Thứ sáu, 29/03/2024 08:45 (GMT+7)

Mô hình quản lý cấp nước đô thị trong điều kiện biến đổi khí hậu

MTĐT -  Thứ hai, 10/12/2018 13:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đề xuất mô hình về quản lý cấp nước đô thị tỉnh Bình Thuận trong điều kiện biến đổi khí hậu và phù hợp với định hướng phát triển cấp nước đô thị tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050

Tóm tắt:Hoạt động cấp nước đô thị có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, để duy trì phát triển và đạt được tính bền vững, mô hình quản lý cấp nước sạch đô thị tỉnh Bình Thuận cần khắc phục được những bất cập, hạn chế trong tổ chức bộ máy, quản lý vận hành và giảm thiểu những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước, phân tích các mô hình quản vận hành công trình/hệ thống cấp nước, bài báo này đề xuất mô hình về quản lý cấp nước đô thị tỉnh Bình Thuận trong điều kiện biến đổi khí hậu và phù hợp với định hướng phát triển cấp nước đô thị tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là tài liệu cần thiết trong quản lý cấp nước đô thị.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Bình Thuận là tỉnh ven biển duyên hải cực Nam Trung Bộ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của BĐKH, thiên tai lũ lụt, hạn hán xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Thuận với tầng suất và cường độ ngày càng gia tăng làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản ước tính hàng nghìn tỷ đồng.

Hệ thống cấp nước đô thị tỉnh Bình Thuận đang chịu sự tác động nặng nề của BĐKH, ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới hay các hình thế thời tiết gây mưa lớn trên diện rộng làm ngập lụt trên các lưu vực sông lớn của tỉnh như sông La Ngà, sông Cà Ty, sông Phan, sông Dinh, sông Luỹ…Mưa lớn, lũ quét phá huỷ các công trình/hệ thống cấp nước tập trung tại các đô thi. Nước lũ làm sạt lở bờ sông ở nhiều nơi, cuốn theo và hoà tàn nhiều loại chất bẩn làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Không chỉ lũ lụt, BĐKH còn gây ra hạn hán nghiêm trọng  tại một số vùng ven biển thuộc xã Hòa Thắng, Hòa Phú của các huyện Tuy Phong, Bắc Bình và xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân. Tình trạng khô hạn kéo dài làm suy giảm nghiêm trọng nguồn nước mặt tại các hồ chứa, khiến cho cuộc sống nguồi dân vô cùng khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt và sản xuất.Người dân phải khoan giếng để sử dụng nguồn nước dưới đất, tuy nhiên nguồn nước mặt tại các khu vực này đang có nguy cơ nhiễm mặn cao do nước biển xâm nhập.

Bên cạnh hệ thống cấp nước đô thị chưa đáp ứng yêu cầu cấp nước thì công tác quản lý cấp nước tại các đô thị tỉnh Bình Thuận còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đồng thời chưa có giải pháp để chủ động ứng phó với với BĐKH ngày một gia tăng. Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng, làm hạn chế công tác quản lý cấp nước đô thị như: Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực cấp nước đô thị của Việt Nam và tỉnh Bình Thuận chưa hoàn thiện, còn nhiều nội dung liên quan đến việc quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ nguồn nước vẫn chưa được hướng dẫn để thực hiện; Cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý chưa phù hợp, còn nhiều chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ; chưa xây dựng cơ chế hợp lý để thực hiện; Năng lực của cán bộ quản lý còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Để ứng phó và giảm nhẹ những tác động tiêu cực gây nên do BĐKH đang tác động đến hệ thống cấp nước các đô thị tỉnh Bình Thuận, nhất là những khu vực dễ bị tổn thương, việc nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý cấp nước đô thị là hết sức cấn thiết nhằm năng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động cấp nước đô thị trên địa bàn. Đồng thời giúp cho các nhà chuyên môn, các cơ quan quản lý nhà nước có cách nhìn đầy đủ, chính xác hơn về thực trạng công tác quản lý cấp nước đô thị để kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực quản lý trong thời gian tới được tốt hơn.

2. ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH QUẢN LÝ CẤP NƯỚC ĐÔ THỊ TỈNH BÌNH THUẬN TRONG ĐIỀU KIỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Các mô hình đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, doanh nghiệp (tư nhân) quản lý, vận hành hệ thống và mô hình tư nhân tự quản được áp dụng vào thực tế tại các đô thị tỉnh Bình Thuận trong thời gian qua đã mang lại được những hiệu quả đáng kể, đáp ứng được bước đầu nhu cầu dùng nước của người dân đô thị. Tuy nhiên, hiệu quả cấp nước đến từng hộ gia đình chưa cao, có nhiều vấn đề thiếu sót, thất thoát xảy ra. Vì vậy, nghiên cứu đề xuất mô hình mới, linh hoạt hơn và phù hợp với điều kiện cụ thể ở các đô thị tỉnh Bình Thuận trong điều kiện kinh tế - xã hội và tình hình BĐKH. Mô hình có sự  liên kết giữa Nhà nước với tư nhân trong hoạt động cấp nước nhằm khắc phục được một số nhược điểm của các mô hình nêu trên trong việc quản lý, cung cấp dịch vụ cấp nước tới người dân đô thị tỉnh Bình Thuận cũng như các địa phương khác của nước ta.

Quy mô của công trình đa dạng, có thể áp dụng được cho nhiều địa phương; phạm vi cấp nước trên toàn đô thị (phù hợp với đô thị vừa và nhỏ); Nguồn vốn tư nhân nên có thể huy động số lượng lớn; Trình độ quản lý, vận hành công trình thuộc loại khá.

Hình 1:Đề xuất mô hình quản lý khai thác dịch vụ cấp nước đô thị tỉnh Bình Thuận.

Mô hình tổ chức gồm: Giám đốc, phó giám đốc và các phòng ban nghiệp vụ (phòng Quản lý cấp nước, phòng Tổ chức - Hành chính - Kế toán, phòng Kế hoạch - Kỹ thuật - Truyền thông). Tuy nhiên, đây là mô hình Nhà nước kết hợp với tư nhân nên có sự quản lý của Nhà nước thông qua Ban Chỉ đạo an toàn cấp nước của Tỉnh và Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Thuận. Trong đó, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Thuận sẽ kết hợp với các doanh nghiệp tư nhân thành lập các phòng ban chức năng chịu trách nhiệm cung cấp, quản lý,vận hành và chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát.

Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Thuận gồm có 2 bộ phận: Bộ phận làm việc văn phòng và bộ phận lao động kỹ thuật có kinh nghiệm trong xây lắp, vận hành, bảo dưỡng các công trình, hệ thống cấp nước đô thị. Cán bộ, công nhân chịu trách nhiệm vận hành, duy tu, bảo dưỡng được tuyển dụng đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ chuyên môn, về công nghệ kỹ thuật cấp nước, về quy trình vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình, hệ thống cấp nước.     

Hình 2: Sơ đồ mô hình Công ty Cổ phần Cấp thoát nước đô thị tỉnh Bình Thuận.

Nhiệm vụ của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước tỉnh: Tham mưu cho Giám đốc Sở Xây dựng trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án về cấp nước đô thị trên địa bàn tỉnh; Trình cấp có thẩm quyền và tổ chức thực hiện khi được phê duyệt; tham mưu cho Giám đốc Sở, Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh về tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về Nước sạch đô thị; Tiếp nhận, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, vật tư, thiết bị các chương trình, dự án được phân công và thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khác có liên quan trên địa bàn tỉnh; Tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động nhân dân khai thác sử dụng có hiệu quả và bảo nguồn nước; Bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật, nghiệp vụ về nước sạch cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu tại các đô thị

Đây là mô hình có sự kết hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân, vì vậy để mô hình hoạt động có hiệu quả cao cần sự quản lý, giám sát thường xuyên của Nhà nước, đồng thời người dân cần phải có ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng cũng như bảo vệ nguồn nước và hệ thống cấp nước đô thị trong khu vực. Với phương châm hoạt động phát huy nội lực của dân cư đô thị, dựa vào nhu cầu, trên cơ sở đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư, xây dựng và quản lý, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước trong các dịch vụ cung cấp nước sạch đô thị. Đồng thời, hình thành thị trường nước sạch theo định hướng của Nhà nước.

