Thứ năm, 25/04/2024 20:57 (GMT+7)

Miền Trung “oằn mình” chống giặc lửa

MTĐT -  Thứ hai, 01/07/2019 16:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nắng nóng kéo dài nhiều ngày qua khiến nhiều tỉnh miền Trung "gồng mình" chống chọi với những vụ cháy rừng chưa từng có, thiệt hại trên 100ha diện tích rừng.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 ngày, từ 26 - 30/6/2019, trên địa bàn các tỉnh miền Trung đã có hàng trăm điểm phát cháy; trong đó có 15 vụ cháy gây thiệt hại tới rừng với diện tích ước tính sơ bộ khoảng trên 100 ha.

Trong thời gian qua, tại khu vực miền Trung từ Thanh Hoá tới Phú Yên đã xảy ra tình trạng nắng nóng gay gắt bất thường kéo dài liên lục (lên đến trên 30 ngày), không có mưa, độ ẩm thấp, nền nhiệt luôn ở mức cao từ 37 - 39 độ C, có nhiều nơi trên 40 độ C, kèm theo gió Lào khô nóng thổi mạnh cấp 6 - 7, giật trên cấp 7. Do vậy, nhiều nơi đã xảy ra các vụ cháy rừng, cháy thảm cỏ, thực bì, cây bụi.

Một số tỉnh, thành phố đã xảy ra cháy rừng như: Ninh Bình 1 vụ, Nghệ An 4 vụ, Hà Tĩnh 3 vụ, Quảng Trị 1 vụ, Thừa Thiên Huế 3 vụ, Đà Nẵng 1 vụ và Phú Yên 2 vụ.

Hơn 50ha rừng tại Hà Tĩnh bị thiêu rụi trong 3 ngày qua.

Tại Hà Tĩnh, liên tiếp 3 ngày qua, bản đồ của tỉnh Hà Tĩnh chìm trong một màu đỏ khi “giặc lửa” thiêu rụi những cánh rừng phòng hộ ở khắp các huyện, từ Nghi Xuân đến Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Đức Thọ… Tỉnh Hà Tĩnh đã huy động tất cả lực lượng cùng với nhân dân gồng mình chống giặc lửa.

Đặc biệt, cháy rừng đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), thiêu rụi hơn 50 ha rừng thông 30 năm tuổi.

Sáng 1/7, trao đổi với VOV, ông Phạm Tiến Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho biết, hiện tại lửa vẫn đang âm ỉ cháy trên những cánh rừng. Huyện vẫn đang huy động lực lượng túc trực đề phòng lửa có thể bùng phát trở lại.

Trước đó, vào khoảng 13h ngày 26/6, một ngọn lửa bất ngờ bốc cháy từ xóm 7 xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Cũng từ đây, ngọn lửa nhanh chóng lan sang rừng thông trên núi Hồng Lĩnh thuộc xã Xuân Hồng và thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân.

Sau khi vụ cháy xảy ra, chính quyền địa phương huy động gần 1.000 người gồm công an, quân đội, kiểm lâm và người dân lên núi để dập lửa.

Do địa hình dốc, hiểm trở, thời tiết nắng nóng kéo dài, kết hợp với gió thổi mạnh nên công tác chữa cháy rừng gặp nhiều khó khăn. Ngọn lửa nhanh chóng thiêu rụi hàng chục héc ta rừng, trong đó chủ yếu là rừng thông gần 50 năm tuổi.

Mặc dù được khống chế sau đó, nhưng do tàn tro vẫn nhiều nên ngọn lửa luôn âm ỉ kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Đến sáng 30/6, khói vẫn bốc lên trên núi Hồng Lĩnh tại khu vực xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân.

Trao đổi với TTXVN, ông Nguyễn Công Tố, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh, cho biết: Cháy rừng bùng phát lại sau khi được khống chế là tình trạng bất khả kháng. Do các cây thông cũ, thân gỗ mục vẫn còn âm ỉ, gió Lào thổi mạnh nên các đám cháy sẽ dễ dàng bùng phát trở lại. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Hà Tĩnh trong thời gian qua cùng với tình trạng thảm thực bì dày thì diễn biến tiếp theo của vụ cháy rừng là khó lường trước được.

Tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về phòng cháy, chữa cháy rừng, phân công lực lượng trực 24/24 giờ trong suốt thời gian nắng nóng, bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, nhất là những khu vực có nguy cơ cháy cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng chức năng và người dân tham gia khống chế, dập tắt trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để xảy ra cháy lớn. Tỉnh thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” hiệu quả; tăng cường lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí và các điều kiện khác để luôn sẵn sàng dập tắt cháy rừng kịp thời khi mới phát hiện điểm cháy.

Cũng theo ông Nguyễn Công Tố, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh, thì việc nâng cao ý thức của người dân trong phòng chống cháy rừng là vô cùng quan trọng. Ý thức người dân càng tốt thì nguy cơ cháy rừng xảy ra càng ở mức thấp nhất. Đặc biệt hơn, khi khu vực rừng của địa phương có nguy cơ xảy ra cháy thì không cần đợi các lực lượng chức năng mà người dân cần tổ chức khoanh vùng và tiến hành xây dựng các đường băng cản lửa. Như vậy, khi cháy rừng xảy ra thì sẽ giảm thiểu thấp nhất thiệt hại và các lực lượng tham gia chữa cháy cũng dễ dàng hơn trong việc diệt giặc hỏa.

Các lực lượng tham gia chữa cháy ở Hà Tĩnh. 

Không chỉ tại Hà Tĩnh, từ ngày 28/6, lửa bùng phát trên rừng thông đặc dụng ở khu vực xã Khánh Sơn (huyện Nam Đàn, Nghệ An). Do nắng nóng, gió lớn, làm ngọn lửa lan rộng ra diện tích rừng. Hàng nghìn người gồm công an, bộ đội, dân quân, kiểm lâm được điều động dập lửa.

Tuy được khống chế vào khuya cùng ngày song ngọn lửa tiếp tục bùng phát trở lại và lan rộng ra khu vực rừng thông và keo tràm ở xã Nam Kim. Đến chiều 30/6, ngọn lửa cơ bản được khống chế.

UBND huyện Nam Đàn cho biết đang thống kê sơ bộ và chưa có số liệu chính thức thiệt hại do vụ cháy gây ra.

Tại Quảng Bình, vào lúc 9h sáng 30/6 tại khu vực rừng trồng rộng hơn 30ha thuộc khu vực Đá Nhảy, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bất ngờ bốc cháy dữ dội.

Chính quyền địa phương đã huy động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ gồm: quân đội, công an, kiểm lâm, dân quân, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) đóng trên địa bàn tham gia dập lửa.

Cháy rừng ở Quảng Bình. 

Tuy nhiên, cũng do thời tiết nắng nóng kéo dài, khu vực rừng bị cháy gần biển cộng hưởng với gió Tây Nam hoạt động mạnh, dẫn tới hướng gió thay đổi liên tục khiến việc dập lửa khi chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.

Phải đến rạng sáng nay 1/7, đám cháy rừng trồng mới được lực lượng chức năng cùng với nhân dân khống chế hoàn toàn.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết: “Đến 0h đêm ngày 1/7, ngọn lửa đã được khống chế hoàn toàn. Ước tính thiệt hại hơn 10ha rừng thông. Hiện chúng tôi đang chỉ đạo Công an vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân của vụ cháy”.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Miền Trung “oằn mình” chống giặc lửa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng