Thứ sáu, 29/03/2024 01:29 (GMT+7)

Góp phần giảm “cơn khát” nước ngọt cho vùng nông thôn

MTĐT -  Thứ ba, 19/05/2020 10:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và VSMT nông thôn đã góp phần đưa nước sạch phục vụ người dân, tuy vậy việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vẫn còn nhiều khó khăn...

Những hệ thống kênh dẫn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt giờ đã không còn nguồn nước ngọt. Nước mặn tràn khắp dòng kênh cộng với nắng hạn làm độ mặn tăng cao. Chẳng những sinh hoạt của người dân gặp khó trong lúc này mà chuyện sản xuất những mùa tới cũng bị ảnh hưởng rất nhiều do đất đã bị ngấm mặn. Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã góp một phần không nhỏ đưa nước sạch phục vụ người dân, tuy vậy việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân hiện vẫn còn nhiều khó khăn...

Khát nước ngọt

Hiện nay, TP Cần Thơ đã đầu tư xây dựng được nhiều hệ thống cấp nước sạch nông thôn có công suất lớn và các trang thiết bị hiện đại, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Trong ảnh: Hệ thống cấp nước sạch ở xã Giai Xuân, huyện Phong Điền.

Theo thống kê, toàn tỉnh Sóc Trăng có 73 xã thuộc 10 huyện, thị xã, với hơn 26.000 hộ dân bị ảnh hưởng hạn mặn. Nhiều hộ sinh sống rải rác trên các tuyến kênh, rạch, ở xa trung tâm chưa thể đầu tư lắp đặt hệ thống ống nước về tận nơi. Vì vậy, nguồn nước sinh hoạt bị ảnh hưởng, luôn rơi vào tình cảnh thiếu thốn, nhất là vào thời điểm khô hạn. Đây cũng là thực tế chung của hàng chục ngàn hộ dân vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong mùa khô này.

Nước nhiễm mặn, những chiếc lu trữ nước trở thành cứu cánh của bà con. Một số khác phải mua nước với giá đắt đỏ. Tuy nhiên bà con không biết có thể cầm cự đến lúc nào. Dự báo nguy cơ thiếu nước sẽ kéo dài đến hết tháng 5.

Nhiều địa phương ở ĐBSCL đều đặt trong tình trạng báo động về hạn mặn tấn công. Như ở Vĩnh Long, ngay từ cuối năm ngoái, nguồn nước ngọt đã bị ô nhiễm. Thậm chí có thời điểm, độ mặn đo được đến 6,5 phần ngàn. Mọi sinh hoạt hằng ngày của người dân đều bị xáo trộn. Ông Nguyễn Văn Vui, thị trấn Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Gia đình tôi dùng nước thùng còn dự trữ chỉ để giải quyết nhu cầu nước cho ăn uống, không đủ nước ngọt cho nhu cầu giặt giũ hằng ngày. Còn bà Nguyễn Thị Hữu, cũng ở thị trấn Vũng Liêm, nói: Hằng năm gia đình tôi đều bơm nước dự trữ, nhưng năm nay mặn xâm nhập bất ngờ quá, không kịp bơm nước dự trữ thì mặn đã vô tới rồi.

Chuyển biến mới

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ quyết tâm không để người dân thiếu nước, tỉnh Sóc Trăng trích ngân sách hơn 160 tỉ đồng đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tỉnh đã giao cho ngành Nông nghiệp chỉ đạo mở rộng mạng cung cấp nước, khoan thêm giếng dự phòng để phục vụ các hộ bị ảnh hưởng.

Theo đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã nâng cấp mở rộng tuyến ống cấp nước cho các khu vực bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn từ các công trình cấp nước tập trung hiện có, với chiều dài hơn 700km và đầu tư xây dựng mới 3 trạm cấp nước tập trung đảm bảo cung cấp nước sạch an toàn cho gần 25.000 hộ dân. Ông Nguyễn Thành Được, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Trung tâm tăng cường nâng cấp các hệ thống cấp nước, nhất là hệ thống lọc nhằm đảm bảo nâng công suất tạo điều kiện cho người dân có đủ nước sinh hoạt trong mùa hạn mặn.