Hình 3:Sơ đồ phân cấp quản lý khai thác vận hành HTCN đô thị tỉnh Bình Thuận.

Thông qua việc phân tích mô hình và sơ đồ phân cấp quản lý vận hành hệ thống cấp nước đô thị được đề xuất ở trên, nhận thấy mô hình đã khắc phục những bất cập, hạn chế về tổ chức bộ máy quản lý hoạt động cấp nước đô thị hiện nay, đặc biệt là những tồn tại trong phân công, phân cấp và phân định trách nhiệm của các chủ thể quản lý cấp nước (giữa quản lý nhà nước và quản lý vận hành hệ thống) cũng như công tác phối hợp giữa các bên liên quan trong hoạt động cấp nước đô thị, cụ thể: 

- Về thực hiện chức năng quản lý nhà nước: Công ty Cổ phần Cấp thoát nước của tỉnh chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh Bình Thuận thông qua Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn của Tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) và Sở Xây dựng. Theo đó, chức năng, nhiệm vụ của: (1) Ban Chỉ đạo: giúp Chủ tịch UBND tỉnh điều hành, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến hoạt động cấp nước an toàn trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc bảo vệ, phòng ngừa các nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, khu vực bảo vệ nguồn nước, chỉ đạo việc khắc phục xử lý kịp thời các sự cố, các vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước tại vị trí thu nước của công trình cấp nước và các công trình thuộc hệ thống cấp nước; Huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài để hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ, các chương trình, dự án trong kế hoạch cấp nước an toàn; Chỉ đạo việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm và an toàn. (2) Sở Xây dựng: Góp ý, thẩm định và nghiệm thu hoàn thành thi công đưa vào sử dụng các dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh; Thực hiện công tác tranh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng công trình cấp nước và các công tác khác có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được UBND tỉnh phân gia.

- Về chức năng quản lý vận hành hệ thống cấp nước: Công ty Cổ phần Cấp thoát nước tỉnh với bộ máy quản lý phù hợp, có trình độ chuyên môn, năng lực quản lý đáp ứng các yêu cầu thực tiễn về quản lý khai thác, vận hành của hệ thống một cách hiệu quả. Đặc biệt là có sự phối hợp thường xuyên, có hiệu quả với Ban Chỉ đạo, Hội Cấp thoát nước tỉnh, các đơn vị cấp nước tư nhân cùng các phòng, ban cấp nước của Công ty trong quá trình khai thác vận hành và cung cấp dịch vụ nước sạch cho các đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo cấp nước liên tục, an toàn và chất lượng theo quy chuẩn hiện hành. Trong đó, chức năng nhiệm vụ của các tổ chức, đơn vị cấp nước được phân định cụ thể như sau:

+ Hội Cấp thoát nước tỉnh: với các hội viên tập thể là các công ty sản xuất kinh doanh nước sạch và các công ty thiết kế xây dựng, các công ty kinh doanh sản xuất vật tư thiết bị trong ngành nước trên địa bàn tỉnh nhằm tư vấn kỹ thuật, tư vấn các chính sách liên quan đến ngành nước, đặc biệt là chính sách giá nước theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ và có tích luỹ để đầu tư phát triển (thay vì tính đúng, tính đủ và gắn với khả năng chi trả của người dân như trước đây); Chú trọng đề xuất các phương án, vận động các công ty cấp nước giảm thất thoát, thất thu nước đồng thời nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quản lý, phù hợp với yêu cầu của hệ thống cấp nước nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ đảm bảo các mục tiêu cấp nước an toàn, chất lượng, đủ áp lực hướng tới phát triển bền vững.

