Thứ sáu, 19/04/2024 17:29 (GMT+7)

Nhiều công trình cấp nước tiền tỷ bị lãng quên

Hoàng Mai -  Thứ hai, 23/09/2019 16:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ năm 2002 đến nay, huyện Kông Chro (Gia Lai) đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng 31 công trình cấp nước nhưng không phát huy hiệu quả và đang dần bị lãng quên.

Xây dựng tiền tỷ rồi bỏ hoang

Được sự quan tâm của tỉnh, huyện, các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng dựa trên nhiều nguồn vốn khác nhau, với mục đích giải quyết phần lớn nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân huyện Kông Chro, đặc biệt là ở các buôn, làng - nơi sinh sống của nhiều bà con dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.

Người dân sống dựa trên những giọt nước của công trình nước tự chảy

Tuy nhiên, điều đáng nói là trong số các công trình được đầu tư xây dựng, có công trình chỉ sau 1-2 năm đã hư hỏng và bị bỏ hoang, còn một số công trình đang hoạt động thì lại kém hiệu quả.

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Kông Chro có 31 công trình cấp nước tập trung nông thôn, nguồn vốn thuộc chương trình 134 và 134 kéo dài. Với số tiền đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng hiện tại, có tới 07 công trình ngưng hoạt động, 06 công trình hoạt động kém và 06 công trình vừa bị hư hỏng trong năm 2018.

Điển hình là ở xã Đăk Sông có 02 công trình: công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy Krăk - Blà - Kchăng (2007) với số vốn đầu tư là 733 triệu đồng và công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy Kliết - H’ôn - Kte (2009) với số vốn đầu tư là 1.27 tỷ đồng hiện đang bị hư hỏng nghiêm trọng. Theo quan sát của chúng tôi, bể chứa đầu nguồn nứt toác, đường ống chính rò rỉ, đường ống dẫn về các hộ bị bể do lâu năm. Sau một số lần sửa chữa, dặm vá thì hiện đã bỏ hoang. Người dân trong làng không có nước sử dụng nên phải đào giếng hoặc đi lấy nước ở các con suối về sử dụng, dù biết không đảm bảo vệ sinh.

Tương tự, 03 công trình khác là công trình cấp nước sinh hoạt làng Hle Hlang (xã Giang Trung), công trình cấp nước sinh hoạt làng Huyng Dờng (xã Kông Yang) và công trình giếng khoan làng Bà Bã (xã Kông Yang) đang đứng trước nguy cơ bị thanh lý. Nguyên nhân là do nguồn nước cạn kiệt, hư hỏng máy bơm, đường ống dẫn nước và các bể chứa nước.

Đâu là nguyên nhân?

Được biết, hầu hết các công trình nước tự chảy đều tận dụng nguồn nước mặt ở các khe suối, hệ thống đường ống dẫn nước đi qua địa hình phức tạp nên thường bị hư hỏng trong mùa mưa lũ. Một số sau khi đưa vào sử dụng thời gian dài thì hệ thống đường ống và bể chứa bị xuống cấp, hư hỏng liên tục, gây nên nhiều khó khăn cho công tác sửa chữa, khắc phục. Có công trình được đầu tư từ lâu, đến nay do thay đổi về địa hình, khí hậu nên có hiện tượng hụt nước vào mùa khô.

Nhiều công trình nước tự chảy bị bỏ hoang

Ngoài ra, công tác quản lý, khai thác sử dụng công trình chưa được quan tâm đúng mức, việc hư hỏng không được sửa chữa, khắc phục kịp thời. Hàng năm, xã vẫn chưa quan tâm cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để tu sửa định kỳ. Công tác vận động, tuyên truyền người dân tự giác tham gia quản lý bảo vệ công trình còn nhiều hạn chế, dẫn tới các hộ dân chưa thực sự có trách nhiệm trong việc sử dụng, quản lý tài sản chung.

Trao đổi với phóng viên Môi trường & Đô thị điện tử, ông Lê Hồng Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Sông (Kông Chro) cho biết: “Do ảnh hưởng mưa bão cùng với ý thức sử dụng tài sản chung của người dân chưa cao. Bà con chưa thực sự có trách nhiệm quản lý và giữ gìn, dẫn tới các máy bơm, ống nước bị bể vỡ. Sau một thời gian, các công trình bị hư hỏng nặng, người dân phải tự đào giếng hoặc ra suối lấy nước về dùng. Qua nhiều lần họp lấy ý kiến của bà con, nhận thấy nhu cầu sử dụng nước từ các công trình cấp nước cao, nên xã cũng đã có ý kiến về tình trạng hư hỏng của 02 công trình tại địa bàn để chờ sửa chữa. Theo UBND xã được biết, ngân sách duy tu sa chữa phân bổ là năm 2019, nhưng do kinh phí quá cao nên chuyển sang 2020”.

Kế hoạch duy tu trung hạn giai đoạn 2021-2025

Trước tình trạng nhiều công trình không phát huy hiệu quả, nhiều năm liền, các xã cũng đã có báo cáo lên UBND huyện để nhờ hỗ trợ.

Theo ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro: “UBND huyện đã giao 31 công trình cấp nước cho UBND các xã trực tiếp quản lý. Các địa phương cũng có tổ tự quản riêng, làm nhiệm vụ quản lý, trông coi để các công trình có thể hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, vì mạch nước nguồn yếu, nhiều xã chưa tìm ra nguồn nước hay do ảnh hưởng mưa bão nên nhiều công trình hư hỏng và hoạt động kém.Những hư hỏng nhỏ thì sửa chữa thường xuyên, còn sửa chữa với số vốn lớn thì huyện sẽ đưa vào kế hoạch duy tu trung hạn giai đoạn 2021-2025. Còn hiện tạigiai đoạn 2016-2020 sẽ ưu tiên những công trình hư hỏng nặng hơn”.

Đường ống của công trình nước tự chảy bị hư hỏng đang chờ sửa chữa

Được biết, thời gian tới, UBND huyện sẽ tiến hành ra quyết định thanh lý 03 công trình cấp nước sinh hoạt đã đề cập ở trên. Bên cạnh đó, sẽ bố trí kinh phí sửa chữa 04 công trình cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng nặng, bao gồm: công trình nước tự chảy làng Krắc - Blà - Kchăng (Đăk Sông) với kinh phí ước tính thực hiện 1.5 tỷ đồng; công trình nước tự chảy làng H’ôn - Kliết – Kte (Đăk Sông) là 1.5 tỷ đồng; công trình nước tự chảy làng Grôi - Kráp - Bong (Đăk Tpang) là 1 tỷ đồng và công trình nước tự chảy làng Kông - Brang (Đăk Tpang) là 500 triệu đồng.

Ngoài ra, UBND huyện Kông Chro sẽ tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các xã  thường xuyên kiểm tra, khắc phục những hư hỏng nhỏ, đồng thời vận động nhân dân vệ sinh, nạo vét cửa lấy nước, bể chứa của các công trình để đảm bảo đủ nước sạch sinh hoạt.

Bạn đang đọc bài viết Nhiều công trình cấp nước tiền tỷ bị lãng quên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...