sông Đà  gồm: Công ty cổ phần Viwaco; Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông; Công ty Ngọc Hải; Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam và Cổ phần Tây Hà Nội. Có khoảng trên 300 nghìn khách hàng đang sử dụng nước sạch Sông Đà gồm các khu vực quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai, cầu Giấy, Thanh Trì (phía Tây Quốc lộ 1A), Hà Đông, các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức…

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà có nhập nhèm chất lượng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới