Thứ năm, 28/03/2024 15:41 (GMT+7)

Nên từ bỏ thói quen sử dụng nước ngầm

Văn Thuật - Quang Trường -  Thứ hai, 24/06/2019 16:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để làm rõ việc khai thác, sử dụng nước ngầm tại TP.HCM, PV Môi trường và Đô thị VN đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Thanh Giang – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn.

PV: Ông có thể cho biết sơ lược về thực trạng việc sử dụng nước sạch của Thành phố chúng ta hiện nay?

 Ông Bùi Thanh Giang: Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn và các Công ty Cấp nước thành viên được phân công quản lý cấp nước cho 23/24 quận - huyện trên địa bàn TP.HCM (riêng huyện Củ Chi được UBND Thành phố giao cho Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn quản lý), với tổng số gần 1,5 triệu ĐHN, với sản lượng tiêu thụ khoảng 43 triệu m3/tháng. Tính đến cuối năm 2016, TP.HCM đã hoàn thành chỉ tiêu 100% hộ dân được sử dụng nước sạch qua nhiều giải pháp như: phát triển mạng lưới, gắn đồng hồ nước trực tiếp; cung cấp nước qua đồng hồ tổng; cung cấp nước qua bồn chứa nước tập trung, lắp đặt thiết bị lọc nước. Hiện nay, Tổng công ty đang tập trung phát triển mạng lưới, gắn mới đồng hồ nước để người dân được sử dụng nước sạch thuận tiện hơn.

Trong nhiều năm qua, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đã nỗ lực để đảm bảo cung cấp nước chất lượng, an toàn, liên tục cho nhân dân thành phố. Với tốc độ phát triển đô thị nhanh như TP.HCM, để thực hiện chỉ tiêu 100% hộ dân được cung cấp nước sạch theo Nghị quyết của HĐND Thành phố là hết sức khó khăn, đòi hỏi ngành nước phải tập trung nguồn lực tài chính rất lớn để đầu tư đồng bộ về nguồn nước và mạng lưới cấp nước. Tuy nhiên, hiện nay có một thực tế nhiều khu vực Tổng công ty đã đầu tư mạng, gắn đồng hồ nước nhưng người dân vẫn tiếp tục sử dụng nước ngầm, không sử dụng nước sạch hoặc sử dụng nước rất ít, trong khi trước đó người dân đã yêu cầu phải được gắn ngay đồng hồ nước. Hiện nay, số lượng khách hàng đã có đồng hồ nước nhưng không sử dụng chiếm khoảng 8% tổng số khách hàng và khoảng 11% khách hàng có mức tiêu thụ rất thấp (từ 1-4m3/tháng).

PV: Với thực trạng sử dụng nước sạch của người dân như hiện nay thì Sawaco có giải pháp gì để giúp người dân thay đổi nhận thức và khuyến khích họ dùng nước sạch nhiều hơn thay cho nước ngầm?

Ông Bùi Thanh Giang: Nước dùng cho sinh hoạt là sản phẩm thiết yếu, không thể không sử dụng. Nếu người dân chưa sử dụng nước sạch (nước được xử lý và cung cấp qua hệ thống cấp nước) là vì họ đang sử dụng nguồn nước khác thay thế, mà chủ yếu là nước ngầm tự khai thác. Việc khai thác nước ngầm quá mức sẽ gây suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng tài nguyên nước và là một trong những nguyên nhân gây sụt lún, tăng đáng kể khả năng xâm nhập mặn, ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước dưới đất; đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người.

Để giúp người dân thay đổi nhận thức và khuyến khích họ sử dụng nước sạch, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn đã có một số giải pháp như sau:

          Các đơn vị cấp nước đảm bảo nguồn nước an toàn, liên tục, chất lượng theo quy định, sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng, trong đó có khách hàng chuyển từ sử dụng nước ngầm sang sử dụng nước sạch.

          Phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng, Chính quyền địa phương thực hiện các chương trình vận động người dân sử dụng nước hiệu quả, hạn chế khai thác nước ngầm. 

          Chính sách giảm giá để khuyến khích các hộ dân đã được gắn đồng hồ nước nhưng không sử dụng nước, đã thí điểm thực hiện tại quận 12 và huyện Hóc Môn (nơi có tỷ lệ hóa đơn tiền nước = 0 cao nhất thành phố). Giải pháp đã đem lại kết quả khả quan, Tổng công ty đang nghiên cứu mở rộng phạm vi áp dụng.

