Nguồn nước lớn đem theo sỏi cát từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về dòng suối Krèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), đây chính là thời điểm “ăn nên làm ra” nhất trong năm của những người chuyên hút cát trái phép. Trong lúc giá cát xây dựng tại Lâm Đồng tăng lên chóng mặt, có những nơi lên tới 400.000 đồng/m³, nhiều người đã sắm máy nổ chọc vòi xuống các dòng sông, suối hút cát.

Tại khu vực suối Krèn, cách trụ sở UBND xã Hiệp An, huyện Đức Trọng khoảng 2,5km đã hình thành những điểm chuyên hút cát dưới suối lên bán. Theo tìm hiểu của PV, tại khu vực này, một người đàn ông tên Mỹ đã sử dụng máy nổ công suất lớn chuyên hút cát chở về khu vực trước nghĩa trang thôn Krèn tập kết thành những đống lớn. Từ đây, cát được vận chuyển đi tiêu thụ ở nhiều nơi trên địa bàn trong và ngoài xã Hiệp An. Trung bình mỗi ngày ông Mỹ hút được khoảng 5 xe IFA cát, tương tương khoảng 30m³.

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở Lâm Đồng vẫn còn phức tạp.

Theo một người chuyên hút cát nơi đây, họ được UBND xã Hiệp An cho phép hút cát để nạo vét tận thu, khai thông dòng chảy của suối Krèn. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp An đã bác bỏ thông tin trên. Bà Hà cho biết, hoàn toàn không có chuyện UBND xã Hiệp An cho phép bất cứ ai hút cát ở suối Krèn vì lĩnh vực này không thuộc thẩm quyền của xã. Tại xã Hiệp An, tình trạng dùng máy xúc đào vào núi lấy đất đá cũng diễn ra phức tạp.

Cách trụ sở UBND xã Hiệp An khoảng 2km, ông Phạm Văn Nam, ngụ tại thôn KLong, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, ngang nhiên cho người vào khai thác đá, dùng máy xúc đào lấn vào đất rừng vận chuyển đi bán. Việc khai thác đất, đá của ông Nam đã diễn ra trong nhiều năm qua và đến nay vẫn tiếp diễn, gây tác động xấu tới môi trường rừng và làm thay đổi hiện trạng quả đồi nhưng không thấy có sự can thiệp, ngăn chặn dứt điểm của cơ quan chức năng.

Xe chở vật liệu trái phép gây ô nhiễm môi trường.

Tương tự, tại xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, việc dùng máy xúc đào đất rừng vận chuyển đi bán cũng xảy ra khá phổ biến. Tình trạng này còn xảy ra dọc hai bên đường cao tốc Liên Khương – Đà Lạt. Đáng chú ý, để có mặt bằng múc đất, không ít đối tượng đã cưa hạ cả rừng thông. Nhiều cây thông cổ thụ hàng chục năm tuổi có đường kính gốc lên tới 80cm bị cưa hạ không thương tiếc. “Gỗ thì họ lấy, đất rừng họ múc bán, mặt bằng từ việc múc đất tạo ra cho chiếm dụng luôn ...” - một người dân ở thôn Phi Nôm, xã Hiệp Thạnh cho biết.

Tại xã Hiệp An và Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, nhiều quả đồi gần các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ, bị đào bới nham nhở, khiến cho không ít quả đồi thông vốn đẹp như tranh vẽ bị biến dạng, trở nên xấu xí, nham nhở… nhưng chưa bị xử lý.

Việc khai thác vật liệu xây dựng trái phép gần trụ sở UBND xã Hiệp An, Hiệp Thạnh, nhiều xe vận chuyển đất đổ vàng, bụi mù cả một đoạn dài của QL20, nhưng khi trao đổi với PV, ông Trương Quang Tùng, Chủ tịch UBND xã Hiệp An tỏ ra không biết điều này. Theo ông Tùng, trên địa bàn xã đến nay không đơn vị nào được cấp có thẩm quyền cấp quyền khai vật liệu xây dựng.

Sau khi PV cung cấp thông tin và hình ảnh về những điểm khai thác cát, đá, đất… trên địa bàn, ông Tùng hứa sẽ cho Đội phản ứng nhanh của xã đi kiểm tra và xử lý ngay. Riêng hộ ông Phạm Văn Nam, trong năm 2016, UBND xã Hiệp An đã 2 lần xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác vật liệu xây dựng trái phép nhưng đến nay ông Nam vẫn tiếp tục khai thác.  

Trong khi UBND tỉnh Lâm Đồng liên tục chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh này phải siết chặt công tác quản lý, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc những trường hợp khai thác khoáng sản là vật liệu xây dựng trái phép, nhưng thực tế tại các địa phương, nạn khai thác vật liệu xây dựng trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động, tác động xấu tới môi trường và gây ra nhiều hệ lụy.

Theo CAND