Thứ năm, 28/03/2024 18:17 (GMT+7)

Đảo Lý Sơn bí đường kiếm nước ngọt, ngoảnh ra gặp nước biển

MTĐT -  Thứ tư, 03/06/2020 16:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Quảng Ngãi: Đảo Lý Sơn bí đường kiếm nước ngọt, ngoảnh ra gặp nước biển, nhìn vào vướng quy định.

Cả huyện đảo Lý Sơn chỉ có 1 hồ chứa duy nhất nhưng hiện sắp trơ đáy, còn muốn khoan đào giếng mới phải xin và được cấp thẩm quyền cấp tỉnh cho phép, vì vậy việc chống hạn cho cây trồng ở đây đang rơi vào ngõ cụt.

Tháng 6, cũng như trong đất liền, đảo Lý Sơn đang bước vào đỉnh điểm của mùa khô hạn khốc liệt nhất trong năm. Cùng với nỗi lo thiếu nước sinh hoạt là nước tưới cho cây trồng mà chủ yếu là hành, được ví là "vàng tím", một trong những nguồn thu nhập chính của hàng ngàn hộ dân nơi đây.

Nắng hạn đang làm nhiều giếng cung cấp nước tưới cho cây trồng ở đảo Lý Sơn phơi đáy

Không như những loại cây trồng khác trên đảo, như bắp, đậu phụng (lạc)... hành tím đòi hỏi phải được tưới nước thường xuyên 1 lần/ngày. Tuy nhiên mấy năm gần đây, cùng với nhu cầu sử dụng trong sinh hoạt tăng cao để phục vụ cho khách du lịch, tình trạng khoan, đào giếng vô tội vạ lấy nước tưới cho cây trồng, dẫn đến nguồn nước ngầm ở huyện đảo Lý Sơn đang suy kiệt mạnh, nạn xâm nhập mặn ngày càng tăng cao.

Một góc ruộng hành của người dân Lý Sơn

Vì vậy để giảm thiểu và bảo vệ nguồn nước ngầm của đảo, trên cơ sở đề nghị của chính quyền huyện đảo Lý Sơn, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành văn bản siết chặt việc khoan, đào giếng mới tại huyện này. Theo đó, bất cứ tổ chức và cá nhân nào ở huyện Lý Sơn có nhu cầu thì phải làm đơn gửi cho cấp thẩm quyền tỉnh xin và cho phép mới được đào, khoan giếng.

Ông Bùi Tấn Dư, ở thôn Đông thở dài: Hiện đảo Lý Sơn chỉ có 1 hồ chứa duy nhất ở núi Thới Lới, nhưng hiện sắp trơ đáy, mực nước các giếng cung cấp nước tưới cho cây trồng cạn xuống rất nhiều, trong khi muốn khoan đào giếng mới bị siết chặc, nên việc chống hạn cho cây trồng gần như rơi vào ngõ cụt.

Thay vì sử dụng ống nhựa dẫn nước và tưới thủ công

Người dân đảo Lý Sơn lắp đặt hệ thống béc phun tự động để tiết kiệm nước

Để chống chọi lại nắng hạn, lấy nước tưới cho cây trồng, thời gian qua người dân đảo Lý Sơn đã đầu tư để lắp đặt hệ thống béc phun tự động, thay cho việc tưới thủ công bằng ống nhựa nhằm bảo vệ, tiết kiệm nước ngầm; phủ bạt dưới đáy giếng...Việc áp dụng các hình thức này đã mang lại lợi ích, giúp giải hạn phần nào cho cây trồng ở địa phương.

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Đặng Tấn Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết: "Tình trạng nắng hạn mỗi năm lại khốc liệt hơn, nguồn nước ngầm trên đảo ngày một suy kiệt phải bảo vệ, hạn chế đào khoan giếng mới; trong khi hệ thống hồ chứa, kênh mương phục vụ tưới cho cây trồng gần như là số 0, nên chính quyền địa phương cũng rất đau đầu trong công tác chỉ đạo chống hạn.

Phủ bạt đáy giếng để lấy nước tưới cho cây trồng

Cũng theo ông Thành trước khi vào mùa nắng hàng năm, huyện khuyến cáo người dân cần chuyển đổi hành, tỏi sang những loại cây trồng sử dụng ít cần nước tưới hơn, như bắp, đậu phụng...., đặc biệt là tại các khu vực và diện tích nằm xa giếng. Tuy nhiên do lợi nhuận mang lại cao hơn và một số nguyên nhân khác, không dễ để người dân chấp nhận chuyển đổi để thay hành, tỏi sang trồng hoa màu khác.

Một góc cánh đồng hành,tỏi ở thôn Đông trên đảo Lý Sơn

Được biết vụ này, diện tích hành vụ này của huyện đảo Lý Sơn khoảng 167 ha, với sản lượng dự kiến thu hoạch khoảng 1.888 tấn, đậu phụng (lạc) khoảng 71 ha, dưa hấu 14 ha, bắp (ngô) khoảng 8ha. So với cùng kỳ vụ năm trước, diện tích hành giảm 34 ha, các loại cây trồng còn lại cũng giảm ước gần 71 ha.

Theo Công Xuân/Báo Dân Việt
Bạn đang đọc bài viết Đảo Lý Sơn bí đường kiếm nước ngọt, ngoảnh ra gặp nước biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.