Thứ tư, 17/04/2024 01:56 (GMT+7)

Làm thế nào giữ nước ngọt cho người dân miền Tây?

MTĐT -  Thứ ba, 24/03/2020 18:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hặn mặn kéo dài từ Tết Nguyên đán đến nay khiến các tỉnh ĐBSCL rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt, hoa màu bị chết khô gây ra những thiệt hại về kinh tế cho người dân.

Hạn xâm nhập mặn năm nay được cho là khốc liệt chưa từng có trong lịch sử. 5 tỉnh là Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Long An đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp thiên tai.

Theo Bộ NNPTNT, tính đến tháng 3/2020, diện tích lúa bị thiệt hại do hạn mặn 32.000ha, 80.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Giá nước ngọt tăng từ 8.000 đồng/m3 lên 200.000 đồng/m3.

Hàng chục ngàn ha lúa cháy khô do thiếu nước.

Theo đại diện Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam, "số liệu quan trắc, lượng mưa trên các vùng thuộc lưu vực sông Mekong, kể cả phần lưu vực thuộc Trung Quốc, đều bị sụt giảm mạnh so với trung bình nhiều năm, đặc biệt ở khu vực hạ nguồn lưu vực, bao gồm cả vùng ĐBSCL của Việt Nam”.

Cụ thể, vùng Vân Nam (Trung Quốc) giảm 72%, vùng Bắc Lào và Thái Lan giảm 82%, vùng Đông Bắc Thái Lan giảm 85%, vùng Trung Nam Lào và Tây Nguyên giảm 80%, vùng châu thổ ĐBSCL giảm 84% so với trung bình nhiều năm.

Các chuyên gia phân tích, tình trạng mưa ở toàn bộ vùng hạ lưu sông Mekong giảm hẳn vào năm nay, chính vì thế các quốc gia thượng nguồn gia tăng khai thác sử dụng nước trên các sông nhánh, thậm chí cả trên dòng chính sông Mekong dẫn đến dòng chảy về vùng ĐBSCL qua hai trạm thủy văn Tân Châu và Châu Đốc cũng bị sụt giảm.

So với trung bình nhiều năm, tổng lượng dòng chảy về Tân Châu và Châu Đốc giảm 19%, và xấp xỉ với dòng chảy tháng 2/2016.

Có nên xây hồ trữ nước “khủng”?

Trước thực trạng này, nhiều tỉnh ĐBSCL đã đề xuất xây hồ trữ nước “khủng”, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp này không khả thi.

Trao đổi với báo Tuổi trẻ, GS.TS Tăng Đức Thắng - nguyên viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, hiện là ủy viên hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu cho rằng, việc làm hồ chứa "khủng" đã được Bộ NN&PTNT quan tâm từ nhiều năm nay. Qua phân tích cho thấy vấn đề này còn nhiều khó khăn.

Theo ông, khi nghiên cứu vấn đề này thấy còn nhiều vấn đề lớn, một là vùng cần nước ngọt nằm ven biển, rất xa các hồ (Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên), khoảng 120 - 150km. Do vậy, nếu chuyển nước sẽ rất khó khăn và tốn kém do khoảng cách xa, địa hình địa vật bị phân cách bằng hệ thống sông kênh chằng chịt và mạng lưới phân phối nước phức tạp.

Thứ hai, hiệu quả tích nước của hồ rất thấp, do đó rất tốn đất và kinh phí hồ sẽ rất lớn (dù thiết kế chìm, nổi hay hỗn hợp). Thứ ba là quỹ đất hiện nay để làm hồ rất khó khăn. Thứ tư, sinh kế cho người dân vùng hồ (hồ phải làm việc từ tháng 11 đến tháng 3, 4 năm sau và thời gian còn lại trong năm cũng khó khai thác).

Các kênh, rạch không còn nước phục vụ tưới tiêu.

Còn nếu làm hồ để tích nước rồi sau đó xả ra sông để giảm mặn thì hiệu quả đẩy mặn cũng rất hạn chế, nghĩa là hiệu quả hồ không cao.

Theo ông, trước mắt cần tiếp tục các giải pháp tăng cường nguồn nước ngọt cho các hệ thống, các vùng ven biển thiếu nước ngọt; tiếp tục kiểm soát xâm nhập mặn vào các vùng ngọt; thay đổi, điều chỉnh các mô hình sản xuất theo hướng ít sử dụng nước ngọt hơn và tăng cường sử dụng nước mặn lợ, nước mưa; điều chỉnh mềm dẻo lịch sản xuất theo từng mùa, từng năm trong các vùng ven biển, thậm chí trên cả ĐBSCL và quản lý nước, sản xuất hiệu quả hơn.

Để giải quyết vấn đề này, nhiệm vụ dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn, thị trường cả ngắn hạn và dài hạn là rất quan trọng. Trên thực tế, chúng ta đang đi theo tất cả các hướng trên và đã giải quyết hiệu quả. Vấn đề nữa là cần nhanh chóng xử lý ổn định bờ biển, tránh mất đất. Vấn đề này chúng ta cũng đang thực hiện, nhưng cần quyết liệt hơn.

“Bẫy hơi nước”

Còn chia sẻ với báo Dân Việt, kiến trúc sư Hà Nhật Tân – người sinh ra và lớn lên ở miền Tây cho biết, ông hiểu rõ mùa khô và nước xâm mặn và chia sẻ 2 cách giúp bà con nơi đây giải quyết phần nào tình trạng thiếu nước ngọt.

Theo ông Tân, nếu không có nước ngọt, bà con không nên uống nước lợ vì càng uống sẽ càng khát. Để giảm tối đa lượng nước uống, cần phải bổ sung đủ nước.

Cách hay nhất là uống canh, hãy nấu một nồi canh lớn cho mỗi bữa. Ăn canh nhiều nhất có thể. Nếu ăn canh nhiều, có thể không cần phải uống thêm nước mà vẫn không khát.

Người dân lấy can chở nước từ các điểm cung cấp nước miễn phí. Ảnh: TTXVN.

Ngoài ra, có thể "bẫy hơi nước" (nước ngọt) bằng một chiếc hộp kính chứa nước mặn. Sau đó phơi chiếc hộp này dưới nắng, hơi nước sẽ bốc lên. Mặt trên cùng của chiếc hộp kính nên làm nghiêng, dốc vào một cái máng. Hơi nước sẽ ngưng tụ trên bề mặt trên cùng và chảy vào cái máng này.

Với việc thu nước trong cái máng, sẽ có được nước ngọt. Có khoảng chục lít nước cho 1m2 bề mặt/ngày. Với 2m2, sẽ thu được khoảng 20 lít nước mỗi ngày (ít thì 10 lít, ngày nắng có thể lên đến 50 lít/ngày), đủ nhu cầu nước uống của một gia đình.

Cùng với 2 phương pháp trên, ông Tân nhấn mạnh: “Với 6 miếng kính và 2 chai silicon, bạn dư sức làm một cái "bẫy nước ngọt".

Lưu ý là cái bẫy này phải kín, không thì hơi nước sẽ thoát đi hết. Có thể ra hàng đặt làm kiểu bể cá 1x2m, có nắp nghiêng khoảng 30 độ thu vào 1 cái máng. Máng này thu vào 1 cái bình nước là sẽ có nước ngọt sử dụng”.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Làm thế nào giữ nước ngọt cho người dân miền Tây?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.