Không chỉ Sóc Trăng mà hiện tại, các địa phương trong vùng ĐBSCL cũng đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với tinh thần không để bất cứ người dân nào thiếu nước ngọt sinh hoạt.

Do mặn năm nay xâm nhập sớm, bà con miền Tây bất ngờ không trở tay trữ nước kịp thời. Giải pháp cấp bách của một số địa phương là bảo vệ nguồn nước ngọt còn lại trong các ao hồ, kênh rạch… Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng có thể thực hiện công việc này. Bởi tình trạng chăn nuôi gia súc, gia cầm trên kênh rạch diễn ra phổ biến tại nhiều vùng nông thôn. Thậm chí nguồn nước kênh rạch kém an toàn vì ô nhiễm rác thải thậm chí bởi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Tại hồ dự trữ nước ngọt Kênh Lấp ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, địa phương đã phải xây thêm một đoạn đê cao bao quanh hồ để ngăn nước bẩn và mặn xâm nhập nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt an toàn cho người dân. Ông Vũ Đình Trác, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Bến Tre, cho rằng: Các nhà máy nước, các huyện, các xã có hoạt động truyền thông hướng dẫn một số hộ dân trong hoạt động chăn nuôi gìn giữ vệ sinh chung, thực hiện giải pháp xử lý nước thải đi vào hệ thống kênh rạch.

Tỉnh Bến Tre hiện có 68 nhà máy nước, chủ yếu cung cấp nước thô. Tuy đã mở rộng hệ thống mạng lưới cung cấp nước máy, nhưng đến nay vẫn còn hơn 30.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Từ giữa năm 2019, địa phương đã đưa vào sử dụng 12 hệ thống lọc RO biến nước mặn đến 80/00 thành nước ngọt. Chi phí xử lý 1m3 nước trung bình là 35.000 đồng, nhưng nước cung cấp trực tiếp cho người dân với giá chỉ hơn 8.000 đồng/m3. Nhờ vậy đã góp phần giúp người dân ở những khu vực nguy cơ khan hiếm nước ngọt cao có nguồn nước sạch sử dụng với chi phí thấp.

Tại tỉnh Tiền Giang, 97 vòi nước được lắp đều tại các huyện phía Đông và vùng ngọt hóa Gò Công. Nước được cấp hoàn toàn miễn phí. Nguồn nước ngọt cung cấp hằng ngày cho khu vực này là  khoảng 50.000m3/ngày được chi viện từ các nhà máy nước ở Mỹ Tho. Những khu vực xa, nước không thể dẫn tới, ngành chức năng bố trí các xe vận chuyển đến tận các ấp. Nguồn nước chi viện cộng với hệ thống giếng khoan nước ngầm hiện có đã giúp người dân vùng khan hiếm nước ngọt ven biển Tiền Giang giải được cơn khát cực độ trong mùa hạn mặn. Ông Huỳnh Công Dũng, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên cấp nước Tiền Giang, cho biết: Hiện chúng tôi khai thác hệ thống nước ngầm dự trữ với công suất khoảng 30.000m3/ngày nhằm đảm bảo đủ nước.

Thực tế thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã tạo chuyển biến đáng kể trong việc cung cấp nguồn nước sinh hoạt ổn định, chất lượng cho người dân các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị khô hạn, khan hiếm nước sạch. Tuy vậy, trước diễn biến hạn mặn mùa khô năm nay, mục tiêu đảm bảo 100% các hộ dân vùng nông thôn có nước sạch sử dụng đến năm 2020 theo chương trình đề ra rất khó đạt được. Trước mắt, ngay thời điểm này, toàn vùng ĐBSCL đang còn hơn 95.000 hộ dân phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Hùng Thanh - Huy Hiếu/Báo Cần Thơ

Bạn đang đọc bài viết Góp phần giảm “cơn khát” nước ngọt cho vùng nông thôn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.