Thứ bảy, 20/04/2024 02:23 (GMT+7)

Kỳ 2: Các sở ngành vẫn chưa thực hiện chỉ đạo của tỉnh

Doãn Kiên – Phan Ngân -  Thứ hai, 11/06/2018 13:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Hưng Yên mặc dù đã nói rõ nhiệm vụ, chức năng của từng sở ngành trong vấn đề nước sạch. Thế nhưng, khi NPV tìm hiểu thì các sở ngành đều tỏ ra lúng túng.

Không nắm được

Trong quá trình điều tra tìm hiểu về thực trạng nước tại đây, chúng tôi đã tiến hành làm việc với nhiều sở ban ngành.

Được biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cấp nước sạch khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Chính vì lẽ đó mà trong các văn bản nào sở này cũng được giao nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể, đồng thời cũng dựa trên những văn bản của sở này để đưa ra những quyết định, quy định cụ thể đối với vấn đề nước sạch.

Cụ thể trong Quyết định số 2416/QĐ-UBND ngày 28/8/2017 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch cấp nước sạch tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ: "Chủ đầu tư: Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hưng Yên".

Trong phần tổ chức thực hiện cũng nêu rõ: "Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh là cơ quan thường trực giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ".

Thế nhưng khi trao đổi với ông Lê Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm, ông lại cho rằng: “Trung tâm chỉ là đơn vị sự nghiệp, không phải đơn vị quản lý nhà nước, chỉ giúp việc nhà nước trong việc quản lý nhà nước”.

Và dù là chủ đầu tư của quy hoạch cấp nước sạch tỉnh Hưng Yên nhưng trung tâm chỉ quản lý 11/44 đơn vị cung cấp nước sạch. Nên việc các đơn vị khác như thế nào thì trung tâm không nắm được. Ngay bản thân các đơn vị do trung tâm quản lý hiện đang khai thác nước ngầm ông cũng không nắm được cụ thể đơn vị nào đã có hay chưa có giấy phép.

Không thoả đáng trước câu trả lời của ông Kiên, chúng tôi tiếp tục liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì được giới thiệu làm việc với ông Vũ Văn Hanh, Chi cục trưởng Chi cục thuỷ lợi.

Sau khi ông Hanh nêu hàng loạt chức năng, nhiệm vụ của Sở Nông nghiệp trong công tác quản lý Nhà nước. Ông Hanh cũng thừa nhận chương trình nước sạch nông thôn là một trong những nhiệm vụ của Chi cục.

Tuy nhiên, khi Nhóm PV đề cập đến vấn đề kiểm tra, giám sát đối với các nhà máy sản xuất nước sạch trên địa bàn thì ông Hanh cho biết, ông không được tham gia chỉ có đồng chí phó giám đốc làm trưởng đoàn kiểm tra liên ngành nên ông cũng không nắm được số liệu cụ thể.

Trước hàng loạt vấn đề, ông Hanh không trả lời được và cho rằng: Chi cục thuỷ lợi chỉ chủ yếu quản lý về nước tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp, nước sạch chỉ là mảng nhỏ của chi cục và nhà máy sản xuất nước họ hoạt động theo luật doanh nghiệp nên thanh, kiểm tra cũng khó…

Chất lượng nước liệu có đảm bảo?

Nếu như Sở Nông nghiệp là cơ quan quản lý nhà nước về cấp nước sạch nông thôn thì Sở Y tế là cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng nước sạch có vai trò quan trọng trong việc khẳng định chất lượng nước có đạt tiêu chuẩn hay không trước khi đến với khách hàng là người dân.

Mới đây, UBND tỉnh Hưng Yên đã có công văn số 501/UBND-KT1 ngày 07/3/2018 gửi các sở ngành trong việc thực hiện thông tư 50/2015/TT-BYT ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế quy định việc kiểm tra vệ sinh chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt.

Công văn cũng nên rõ: "Việc thực hiện công tác nội kiểm về vệ sinh, chất lượng nước thành phẩm của các cơ sở cung cấp nước thực hiện chưa nghiêm túc, lấy lệ và chưa đúng tần suất quy định, không thực hiện nghiêm chế độ cung cấp thông tin, báo cáo. Công tác ngoại kiểm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chưa thực hiện đầy đủ vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về quản lý vệ sinh, chất lượng nước sinh hoạt, nước ăn uống trên địa bàn tỉnh".

Một nhà máy sản xuất nước sạch.

Cũng tại công văn này UBND tỉnh lại cho phép Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh trực tiếp ký hợp đồng với cơ sở cung cấp nước (nếu đủ điều kiện). Đồng thời xây dựng, đề xuất dự toán kinh phí thực hiện công tác kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước trình Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND tỉnh xem xét phê duyệt trước ngày 20/3/2018. Như vậy, khác gì Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hưng Yên có "vừa đá bóng, vừa thổi còi"(!?).

Trong quá trình tìm hiểu chúng tôi đã làm việc tại 3 nhà máy sản xuất nước sạch, chỉ riêng vấn đề kiểm nghiệm chất lượng nước cũng xuất hiện hàng loạt những bất thường, không được thực hiện theo quy định.

Vấn đề đặt ra ai sẽ chứng nhận cho chất lượng nước sau khi sản xuất, chúng tôi sẽ làm rõ vấn đề nay ở kỳ tiếp theo.

Trong thông báo số 182/TB-UBND ngày 20/4/2018 kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Tài nguyên và Môi trường, chủ trì phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các trường hợp khai thác nước ngầm, nước mặt không có phép, sai phép hoặc gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Tuy nhiên ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Tài nguyên nước và biến đổi khí hậu cho biết: "Chúng tôi đã đôn đốc rất nhiều lần từ thời anh Nha làm giám đốc đến giờ là anh Kiên (Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn). Năm nào cũng có công văn đôn đốc, nhắc nhở các anh ấy để làm thủ tục cấp phép, các anh ấy cũng chả xin cấp phép đâu. Các anh ấy coi như trời của ta, đất của ta".

Ông Lê Trung Kiên (Giám đốc trung tâm Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn).

Cũng tại thông báo này, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với các sở ngành liên quan kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở cung cấp nước tại khu vực thành phố, khu đô thị, khu công nghiệp…

Đồng thời chủ trì phối hợp với các sở ngành tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh quyết định số 65/QĐ-UBND ngày 15/1/2018 về việc công bố định mức dự toán lắp đặt 01 cụm đồng hồ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên theo hướng: "Việc lắp đặt đồng hồ nước là do doanh nghiệp lắp, hoặc doanh nghiệp thoả thuận với người dân để thu tiền lắp đặt đồng hồ và trừ dần vào tiền sử dụng nước.

Vấn đề này phải có công văn báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/5/2018". Tuy nhiên, khi làm việc với ông Đoàn Hồng Quân, Trưởng phòng phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật về công văn này ông Quân đã không cung cấp được.

PV làm việc với Trung tâm y tế dự phòng.

Ngoài ra còn có các Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng được UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế đến nay việc thẩm định hồ sơ năng lực của các doanh nghiệp, kế hoạch triển khai dự án vẫn còn đặt ra nhiều dấu hỏi lớn?

Bởi theo Báo cáo số 02/BC-ĐKT ngày 30/01/2018 gửi UBND tỉnh nêu rõ có tới 30 xã chưa xây dựng, lắp đặt đường ống (Công ty An Sinh 10 xã, Công ty Cổ phần cấp nước Hưng Yên 10 xã, Công ty Việt Thanh 03 xã, Công ty Hải Hưng, Huy Phát 02 xã, Công ty Việt Hưng 01 xã…)

Trong quá trình tìm hiểu, PV đã khảo sát hơn 40 nhà máy sản xuất nước sạch đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Đa số, các nhà máy này đã đã bộc lộ hàng loạt vi phạm từ khâu sản xuất đến đảm bảo chất lượng nước.

Đón đọc kỳ 3: Vi phạm nghiêm trọng tại nhà máy sản xuất nước sạch Ecopark

Bạn đang đọc bài viết Kỳ 2: Các sở ngành vẫn chưa thực hiện chỉ đạo của tỉnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...