Thứ sáu, 26/04/2024 05:34 (GMT+7)

Tp.HCM: Nguy cơ sạt lở bờ bao kênh Xáng (Bài 2)

MTĐT -  Chủ nhật, 20/10/2019 08:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng loạt bãi vật liệu xây dựng dưới chân kênh Xáng tồn tại trong thời gian dài gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Như Môi trường & Đô thị điện tử đã phản ánh ở số trước, bờ bao Kênh Xáng thuộc ấp Tân Hòa, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Tp.HCM đứng trước nguy cơ sạt lở khi hàng loạt các cá nhân, tổ chức lấn chiếm hành lang an toàn đê điều để tập kết VLXD. Không chỉ gây mất an toàn tuyến bờ bao, những bãi vật liệu này còn khiến người dân nơi đây luôn phải sống chung cùng khói bụi, di chuyển qua lại khó khăn và rất nguy hiểm khi các cỗ máy luôn lơ lửng trên đầu.

Hành lang an toàn bờ bao kênh Xáng bị chiếm dụng để phục vụ cho việc tập kết VLXD.

Không khỏi bức xúc khi ngày ngày phải đối diện với nguy hiểm, cô C - người dân sống gần đó - cho biết: “Từ ngày có những bãi cát đá, người dân quanh đây không khi nào được yên ổn. Đêm cũng như ngày, tiếng máy xúc, tiếng sà lan, tiếng phương tiện ra vào lấy vật liệu cứ lùng bùng bên lỗ tai. Cả xóm có độc nhất con đường ra vào thì bị cát đá rồi xe cộ lấn chiếm hết cả. Mỗi buổi sáng, phải chở con cháu đến trường là một cực hình. Dưới đường thì xe tải, xe máy cày chạy ầm ầm, trên trời thì những cái cần cẩu múc cát đá quơ qua quơ lại trên đầu, không biết né đi đâu. Tháng nào họp tổ dân phố chúng tôi đều kiến nghị phải chấn chỉnh lại hoạt động của các bến bãi, nhưng đến nay, vẫn không thấy ai đứng ra xử lý!”

Hố nước lớn được đào ngay sát mép bờ kênh Xáng tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao.

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, tại chân cầu Xáng có 4 cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh bến bãi VLXD. Trong đó, 3 bãi có đăng ký kinh doanh là Đức Toàn, Minh Mẫn và Tuấn Phúc, đã hoạt động nhiều năm. Riêng bãi tập kết VLXD còn lại được cho là của ông Thanh Nhã làm chủ, hoạt động hơn 2 năm và chưa đăng ký kinh doanh với chính quyền địa phương.

Bờ bao kênh Xáng phải oằn mình gồng gánh hàng nghìn mét khối cát, đá.

“Hồi xưa cái đoạn kênh này nhỏ và cạn lắm, độ sâu chỉ tầm 5-6 mét thôi. Từ hồi có mấy bãi cát này, tàu ghe rồi sà lan qua lại nhiều nên giờ nó sâu lắm. Lúc trước, dọc hai bên bờ kênh này là dãy cây cổ thụ, rồi tụi sà lan nó cứ buộc dây thừng để neo tàu riết rồi sụt lún hết cả, một cái sà lan chở đến cả ngàn khối đất cát thì bờ bao nào mà chịu cho nổi! Gia đình tôi ngày nào cũng phải có người ở nhà, không thôi tụi nó quăng dây neo là cây cối bị hà bá nó nuốt hết. Hồi trước bờ kênh cách nhà mấy chục thước, giờ nó sụt lở, ăn dần còn hơn có chục thước” - Anh T, ngồi trước nhà nhìn con kênh từng ngày từng giờ bị xâm lấn, bức xúc.

 Những bãi tập kết vật liệu xây dựng quy mô khủng với khối lượng lên đến vài chục nghìn mét khối đang đe dọa sự an toàn của bờ bao Kênh Xáng.

Như vậy, những bãi tập kết VLXD trên bờ bao kênh Xáng đã tồn tại từ lâu, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn hành lang giao thông đường thủy và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng sớm chấn chỉnh lại các hoạt động bến bãi để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống.

 

Bạn đang đọc bài viết Tp.HCM: Nguy cơ sạt lở bờ bao kênh Xáng (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Phan Hải – Lê Năng

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.