+ Các công ty cấp nước tư nhân: Hiện nay có 03 doanh nghiệp tư nhân cung cấp dịch vụ nước sạch đô thị trên địa bàn tỉnh gồm: Công ty Cổ phần Bình Hiệp,Công ty Cổ phần Đầu tư nước Bình An, Công ty Nước và Môi trường Đông Hải hoạt động theo mô hình doanh nghiệp quản lý, vận hành HTCN với tổng công suất 59.500 m3/ngày-đêm, dự kiến tăng lên 87.000 m3/ngày-đêm với 4 nhà máy nước (Cà Giang, Phan Thiết, La Gi, Xuân Quang). Với chức năng phối hợp cùng với Công ty Cổ phần Cấp thoát nước tỉnh thực hiện nhiệm vụ cấp nước cho một số khu vực các đô thị theo hợp đồng cung ứng nước sạch (mua bán nước) cho Công ty Cổ phần Cấp thoát nước tỉnh theo quy mô và phạm vi địa bàn đã được xác định. Công tác quản lý, cải tạo, phát triển mạng lưới cấp nước và công tác giảm nước không doanh thu luôn được các đơn vị quan tâm đầu tư, thực hiện thường xuyên, góp phần đưa hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng ổn định và phát triển. Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý ngày càng nâng cao, bám sát và đảm bảo yêu cầu công tác đề ra; kinh nghiệm thực tế tích luỹ ngày càng nhiều. Đặc biệt, nghiên cứu xây dựng, ban hành và áp dụng quy chế phối hợp giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý; các hoạt động hợp tác trao đổi kỹ thuật, đầu tư, ứng dụng tiện ích của công nghệ thông tin đã được triển khai ngày càng có chất lượng và đi vào chiều sâu.      

Như vây, có thể nói mô hình đã thể hiện được tính ưu việt (điểm mới) công tác quản lý hoạt động cấp nước đô thị trong điều kiện BĐKH so với các mô hình quản lý hiện nay.  

3. KẾT LUẬN

Mô hình quản lý cấp nước đô thị trong điều kiện BĐKH là cơ sở quan trọng trong quản lý khai thác vận hành hệ thống cấp nước đô thị. Mô hình đề xuất phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển cấp nước đô thị tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và đảm bảo các mục tiêu về phát triển bền vững và thích ứng với trong điều kiện BĐKH. Thực hiện phân công, phân cấp và phối hợp quản lý giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các tổ chức, đơn vị khai thác vận hành hệ thống cấp nước nhằm đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý vận hành, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả cũng như phân định rõ trách nhiệm quản lý giữa các cơ quan, đơn vị trong hoạt động cấp nước đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong điều kiện BĐKH. 

Để nâng cao hiệu quả quản lý cấp nước đô thị, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa các bên có liên quan gồm: các sở, ngành, các đơn vị cung ứng dịch vụ nước sạch, chính quyền đô thị và cộng đồng dân cư trong hoạt động khai thác, quản lý, bảo vệ nguồn nước và hệ thống cấp nước theo hướng phân công, phân cấp và phân định rõ trách nhiệm của từng đơn vị và sự tham gia của cộng đồng. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế thông thoáng nhằm thu hút các nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn tư nhân theo phương thức xã hội hoá hoặc mô hình đối tác công-tư để đầu tư phát triển hoàn thiện hệ thống cấp nước đô thị nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH.   

4. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Bộ Tài Nguyên và Môi trường, 2016. Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam.

[2]. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học khí tượng thuỷ văn và Môi trường, 2012. Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho tỉnh Bình Thuận.

[3]. Nguyễn Đức Cảnh, 2015. Hợp tác công tư trong lĩnh vực cấp nước sạch tại Việt Nam . Luận án Tiến sỹ.

[4]. Chính phủ (2007). Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủVề sản xuất, cung cấp và kinh doanh nước sạch.

[5]. Chính phủ (2011). Nghị định 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117/2007/NĐ-CP.

[6]. Nguyễn Ngọc Dung, 2008. Công tác quản lý cấp nước tại các đô thị Việt Nam - Thực trạng và giải pháp. Hội thảo khoa học Quy hoạch phát triển đô thị.

[7]. Trương Công Tuân, 2014. Một số vấn đề về xây dựng mô hình quản lý công trình cấp nước tập trung ở Việt Nam.

[8]. Trung tâm Nước và Môi trường Việt Nam - Hà Lan, Phân viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, 2016. Quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tại tỉnh Bình Thuận.

[9]. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, 2011. Quy hoạch tổng thể cấp nước đô thị tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050.

Châu Thanh Hùng

Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận

Bạn đang đọc bài viết Mô hình quản lý cấp nước đô thị trong điều kiện biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Châu Thanh Hùng

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.