Thứ ba, 19/03/2024 13:14 (GMT+7)

Khủng hoảng nước tại Ấn Độ: 600 triệu người điêu đứng vì thiếu nước

MTĐT -  Thứ hai, 20/05/2019 15:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ấn Độ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nước trầm trọng nhất trong lịch sử khi có khoảng 600 triệu người bị thiếu nước sinh hoạt.

Theo CNN, đã hơn 10 ngày kể từ lần cuối những người dân ở khu ổ chuột Vasant Kunj nhận được lượng nước ít ỏi. Đối với nhiều gia đình, nước của họ đã hết từ vài ngày trước.

Nhiệt độ lên cao, người dân nơi đây sống trong những túp lều lợp bằng tôn. Dưới cái nóng 40oC, mỗi túp lều như một chiếc lò nung.

Hàng trăm thùng nhựa rỗng bày thành hàng trên mặt đất nứt nẻ, khô cằn khi những cư dân của khu ổ chuột Vasant Kunj ở Nam thủ đô Delhi - một trong những khu ổ chuột lớn nhất và nghèo nhất thành phố.

"Sống như thế này vất vả quá, Tất cả trông đợi vào nước. Mọi thứ. Ăn uống, nấu nướng, dọn dẹp, giặt giũ" - Fatima Bibi, 30 tuổi nói.

Hiện tại, một số hộ dân đang gom tiền từ mọi người để lắp đặt một máy bơm để lấy nước tắm giặt. Họ cho rằng đó là giải pháp thô sơ nhưng cần thiết ở thời điểm hiện tại.

Người dân khu ổ chuột Vasant Kunj xếp hàng lấy nước. (Ảnh: CNN)

Nước đã trở thành một món hàng quý giá và người dân ở khu ổ chuột Vasant Kunj phải tính toán cách nào để dự trữ được nhiều nước nhất có thể. Mỗi hộ gia đình được cấp miễn phí 600 lít, mùa Đông cũng như mùa Hè, nhưng lượng nước này chỉ đủ để họ dùng tỏng 10 ngày để chờ đến đợt cấp nước tiếp theo.

Nước sinh hoạt quyết định cuộc sống tại đây. Đàn ông và phụ nữ ra ngoài làm việc sẽ được gọi quay về nếu xe bồn chở nước sắp đến. Không có giờ cụ thể, dù vậy Fatima Bibi nói rằng gần đây xe bồn thường đến vào lúc 1 giờ chiều. “Việc chờ đợi kéo dài cả ngày. Họ phải chờ để lấy nước”, Bibi nói.

Cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ

Theo một báo cáo gần đây của Niti Aayog, một trung tâm nghiên cứu chính sách thuộc chính phủ Ấn Độ, đất nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước tồi tệ nhất trong lịch sử, với 600 triệu người đối phó với tình trạng thiếu nước. Trung bình 200.000 người Ấn Độ chết mỗi năm do nguồn cung cấp nước không đủ hoặc ô nhiễm nước.

Theo ước tính, 21 thành phố lớn của Ấn Độ sẽ cạn kiệt nước ngầm vào năm 2020 - chỉ một năm nữa. Khi Ấn Độ phát triển và tăng cường hỗ trợ 1,3 tỷ người dân trong đất nước, những người ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng nước cho rằng cuộc khủng hoảng sẽ trở nên tồi tệ hơn.

"Chúng tôi có quá nhiều người trong khi có quá ít nước. Thật không may, mọi người không nhận ra điều đó thực sự đáng sợ như thế nào”, Jyoti Sharma, người sáng lập và chủ tịch của FORCE, một tổ chức phi chính phủ của Ấn Độ về bảo tồn và vệ sinh nước cho biết.

Khi các quốc gia như Ấn Độ khô cằn hơn do biến đổi khí hậu, Sharma cảnh báo rằng nước có thể sớm trở thành vấn đề chênh lệch toàn cầu.

Đâu là nguyên nhân?

Nguyên nhân khiến Ấn Độ rơi vào tình cảnh này chủ yếu là do nước này phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngầm cho hầu hết các nhu cầu. Hàng thập kỷ qua, người dân nước này đào hố khoan với những đường ống được cắm sâu vào lòng đất để tiếp cận với nguồn nước ngầm. Điều này khiến Ấn Độ đang bị cạn kiệt nguồn nước ngầm nghiêm trọng.

“Chúng tôi là quốc gia sử dụng nguồn nước ngầm lớn nhất thế giới. Đây là một cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng”, Joydeep Gupta, biên tập viên Nam Á của Third Pole, trang tin tức chuyên về các vấn đề môi trường, cho biết.

Khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh hơn và hàng triệu người di chuyển đến các thành phố, nhu cầu về nước tăng lên. Các thành phố phải tìm kiếm nguồn nước xa hơn, được bơm hàng trăm ki- lô- mét qua đường ống. Theo báo cáo, 100 triệu người, trong đó có người dân ở các thành phố lớn như New Delhi, Bangalore và Hyderabad, sẽ sớm sống ở các thành phố không có nước ngầm.

Mực nước ngầm cạn kiệt, hạn hán và nợ nần đã gây ra một cuộc khủng hoảng nông nghiệp ngày càng nghiêm trọng và khiến nhiều nông dân phải tìm đến cái chết. Đối chiếu với dữ liệu của chính phủ Ấn Độ, tổ chức phi chính phủ Down to Earth có trụ sở tại Mumbai cho biết hơn 200.000 người nông dân đã tự tử từ năm 1995.

Năm ngoái, Shimla ở bang Himachal Pradesh, phía Bắc Ấn Độ rơi vào tình trạng gần như cạn kiệt nước, gây ra cảnh tượng người dân tranh giành nước, xếp hàng dài, biểu tình đòi nước và khuyến cáo du khách không đặt chân đến nơi đây.

Cuộc khủng hoảng nước không chỉ diễn ra tại Ấn Độ mà là vấn đề của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là khi biến đổi khí hậu toàn cầu diễn biến ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, những ngành công nghiệp hiện đại ngày càng sử dụng nước với quy mô khổng lồ.

Theo ước tính của Liên hợp quốc (UN), dân số thế giới sẽ tăng lên 9 tỷ người vào năm 2040, trữ lượng nước ngọt trên Trái Đất chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu. Các báo cáo về môi trường và phát triển thống kê có khoảng 1/8 dân số thế giới, tương đương với gần một tỷ người hiện không có nước sạch để uống; 1/5 dân số thế giới không có đủ nước sạch dùng trong sinh hoạt.

Theo Viện Nước quốc tế Stockholm, nước bẩn giết chết nhiều người hơn so với động đất và chiến tranh. Trên thế giới, mỗi ngày có khoảng 5.000 trẻ em chết do các bệnh liên quan đến nước bẩn, 2 triệu người tử vong do các căn bệnh khởi phát vì dùng nước ô nhiễm.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Khủng hoảng nước tại Ấn Độ: 600 triệu người điêu đứng vì thiếu nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Nam khai thác và phát huy lợi thế từ đa dạng sinh học
Năm 2021, Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là địa phương đầu tiên thực hiện Đề án Thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Năm 2024, Quảng Nam tiếp tục là địa phương đầu tiên được chọn đăng cai các hoạt động về đa dạng sinh học.
Thẩm định kế hoạch sử dụng đất tỉnh Thái Nguyên
Ngày 14/3, tại trụ sở Bộ TN&MT, Hội đồng thẩm định kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, kế hoạch sử dụng đất an ninh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã tổ chức thẩm định kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 -2025) của tỉnh Thái Nguyên.

Tin mới