          Cơ chế thỏa thuận giá bán sỉ linh hoạt đối với  các khu công nghiệp, khu chế xuất sử dụng hai nguồn nước. Tỷ lệ giảm giá bằng với tỷ lệ tiêu thụ nước sạch tăng thêm nhưng không quá 50% đơn giá theo quy định.

PV: Thưa ông, hiện tại chất lượng nước sạch và khả năng cung cấp nước sạch của Sawaco cho người dân Thành phố đến mức nào? Có những hạn chế gì không?

Nước sạch được sản xuất từ các Nhà máy nước thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn được xử lý theo một quy trình công nghệ hoàn chỉnh, được kiểm tra, giám sát định kỳ nghiêm ngặt. Chất lượng nước đầu ra luôn phải đảm bảo đạt quy chuẩn do Nhà nước ban hành. Do vậy, việc sử dụng nước sạch có đủ cơ sở để tin tưởng chất lượng hơn sử dụng nước giếng tự khai thác.

Tuy nhiên, hiện nay tại một số khu vực còn xảy ra hiện tượng nước đục, nguyên nhân chính là do khi nước lưu chuyển trong đường ống, nếu thời gian vận chuyển nước lâu, dẫn đến nước dễ bị lắng cặn và khi có sự xáo trộn thủy lực trong đường ống sẽ dẫn đến nước bị đục. Vì vậy, đối với các khu vực thường xuyên sử dụng nước, nước được luân chuyển liên tục sẽ không bị đục, còn đối với các khu vực dân cư ít sử dụng nước thì rất dễ xảy ra hiện tượng nước đục do nước bị tù trong đường ống lâu ngày gây lắng cặn. Trong trường hợp này, đề nghị người dân liên hệ đơn vị cấp nước để được xử lý.

Bên cạnh đó, đối với các hộ dân mới chuyển đổi từ nguồn nước giếng khoan sang nguồn nước máy sẽ chưa thích nghi được với mùi Clor trong nước. Tuy nhiên, việc châm Clor trong nước là cần thiết vì giúp tránh hiện tượng tái nhiễm vi sinh trong nước, giúp nước luôn đảm bảo an toàn, vệ sinh cho người dân sử dụng.

PV: Với lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố của UBND TP thì Sawaco có những kế hoạch gì? Thuận lợi và khó khăn của lộ trình này như thế nào?

Ông Bùi Thanh Giang: Thực hiện lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm của UBND TP, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đã xây dựng Kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất với mục tiêu giảm dần lượng khai thác nước ngầm của Tổng công ty, góp phần giảm tổng lượng nước ngầm khai thác trên địa bàn thành phố; đưa các công trình khai thác nước ngầm hiện hữu sang chế độ dự phòng nhằm đảm bảo an toàn cấp nước cho Thành phố khi có sự cố về nguồn nước mặt và trám lấp các giếng không còn sử dụng để bảo vệ nguồn nước ngầm. Tổng lượng khai thác nước ngầm của Tổng công ty hiện nay là 130.000m3/ngày. Tổng công ty sẽ tuân thủ lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm của UBND TP, cụ thể đến cuối năm 2020 giảm còn 70.000m3/ngày, từ 2021 – 2023 giảm còn 50.000m3/ngày và từ 2024 - 2025 giảm còn 30.000m3/ngày.

Đối với Tổng công ty lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm của UBND TP có thuận lợi là công suất phát nước của các nhà máy sản xuất nước từ nguồn nước mặt hiện nay đã đảm bảo được nhu cầu nước sạch của thành phố. Tuy nhiên cũng có nhiều khó khăn, trở ngại, cụ thể:

          Khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển các tuyến ống truyền tải nước sạch để đưa nguồn nước mặt về các khu vực đang sử dụng nước từ các Trạm xử lý nước ngầm quy mô nhỏ.

          Các rủi ro về ô nhiễm nguồn nước mặt, tác động của biến đối khí hậu ngày càng gia tăng trong khi thành phố chưa có các công trình dự trữ nước thô cho các nguồn nước mặt, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn cấp nước cho Thành phố.

          Các công trình khai thác nước ngầm thuộc kế hoạch đảm bảo an toàn cấp nước cho Thành phố khi chuyển sang chế độ dự phòng, không còn doanh thu nữa nhưng vẫn cần có nguồn kinh phí cho công tác vận hành, bảo trì bảo dưỡng.

Bạn đang đọc bài viết Nên từ bỏ thói quen sử dụng nước ngầm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.