Thứ năm, 28/03/2024 18:49 (GMT+7)

Hơn 10.000 hộ dân Phú Yên thiếu nước sinh hoạt do hạn hán kéo dài

MTĐT -  Thứ hai, 26/08/2019 11:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nắng hạn gay gắt kéo dài, mực nước các sông suối, hồ đập, giếng đào trên địa bàn tỉnh Phú Yên bị cạn kiệt khiến hơn 10.000 hộ dân các huyện miền núi và ven biển như Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa...

Nắng hạn gay gắt kéo dài, mực nước các sông suối, hồ đập, giếng đào trên địa bàn tỉnh Phú Yên bị cạn kiệt khiến hơn 10.000 hộ dân các huyện miền núi và ven biển như Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, thị xã Sông Cầu thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đến ngày 18/8, có 10.204 hộ dân trên địa bàn tỉnh thiếu nước sinh hoạt tập trung tại các huyện Tuy An 4.040 hộ, Đồng Xuân 1.855 hộ, Tây Hòa 1.416 hộ, Sơn Hòa 850 hộ, thị xã Sông Cầu 847 hộ… Trong đó, có 5.423 hộ/23.530 người sống tại các khu vực không còn nguồn nước để sinh hoạt tại các huyện Sông Hinh, Tuy An và Thị xã Sông Cầu cần được hỗ trợ cấp nước sinh hoạt.

Do giếng đào của gia đình đã khô cạn, bà Dương Thị Hồng, 70 tuổi, thôn Suối Phèn, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa hàng ngày vẫn phải đi xin từng gàu nước sinh hoạt về dùng. 

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết, nguyên nhân gây thiếu nước sinh hoạt tại Phú Yên là do thời tiết nắng nóng kéo dài, tổng lượng mưa tại tỉnh từ tháng 1 đến 31/7/2019 phổ biến chỉ từ 180,0 mm đến 392,8 mm, thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 7,7 mm đến 122,1 mm; hầu hết các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã hạ thấp hơn mực nước thiết kế (có hồ chỉ còn 20-30% dung tích thiết kế), nhiều hồ đập nhỏ, suối, giếng đào của người dân đã khô cạn.

Người dân xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa đào giếng sâu 20m tìm kiếm nguồn nước. 

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng nhất tại huyện Tuy An với 4.040 hộ, 12/16 xã, thị trấn bị thiếu nước sinh hoạt. Nhiều hộ dân ở các xã miền núi như An Xuân, An Lĩnh, An Thọ phải đi lấy nước cách xa nhà từ 3-7 km, hoặc phải mua nước với giá cao từ 50.000 đến 70.000 đồng/m3. Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An Phạm Ngọc Thanh cho biết, trước mắt huyện đã trích kinh phí từ nguồn dự phòng thuê phương tiện mỗi ngày vận chuyển 260 m3 nước đến nhà văn hóa các thôn, vận động người dân sử dụng phương tiện cá nhân, dụng cụ đến nhận nước về sinh hoạt, đồng thời huyện cũng chỉ đạo các địa phương nạo, vét các giếng đào, tu sửa các công trình cấp nước tập trung, để có nước bơm phục vụ sinh hoạt cho người dân.

Người dân xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa đào giếng tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt.

Tại xã Sơn Long, huyện miền núi Sơn Hòa, hàng chục giếng đào của người dân sâu hàng chục mét đã cạn trơ đáy. Anh Nguyễn Văn Tiến, thôn Suối Phèn cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay trên địa bàn không có một giọt mưa, ruộng đồng đã khô kiệt nứt nẻ, nhiều hộ dân trong thôn đã phải đi mua nước với giá 50.000 đồng/m3.

“Gia đình tôi sử dụng giếng đào để sinh hoạt, nhưng do nắng nóng kéo dài từ cuối tháng 7 đến nay, giếng đào của gia đình đã cạn trơ đáy, hơn một tuần nay tôi đã bỏ ra 20 triệu đồng thuê 3 nhân công đào thêm một giếng nước trong vườn để kiếm nguồn nước sinh hoạt nhưng giếng đào được 15 m lại gặp đá bàn, phải khoan đá, nguy cơ tốn tiền, tốn công sức mà không tìm được nước đang hiện hữu”-anh Tiến lo lắng.

Nhiều giếng đào tại xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa khô cạn trơ đáy do nắng hạn.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Phú Yên trong thời gian tới, nắng nóng sẽ diễn ra gay gắt, lượng dòng chảy trên các sông tiếp tục suy giảm, cạn kiệt, nguy cơ xảy ra hạn hán thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, để ứng phó với tình trạng khô hạn thiếu nước sinh hoạt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung các biện pháp phòng chống hạn, thường xuyên kiểm tra, nắm chắc tình hình diễn biến khu vực thiếu nguồn nước sinh hoạt, vận động người dân chia sẻ nguồn nước, đảm bảo các gia đình trong các thôn, buôn đều có đủ nước sinh hoạt trong thời điểm nắng hạn kéo dài; các địa phương tập trung nạo vét lại giếng đào, kiểm tra, cũng cố lại hệ thống các công trình nước sinh hoạt tập trung được xây dựng tại địa phương, để khai thác cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tỉnh Phú Yên giao Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường dùng xe bồn chở nước, cấp nước sinh hoạt cho người dân các địa phương không còn nước sinh hoạt; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cũng chủ động trích kinh phí từ nguồn dự phòng mua nước cấp cho người dân, không để cho người dân thiếu nước sinh hoạt, gia súc thiếu nước uống, nhất là khu vực miền núi, vùng ven biển.

Đồng thời, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ tỉnh Phú Yên kính phí chống hạn trong sản xuất vụ hè Thu năm 2019; hỗ trợ cấp nước sinh hoạt cho người dân với kinh phí 57 tỉ đồng. Về giải pháp lâu dài, Phú Yên kiến nghị xem xét hổ trợ kinh phí 230 tỉ đồng để tỉnh đầu tư  8 công trình cấp nước tập trung tại các địa phương khó khăn về nguồn nước.

Theo TTXVN

Bạn đang đọc bài viết Hơn 10.000 hộ dân Phú Yên thiếu nước sinh hoạt do hạn hán kéo dài. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.